Nội dung toàn văn Công văn 1610/QHLA-NV vướng mắc công tác quản lý của hải quan doanh nghiệp
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1610/HQLA-NV | Long An, ngày 09 tháng 11 năm 2012 |
Kính gửi: Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về Hải quan).
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp hoạt động theo quy chế doanh nghiệp chế xuất (DNCX), Cục Hải quan Long An gặp vướng mắc như sau:
1. Việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư thành lập DNCX:
Trong địa bàn quản lý của Cục Hải quan Long An không có Khu chế xuất mà chỉ có các DNCX đóng trong các Khu công nghiệp.
Cho đến nay, địa bàn ba tỉnh: Long An, Tiền Giang & Bến Tre đã hình thành và đi vào hoạt động trên 30 Khu công nghiệp với 10 DNCX có địa điểm kinh doanh, sản xuất nằm phân tán trong các KCN, hoạt động trong lĩnh vực gia công và sản xuất hàng xuất khẩu; Cả 10 doanh nghiệp này đã và đang làm thủ tục tại các Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan Long An.
Do đặc thù của loại hình DNCX cần được giám sát, quản lý theo chế độ riêng, tuy nhiên, do các doanh nghiệp này được thành lập trong các KCN khác nhau, không tập trung nên việc quản lý của Hải quan gặp nhiều khó khăn; Phía Cục Hải quan Long An đã có văn bản gửi đến Ban Quản lý Khu kinh tế, BQL các KCN 03 tỉnh, đề nghị có thông tin với cơ quan Hải quan khi cấp phép thành lập DNCX để phối hợp quản lý, song, do yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư của địa phương, loại hình DNCX hiện đang có chiều hướng ngày càng tăng.
Thực tế, việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp hoạt động theo quy chế DNCX chủ yếu là theo nhu cầu của nhà đầu tư, vì vậy, tất cả các DNCX đều nằm rãi rác trong các KCN, không tập trung trong 01 KCN nàp. Do đó, để đảm bảo công tác quản lý của Hải quan đối với DNCX được chặt chẽ, tránh việc lợi dụng để gian lận, Cục Hải quan Long An kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét, có ý kiến với các Bộ, ngành có liên quan về việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho DNCX cần được tập trung thành khu để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của DNCX.
2. Việc quản lý của Hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất:
Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 45 Thông tư 194/2010/TT-BTC thì: Hải quan quản lý KCX, DNCX chỉ giám sát trực tiếp tại cổng ra vào của Khu chế xuất, DNCX khi cần thiết theo quyết định của Cục trưởng cục Hải quan.
Với địa bàn quản lý rộng, đơn vị lại thường xuyên trong tình trạng thiếu biên chế nên việc thực hiện nhiệm vụ giám sát trực tiếp tại cổng ra vào của DNCX gặp nhiều khó khăn, không thể thực hiện được. Thời gian qua, việc quản lý của Hải quan đối với các DN này chủ yếu được thực hiện theo phương thức quản lý rủi ro.
Qua thực tế kiểm tra, nhận thấy tính chấp hành pháp luật về hải quan của 01 số DNCX nêu trên còn hạn chế. Cụ thể, năm 2012, Cục Hải quan Long An đã tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với 02 DNCX thì cả 02 doanh nghiệp này đều vi phạm pháp luật về hải quan (hàng hóa từ DNCX vào nội địa và ngược lại không mở tờ khai hải quan và tiến hành các thủ tục theo quy định; Khai báo định mức với Hải quan cao hơn định mức thực tế sản xuất) với số thuế truy thu lớn (01 trường hợp là 10,17 tỷ đồng; 01 trường hợp trên 3,2 tỷ đồng).
Cho đến nay, địa bàn tỉnh Bến Tre chưa có tổ chức Hải quan. Thời gian qua, phần lớn các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã đến đăng ký, làm thủ tục hải quan tại Chi cục HQCK Cảng Mỹ Tho trực thuộc Cục Hải quan Long An, chủ yếu là hàng hóa XNK chuyển cửa khẩu; Thủ tục hải quan được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong số doanh nghiệp địa bàn Bến Tre có 02 DNCX đang hoạt động với quy mô lớn và thường xuyên làm thủ tục XNK tại Chi cục HQCK Cảng Mỹ Tho. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát các văn bản có liên quan thì chưa có văn bản giao nhiệm vụ cho Cục Hải quan Long An thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Hải quan trên địa bàn này. Trong khi việc quản lý hàng hóa XNK của DNCX mang tính đặc thù riêng, do đó, nếu không được giao nhiệm vụ cụ thể sẽ không đảm bảo cơ sở pháp lý cho quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Về vị trí địa lý, tỉnh Bến Tre tiếp giáp với biển đông ở phía Đông, phía Tây tiếp giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Nam tiếp giáp tỉnh Trà Vinh và phía Bắc tiếp giáp tỉnh Tiền Giang. Ngoài Chi cục HQCK Cảng Mỹ Tho trực thuộc Cục Hải quan Long An đóng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thì tại tỉnh Vĩnh Long còn có Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vĩnh Long trực thuộc Cục Hải quan TP. Cần Thơ.
Để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre nói chung, việc theo dõi, quản lý các DNCX trên địa bàn Bến Tre nói riêng, Cục Hải quan Long An đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét, có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này để làm cơ sở thực hiện thống nhất.
3. Việc thanh khoản đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 45 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính thì việc thanh khoản nguyên liệu, vật tư của DNCX như sau: Đối với loại hình SXXK thực hiện thanh khoản một quý một lần và chậm nhất vào ngày 15 của tháng đầu quý sau tại Chi cục Hải quan quản lý DNCX. Trường hợp doanh nghiệp có đề nghị thì thời hạn thanh khoản được thực hiện một tháng một lần, trước ngày 15 của tháng sau.
Thực tế tại Cục Hải quan Long An phát sinh trường hợp DNCX nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu, trong đó có nhiều tờ khai nhập khẩu được thanh khoản nhiều lần nhưng vẫn không thanh khoản dứt điểm (có trường hợp kéo dài từ năm 2009, 2010 đến nay), gây khó khăn cho công tác quản lý, theo dõi thanh khoản của Hải quan. Trong khi đó, theo quy định hiện hành thì hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc đối tượng không chịu thuế, do đó, việc kéo dài thời gian theo dõi thanh khoản không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý của Hải quan mà còn tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa DNCX với các doanh nghiệp nhập sản xuất xuất khẩu khác, đây là 01 bất hợp lý; Kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét, hướng dẫn xử lý thuế đối với trường hợp DNCX thực hiện xuất khẩu hàng hóa quá 275 ngày như các Doanh nghiệp Nhập sản xuất xuất khẩu khác.
4. Việc nhập khẩu hàng hóa tạo tài sản cố định của DNCX:
Theo khoản 3 Điều 45 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2012 của Bộ Tài chính thì đối với trường hợp nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài để tạo tài sản cố định của DNCX: Căn cứ văn bản đề nghị nhập khẩu hàng hóa tạo tài sản cố định của giám đốc DNCX, kèm danh mục hàng hóa (chi tiết tên hàng, lượng hàng, chủng loại), cơ quan Hải quan làm thủ tục nhập khẩu theo quy định đối với hàng hóa nhập khẩu thương mại.
Thực tế phát sinh trường hợp DNCX nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài để tạo tài sản cố định, tuy nhiên, việc làm thủ tục nhập khẩu thường kéo dài nhiều năm, quá thời hạn lắp đặt máy móc thiết bị ghi trên Giấy chứng nhận đầu tư.
Như vậy, trong trường hợp này cơ quan Hải quan có được tiếp tục làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định trên cơ sở văn bản đề nghị của Giám đốc DNCX nữa không? Nếu được tiếp tục NK thì có yêu cầu doanh nghiệp gia hạn tiến độ thực hiện dự án trên Giấy chứng nhận đầu tư không?
Cục Hải quan Long An báo cáo vướng mắc như trên đến Tổng cục Hải quan để được xem xét, hướng dẫn; Đồng thời, kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét, đưa vào nội dung dự thảo điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 45 Thông tư 194/2010/TT-BTC phù hợp để thống nhất thực hiện./.
Nơi nhận: | CỤC TRƯỞNG |