Công văn 1314/TCT-VP

Công văn số 1314/TCT-VP về việc tăng cường các biện pháp quản lý thuế để kiềm chế lạm phát do Tổng cục Thuế ban hành

Nội dung toàn văn Công văn 1314/TCT-VP tăng cường các biện pháp quản lý thuế kiềm chế lạm phát


BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1314/TCT-VP
V/v: tăng cường các biện pháp quản lý thuế để kiềm chế lạm phát

Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2008

 

Kính gửi: Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo của các Cục Thuế, kết quả thu quý I đạt khá, tổng thu nội địa trừ dầu thô ước đạt 28,5% so dự toán pháp lệnh, bằng 26,9% dự toán phấn đấu, tăng trưởng 51% so cùng kỳ. Tuy nhiên, theo diễn biến tăng trưởng nguồn thu các tháng đầu năm có xu hướng giảm đi (đã loại trừ các yếu tố tác động do thay đổi cơ chế quản lý, chính sách), tháng 1 kết quả thu đạt cao, tốc độ tăng trưởng lớn (+68,3%), tháng 2 giảm dần (+66,7%), sang tháng 3 thì giảm sút rất lớn chỉ còn (+11,7%). Xu hướng này nếu không được khắc phục thì sẽ rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN năm 2008.

Tình hình trên có thể do các nguyên nhân: rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc; giá cả nhiều nguyên vật liệu trọng yếu của nền kinh tế tăng cao; Lãi suất huy động và cho vay của hệ thống tín dụng tăng lên làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp; Tỷ giá đồng USD/VND giảm gây bất lợi cho đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; Thị trường bất động sản có chiều hướng chững lại và giảm mạnh ở một số đô thị lớn; Thị trường chứng khoán giảm sâu (chỉ số Vnindex dao động ở mức trên dưới 500 điểm); Lượng ô tô bán ra tháng 3/2008 giảm sút so với những tháng cuối năm 2007 và các tháng đầu năm 2008; Lãi suất của Cục dữ liệu liên bang Mỹ (FED) liên tục cắt giảm và hiện chỉ còn ở mức thấp (2,25%/năm) – trước đây là 5,25%; Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I (GDP) mới đạt 7,4% thấp hơn mục tiêu tăng trưởng từ 1,1%-1,6% và thấp hơn cùng kỳ năm 2007 (quý I/2007 là 7,7%)… Công tác quản lý thuế mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhất là từ sau khi thực hiện Luật quản lý thuế (1/7/2007), nhưng qua công tác quản lý của ngành, công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng thì tình trạng kê khai thuế không đúng, không đủ nghĩa vụ thuế phải nộp, nộp không đúng, không đủ số thuế đã kê khai vẫn còn phổ biến ở một số khoản thu, sắc thuế ở nhiều địa phương dẫn đến tính trạng thất thu thuế còn lớn, nhất là ở các thành phố, các đô thị lớn, khu vực dân doanh, hộ cá thể.

Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách đã được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho ngành thuế năm 2008 (vượt ít nhất 5% dự toán pháp lệnh), góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 319/TTg-KTTH ngày 3/3/2008, Tổng cục Thuế yêu cầu đồng chí Cục trưởng thực hiện tốt các công việc sau đây:

1. Công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế:

- Cơ quan thuế các cấp cần tổ chức điều tra, phân loại mức độ hiểu biết của người nộp thuế để đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, giải thích chính sách thuế phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao sự hiểu biết và tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, đăng ký thuế, kê khai đúng số thuế phải nộp, nộp đủ, kịp thời số thuế đã kê khai vào ngân sách nhà nước.

- Tổ chức tốt công tác đối thoại người nộp thuế theo quy định để hướng dẫn, giải đáp kịp thời các vướng mắc nảy sinh cho người nộp thuế. Đối với những vướng mắc vượt quá thẩm quyền cần báo cáo Tổng cục Thuế hoặc các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý.

2. Quản lý kê khai thuế và kế toán thuế:

- Cơ quan thuế phối hợp với cơ quan cấp Giấy đăng ký kinh doanh, cơ quan công an để ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký, cấp mã số thuế, rút ngắn thời gian đăng ký và cấp mã số thuế cho người nộp thuế không quá 05 ngày làm việc; đồng thời đưa hết các đối tượng thuộc diện kê khai thuế vào diện quản lý thuế.

- Áp dụng ứng dụng mã vạch 2 chiều vào kê khai thuế và nhập tờ khai thuế.

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc và kiên quyết xử phạt theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn dưới Luật đối với các trường hợp không kê khai, kê khai chậm, kê khai lỗi. Thực hiện ấn định thuế đối với trường hợp người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế theo quy định tại Điều 37 Luật Quản lý thuế; thực hiện rà soát, điều tra để xác định lại mức khoán của các hộ kinh doanh cho phù hợp với giá thực bán theo đúng quy định của Luật quản lý thuế và văn bản hướng dẫn Luật.

- Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước để kế toán kịp thời, chính xác số thuế đã nộp vào NSNN và xác định chính xác số nợ thuế của từng tổ chức, cá nhân nộp thuế theo từng sắc thuế.

3. Công tác quản lý nợ thuế:

- Tiếp tục kiểm tra, đối chiếu, rà soát phân loại nợ thuế theo quy định của Nhà nước và của ngành.

- Đôn đốc, nhắc nhở người nộp thuế nộp đủ, kịp thời nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước. Kiên quyết xử phạt các trường hợp nộp không đúng, không đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

- Nghiêm khắc xử lý trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật và của ngành đối với cán bộ quản lý nợ để tình trạng nợ đọng thuế kéo dài do không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý và các biện pháp quản lý nợ thuế theo quy định.

- Đối với các khoản nợ đọng thuế cần áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định tại Điều 93 Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn. Đối với các khoản nợ thuế khác xử lý theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7567/VPCP-KTTH ngày 31/12/2007 (Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn trong thời gian tới).

- Tổng cục lưu ý một số Cục thuế sau đây còn để số nợ đọng thuế khá lớn là: Cục thuế TP Hà Nội, TPHCM, Thái Bình, Bắc Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu. Các Cục thuế cần có biện pháp quyết liệt để giảm ít nhất 50% số thuế nợ đọng trong quý II/2008.

4. Công tác kiểm tra thuế, thanh tra thuế:

- Các Cục thuế tổ chức, bố trí đủ lực lượng để kiểm tra 100% các tờ khai thuế của người nộp thuế, đặc biệt chú ý đối với tờ khai thuế của người nộp thuế có số thuế phải nộp lớn, hoặc có dấu hiệu kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp. Trong quý II/2008, các Cục thuế cần hoàn thành việc kiểm tra tờ khai thuế TNDN, tờ khai thuế của người nộp thuế có thu nhập cao để xác định ngay các khoản thuế chưa kê khai, hoặc kê khai chưa đúng, chưa đủ và đôn đốc nộp ngay vào NSNN.

- Kiểm tra quyết toán thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện chuyển đổi sở hữu. Ngoài đối tượng kiểm tra thuế là các doanh nghiệp, cơ quan thuế cần bố trí lực lượng kiểm tra các đơn vị sự nghiệp có thu, các Văn phòng Đại diện của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

- Tiếp tục rà soát, kiểm tra và xử lý đối với các trường hợp miễn, giảm thuế không phù hợp với quy định của pháp luật thuế và hướng dẫn tại công văn số 11684/BTC-TCT ngày 16/9/2005 của Bộ Tài chính.

- Trên cơ sở kế hoạch thanh tra năm 2008 đã được duyệt, Cục thuế cần bố trí đủ lực lượng triển khai tốt kế hoạch thanh tra năm 2008 đã đề ra. Trong đó, cần tập trung vào người nộp thuế có số thu lớn; các đối tượng có đơn tố cáo, có dấu hiệu kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp để trốn thuế, hoặc có dấu hiệu chiếm đoạt tiền hoàn thuế; đối tượng có số thuế GTGT phải nộp “âm” liên tục nhưng không xin hoàn thuế; đối tượng kinh doanh thua lỗ nhiều năm nhưng vấn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh; đối tượng kê khai thuế phải nộp không tương xứng với quy mô của doanh nghiệp, so với các năm trước hoặc so với các doanh nghiệp kinh doanh cùng quy mô, cùng ngành nghề trên địa bàn …

- Đối với các mặt hàng tăng giá, cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm xem xét lý do tăng giá (do giá nhập khẩu tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng …), mức độ tăng giá. Trường hợp phát hiện cơ sở kinh doanh tăng giá so với giá mua vào hoặc chi phí sản xuất kinh doanh, cơ quan thuế phải xác định nghĩa vụ thuế của đơn vị theo giá thực bán, đồng thời lập biên bản, báo cáo Tổng cục để Tổng cục báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Riêng đối với các cơ sở kinh doanh thép, cơ quan thuế thường xuyên kiểm tra, xác định số lượng thép mua vào, bán ra, lượng tồn kho, giá mua, giá bán, chi phí bán hàng, chi phí lưu thông hoặc sản xuất kinh doanh … để xác định các trường hợp mua vào nhiều, bán ra ít, găm hàng chờ giá lên. Đối với các đơn vị kinh doanh thép có hành vi đầu cơ, trục lợi ngoài việc xác định nghĩa vụ thuế theo giá thực bán còn lập biên bản, báo cáo Tổng cục để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý thu hồi chênh lệch giá thép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1586/VPCP-KTTH ngày 13/3/2008.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an theo quy chế phối hợp số 1527/QCPH/TCT-TCCS ngày 31/10/2007 đấu tranh phòng, chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế, đặc biệt là các hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước.

- Truy thu đầy đủ, kịp thời các khoản thuế, tiền phạt sau thanh tra năm 2007 và năm 2008.

- Thực hiện tốt cung cấp thông tin để các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan công an thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, góp phần chống thất thu thuế.

5. Công tác hoàn thuế, xử lý miễn, giảm thuế:

- Các Cục thuế phải tổ chức xử lý miễn, giảm, hoàn thuế kịp thời, đúng quy định của pháp luật thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Tăng cường công tác “hậu kiểm” để đảm bảo việc hoàn thuế, xử lý miễn, giảm thuế chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng chính sách của Nhà nước. Khi phát hiện các trường hợp xin hoàn thuế sai, kê khai miễn, giảm thuế không đúng quy định, cơ quan thuế có biện pháp truy thu ngay cho ngân sách nhà nước, nếu có yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển cơ quan có chức năng điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Cơ chế, chính sách thuế:

- Đối với những nguồn thu chưa có cơ chế để thu hoặc do quy định chưa rõ ràng, có vướng mắc đề nghị các Cục thuế kịp thời báo cáo Tổng cục Thuế và các cấp có thẩm quyền để xử lý.

7. Công tác chỉ đạo, điều hành chống thất thu thuế.

Cơ quan thuế các cấp phải thường xuyên kiểm soát chặt chẽ, kịp thời kết quả thu NSNN, phân tích, đánh giá các yếu tố chủ quan, khách quan tác động đến kết quả thu, chủ động đề ra giải pháp cụ thể để khai thác tốt nguồn thu, chống thất thu NSNN. Đối với các biện pháp vượt quá thẩm quyền thì kiến nghị với UBND và Tổng cục Thuế chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp tháo gỡ kịp thời, không để ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh và nguồn thu ngân sách.

8. Công tác quản lý tài chính, tài sản, kinh phí, chi tiêu.

- Cục Thuế phải tăng cường, đẩy mạnh các biện pháp triển khai chương trình cải cách, hiện đại hóa theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phê duyệt.

- Tăng cường quản lý chặt chẽ các khoản chi tiêu, kinh phí thường xuyên, mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước và của ngành.

- Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với tất cả các khoản chi tiêu tại cơ quan thuế các cấp, sắp xếp các chương trình hội họp, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng một cách hợp lý; không tổ chức cuộc họp, hội thảo nếu không có nội dung thiết thực; không tổ chức tham quan, giao lưu giữa các cơ quan thuế trong nước và nước ngoài sử dụng nguồn kinh phí khoán chi của ngành thuế; không được sử dụng tài sản công vào mục đích cá nhân. Có các biện pháp sử dụng điện, điện thoại, xăng dầu, nước sinh hoạt, chi tiếp khách, hội họp và các khoản chi tiêu khác một cách chặt chẽ, tiết kiệm và có hiệu quả.

- Đẩy mạnh việc kiểm tra nội bộ theo kế hoạch đã được duyệt để phát hiện các hành vi vi phạm làm thất thoát nguồn thu NSNN, lãng phí nguồn lực, tài sản nhà nước đã giao cho ngành thuế quản lý và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của nhà nước và của ngành.

Trên đây là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong suốt cả năm 2008 góp phần thực hiện tốt chương trình kiềm chế lạm phát của Chính phủ, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác thuế mà Quốc hội, Chính phủ và UBND các cấp đã giao. Đề nghị đồng chí Cục trưởng Cục thuế các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo quyết liệt đơn vị mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách năm 2008 đã được giao. Định kỳ, hàng tháng, hàng quý có báo cáo tình hình và kết quả thực hiện gửi về Tổng cục Thuế theo chế độ báo cáo hiện hành.

(Đề nghị Cục thuế sao gửi công văn này tới các Chi cục thuế quận, huyện, thị xã để thực hiện)

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng BTC; (để báo cáo)
- Lãnh đạo Bộ Tài chính; (để báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh, TP (để phối hợp thực hiện);
- Văn phòng Bộ Tài chính;
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế;
- Các Ban, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế;
- Đại diện TCT tại TP.HCM.
- Lưu: VT, VP.

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ninh

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Công văn 1314/TCT-VP

Loại văn bảnCông văn
Số hiệu1314/TCT-VP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành03/04/2008
Ngày hiệu lực03/04/2008
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcThuế - Phí - Lệ Phí
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật19 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Công văn 1314/TCT-VP tăng cường các biện pháp quản lý thuế kiềm chế lạm phát


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Công văn 1314/TCT-VP tăng cường các biện pháp quản lý thuế kiềm chế lạm phát
                Loại văn bảnCông văn
                Số hiệu1314/TCT-VP
                Cơ quan ban hànhTổng cục Thuế
                Người kýNguyễn Văn Ninh
                Ngày ban hành03/04/2008
                Ngày hiệu lực03/04/2008
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcThuế - Phí - Lệ Phí
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật19 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Công văn 1314/TCT-VP tăng cường các biện pháp quản lý thuế kiềm chế lạm phát

                      Lịch sử hiệu lực Công văn 1314/TCT-VP tăng cường các biện pháp quản lý thuế kiềm chế lạm phát

                      • 03/04/2008

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 03/04/2008

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực