Công văn 2224/BTTTT-THH

Nội dung toàn văn Công văn 2224/BTTTT-THH 2022 tập trung thúc đẩy sử dụng các nền tảng số trên địa bàn


BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2224/BTTTT-THH
V/v tập trung thúc đẩy sử dụng các nền tảng số trên địa bàn trong năm 2022

Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 06/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Văn bản số 797/BTTTT-THH về việc hướng dẫn một số nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy triển khai chuyển đổi số năm 2022, trong đó, xác định rõ: Định hướng xuyên suốt năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là: Ban hành Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực và địa phương. Ưu tiên thúc đẩy sử dụng các nền tảng số Việt Nam phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân thuộc các lĩnh vực liên lạc, mua sắm, giải trí, sức khỏe, học tập, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Ngày 26/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trong đó, tiếp tục giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương:

- Thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo thẩm quyền và theo kế hoạch hàng năm.

- Thúc đẩy đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số theo Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số gắn liền với bảo đảm an toàn thông tin mạng (tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, bảo vệ thông tin cá nhân và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam theo quy định tại Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng).

Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, định kỳ cập nhật danh mục một số nền tảng số Việt Nam tại địa chỉ:

- Nền tảng số phục vụ chính quyền: https://mic.gov.vn/mra/Pages/trangchu.aspx.

- Nền tảng số phục vụ người dân: https://congdanso.mic.gov.vn.

- Nền tảng số phục vụ doanh nghiệp: https://smedx.mic.gov.vn.

Danh mục các nền tảng số cần tập trung thúc đẩy sử dụng tại các địa phương trong năm 2022 tại Phụ lục kèm theo. Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1. Giao Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố lựa chọn, công bố các nền tảng số để tập trung thúc đẩy sử dụng trên địa bàn phù hợp với yêu cầu và đặc thù của địa phương trong năm 2022 trước ngày 20/6/2022.

2. Định kỳ hàng tháng thực hiện đo lường mức độ sử dụng các nền tảng số đã được lựa chọn; giao Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn, thúc đẩy mọi người sử dụng.

Thông tin đầu mối chung của Bộ Thông tin và Truyền thông: Ông Nguyễn Thanh Thảo, Cục Tin học hóa, điện thoại: 0904136368, thư điện tử: [email protected]. Thông tin đầu mối cụ thể của từng nền tảng số tại Phụ lục kèm theo.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, THH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Huy Dũng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NỀN TẢNG SỐ TẬP TRUNG THÚC ĐẨY SỬ DỤNG
(Ban hành kèm theo văn bản số      /BTTTT-THH ngày      /      /2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông)

1. Triển khai nền tảng chính quyền số

Điểm mấu chốt để chuyển đổi từ chính quyền điện tử sang chính quyền số là việc chuyển đổi từ đầu tư hệ thống thông tin sang sử dụng nền tảng số thống nhất. Nếu mỗi sở, ngành, quận, huyện đầu tư các hệ thống thông tin khác nhau thì sẽ gặp vấn đề về kết nối, liên thông, cát cứ dữ liệu. Nếu cả tỉnh sử dụng một nền tảng số thống nhất thì các vấn đề trên được giải quyết một cách dễ dàng. Nếu mỗi cơ quan, tổ chức khi có bài toán cần giải quyết lại phải đầu tư một hệ thống thông tin mới thì vừa chậm, thường kéo dài đến hàng năm, lại vừa tiềm ẩn rủi ro về sự không hiệu quả, chồng chéo, trùng lặp về mặt đầu tư. Nếu cả tỉnh sử dụng nền tảng số thống nhất, khi cần cung cấp dịch vụ mới thì có thể ngay lập tức triển khai chỉ sau thời gian tính bằng ngày, bằng tuần, với chi phí chủ yếu là chi phí nhân công thực hiện cấu hình, cài đặt và tập huấn sử dụng thì tự khắc các vấn đề trên được giải quyết.

Bộ Thông tin và Truyền thống hướng dẫn triển khai các nền tảng số phổ biến phục vụ chính quyền số và coi đây là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá, xếp hạng chỉ số chuyển đổi số. Mỗi bộ, ngành, địa phương có thể có các nền tảng số đặc thù phục vụ riêng nhu cầu của mình. Các nền tảng số được triển khai tập trung, sử dụng chung thống nhất trong phạm vi toàn bộ cơ quan, đơn vị các cấp trực thuộc. Danh sách 18 nền tảng số phổ biến phục vụ chính quyền số để triển khai thống nhất trong phạm vi của một bộ, một ngành, một địa phương gồm:

1.1. Nền tảng điện toán đám mây các bộ, ngành, địa phương

Nền tảng điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu thường là hai cấu phần gắn liền với nhau, cung cấp toàn bộ hạ tầng tính toán tập trung. Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương nếu đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu phục vụ hoạt động của bộ, ngành, địa phương mình cần phải tối thiểu đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9250:2021 và văn bản số 486/CATTT- ATHTTT ngày 19/6/2020 của Cục An toàn thông tin về hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cho Trung tâm dữ liệu phục vụ Chính phủ điện tử, đồng thời, bảo đảm nhân lực quản trị, vận hành chuyên nghiệp.

Nền tảng điện toán đám mây và dịch vụ điện toán đám mây hiện tại đã có trên 03 nhà cung cấp tại Việt Nam.

Văn bản yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật

Văn bản số 1145/BTTTT-CATTT ngày 03/4/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử

Văn bản số 2612/BTTTT-CATTT ngày 17/7/2021 về việc bổ sung bộ tiêu chí, chỉ tiêu để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Cục An toàn thông tin: Ông Trần Nguyên Chung. Điện thoại: 0888609399. Thư điện tử: [email protected].

Mô hình tham khảo

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai cả gói Nền tảng điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu dưới tên gọi trung tâm tích hợp dữ liệu theo hình thức thuê dịch vụ, cung cấp hạ tầng tính toán cho toàn bộ các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh từ năm 2019. Trước đó, Bà Rịa - Vũng Tàu có trung tâm tích hợp dữ liệu do Tỉnh tự đầu tư xây dựng. Vào thời điểm năm 2018, nhiều thiết bị và công nghệ đã cũ nên khả năng hỏng hóc cao, trong khi đó, lại chưa được trang bị hệ thống sao lưu dữ liệu chuyên dụng dự phòng nên trường hợp sự cố xảy ra có thể rủi ro trong việc phục hồi hệ thống, không đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cũng như đảm bảo an toàn thông tin, chia sẻ tài nguyên theo hướng dùng chung. Vì vậy, một số cơ quan, đơn vị có phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trang thông tin điện tử phải đi thuê lưu trữ bên ngoài hoặc lưu tại đơn vị.

Chủ trương và kinh phí thuê dịch vụ trung tâm tích hợp dữ liệu được phê duyệt trong Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin/chuyển đổi số hàng năm của UBND tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì, Trung tâm CNTT&TT thuộc Sở TT&TT là đầu mối thực hiện. Sở Tài chính được giao tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp hàng năm cho Sở Thông tin và Truyền thông để thực hiện. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định số 357/QĐ-UBND ngày 19/02/2021 ban hành Quy chế quản lý, vận hành và khai thác trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là văn bản rất hữu ích cho các bộ, ngành, địa phương tham khảo.

1.2. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP) phục vụ việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương và đóng vai trò là đầu mối kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống bên ngoài, như: Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực tư. Việc xây dựng, phát triển LGSP sẽ giúp cho bộ, ngành, địa phương: (1) Phát triển các dịch vụ, tiện ích theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, người dân, doanh nghiệp không phải kê khai, cung cấp thông tin thủ công nhiều lần, đi lại nhiều nơi; (2) Tổng hợp thông tin, dữ liệu từ nhiều nguồn để tạo kho dữ liệu dùng chung của bộ, ngành địa phương bảo đảm đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành được hiệu quả; (3) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan nhà nước không phải nhập thông tin thủ công, thao tác nghiệp vụ trên nhiều phần mềm khác nhau; (4) Tăng cường hiệu quả khai thác các dữ liệu dùng chung trong nội bộ, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí; (5) Cho phép cung cấp dữ liệu mở ra bên ngoài phục vụ khu vực tư xây dựng, phát triển hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ mới, đặc thù của bộ, ngành, địa phương.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu hiện tại đã có trên 03 nhà cung cấp tại Việt Nam.

Văn bản yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật

Công văn số 631/THH-THHT ngày 21/5/2020 của Cục Tin học hoá về việc hướng dẫn yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật của Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) (Phiên bản 1.0).

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Cục Tin học hoá: Ông Trần Quốc Tuấn. Điện thoại: 0902170982. Thư điện tử: [email protected].

Mô hình tham khảo

Hiện có nhiều bộ, ngành, địa phương sử dụng LGSP hiệu quả (tính theo số hệ thống kết nối, số giao dịch chia sẻ dữ liệu thông qua LGSP trong nội bộ; số cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương và số giao dịch được ghi nhận thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia NDXP). Bộ Giao thông vận tải, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Long An là 03 cơ quan điển hình về việc sử dụng hiệu quả LGSP.

1.3. Nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC)

Nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh cho phép tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của bộ, ngành, địa phương trên tất cả các lĩnh vực, cung cấp cái nhìn tổng thể theo thời gian thực đối với các đối tượng liên quan, qua đó, giúp người ra quyết định các cấp có khả năng giám sát, điều hành, phân tích dữ liệu lớn và hỗ trợ ra quyết định. Nền tảng IOC do vậy có thể bao gồm cả các chức năng của Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu, Nền tảng giám sát dữ liệu trực tuyến và các ứng dụng, dịch vụ phân tích, xử lý dữ liệu khác. Vì vậy, khi triển khai cần tránh trùng lặp.

Hiện nay, qua thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, có khoảng 45 địa phương đã triển khai trung tâm IOC cấp tỉnh, 24 địa phương triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị/thành phố thuộc tỉnh.

Để triển khai IOC hiệu quả, tránh tính phong trào, hình thức, đề nghị các bộ, ngành, địa phương lưu ý: (1) Sự tham gia vào cuộc đặt đề bài và trực tiếp chỉ đạo, điều hành, sử dụng của người đứng đầu các cấp; (2) Triển khai các dịch vụ lấy người dân làm trung tâm; (3) Có quy trình xử lý và sự tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan vì IOC là một hệ sinh thái chứ không phải chỉ là một nền tảng độc lập.

Nền tảng trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh hiện tại đã có trên 03 nhà cung cấp tại Việt Nam.

Văn bản yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật

Văn bản số 4176/BTTTT-THH ngày 22/11/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh.

Văn bản số 213/THH-CPĐT ngày 03/3/2021 của Cục Tin học hóa hướng dẫn mô hình tổng thể, yêu cầu chức năng, tính năng của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh, cấp bộ (phiên bản 1.0).

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Cục Tin học hóa: Ông Trần Thanh Tùng. Điện thoại: 0919876666. Thư điện tử: [email protected].

Mô hình tham khảo

Tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai Trung tâm IOC và hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh từ tháng 01/2019, được đông đảo người dân và công chức, viên chức trên địa bàn sử dụng. Tỉnh đã có sơ kết 03 năm triển khai, kết quả cho thấy hiệu quả mang lại so với chi phí bỏ ra là hết sức rõ rệt. Mô hình Thừa Thiên - Huế thu hút được sự tham gia của khoảng trên dưới 10 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cùng tham gia phát triển ứng dụng, cung cấp giải pháp cho đô thị thông minh.

