Nội dung toàn văn Công văn 2146/BNV-TCBC kiện toàn bộ phận đầu mối về hợp tác kinh tế quốc tế ở các bộ, ngành, địa phương
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2146/BNV-TCBC | Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2003 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 2146/BNV-TCBC NGÀY 10 THÁNG 9 NĂM 2003 VỀ KIỆN TOÀN BỘ PHẬN ĐẦU MỐI VỀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ Ở CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
Kính gửi: | - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ |
Căn cứ Quyết định số 70/2002/QĐ-TTg ngày 06/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế; Công văn số 50/UB-VP ngày 28/3/2003 của Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế thông báo kết luận của Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBQG về HTKTQT.
Sau khi thống nhất ý kiến với Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điểm về công tác kiện toàn bộ phận đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế tại các bộ, ngành và địa phương được giao nhiệm vụ về hội nhập kinh tế quốc tế như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ VIỆC KIỆN TOÀN BỘ PHẬN ĐẦU MỐI VỀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
1. Bộ phận đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế ở các bộ, ngành và địa phương được giao nhiệm vụ về hội nhập kinh tế quốc tế được kiện toàn trên cơ sở các bộ phận đầu mối hoặc các Ban hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay (dưới đây gọi tắt là Ban HNKTQT) đã được thành lập theo hướng dẫn tại Công văn số 761/UBQG-VP ngày 09 tháng 7 năm 1998 của UBQG-HTKTQT và Công văn số 153/CP-TCQT ngày 13 tháng 2 năm 1999 của Chính phủ.
2. Việc kiện toàn bộ phận đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế được thực hiện trên cơ sở giữ nguyên biên chế, sử dụng hợp lý số cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức và cơ sở vật chất hiện có của bộ, ngành và địa phương.
3. Ban HNKTQT có chế độ họp định kỳ để triển khai nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Thời gian họp định kỳ tùy thuộc vào tình hình và nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành và địa phương.
4. Ban HNKTQT là đầu mối liên hệ giữa bộ, ngành và địa phương với UBQG-HTKTQT, có nhiệm vụ tham gia các cuộc họp giữa các bộ phận đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế và định kỳ 3, 6 tháng và hàng năm đối với các bộ, ngành và 6 tháng và hàng năm đối với các địa phương, lập báo cáo gửi UBQG-HTKTQT về tình hình triển khai công tác HNKTQT trong phạm vi của bộ, ngành và địa phương mình.
5. Lãnh đạo Ban HNKTQT của các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào yêu cầu và khối lượng công việc cụ thể của ngành mình, địa phương mình xây dựng quy chế làm việc của Ban HNKTQT.
II. BAN HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ TẠI CÁC BỘ, NGÀNH
1. Nhiệm vụ và quyền hạn:
1.1. Chỉ đạo và phối hợp hoạt động của bộ, ngành mình trong việc tham gia các hoạt động kinh tế thương mại quốc tế, xây dựng kế hoạch hành động, chương trình và phương án đàm phán cho các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế (WTO, ASEAN, APEC ) và triển khai các nội dung trong Hiệp định thương mại Việt Nam Hoa Kỳ thuộc lĩnh vực bộ, ngành phụ trách.
1.2. Đề xuất với lãnh đạo bộ, ngành chỉ đạo việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, biện pháp quản lý kinh tế - thương mại của ngành mình, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
1.3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước, các nội dung và chính sách của Chính phủ về HNKTQT trong phạm vi của bộ, ngành, các kế hoạch và chương trình thực hiện cam kết HNKTQT của Bộ, ngành cho các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, cũng như các đối tượng liên quan tới các vấn đề nói trên trong xã hội.
1.4. Tư vấn, tham mưu và báo cáo cho lãnh đạo các bộ, ngành về tình hình kinh tế quốc tế và khu vực, những vấn đề nảy sinh và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc tham gia HNKTQT của bộ, ngành.
1.5. Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực HNKTQT và việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế.
1.6. Đại diện của bộ, ngành là thành viên UBQG-HTKTQT tham gia các hoạt động của UBQG về HTKTQT.
1.7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo các bộ, ngành giao trong lĩnh vực HNKTQT.
2. Tổ chức nhân sự
Ban HNKTQT ở các bộ, ngành gồm các thành viên:
- Trưởng ban là một đồng chí lãnh đạo Thứ trưởng (đối với các bộ, ngành thành viên của UBQG-HTKTQT lãnh đạo Ban HNKTQT đồng thời là thành viên của UBQG - HTKTQT)
- Phó trưởng Ban thường trực là một đồng chí lãnh đạo cấp Vụ của bộ phận chuyên trách về HNKTQT.
- Đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện làm nhiệm vụ hoặc liên quan trực tiếp tới HNKTQT của bộ, ngành
Ban HNKTQT có nhân sự giúp việc chuyên trách và thường trực đặt trong tổ chức thích hợp thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành để giải quyết các công việc thường xuyên, hàng ngày về HNKTQT và truyền đạt thông tin tới lãnh đạo và các thành viên trong Ban.
Các bộ, ngành sử dụng các bộ phận về hợp tác quốc tế hoặc đối ngoại hiện có để tổ chức nhân sự giúp việc cho Ban HNKTQT
Kinh phí hoạt động của Ban HNKTQT xây dựng hàng năm và lấy từ nguồn kinh phí hoạt động của bộ, ngành.
III. BAN HNKTQT Ở CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
1. Nhiệm vụ, quyền hạn:
1.1. Chỉ đạo và phối hợp hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc tham gia các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế.
1.2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, các nội dung và chính sách của Chính phủ, các chính sách của UBND tỉnh, thành phố về thực hiện cam kết HNKTQT trên địa bàn tỉnh, thành phố cho các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
1.3. Tư vấn, tham mưu và báo cáo Chủ tịch UBND về tình hình kinh tế quốc tế, khu vực và của toàn quốc, những vấn đề nảy sinh và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc triển khai nhiệm vụ HNKTQT trên địa bàn của tỉnh, thành phố.
1.4. Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực HNKTQT và việc thực hiện các kế hoạch triển khai cam kết HNKTQT trên địa bàn tỉnh, thành phố.
1.5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố giao trong lĩnh vực HNKTQT.
2. Tổ chức nhân sự:
Ban HNKTQT của các tỉnh, thành phố gồm các thành viên:
- Trưởng Ban là một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố.
- Một Phó trưởng Ban thường trực là một đồng chí Giám đốc Sở Thương mại (Sở Thương mại - Du lịch).
- Đại diện lãnh đạo Sở, Ban, ngành làm nhiệm vụ hoặc liên quan trực tiếp tới HNKTQT của địa phương.
Ban HNKTQT có nhân sự giúp việc chuyên trách và thường trực đặt trong Sở Thương mại (Sở Thương mại - Du lịch) để giải quyết các công việc thường xuyên, hàng ngày và truyền đạt thông tin tới lãnh đạo và các thành viên trong Ban.
Kinh phí hoạt động của Ban HNKTQT được xây dựng hàng năm và lấy từ nguồn kinh phí hoạt động của UBND tỉnh, thành phố.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiện toàn bộ phận đầu mối hội nhập kinh tế quốc tế của bộ, ngành, địa phương mình, báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ và Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế.
| Đỗ Quang Trung (Đã Ký) |