Nội dung toàn văn Công văn 1419/NHNN-TTGSNH 2017 sửa đổi khung khổ pháp lý Quỹ Đầu tư phát triển địa phương
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1419/NHNN-TTGSNH | Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2017 |
Kính gửi: Văn Phòng Chính Phủ
Theo yêu cầu tại Công văn số 1285/VPCP-KTTH ngày 15/02/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc “Tổng hợp tình hình hoạt động hệ thống Quỹ Đầu tư phát triển địa phương và đề xuất sửa đổi khung khổ pháp lý”; sau khi nghiên cứu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) có một số ý kiến như sau:
1. Về thực trạng hoạt động của hệ thống Quỹ Đầu tư phát triển địa phương:
NHNNVN nhất trí với nội dung đánh giá thực trạng hoạt động của hệ thống Quỹ Đầu tư phát triển địa phương (ĐTPTĐP) của Bộ Tài chính tại Công văn số 1261/BTC-TCNH ngày 25/01/2017.
Trên cơ sở đánh giá tổng thể về hoạt động của mô hình Quỹ ĐTPTĐP, đề nghị Bộ Tài chính đề xuất mô hình, cách thức triển khai hoạt động của loại hình Quỹ này tại địa phương cho hiệu quả và phù hợp với thực tế, nguồn lực của các địa phương và các quy định pháp luật hiện hành.
2. Về mô hình và địa vị pháp lý của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương:
Nghị định về Quỹ đầu tư phát triển địa phương (Nghị định 138/2007/NĐ-CP và Nghị định 37/2013/NĐ-CP) quy định: Quỹ ĐTPTĐP là một tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương. Hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP bao gồm hoạt động cho vay đầu tư, cho vay hợp vốn. Đối tượng cho vay là các dự án đầu tư thuộc danh mục các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương đã được UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định. Quỹ ĐTPTĐP thực hiện phân loại nợ, trích dự phòng rủi ro đối với hoạt động cho vay đầu tư như các tổ chức tín dụng.
Như vậy, về địa vị pháp lý Quỹ ĐTPTĐP là một tổ chức tài chính Nhà nước, không phải là tổ chức tín dụng. Tuy nhiên về bản chất, Quỹ ĐTPTĐP hoạt động như một ngân hàng chính sách (theo quy định tại Điều 17 Luật các tổ chức tín dụng 2010) là không phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010. Khoản 2 Điều 8 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 quy định “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”.
3. Về trách nhiệm của NHNN Việt Nam đối với Quỹ ĐTPTĐP:
Nghị định số 37/2013/NĐ-CP (Điều 1) quy định trách nhiệm của NHNNVN: “Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng có liên quan đến hoạt động cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Phối hợp với Bộ Tài Chính xây dựng chính sách, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện cho vay, đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương”.
Công văn 1261/BTC-TCNH (Mục II.1), Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi khung khổ chính sách đối với các Quỹ ĐTPTĐP theo hướng “Bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý, giám sát hoạt động cho vay, đầu tư của Quỹ đảm bảo an toàn và hiệu quả” và Công văn số 3055/VPCP-KTTH ngày 05/5/2016, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường quản lý, hướng dẫn các Quỹ ĐTPTĐP trong hoạt động cho vay, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định pháp luật”.
Các quy định trên là chưa phù hợp, bởi vì:
- Trong trường hợp NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay của Quỹ ĐTPTĐP sẽ gặp các vướng mắc:
Thứ nhất, Nghị định về Quỹ ĐTPTĐP không quy định việc NHNNVN ban hành văn bản hướng dẫn, do đó NHNNVN không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Thứ hai, việc NHNNVN ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động cho vay cũng không cần thiết vì Nghị định về Quỹ ĐTPTĐP đã quy định cụ thể và chi tiết các nội dung liên quan đến hoạt động cho vay của Quỹ ĐTPTĐP như: đối tượng cho vay, điều kiện cho vay, thẩm quyền quyết định cho vay, thời hạn, lãi suất cho vay...
- Trong trường hợp NHNNVN thực hiện quản lý nhà nước qua việc thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP sẽ gặp các vướng mắc:
Thứ nhất, Nghị định về Quỹ ĐTPTĐP không quy định cụ thể về nội dung này, nên không có cơ sở pháp lý để NHNNVN thực hiện thanh tra, giám sát hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP.
Thứ hai, theo quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 (Điều 52, Điều 56), Quỹ ĐTPTĐP không thuộc đối tượng thuộc thẩm quyền thanh tra, giám sát của NHNNVN.
Tóm lại, theo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 và Nghị định về hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP hiện hành, NHNN không có đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng có liên quan đến hoạt động cho vay của Quỹ ĐTPTĐP.
4. Về trách nhiệm của Bộ Tài chính đối với Quỹ ĐTPTĐP:
Theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP (Điều 5), Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành ban hành cơ chế chính sách về tổ chức và hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP; vì vậy về nguyên tắc, hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP được thực hiện theo Nghị định về ĐTPTĐP và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Nghị định 215/2013/NĐ-CP (Điều 2) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính quy định: Bộ Tài chính có trách nhiệm thống nhất quản lý, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm đối với quỹ ngân sách nhà nước được quản lý tại Kho bạc nhà nước; quản lý quỹ dự trữ tài chính nhà nước và các Quỹ tài chính khác của nhà nước theo quy định của pháp luật.
5. Kiến nghị:
Để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong việc quản lý nhà nước đối với hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP, NHNNVN đề xuất sửa đổi các quy định liên quan tại Nghị định về Quỹ ĐTPTĐP theo hướng:
- Phương án 1: Chỉnh sửa lại mô hình hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng 2010; trong đó quy định rõ cơ sở pháp lý để NHNNVN đủ điều kiện thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với loại hình Quỹ ĐTPTĐP (quan điểm này NHNNVN cũng đã tham gia ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 1021/NHNN-CSTT ngày 20/02/2013 và Công văn số 2436/NHHH-CSTT ngày 08/4/2014).
- Phương án 2: Nếu giữ nguyên mô hình hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP như hiện nay thì cần sửa đổi các quy định liên quan tại Nghị định về Quỹ ĐTPTĐP cho phù hợp, cụ thể:
+ Giao Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát toàn diện đối với hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP;
+ Bỏ quy định có liên quan đến trách nhiệm của NHNN tại Nghị định về Quỹ ĐTPTĐP để giải quyết các vướng mắc nêu trên.
Trên đây là một số ý kiến của NHNNVN gửi Văn phòng Chính phủ.
Nơi nhận: | KT. THỐNG ĐỐC |