1.4. Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung cấp bộ, tỉnh

Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu đóng vai trò như một kho lưu trữ dữ liệu tập trung để lưu trữ dữ liệu trên quy mô lớn, bao gồm cả dữ liệu phi cấu trúc và dữ liệu có cấu trúc từ nhiều nguồn. Các cơ quan, tổ chức thường sử dụng để lưu trữ dữ liệu cho các phân tích trong tương lai hoặc thời gian thực. Nền tảng cung cấp các công cụ phục vụ phân tích dữ liệu.

Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cùng với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu vì vậy là hai trong số những nền tảng quan trọng nhất của chính quyền số, chuyển đổi số. Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu có thể được triển khai độc lập với Nền tảng Đô thị thông minh. Tuy nhiên, thời gian qua, một số địa phương triển khai Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu như là một thành phần của Nền tảng Đô thị thông minh.

Văn bản yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật

Chưa có.

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Cục Tin học hóa: Ông Đỗ Lập Hiển. Điện thoại: 0916033555. Thư điện tử: [email protected].

Mô hình tham khảo

Chưa có. Khuyến khích các bộ, ngành, địa phương đăng ký triển khai thí điểm.

1.5. Nền tảng giám sát dữ liệu trực tuyến

Nền tảng giám sát dữ liệu trực tuyến phục vụ kết nối giữa hệ thống thông tin của đối tượng quản lý và cơ quan quản lý để thực hiện giám sát dữ liệu, thống kê, báo cáo trực tuyến, bao gồm một phần mềm đại diện (agent) cài đặt ở môi trường của đối tượng quản lý đóng vai trò như là đại diện của đối tượng quản lý, một phần mềm tiếp nhận dữ liệu (adapter) cài đặt ở môi trường của cơ quan quản lý và một phần mềm hiển thị trực quan dữ liệu cần giám sát.

Trong trường hợp đã có Nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh hoặc Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu thì hoàn toàn có thể nhanh chóng sử dụng hai nền tảng này để thực hiện các chức năng của Nền tảng giám sát dữ liệu trực tuyến mà không cần đầu tư thêm.

Văn bản yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật

Chưa có.

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Cục Tin học hóa: Ông Đỗ Lập Hiển. Điện thoại: 0916033555. Thư điện tử: [email protected].

Mô hình tham khảo

Hiện mới có Bộ Công Thương thí điểm đối với hoạt động giám sát dữ liệu xăng dầu, Bộ Thông tin và Truyền thông thí điểm đối với hoạt động giám sát dữ liệu của các doanh nghiệp trực thuộc. Khuyến khích các bộ, ngành, địa phương đăng ký triển khai thí điểm.

1.6. Nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC)

Nền tảng SOC đáp ứng yêu cầu giám sát, kết nối, chia sẻ thông tin, góp

phần đảm bảo an toàn thông tin mạng; giúp các bộ, ngành, địa phương rút ngắn 90% khối lượng và thời gian triển khai mô hình “4 lớp”; nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các chủ quản hệ thống thông tin.

Nền tảng SOC hiện tại đã có trên 03 nhà cung cấp tại Việt Nam.

Văn bản yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật

Văn bản 2973/BTTTT-CATTT ngày 04/9/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn triển khai hoạt động giám sát an toàn thông tin trong cơ quan, tổ chức nhà nước.

Quyết định số 124/QĐ-CATTT ngày 13/8/2021 của Cục An toàn thông tin về tiêu chí để đánh giá giải pháp dịch vụ Trung tâm giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng.

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Cục An toàn thông tin: Ông Trần Quang Hưng. Điện thoại: 0979093589. Thư điện tử: [email protected].

