Nội dung toàn văn Công văn 16/CV-BCĐ thực hiện chế độ báo cáo
BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CV-BCĐ | Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2007 |
Kính gửi: | - Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, |
Căn cứ Nghị quyết số 1039/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 28 tháng 8 năm 2006, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;
Căn cứ Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2006, của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng;
Căn cứ Quyết định số 13/2007/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2007, của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và Quy chế hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng,
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chế độ báo cáo về tình hình và công tác phòng, chống tham nhũng đối với Ban Chỉ đạo như sau:
I. BÁO CÁO ĐỊNH KỲ:
Hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, 1 năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo định kỳ với Ban Chỉ đạo (đối với các tháng 3, 6, 9, 12 và các quý II, IV, không báo cáo riêng mà thể hiện chung trong các báo cáo quý hoặc báo cáo 6 tháng, 1 năm).
1. Về nội dung báo cáo
1.1. Đối với báo cáo tháng:
a) Phản ánh tình hình thực hiện và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của bộ, ngành, địa phương trong tháng theo những nội dung sau (chủ yếu là liệt kê các công việc đã thực hiện và kết quả đạt được, có so sánh với tháng trước, trong đó nêu rõ các số liệu cụ thể):
- Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng;
- Hoạt động rà soát, ban hành văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng;
- Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa (công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; rà soát, xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và chuyển đổi vị trí công tác; minh bạch tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán);
- Việc phát hiện và xử lý tham nhũng (công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử; công tác giải quyết tố cáo về tham nhũng; kết quả xử lý các hành vi tham nhũng về người và tài sản);
- Tổ chức, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng;
- Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận, của báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề v.v…
b) Nêu những nhiệm vụ chủ yếu sẽ thực hiện trong tháng tiếp theo.
c) Những khó khăn, vướng mắc hoặc kiến nghị, đề xuất (nếu có).
1.2. Đối với báo cáo 3 tháng;
Ngoài việc phản ánh tình hình thực hiện và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của bộ, ngành, địa phương trong quý (tương tự như báo cáo tháng), cần nhận xét, đánh giá về những thuận lợi, khó khăn, ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót… của công tác này.
1.3. Đối với báo cáo 6 tháng đầu năm:
Ngoài việc phản ánh tình hình thực hiện và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của bộ, ngành, địa phương trong 6 tháng (tương tự như báo cáo quý), cần nêu khái quát một số tình hình tham nhũng ở bộ, ngành, địa phương; đánh giá, phân tích nguyên nhân của những tồn tại, thiếu sót và nêu biện pháp khắc phục.
1.4. Đối với báo cáo năm:
Ngoài việc phản ánh tình hình thực hiện và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của bộ, ngành, địa phương trong năm (tương tự như báo cáo 6 tháng), cần nhận định, đánh giá khái quát tình hình tham nhũng ở bộ, ngành, địa phương; kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra hoặc được giao trong năm; dự báo tình hình tham nhũng ở bộ, ngành, địa phương và kiến nghị chính sách, giải pháp phòng, chống tham nhũng trong thời gian tiếp theo; nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của bộ, ngành, địa phương trong năm sau.
* Chú ý: Để làm rõ nội dung các báo cáo 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, các bộ, ngành, địa phương cần có các phụ lục kèm theo để báo cáo tóm tắt hoặc thống kê cụ thể, chi tiết các số liệu về các công việc đã thực hiện và các vụ việc tham nhũng đã được phát hiện, xử lý qua thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử hoặc vụ việc còn tồn đọng.
1.2. Thời gian gửi báo cáo:
- Đối với báo cáo tháng: các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo trước ngày 25 của tháng báo cáo.
- Đối với báo cáo quý: được gửi về Ban chỉ đạo trước ngày 25 tháng cuối cùng của quý báo cáo.
- Đối với báo cáo 6 tháng đầu năm: được gửi về Ban Chỉ đạo trước ngày 25 tháng 6.
- Đối với báo cáo năm: được gửi về Ban Chỉ đạo trước ngày 25 tháng 12 của năm báo cáo.
II. CÁC LOẠI BÁO CÁO KHÁC
Theo quy định hiện hành về chế độ thông tin báo cáo hoặc khi Ban Chỉ đạo yêu cầu, các bộ, ngành địa phương kịp thời gửi các loại báo cáo sau:
1. Báo cáo chuyên đề
Là loại báo cáo phản ánh toàn diện, cụ thể về một hoặc một số vấn đề trong công tác phòng, chống tham nhũng (ví dụ: tình hình thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kết quả xử lý vụ việc tham nhũng; tình hình thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; kết quả nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng ở nước ngoài v.v…).
2. Báo cáo đột xuất
Là loại báo cáo phản ánh một hoặc một số vấn đề về tình hình và công tác phòng, chống tham nhũng có tính chất bất thường hoặc cần phải thông tin nhanh.
3. Báo cáo vụ việc
Là loại báo cáo phản ánh về một hoặc một số vụ việc tham nhũng nghiêm trọng hoặc vụ việc có khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý.
Các bộ, ngành, địa phương gửi các báo cáo nêu trên về Ban Chỉ đạo qua Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, địa chỉ: Số 01, Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Hà Nội./.
Nơi nhận: | KT. TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO |