Nội dung toàn văn Công văn 133/2005/KHXX trợ giúp pháp lý và miễn giảm án phí, lệ phí tòa án đương sự là người nước ngoài
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 133/2005/KHXX | Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2005 |
Kính gửi: Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội - Việt Nam
Sau khi nghiên cứu nội dung Công văn số VH0412 ngày 12 tháng 4 năm 2005 của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đề nghị Tòa án nhân dân tối ca VIệt Nam cho biết pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập đối với trường hợp miễn án phí, trợ giúp pháp lý trong tố tụng tại Tòa án Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao trả lời như sau:
1. Khi xét xử các vụ án hình sự có bị cáo là người nước ngoài, Tòa án Việt Nam phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (viết tắt là BLTTHS); cụ thể như sau:
a. Theo quy định tại Điều 2 của BLTTHS, thì: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (viết tắt là CHXHCN Việt Nam) phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.
Hoạt động tố tụng hình sự đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công dân nước thành viên của Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập thì được tiến hành theo quy định của Điều ước quốc tế đó.
Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi, miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo tập quán quốc tế, thì vụ án được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.
b. Trách nhiệm chịu án phí được quy định tại Điều 99 của BLTTHS; cụ thể là:
“1. Án phí do người bị kết án hoặc Nhà nước chịu theo quy định của pháp luật.
2. Người bị kết án phải trả án phí theo quyết định của Tòa án.
3. Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nếu Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc vụ án bị đình chỉ theo quy định tại Khoản 2 Điều 105 của Bộ Luật này thì người bị hại phải trả án phí”.
2. Đối với các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động có đương sự là người nước ngoài, thì việc giải quyết các vụ án đó tại Tòa án Việt Nam cũng phải theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (viết tắt là BLTTDS); cụ thể như sau:
a. Theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 2 BLTTDS thì:
“…
3. BLTTDS được áp dụng đối với việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; trường hợp Điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc các quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo Điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập thì vụ việc dân sự có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức đó được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.
b. Án phí, lệ phí và các chi phí tố tụng khác trong các vụ án dân sự được quy định cụ thể tại Chương IX, các điều từ Điều 127 đến Điều 145 của BLTTDS.
3. Hiện nay án phí, lệ phí và các chi phí tố tụng khác tại Tòa án Việt Nam đang được thực hiện theo Nghị định số 70/CP ngày 12 tháng 6 năm 1997 của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 37 của Nghị định này, thì: “Bị cáo, đương sự là người nước ngoài phải nộp án phí, lệ phí Tòa án theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác”.
4. Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự với nhiều nước trên thế giới. Trong các Hiệp định này đều có quy định về án phí và ưu đãi tố tụng; Cụ thể như: miễn cước án phí, miễn án phí và phí luật sư bào chữa, trợ giúp pháp lý miễn phí…
Các quy định về các nội dung nêu trên là cơ sở pháp lý cho Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết các vụ án có bị cáo, đương sự là người nước ngoài.
Tuy nhiên, đối với các vụ án có bị cáo, đương sự là người nước ngoài nhưng là công dân của nước mà nước đó và CHXHCN Việt Nam chưa ký kết hoặc gia nhập Điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp và pháp lý, thì Tòa án Việt Nam có thể áp dụng nguyên tắc có đi có lại nhưng không được trái pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
5. Đối với vấn đề trợ giúp pháp lý cho người nước ngoài, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quý Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội liên hệ với Bộ Tư pháp Việt Nam để được giải thích cụ thể vì Bộ Tư pháp Việt Nam được giao chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực trợ giúp pháp lý.
Trên đây là ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao xin được gửi tới Quý Văn phòng để được biết.
Nơi nhận: | KT. CHÁNH ÁN |