Nội dung toàn văn Công văn 1750/BNN-HTQT báo cáo hợp tác Việt Nam Campuchia lĩnh vực nông nghiệp
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1750/BNN-HTQT | Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2012 |
Kính gửi: | Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Phúc đáp công văn số 101/BKHĐT-KTĐN ngày 22/3/2012 về việc báo cáo tình hình hợp tác Việt Nam – Campuchia, Bộ Nông nghiệp và PTNT xin gửi kèm theo đây báo cáo chi tiết tình hợp tác với Campuchia trong lĩnh vực nông, lâm và ngư nghiệp giai đoạn 2010-2011, và các kiến nghị tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực nêu trên.
Đề nghị Quý Bộ nghiên cứu, tổng hợp./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
BÁO CÁO
HỢP TÁC VỚI CAMPUCHIA TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
(Kèm theo công văn số 1750/BNN-HTQT ngày 12 tháng 04 năm 2012)
1. Hợp tác khoa học kỹ thuật
- Hợp tác khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT với Campuchia chưa triển khai được nhiều do không có nguồn vốn. Tháng 6/2010, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia đã thành lập một Tiểu ban Nông nghiệp và Kinh doanh Nông nghiệp, tuy nhiên Tiểu ban vẫn chưa đi vào hoạt động mặc dù Bộ Nông nghiệp và PTNT đã gửi thư mời phía Campuchia họp Tiểu ban để xây dựng cơ chế và kế hoạch hợp tác.
- Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông trong khu vực Tam giác Phát triển giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia có hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi theo yêu cầu của các tỉnh bạn (giống cây điều ghép cao sản, kỹ thuật trồng, nhân giống và chăm sóc cây ăn quả, hệ thống tổ chức sản xuất lúa và hoạt động khuyến nông)
Đề xuất: Đề nghị sớm tổ chức họp Tiểu ban Nông nghiệp và Kinh doanh Nông nghiệp để xây dựng chương trình hợp tác giữa hai bên.
2. Hợp tác trong lĩnh vực kiểm dịch động, thực vật
- Kiểm dịch động vật: Kể từ năm 2008, Cục Thú y Việt Nam và Cục Thú y và Chăn nuôi Campuchia đã thành lập nhóm công tác và tiến hành họp song phương hàng năm. Hai bên đã thiết lập đầu mối trao đổi thông tin dịch bệnh. Hai bên đã thống nhất chọn 12 cặp cửa khẩu (tại 8 tỉnh biên giới Campuchia và 7 tỉnh Việt Nam) để thiết lập 12 chốt kiểm tra động vật và sản phẩm động vật xuất nhập khẩu.
Năm 2010, Việt Nam đã hỗ trợ cho Campuchia 40.000 liều vắc-xin lở mồm long móng tam giá để tiêm phòng cho gia súc các tỉnh biên giới.
Đề xuất: Để tạo điều kiện thương mại động vật và sản phẩm động vật giữa hai nước, đề nghị Cục Thú y và Chăn nuôi Campuchia nghiên cứu và sớm thống nhất nội dung Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, đồng thời xem xét khả năng xây dựng và ký kết một Hiệp định kiểm dịch động, thực vật giữa hai nước.
- Kiểm dịch thực vật: Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (tháng 11/2006), đồng thời thiết lập kênh trao đổi, lịch làm việc giữa các tỉnh của hai nước có chung đường biên giới. Việt Nam cũng hỗ trợ một số thiết bị chẩn đoán bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và thuốc BVTV cho Campuchia (máy chẩn đoán ELISA, bơm động cơ phun thuốc, thuốc BVTV Buprofezin và Fenobucarb).
3. Hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp:
Hiện nay giữa Việt Nam và Campuchia chưa có Thỏa thuận hoặc Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp, chủ yếu được thực hiện qua khuôn khổ hợp tác ASEAN.
Đề xuất: đàm phán với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia để xây dựng và ký kết một MOU hợp tác trong một số lĩnh vực: (i) Chia sẻ thông tin về quy hoạch, kế hoạch và các chính sách liên quan đến lâm nghiệp, về quy định xuất nhập khẩu gỗ; (ii) Bảo vệ rừng, PCCCR: đặc biệt là dọc tuyến biên giới chung giữa 2 nước, chống chặt phá, buôn bán gỗ, động vật hoang dã trái pháp luật; (iii) Hợp tác về sáng kiến mới như REDD+, tín chỉ các-bon (Campuchia đã có dự án buôn bán tín chỉ các bon với tập đoàn Trường thành), FLEGT…
4. Hợp tác trong lĩnh vực thủy sản:
Tháng 11/2010, Bộ Nông nghiệp và PTNT (Tổng cục Thủy sản) đã tổ chức một đoàn công tác sang làm việc với Tổng cục Thủy sản Campuchia. Hai bên nhất trí ký kết một Bản Thỏa thuận (MOU) về hợp tác thủy sản, tập trung vào một số nội dung hợp tác trong các lĩnh vực sau: bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, hệ sinh thái, bảo vệ các loài động vật thủy sinh quý hiếm; hợp tác nuôi trồng thủy sản; chế biến, xuất khẩu thủy sản, đào tạo cán bộ ngành thủy sản; nghiên cứu khoa học thủy sản; khai thác thủy sản bao gồm quản lý khai thác và hợp tác khai thác hải sản trong vùng biển của mỗi nước.
Đề xuất: hai bên hoàn thiện MOU để ký trong năm 2012.
5. Hợp tác đầu tư
Tính đến ngày 20/9/2011, Việt Nam có 98 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng số vốn đạt khoảng 2,23 tỷ USD. Campuchia hiện là quốc gia đứng thứ hai trong thu hút vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong tổng số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều dự án với quy mô vốn hàng trăm triệu USD như dự án Mạng lưới viễn thông của Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (150 triệu USD), dự án thành lập Công ty cổ phần đầu tư phát triển Campuchia của BIDV và Công ty Phương Nam (vốn đầu tư 100 triệu USD), dự án Trồng cây cao su của Công ty Hoàng Anh Gia Lai (vốn đầu tư 100 triệu USD), dự án sản xuất, thu mua hàng hóa, chế biến, dự trữ, bảo quản, kinh doanh, sản xuất lương thực của TCTy Lương thực miền Nam với số vốn đầu tư 30 triệu USD…
Đầu tư trồng cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
Các dự án đầu tư trồng cao su tại Campuchia của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được triển khai từ năm 2007. Tổng diện tích đất được giao (tính đến tháng 8/2011) cho Tập đoàn, các công ty thành viên của Tập đoàn và các đơn vị thuộc Hiệp hội Cao su Việt Nam là 132.341 ha. Tập đoàn hiện đang triển khai 15 dự án, 3 dự án mới và 1 dự án đang chuẩn bị.
Tổng diện tích trồng (tính đến tháng 8/2011) 50.607 ha, trong đó năm 2007 là 260 ha; 2008 là 2.155 ha; năm 2009 là 8.165ha; năm 2010 là 16.530 ha và năm 2011 là 23.497 ha (chi tiết trong biểu kèm theo). Tổng số vốn đầu tư cho các dự án là 13.816 tỷ đồng với 100% vốn của nhà đầu tư Việt Nam. Đến thời điểm 9/2011, số vốn đã chuyển ra nước ngoài là 3.832,7 tỷ đồng. Do các dự án đầu tư tại Campuchia hiện nay đang ở giai đoạn trồng mới và KTCB nên chưa có lợi nhuận. Mỗi dự án sẽ xây dựng một nhà máy chế biến, quy mô sẽ tăng dần theo sản lượng mủ khai thác.
Năm 2009, tại buổi gặp của Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT với Thủ tướng Hen Sun, Thủ tướng có đề cập Campuchia có thể dành cho Việt Nam đầu tư trồng cây công nghiệp với diện tích 300.000 ha. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhiều lần đề nghị với Bộ NLN nghiệp Campuchia trực tiếp hoặc qua ... về việc Campuchia dành 300.000 ha đất cho các nhà đầu tư Việt Nam trồng cây công nghiệp nhưng chưa được phía Campuchia quan tâm.
Đề xuất:
Mặc dù còn có những khó khăn và vướng mắc nhất định, tuy nhiên Campuchia vẫn là khu vực có nhiều lợi thế trong phát triển cao su vì điều kiện đất đai, khí hậu rất phù hợp. Vì vậy đề nghị Chính phủ Campuchia xem xét ký kết một Hiệp định giữa hai nước về trồng cao su và công nghiệp ở mức 200 - 300.000 ha
Để tạo điều kiện thực hiện các dự án đang đầu tư, đề nghị:
- Để tạo thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, phương tiện, máy móc phục vụ thực hiện dự án được thuận lợi, đề nghị phía Campuchia cho phép các doanh nghiệp giảm bớt các thủ tục hành chính; thiết lập các đường dây nóng để các doanh nghiệp có thể thông báo và xin ý kiến tháo gỡ vướng mắc ngay tại các cửa khẩu; Cần có thỏa thuận hay hiệp định về vận tải vật tư qua biên giới giữa hai nước để tránh tình trạng vật tư thiết bị phải sang xe tại cửa khẩu khi qua biên giới.
- Đề nghị Chính phủ Campuchia điều chỉnh tăng tỷ lệ lao động nước ngoài từ 10% lên 15% - 20% trong tổng số lao động của dự án, đồng thời có chính sách hỗ trợ tuyển dụng lao động tại các địa phương ngoài vùng dự án, tạo điều kiện lưu trú, quản lý hộ khẩu, an ninh trật tự trong vùng dự án.
- Đề nghị Bộ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia hỗ trợ giảm bớt các thủ tục quy trình lâm luật để việc khai hoang làm sạch đất cho kịp kế hoạch trồng mới của các Công ty đầu tư tại Campuchia.