Nội dung toàn văn Công văn 2104/BNV-CQĐP chế độ chính sách cán bộ cấp xã ở tỉnh Thái Bình
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2104/BNV-CQĐP | Hà Nội, ngày 24 tháng 07 năm 2007 |
Kính gửi: | - Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình; |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2918/VPCP-VX ngày 07/5/2003 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết chế độ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn của tỉnh Thái Bình trong thời gian mất ổn định ở cơ sở (1997-1998). Ngày 11 tháng 7 năm 2007 Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã có cuộc họp bàn và thống nhất việc giải quyết tồn tại về chế độ, chính sách đối với cán bộ nêu trên. Sau hội nghị, Bộ Nội vụ đã dự thảo văn bản lấy ý kiến Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình. Trên cơ sở các ý kiến đã được thống nhất, Bộ Nội vụ Hướng dẫn việc giải quyết chế độ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn của tỉnh Thái Bình trong thời gian mất ổn định ở cơ sở (1997-1998); cụ thể như sau:
1. Việc kiểm tra hồ sơ và lập danh sách cán bộ nghỉ việc.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chịu trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ cá nhân, lập danh sách cán bộ nghỉ việc trong thời gian mất ổn định ở cơ sở 1997-1998 và cán bộ nghỉ việc 1999-2000:
1.1. Danh sách cán bộ có đủ 15 năm tính hưởng bảo hiểm xã hội trở lên, và đến ngày 01/7/2007 đã đủ tuổi đời theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP (Nữ đủ 50 tuổi, nam đủ 55 tuổi);
1.2. Danh sách cán bộ có đủ 15 năm tính hưởng bảo hiểm xã hội, nhưng đến ngày 01/7/2007 chưa đủ tuổi đời theo quy định nêu trên;
1.3. Danh sách cán bộ chưa đủ 15 năm tính hưởng bảo hiểm xã hội;
1.4. Danh sách cán bộ đã từ trần chưa được hưởng chế độ trợ cấp một lần và chế độ mai táng phí.
Hồ sơ cá nhân và danh sách cán bộ nói ở điểm 1 nêu trên do Ủy ban nhân dân cấp xã lập, có sự thẩm định của Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương. Danh sách cán bộ được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và trên các phương tiện thông tin thích hợp; nếu có khiếu kiện, thắc mắc thì phải xác minh, giải quyết trước khi báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Ủy ban nhân dân tỉnh gửi hồ sơ, danh sách cán bộ nói ở điểm 1.1, 1.2 về cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam và danh sách cán bộ nói ở điểm 1.3, 1.4, về Bộ Tài chính để đảm bảo việc thực hiện chi trả theo đúng quy định.
2. Việc thực hiện chế độ, chính sách.
2.1. Thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản a Điều 4 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP đối với cán bộ nghỉ việc nêu ở khoản 1.1 điểm 1 trên đây, kể từ ngày cán bộ đủ tuổi đời theo quy định.
2.2. Thực hiện chế độ nghỉ chờ để hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản a Điều 4 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP và điểm 6 Mục III Thông tư liên tịch số 99/1998/TTLT-TCCP-BTC-BLĐTB&XH ngày 19/5/1998 đối với cán bộ nghỉ việc nêu ở khoản 1.2 điểm 1 trên đây.
Trường hợp cán bộ có đủ 15 năm công tác được tính hưởng bảo hiểm xã hội, nhưng đến ngày 01/7/2007 chưa đủ tuổi đời theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, nếu không hưởng trợ cấp một lần thì lập hồ sơ chờ, khi nào đủ tuổi được hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong thời gian chờ đủ tuổi để hưởng trợ cấp hàng tháng, nếu cán bộ làm việc tiếp thì thời gian đã làm việc trước đó được cộng với thời gian làm việc sau đó để tính hưởng bảo hiểm xã hội; nếu cán bộ từ trần thì thân nhân lo mai táng được nhận tiền mai táng phí theo quy định tại thời điểm từ trần.
2.3. Thực hiện chế độ trợ cấp một lần theo quy định tại khoản b Điều 4 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP đối với cán bộ nghỉ việc nêu ở khoản 1.3 điểm 1 trên đây.
2.4. Trường hợp cán bộ đã từ trần trong thời gian chưa kịp làm chế độ thì thân nhân lo mai táng được nhận tiền trợ cấp một lần và tiền mai táng phí theo quy định tại thời điểm từ trần.
3. Kinh phí thực hiện.
3.1. Kinh phí thực hiện khoản 2.1, 2.2 nêu trên do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả (bao gồm cả chế độ mai táng phí) theo quy định của pháp luật hiện hành.
3.2. Kinh phí thực hiện khoản 2.3, 2.4 nêu trên do nguồn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo văn bản số 823/VPCP-VX ngày 24/02/2004 của Văn phòng Chính phủ.
3.3. Phần trợ cấp trượt giá cho cán bộ nghỉ việc nêu trên (nếu có) do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình xem xét, quyết định từ nguồn ngân sách địa phương; đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, không để xảy ra khiếu kiện giữa các đối tượng nghỉ việc.
Nhận được văn bản này đề nghị Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình, phối hợp với các ngành chức năng liên quan của tỉnh Thái Bình xem xét giải quyết cụ thể từng trường hợp theo danh sách cán bộ ở khoản 1.1, 1.2 nêu trên. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chi trả theo danh sách cán bộ ở khoản 1.3, 1.4 nêu trên và tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 01/10/2007 để theo dõi.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |