Nội dung toàn văn Công văn 1414/BTP-PLHS-HC xử phạt vi phạm hành chính hành vi khai man, trốn thuế
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1414/BTP-PLHS-HC | Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2004 |
Kính gửi: Bộ Tài chính
Trả lời công văn số 9412/TC-TCHQ ngày 24 tháng 08 năm 2004 của Bộ Tài chính đề nghị cho ý kiến về hướng dẫn thi hành một số vấn đề về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hành vi khai man, trốn thuế, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:
1. Về việc xử lý hành vi khai man, trốn thuế theo quy định của luật thuế
Khoản 5 Điều 10, Khoản 5 Điều 12, Khoản 5 Điều 15, Khoản 3 Điều 17 và Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 138/2004/NĐ-CP ngày 17 tháng 06 năm 2004 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đều quy định việc xử phạt theo các luật thuế đối với hành vi vi phạm có mục đích trốn thuế. Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2004 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế đã định nghĩa trốn thuế là “hành vi của cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm”. Đây là khái niệm có tính chất chung nhất về hành vi trốn thuế. Để đảm bảo tính thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp, về cơ bản, nhất trí với Dự kiến hướng dẫn xử phạt đối với hành vi trốn thuế trong lĩnh vực Hải quan (trong việc xuất khẩu, nhập khẩu) như: khai sai mã số hàng hoá đối với những mặt hàng đã có tên gọi cụ thể tại biểu thuế xuất, nhập khẩu, khai sai trị giá tính thuế… Tuy nhiên, nước ta đã tham gia Công ước Kyoto về đơn giản và hài hoà thủ tục hải quan từ ngày 21 tháng 05 năm 1997; theo Điều 42, Điều 43 phụ lục Bộ Khoa học và Công nghệ của Công ước này, các hành vi khai sai do vô ý thì không bị xử phạt và “…hải quan cho phép người khai khai bổ sung vào tờ khai, hoàn tất các thủ tục bổ sung cần thiết mà không phải chịu hình thức xử lý nào”; do đó, để bảo đảm cho việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính phù hợp với tinh thần của Công ước Kyoto, theo chúng tôi, việc xử phạt vi phạm hành chính trong việc xuất, nhập khẩu đối với hành vi trốn thuế chỉ được áp dụng đối với hành vi khai sau do cố ý với mục đích làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm. Trong khi đó, tại Công văn số 9412/TC-TCHQ ngày 24 tháng 8 năm 2004 (trang 2) liệt kê một số hành vi dự kiến sẽ bị xử lý có cả những hành vi có thể được thực hiện do vô ý. Vì vậy chúng tôi đề nghị Quý cơ quan cân nhắc thêm về vấn đề này.
2. Về mức xử phạt theo các luật thuế
Theo quy định tại các luật thuế, mức phạt tiền đối với hành vi khai man, trốn thuế là từ 1 - 5 lần số thuế trốn, do đó Bộ Tư pháp nhất trí với dự kiến hướng dẫn của Bộ Tài chính là xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế là từ 1 - 5 lần số thuế trốn. Tuy nhiên, Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định hình phạt đối với tội trốn thuế. Theo quy định tại điều này thì người nào trốn thuế với số tiền từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng… thì bị phạt tiền từ một 1 - 5 lần số tiền trốn thuế hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ban năm. Do đó, để phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, giới hạn để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế là dưới năm mươi triệu đồng, mức phạt tiền tối đa trong trường hợp này không thể vượt quá 250 triệu đồng (50 triệu x 5 lần = 250 triệu đồng); nói cách khác, theo chúng tôi, mức tiền xử phạt vi phạm hành chính tối đa đói với hành vi trốn thuế không thể la vô hạn mà có giới hạn đến dưới 250 triệu đồng căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành.
3. Về việc xác định vi phạm hành chính hay hình sự
Nghị định số 138/2004/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, Nghị định số 100/2004/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế đều quy định xử phạt đối với hành vi trốn thuế. Điều 153, Điều 154 Bộ luật Hình sự quy định về tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội trốn thuế. Theo các quy định này của pháp luật, giới hạn của hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế được căn cứ vào một trong các tiêu chí sau đây:
a. Căn cứ vào số tiền trốn thuế hoặc giá trị hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý… của vụ vi phạm. Cụ thể: số tiền trốn thuế bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế theo Điều 161 Bộ Luật Hình sự 1991 là từ 50 triệu đồng trở lên; trường hợp số tiền trốn thuế dưới 50 triệu đồng thì bị xử phạt vi phạm hành chính…
b. Căn cứ vào việc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn lậu mà trị giá hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý… dưới 100 triệu đồng hoặc về hành vi quy định tại một trong các Điều 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 Bộ luật Hình sự 1999 nhưng cá nhân, tổ chức đó lại tái phạm về những hành vi này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế (Điều 161 BLHS) hoặc tội buôn lậu (Điều 153 BLHS)
c. Căn cứ vào yếu tố đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các Điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161 của Bộ luật Hình sự mà không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 Bộ luật Hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu.
Căn cứ vào yếu tố đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các Điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật Hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế.
Như vậy, pháp luật đã phân định tương đối rõ ràng, cụ thể để phân biệt hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự về Tội buôn lậu thì để khởi tố hình sự về tội này không cần phải có căn cứ xác định có sự thông đồng giữa người mua với người bán mà chỉ cần có căn cứ xác định có mục đích buôn bán hàng hoá trái phép và trị giá hàng hoá trái phép từ 100 triệu đồng trở lên. Đối với Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (Điều 154 BLHS) cũng không cần có căn cứ xác định sự thông đồng giữa người mua hoặc bán với người vận chuyển. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề nghị dự kiến hướng dẫn của Quý Bộ về vấn đề này cần được cân nhắc thêm để phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác về xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể là dự kiến nội dung hướng dẫn tại Công văn số 9421/TC/TCHQ ngày 24 tháng 8 năm 2004 (cuối trang 03) về việc căn cứ vào yếu tố có sự thông đồng hay không giữa người mua với người bán và/hoặc người vận chuyển để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá tiền tệ qua biên giới đối với các vụ vi phạm pháp luật hải quan có giá trị hàng hoá vi phạm từ 100 triệu đồng trở lên để khởi tố hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.
Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp về một số vấn đề liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế, buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới, xin kính chuyển Quý Bộ nghiên cứu, tham khảo.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP |