Nội dung toàn văn Công văn 1538/TLĐ xây dựng mô hình tổ tự quản khu nhà trọ công nhân
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1538/TLĐ | Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2010 |
Kính gửi: Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố.
Thực hiện Kết luận của Thường trực Đoàn Chủ tịch tại Hội thảo ngày 20/8/2009 về “Xây dựng mô hình tổ tự quản tại khu nhà trọ công nhân lao động”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn xây dựng mô hình tổ tự quản khu nhà trọ CNLĐ như sau:
1. Sự cần thiết thành lập tổ tự quản khu nhà trọ công nhân
- Thứ nhất, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, các tệ nạn xã hội ở một số địa bàn, nhất là ở các khu nhà trọ có đông công nhân thuộc các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn vẫn còn phức tạp. Việc hình thành các tổ tự quản khu nhà trọ công nhân góp phần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền, Công đoàn và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở, giúp cho chính quyền địa phương quản lý địa bàn tốt hơn, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ đặc biệt là CNLĐ trong các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, cả về cơ chế hoạt động, cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện tiếp cận với CNLĐ. Một số doanh nghiệp do khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên chỉ chú trọng đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Không ít lãnh đạo doanh nghiệp chưa nhận thức rõ sự cần thiết và trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật cho CNVCLĐ trong khi trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của CNLĐ còn hạn chế. Việc hình thành các Tổ tự quản khu nhà trọ CNLĐ sẽ giúp cho tổ chức Công đoàn có điều kiện tuyên truyền cho CNLĐ thuận lợi hơn.
- Thứ ba, tình hình tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình công có nhiều diễn biến phức tạp; CNLĐ ở một số doanh nghiệp có hành động quá khích khi đình công như đập phá tài sản doanh nghiệp, phát tán tờ rơi kêu gọi đình công… Bên cạnh nguyên nhân hầu hết các cuộc đình công do chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động thì một số nơi vai trò của CĐCS chưa được phát huy đúng mức, chưa kịp thời phát hiện dấu hiệu đình công để có biện pháp giải quyết sớm. Việc hình thành các tổ tự quản khu nhà trọ sẽ giúp cho tổ chức Công đoàn và chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm và những bức xúc nảy sinh để có biện pháp giải quyết phù hợp.
2. Công tác triển khai xây dựng các tổ tự quản khu nhà trọ công nhân:
- Bước 1: Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố tiến hành khảo sát các khu nhà trọ có đông CNLĐ.
- Bước 2: Phân công cán bộ làm việc với cấp uỷ, chính quyền và công an địa phương về mục đích, yêu cầu của việc thành lập tổ tự quản công nhân.
- Bước 3: Làm việc với chủ các khu nhà trọ, xét chọn các thành viên tham gia Ban điều hành tổ tự quản khu nhà trọ công nhân.
- Bước 4: Dự thảo “Quy ước tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” và Lấy ý kiến của CNLĐ và chủ nhà trọ về nội dung bản “Quy ước tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”.
- Bước 5: Dự thảo quyết định thành lập và tổ chức lễ ra mắt “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”.
3. Về Nội dung hoạt động của tổ tự quản khu nhà trọ công nhân.
- Phối hợp cùng công an và ngành chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong CNLĐ với các hình thức phong phú, đa dạng như: tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng tài liệu (bảng tin, pa nô, áp phích, tờ gấp, băng, đĩa CD…); xây dựng tủ sách pháp luật…. Trong đó, tập trung tuyên truyền Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và các luật pháp, chính sách có liên quan trực tiếp đến CNLĐ.
- Phối hợp với lực lượng Công an tổ chức phát động phong trào đấu tranh và tố giác tội phạm; tiến hành kiểm tra, nhắc nhở chấp hành việc đăng ký tạm trú, tạm vắng, gắn sinh hoạt tổ tự quản khu nhà trọ công nhân với sinh hoạt tổ dân phố định kỳ hàng tháng để tuyên truyền phòng chống tội phạm.
- Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho CNLĐ và phòng chống các tệ nạn xã hội khác.
- Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như “Tiếng hát công nhân khu nhà trọ”, tổ chức trò chơi vận động, hội thao, hội thi, chăm lo cho công nhân nhà trọ nhằm xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa CNLĐ với địa phương.
- Tổ chức nắm bắt dư luận xã hội trong công nhân để kiến nghị giải quyết kịp thời những bức xúc của công nhân, hạn chế những phản ứng tiêu cực ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn và sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
- Tuyên truyền vận động công nhân lao động cảnh giác trước các âm mưu và hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, tổ chức Công đoàn của các thế lực thù địch; xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
4. Tổ chức thực hiện
- Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố cần triển khai chương trình phối hợp hoạt động với chính quyền và công an địa phương trong việc xây dựng tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cho CNLĐ. Những nơi chưa có tổ tự quản khu nhà trọ công nhân có thể nghiên cứu mô hình của Thành phố Hồ Chí Minh để chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền, đoàn thể xây dựng cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
- Đối với các địa phương đã xây dựng được tổ tự quản công nhân, cần duy trì và phát triển hình thức tổ chức này tại khu nhà trọ, khu lưu trú đông công nhân lao động. Cần quan tâm nghiên cứu đổi mới phương pháp, đa dạng các hình thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
- Cần có cơ chế phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với chính quyền, công an địa phương và hệ thống chính trị ở cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tự quản công nhân khu nhà trọ.
- Giao Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn làm đầu mối theo dõi hoạt động của tổ tự quản khu nhà trọ công nhân và thường xuyên báo cáo kết quả với Đoàn Chủ tịch.
- Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố định kỳ báo cáo cụ thể tình hình hoạt động của tổ tự quản khu nhà trọ công nhân lao động, những đề xuất kiến nghị (có thể có chuyên mục riêng trong báo cáo công tác tuyên giáo hàng tháng, 6 tháng, 1 năm) gửi về Tổng Liên đoàn (qua Ban Tuyên giáo).
Nơi nhận: | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |