Nội dung toàn văn Công văn 1606/LĐTBXH-BTXH hướng dẫn sử dụng quĩ rủi ro
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1606/LĐTBXH-BTXH | Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2003 |
Kính gửi: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
Dự án tín dụng xoá đói giảm nghèo do Misereor tài trợ được triển khai tại xã ...................... huyện ...................... từ cuối năm 1998. Theo báo cáo của địa phương sau một thời gian triển khai thực hiện, dự án đã thu được một số kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy công tác XĐGN của địa phương. Bên cạnh đó dự án còn một số hạn chế (như tình trạng nợ quá hạn gốc và lãi, công tác theo dõi, đánh giá chưa được tiến hành thường xuyên....), điều đó làm giảm hiệu quả của dự án, đồng thời ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết với cơ quan tài trợ. Trước thực trạng đó Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Ban quản lý dự án phải tích cực đôn đốc, kiên quyết thu hồi vốn, lãi đến hạn, đảm bảo thu đủ, đúng hạn, thực hiện đúng các nguyên tắc hoạt động tín dụng của Nhà nước. Đối với một số trường hợp hộ vay gặp khó khăn, bị rủi ro tiến hành xử lý như sau:
1. Vấn đề nợ quá hạn: (cả gốc và lãi) cần phân loại nguyên nhân nợ quá hạn để xem xét, xử lý, theo nguyên tắc mọi trường hợp quá hạn đều phải thu hồi để bảo toàn vốn quay vòng cho hộ nghèo vay. Cách xử lý theo hướng sau:
- Phân kỳ thu nợ, chọn thời điểm thích hợp để thu nợ.
- Mọi món nợ đều xử lý theo nguyên tắc khoanh nợ, giãn nợ.
- Xoá nợ chỉ áp dụng trong trường hợp đặc biệt khó khăn, khi hộ đó xét trên mọi phương diện không có cách nào thu hồi được, nhưng phải có ý kiến xác nhận của Ban xoá nợ giảm nghèo xã và Chủ dự án đề nghị UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định.
2. Xử lý các trường hợp rủi ro:
- Phân loại nguyên nhân, mức độ thiệt hại để có hướng xử lý.
- Xử lý từng trường hợp cụ thể, tránh giải quyết tràn lan.
- Chỉ giải quyết những trường hợp rủi ro vì nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.
- Trong trường hợp phải giải quyết thì trước hết là sử dụng nguồn quỹ rủi ro được lập.
- Trường hợp vượt quá nguồn quỹ được lập thì Chủ dự án báo cáo UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết.
- Quỹ rủi ro của địa phương nào không sử dụng đến sau một chu kỳ thì được trích một phần cho công tác thi đua, khen thưởng cán bộ quản lý dự án và hộ vay vốn điển hình, hoặc có thể sử dụng cho việc hỗ trợ và nghiên cứu trong cộng đồng khi gặp rủi ro đột xuất. Số còn lại nhập vào gốc để tiếp tục tăng nguồn vốn.
3. Tiếp tục giải ngân, cho vay quay vòng
- Các xã tiếp tục giải ngân, cho vay quay vòng.
- Dự án nào thu hồi vốn mà dân không có nhu cầu vay nữa thì giải quyết một trong 3 cách sau đây:
+ Cho hộ trung bình có nguy cơ tái nghèo vay.
+ Trường hợp xã có dự án không giải ngân được Chủ dự án báo cáo và thống nhất với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chuyển nguồn vốn sang xã khác.
+ Trường hợp không cho vay tín dụng thì Chủ dự án báo cáo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và cơ quan tài trợ cho sử dụng vốn vào mục đích khác (như đầu tư hạ tầng cơ sở...)
4. Về mô hình quản lý dự án: các địa phương tiếp tục thực hiện theo công văn số 22551/LĐTBXH, ngày 10/7/2002 v/v tăng cường công tác quản lý theo dõi dự án SĐGN do Misereor tài trợ./.
| T/L BỘ TRƯỞNG |