Mô hình tham khảo

Tỉnh Trà Vinh đã triển khai các phương án đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) cho Trung tâm tích hợp dữ liệu và các máy tính trên địa bàn tỉnh theo hình thức đầu tư kết hợp với thuê dịch vụ. Phương án triển khai bao gồm đầy đủ các giải pháp bảo vệ, giám sát cho lớp ứng dụng, lớp mạng, lớp Endpoint cùng các thành phần lưu trữ, phân tích nhật ký ATTT tập trung, Điều phối tự động hóa phản ứng an ninh mạng,..và dịch vụ giám sát xử lý sự cố ATTT 24/7 cho Trung tâm dữ liệu của đơn vị cung cấp dịch vụ ATTT chuyên nghiệp nhằm phát hiện, phản ứng nhanh nhất khi có các sự kiện, sự số ATTT.

1.7. Nền tảng quản trị tổng thể cấp bộ, tỉnh

Nền tảng quản trị tổng thể cấp bộ, tỉnh cho phép người sử dụng (toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã) đăng nhập một lần, trải nghiệm xuyên suốt, đồng bộ các chức năng về thư điện tử, văn bản điện tử, lịch làm việc, họp trực tuyến, đôn đốc, nhắc việc, chia sẻ tệp tin và các chức năng khác hỗ trợ công vụ. Nền tảng có khả năng thấu hiểu hành vi của từng người sử dụng, qua đó, hỗ trợ người sử dụng nâng cao hiệu suất, chất lượng giải quyết công việc.

Văn bản yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật

Chưa có.

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Cục Tin học hóa: Ông Đỗ Lập Hiển. Điện thoại: 0916033555. Thư điện tử: [email protected].

Mô hình tham khảo

Chưa có. Khuyến khích các bộ, ngành, địa phương đăng ký triển khai thí điểm.

1.8. Nền tảng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính

Nền tảng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh là sự hợp nhất của Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử.

Văn bản yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật

Chưa có.

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Cục Tin học hóa: Ông Đỗ Lập Hiển. Điện thoại: 0916033555. Thư điện tử: [email protected].

Mô hình tham khảo

Chưa có. Khuyến khích các bộ, ngành, địa phương đăng ký triển khai thí điểm.

1.9. Nền tảng bản đồ số

Nền tảng bản đồ số cung cấp giao diện lập trình ứng dụng (APIs) có thể tích hợp vào nhiều ứng dụng khác nhau phục vụ bài toán quản lý nhà nước liên quan đến bản đồ số.

Văn bản yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật

Chưa có.

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Vụ Quản lý doanh nghiệp: Bà Chu Thị Tuyết Mai. Điện thoại: 0913080845. Thư điện tử: [email protected].

Mô hình tham khảo

Bến Tre đã sử dụng Nền tảng bản đồ số IOT Link Map4D để giải quyết bài toán quản lý hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh. Nền tảng giúp hiển thị trực quan vị trí các trạm BTS trên nền bản đồ số, kèm theo thông tin thuộc tính đầy đủ, chi tiết và các tiện ích khác hỗ trợ tích cực trong việc quản lý, thống kê, quy hoạch, tối ưu hóa việc sử dụng chung hạ tầng viễn thông.

1.10. Nền tảng trợ lý ảo

Nền tảng trợ lý ảo phục vụ cán bộ, công chức, viên chức giúp mỗi người có một trợ lý trên điện thoại di động phục vụ hỏi - đáp công việc. Nền tảng trợ lý ảo có thể tích lũy tri thức về các lĩnh vực chuyên ngành, tri thức về văn bản quy phạm pháp luật, tri thức về số liệu thống kê v.v…, thông qua đó, triển khai Nền tảng trợ lý ảo giúp cán bộ, công chức, viên chức rút ngắn thời gian tìm hiểu tri thức, nâng cao hiệu quả công việc, tích lũy tri thức làm việc và chuyển giao tri thức một cách dễ dàng.

Văn bản yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật

Chưa có.

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số: Bà Phạm Ái Ninh. Điện thoại: 0944074796. Thư điện tử: [email protected].

Mô hình tham khảo

Chưa có. Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Thông tin và Truyền thông đang thí điểm triển khai Nền tảng trợ lý ảo trong năm 2021 và 2022.

Khuyến khích các bộ, ngành, địa phương đăng ký triển khai thí điểm.

1.11. Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới

Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới cho phép họp trực tuyến linh hoạt đến từng thiết bị cá nhân của người tham gia, kết nối thông suốt, đồng bộ với hệ thống họp trực tuyến đã có ở các cơ quan, tổ chức.

Văn bản yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật

Công văn số 2558/BTTTT-CBĐTW ngày 02/8/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc công bố tài liệu hướng dẫn việc xây dựng, triển khai hạ tầng mạng và hệ thống thiết bị; tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối các hệ thống hội nghị truyền hình; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các cuộc họp trực tuyến;

Quyết định số 157/QĐ-BTTTT ngày 28/01/2022 về việc ban hành bộ tiêu chí yêu cầu kỹ thuật tối thiểu nền tảng họp trực tuyến

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Cục Bưu điện Trung ương: Ông Lê Đức Anh. Điện thoại: 0836419888. Thư điện tử: [email protected].

Mô hình tham khảo

Cục Bưu điện Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông.

1.12. Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCS)

Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai thử nghiệm Nền tảng MOOCS tại địa chỉ: https://onetouch.mic.gov.vn

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành, địa phương sử dụng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà để phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan.

Văn bản yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật

Chưa có.

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Cục Tin học hóa: Ông Đỗ Lập Hiển. Điện thoại: 0916033555. Thư điện tử: [email protected].

1.13. Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân

Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân tại địa chỉ: https://form.gov.vn

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành, địa phương xem xét sử dụng Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân để phục vụ công tác khảo sát, thay vì sử dụng các nền tảng tương tự của nước ngoài (ví dụ, Google Form), tránh lộ lọt dữ liệu cá nhân của người dân, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh mạng.

Văn bản yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật

Chưa có.

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Cục Tin học hóa: Ông Đỗ Lập Hiển. Điện thoại: 0916033555. Thư điện tử: [email protected].

1.14. Nền tảng CSDL quốc gia về dân cư

Triển khai theo hướng dẫn của Bộ Công an.

1.15. Nền tảng CSDL về đất đai

Triển khai theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

1.16. Nền tảng CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Triển khai theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

1.17. Nền tảng CSDL quốc gia về bảo hiểm

Triển khai theo hướng dẫn của Bảo hiểm Xã hội.

1.18. Nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia

Triển khai theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Triển khai nền tảng kinh tế số

Trong năm 2022, việc triển khai các nền tảng kinh tế số tập trung vào các nền tảng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, công bố các nền tảng số phục vụ SMEs tại địa chỉ: https://smedx.mic.gov.vn

Hành động thúc đẩy SMEdx tại địa phương

Sở Thông tin và Truyền thông hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt “Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số” dựa trên Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số SMEdx tại Quyết định số 377/QĐ-BTTTT ngày 26/3/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản khác liên quan, trong đó chú trọng ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ: (i) Hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs thuê, mua sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số; (ii) Hỗ trợ tư vấn đánh giá mức độ chuyển đổi số và tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp; (iii) Xây dựng, đào tạo, phát triển đội ngũ tư vấn viên về chuyển đổi số doanh nghiệp tại địa phương để kết nối, tham gia vào Mạng lưới tư vấn viên chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp SMEs trên địa bàn; (iv) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp về chuyển đổi số, triển khai các khoá tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; (v) Xây dựng các tài liệu, công cụ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; (vi) Tổ chức hội thảo, hội nghị thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp; (vii) Tổ chức truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. (viii) Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số khi đăng ký nhận hỗ trợ từ Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư: xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt để triển khai Chương trình xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp nhằm cụ thể hoá thực hiện các nội dung tại khoản 3, Mục III, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Mục VI, khoản 3, 4 Mục VII, Điều 1 Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông trên địa bàn. Hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp tại địa phương đăng ký tài khoản trên Cổng thông tin chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp (Digital Business Indicators) tại địa chỉ dbi.gov.vn để đánh giá xác định mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp sử dụng các nền tảng số phù hợp để chuyển đổi số nhanh và hiệu quả;

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư: Có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp tại địa phương tích cực triển khai chuyển đổi số, chủ động tham gia tích cực Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số (Quyết định số 377/QĐ-BTTTT) của Bộ Thông tin và Truyền thông, Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số (Quyết định số 1970/QĐ- BTTTT) và các kế hoạch của địa phương.

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Vụ Quản lý doanh nghiệp: Bà Chu Thị Tuyết Mai. Điện thoại: 0913080845. Thư điện tử: [email protected].

Danh sách nền tảng chuyển đổi số SMEdx

Các loại nền tảng phục vụ chuyển đổi số SMEs cụ thể như sau:

- Nền tảng điện toán đám mây.

- Nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp.

- Nền tảng tài chính kế toán, hóa đơn và chữ ký số.

- Nền tảng thanh toán điện tử.

- Nền tảng hợp đồng điện tử.

- Nền tảng quản trị trang/cổng thông tin điện tử.

- Nền tảng tiếp thị.

- Nền tảng chăm sóc khách hàng đa kênh.

- Nền tảng quản lý bán hàng.

- Nền tảng an toàn thông tin mạng.

- Nền tảng quản lý vận tải, kho bãi, logistic.

- Nền tảng tư vấn, đào tạo.

- Nền tảng nhân sự, kết nối công việc.

- Nền tảng thương mại điện tử.

- Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch.

- Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới.

- Nền tảng tổng hợp.

3. Triển khai nền tảng xã hội số

Trong năm 2022, việc triển khai các nền tảng xã hội số tập trung vào các nền tảng số phục vụ người dân. Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, công bố các nền tảng số phục vụ người dân tại địa chỉ: https://congdanso.mic.gov.vn

Đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông

Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông: Bà Mai Thanh Bình. Điện thoại: 091233812. Thư điện tử: [email protected].

16 nền tảng số phục vụ nhu cầu của người dân thí điểm thúc đẩy triển khai năm 2022 cụ thể như sau:

- Liên lạc.

- Trình duyệt và công cụ tìm kiếm.

- Mạng xã hội.

- Bản đồ số.

- Đi lại.

- Mua sắm.

- Giao hàng.

- Tin tức.

- Học tập.

- Sức khỏe.

- Du lịch.

- Đọc sách.

- Thanh toán.

- Giải trí.

- Họp trực tuyến.

- An toàn thông tin mạng./.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Công văn 2224/BTTTT-THH

Loại văn bảnCông văn
Số hiệu2224/BTTTT-THH
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành09/06/2022
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcCông nghệ thông tin
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhậtnăm ngoái
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Công văn 2224/BTTTT-THH

Lược đồ Công văn 2224/BTTTT-THH 2022 tập trung thúc đẩy sử dụng các nền tảng số trên địa bàn


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Công văn 2224/BTTTT-THH 2022 tập trung thúc đẩy sử dụng các nền tảng số trên địa bàn
                Loại văn bảnCông văn
                Số hiệu2224/BTTTT-THH
                Cơ quan ban hànhBộ Thông tin và Truyền thông
                Người kýNguyễn Huy Dũng
                Ngày ban hành09/06/2022
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcCông nghệ thông tin
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhậtnăm ngoái

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Công văn 2224/BTTTT-THH 2022 tập trung thúc đẩy sử dụng các nền tảng số trên địa bàn

                            Lịch sử hiệu lực Công văn 2224/BTTTT-THH 2022 tập trung thúc đẩy sử dụng các nền tảng số trên địa bàn

                            • 09/06/2022

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực