Công văn 23/LĐTBXH-BC

Công văn số 23/LĐTBXH-BC ngày 15/05/2003 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về báo cáo kết quả tổ chức tuần lễ quốc gia an toàn-vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 5 (từ ngày 16 đến ngày 22 tháng 3 năm 2003)

Nội dung toàn văn Công văn 23/LĐTBXH-BC báo cáo kết quả tổ chức tuần lễ quốc gia an toàn-vệ sinh lao động,


BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23/LĐTBXH-BC

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2003

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ TỔ CHỨC TUẦN LỄ QUỐC GIA AN TOÀN-VỆ SINH LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ LẦN THỨ 5
(từ ngày 16 đến ngày 22 tháng 3 năm 2003)

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Tuần lễ Quốc gia An toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (AT-VSLĐ-PCCN) là sự kiện quan trọng hàng năm do Thủ tướng Chính phủ phát động, sự kiện này đã được các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện. Các Bộ, ngành, địa phương nhiệt tình hưởng ứng, các chủ doanh nghiệp và đông đảo quần chúng nhân dân, người lao động tích cực tham gia. Tuần lễ Quốc gia An toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 5 đã được tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An từ ngày 16 đến ngày 22 tháng 3 năm 2003.

Ngày 28 tháng 4 năm 2003, Ban Chỉ đạo Trung ương đã họp rút kinh nghiệm việc tổ chức Tuần lễ lần thứ 5 và bàn phương hướng tổ chức Tuần lễ lần thứ 6. Đến nay, sau khi nhận được đầy đủ báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện như sau:

I. Sự chỉ đạo của các cấp, các ngành

1. Ban chỉ đạo Trung ương

Để chuẩn bị cho việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 5, Tháng 3 năm 2002, Ban Chỉ đạo Trung ương đã thông báo đến Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc Nghệ An được chọn là địa phương tổ chức các hoạt động mang tính Quốc gia trong thời gian diễn ra Tuần lễ. Tháng 9 năm 2002, có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương thông báo về chủ đề của Tuần lễ lần thứ 5. Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An cũng đã họp triển khai các hoạt động chuẩn bị tổ chức Tuần lễ ngay từ tháng 12 năm 2002, sau đó Ban Chỉ đạo Trung ương cũng đã có họp với các cơ quan tổ chức liên quan triển khai kế hoạch, phân định trách nhiệm, phối hợp với các hoạt động và triển khai kế hoạch, phân định trách nhiệm, phối hợp với các hoạt động và triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Tuần lễ Quốc gia. Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đã kịp thời ban hành các văn bản cần thiết để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện.

2. Ban chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương

- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành các văn bản liên quan hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tổ chức Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 5, như công văn số 2995/LĐTBXH-BHLĐ ngày 11/9/2002 thông báo về việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 5; công văn số 203/BLĐTBXH-BHLĐ ngày 21/1/2003 về việc chuẩn bị Tổ chức Tuần lễ; công văn số 581/LĐTBXH-BHLĐ ngày 28/2/2003 thông báo việc triển khai tổ chức Tuần lễ; công văn số 629/LĐTBXH-BHLĐ ngày 5 tháng 3 năm 2003 gửi Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, thành phố, các Khu công nghiệp, khu chế xuất và các Tổng công ty, các doanh nghiệp trên các công trình trọng Điểm về việc tổ chức hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 5; đồng thời Bộ LĐTBXH cũng đã tiến hành khảo sát địa Điểm tổ chức Tuần lễ (tháng 8 năm 2002) và kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương; chuẩn bị nội dung thông tin, tuyên truyền để cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương và  doanh nghiệp; phát hành 21.000 tờ rơi, 15.000 áp phích và 20.000 tài liệu về an toàn - vệ sinh lao động.

- Bộ Y tế: Đã ban hành công văn số 8652/YTDP ngày 14/10/2002, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động và ngân sách cho Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 5 và tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra vệ sinh lao động, thực hiện chăm sóc sức khoẻ người lao động; ban hành công văn số 9505/YTDP hướng dẫn công tác kiểm tra chấm Điểm thi đua và đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc về AT-VSLĐ, PCCN; phát hành 500 tài liệu tập huấn cho cán bộ y tế về bệnh bụi phổi silíc; 3000 tài liệu tập huấn cho người lao động; 20.000 tờ rơi với nội dung an toàn - vệ sinh lao động trong nông nghiệp, 18.000 tờ rơi về an toàn - vệ sinh lao động phòng chống tác hại của bụi, bụi phổi silíc, da nghề nghiệp, dung môi, áp phích về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh bụi phổi silíc; phát hành 01 số báo chuyên đề “Sức khoẻ người lao động trong ngành y tế”.

- Bộ Công an: Đã có công văn số 305/BCA (C11) chỉ đạo công an các cấp tiến hành các hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia, chỉ đạo công an PCCC tổng kiểm tra về PCCC đối với những chợ, trung tâm thương mại, những cơ sở, doanh nghiệp trọng Điểm có nhiều nguy cơ về cháy nổ, nơi tập trung đông người, các nhà cao tầng, chỉ đạo, phối hợp với Bộ Công an tỉnh Nghệ An tổ chức hội thao phòng cháy chữa cháy tại Nhà văn hoá Trung tâm tỉnh Nghệ An ngay trong ngày phát động Tuần lễ; Chương trình phát thanh và truyền hình “Vì an ninh tổ quốc” đã có nhiều tin, phóng sự phản ánh các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ; công an các địa phương đã phát hành hơn mười vạn bản khuyến cáo về an toàn phòng cháy chữa cháy và các biện pháp an toàn thoát nạn, cứu người, cứu tài sản tới tận thôn, ấp, tổ dân phố, các cơ sở, hộ gia đình; tổ chức 538 buổi nói chuyện chuyên đề phòng cháy chữa cháy, phát hành hàng vạn tờ rơi, pa nô, áp phích, khẩu hiệu phòng cháy chữa cháy.

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:  Đã có công văn số 1859/TLĐ-BHLĐ ngày 11 tháng 11 năm 2002 về việc tổng kết công tác Bảo hộ lao động năm 2002, xây dựng chương trình công tác năm 2003, trong đó có việc tham gia hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 5; Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN năm 2003; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã khen thưởng 206 đơn vị và 121 cá nhân có thành tích trong phong trào “Xanh -  Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động” năm 2002; chỉ đạo công đoàn các cấp tổ chức thi An toàn - vệ sinh sinh viên giỏi; đã phát hành hàng trăm nghìn tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, tài liệu tuyên truyền về an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.

-  Bộ Công nghiệp: Đã kiện toàn Ban chỉ đạo Tuần lễ của Bộ và triển khai đến các Sở Công nghiệp, các Tổng công ty và các công ty trực thuộc. Các Tổng công ty đã tổ chức mít tinh và có nhiều hoạt động phong phú như Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Than Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng công nghiệp; Bộ Công nghiệp đã phát động năm “An toàn công nghiệp năm 2003” nhằm duy trì công tác An toàn lao động thường xuyên, liên tục, gắn liền với quá trình sản xuất và sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành;

- Bộ Quốc phòng:  Chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí của quân đội và Truyền hình quân đội đưa tin, bài, phóng sự phản ánh công tác bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ tại các đơn vị sản xuất, đồng thời tổ chức mít tinh hưởng ứng tại Quân khu IV. Riêng Truyền hình Quân đội đã xây dựng được 9 phóng sự và một cuộc toạ đàm về công tác an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.

-  Bộ Xây dựng:  Đã phối hợp với Công đoàn xây dựng Việt Nam ban hành công văn 186/BXD-TCLĐ ngày 12/2/2003 chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ triển khai các hoạt động hưởng ứng và tham gia hưởng ứng ở các địa phương; Bộ Xây dựng và Công đoàn Xây dựng Việt Nam tổ chức mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN tại khu liên hợp thể thao Quốc gia với sự tham gia của 1.500 cán bộ công nhân viên thuộc 5 Tổng công ty đang trực tiếp thi công tại công trình; 100% các đơn vị thuộc Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo hưởng ứng Tuần lễ;

- Bộ Giao thông Vận tải: Đã ban hành công văn số 209/GT-VT-TCCB-LĐ ngày 16/1/2003 gửi các đơn vị yêu cầu tổ chức Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 5; các Cục, các Tổng công ty, các Công ty trực thuộc Bộ đã triển khai chương trình hành động để hưởng ứng tuần lễ, tổ chức các buổi mít tinh hưởng ứng, tập huấn kỹ thuật an toàn; rà soát bổ sung các quy trình, nội quy, biện pháp làm việc an toàn, tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, đo kiểm tra môi trường lao động; tổ chức thăm hỏi tặng quà các nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích về công tác đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ;

-  Hội nông dân Việt Nam: Đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình An toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ của Hội nông dân Việt Nam; ban hành thông trí số 128TT/HND ngày 3/3/2003; hướng dẫn các tỉnh, thành hội triển khai các hoạt động về An toàn - Vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ năm 2003; Trung ương Hội nông dân Việt Nam đã chỉ đạo Điểm tại phường Nghi Thuỷ, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 5 với các nội dung thiết thực với đời sống, sản xuất của người nông dân như ra quân làm vệ sinh đường giao thông thôn xóm, tu sửa đường dây điện, sắp xếp lại địa Điểm chế biến thủy sản đảm bảo AT-VSLĐ; tổ chức cho các chi hội nông dân không dùng thuốc nổ và xung điện đánh bắt thủy sản; tổ chức mít tinh hưởng ứng Tuần lễ với sự tham gia của 800 nông dân, học sinh, người dân lao động trên địa bàn thị xã Cửa Lò;

- Các Bộ, ngành, địa phương khác:  Sau khi nhận được công văn hướng dẫn của Ban chỉ đạo, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, một số địa phương đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo, các địa phương lập kế hoạch cụ thể, chi Tiết các hoạt động hưởng ứng trong dịp Tuần lễ, đồng thời hướng dẫn các huyện, thị xã và các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nông, lâm trường trên địa bàn thực hiện.

II. Tổ chức Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN

1. Các hoạt động chung

- Mít tinh:  Ngày 16/3/2003 mít tinh phát động Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 5 được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Nhà văn hoá lao động tỉnh Nghệ An. Tham dự mít tinh có: Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, các đồng chí lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, Giao thông - Vận tải, Xây dựng; Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An: Các đại biểu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO); gần 600 đại biểu đại diện cho các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp và 1800 công nhân, nôn dân ở các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đài truyền hình Nghệ An đã truyền hình trực tiếp sự kiện này.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đến dự và phát động Tuần lễ. Đồng chí đã biểu dương các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong thời gian qua; đồng thời đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp công đoàn, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động hưởng ứng và phát huy kết quả của “Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN” để hạn chế tối đa những tổn hại về vật chất và tinh thần cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Cần làm cho Tuần lễ quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trở thành mối quan tâm của các cấp uỷ Đảng, của chính quyền các địa phương và là nhiệm vụ chủ yếu, thường xuyên của các cơ sở sản xuất và đặc biệt là của người lao động.

Đồng chí Hoàng Ky, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban chỉ đạo Tuần lễ tỉnh Nghệ An đã phát biểu hưởng ứng. Tỉnh Uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cấp, các ngành luôn quan tâm, coi trọng công tác bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhằm bảo vệ sức khoẻ người lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Nghệ An.

Đại diện Tổ chức lao động Quốc tế, Bà Rose Marie Greve, Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội, hoan nghênh sự quan tâm của Chính phủ trong việc bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ người lao động tại nơi làm việc, đặc biệt là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp, đây cũng là lĩnh vực đang được sự quan tâm của Tổ chức lao động Quốc tế. Đại diện Tổ chức lao động quốc tế cũng đã cam kết sẽ hợp tác, giúp đỡ các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam trong các hoạt động nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại cuộc Mít tinh, Ban tổ chức đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ năm 2002.

Cảng Nghệ Tĩnh, đại diện cho các doanh nghiệp phát biểu hưởng ứng và cam kết thực hiện tốt công tác an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.

Ngay sau buổi mít tinh là cuộc diễu hành cổ động của đông đảo người lao động và 45 xe cổ động từ Nhà văn hoá lao động tỉnh đến các tuyến phố chính của thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Ban tổ chức cũng đã tổ chức diễn tập phương án chữa cháy tại Nhà văn hoá Trung tâm thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đây là một trong những hoạt động góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy khi có sự cố cháy nhà cao tầng và những nơi tập trung đông người.

- Triển lãm:  Ngày 16 đến 18 tháng 3 năm 2003, Ban Tổ chức Triển lãm AT-VSLĐ, PCCN tại Nhà văn hoá lao động tỉnh. Các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Công an, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cùng 16 doanh nghiệp, trường nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã trưng bày, giới thiệu nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật về c an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Triển lãm đã thu hút hơn một vạn người lao động, nông dân, học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập.

- Khen thưởng: Có 2156 tập thể và 7686 cá nhân đã được các Bộ, ngành, địa phương và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam khen thưởng về thành tích bảo đảm c an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.

-  Thăm cơ sở sản xuất:  Ban chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các cấp công đoàn đã đi thăm 671 cơ sơ sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp có nhiều thành tích thực hiện tốt bảo đảm c an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ;

- Thăm gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Ban chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các cấp công đoàn đã đi thăm và tặng quà 1223 gia đình của những người bị thương, bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền:

- Họp báo:  Ngày 7 tháng 3 năm 2003, Ban chỉ đạo Trung ương đã tổ chức họp báo về việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ,PCCN lần thứ 5 năm 2003 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Lê Duy Đồng, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương Nguyễn An Lương và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo Tuần lễ tỉnh Nghệ An Hoàng Ky. Tham dự buổi họp báo có đại diện của các Bộ, ngành ở Trung ương và các phóng viên báo chí, đài phát thanh và truyền hình. Sau cuộc họp báo, công tác thông tin, tuyên truyền đã được triển khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến các địa phương.

- Hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng:

+ Đài truyền hình Việt Nam cùng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức toạ đàm về “ An toàn - vệ sinh lao động trong nông nghiệp”; chương trình chuyên đề về “5 năm thực hiện Tuần lễ Quốc gia về An toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ”. Đài cũng đã liên tục phát chương trình cảnh báo về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong suốt thời gian diễn ra Tuần lễ. Đài truyền hình Trung ương và Đài Truyền hình địa phương đã đưa 1270 tin, bài, phóng sự phản ánh thực tế Điều kiện lao động, các điển hình tốt về bảo đảm an toàn lao động - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và cả những vấn đề Điều kiện lao động xấu, các vụ tai nạn lao động xảy ra trong thời gian gần đây.

+ Đài tiếng nói Việt Nam cũng đã tổ chức chương trình phỏng vấn trực tiếp đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đưa nhiều tin, phóng sự về vấn đề An toàn lao động - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ hướng dẫn sử dụng thuốc trừ sâu, sử dụng điện.

+ Các báo Trung ương và các địa phương đã đưa 3705 tin, bài về an toàn lao động - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; nhiều báo đã có những chuyên san, chuyên đề về Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ,PCCN lần thứ 5;

+ Các ấn phẩm thông tin, tuyên truyền: Nhân dịp Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ,PCCN lần thứ 5, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành, phát hành 270.000 tờ rơi về các chủ đề luật pháp AT-VSLĐ; an toàn thuốc bảo vệ thực vật; an toàn sử đụng điện nông thôn, an toàn máy cơ khí, hàn, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bụi, tiếng ồn, hoá chất độc, bảo vệ môi trường lao động; phát hành 60.000 áp phích; 80.000 tài liệu; 5.000 băng hình, đĩa CD;

+ Thi vẽ tranh, khẩu hiệu, trưng bày, triển lãm: Có 10 ngành, địa phương tổ chức thi vẽ tranh về chủ đề An toàn lao động - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ với sự tham gia của 344 người, vẽ được 704 tranh; có 1 địa phương tổ chức trưng bày về AT-VSLĐ-PCCN.

3. Các hoạt động chuyên đề:

- Thi An toàn - vệ sinh giỏi:  Cả nước có 761 cơ sở, cấp trên cơ sở của các tỉnh, ngành tổ chức thi An toàn lao động - vệ sinh viên giỏi với 33.155 người tham gia; trong dịp Tuần lễ có 4 địa phương tổ chức thi An toàn lao động - vệ sinh viên giỏi cấp tỉnh. Hoạt động này đã tích cực góp phần vào việc tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật về AT-VSLĐ-PCCN của đông đảo người lao động;

-  Huấn luyện: Các ngành, địa phương đã tổ chức 1781 khoá huấn luyện về AT-VSLĐ-PCCN cho 243.551 người lao động, trong đó phần lớn là người lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đã có nhiều lớp huấn luyện, phổ biến kiến thức cho người nông dân về an toàn trong sử dụng điện, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

- Vệ sinh lao động: Trung tâm y tế các ngành, địa phương đã tổ chức do kiểm tra môi trường lao động cho 307 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; nhân dịp Tuần lễ các cơ sở y tế đã tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho 272.860 người lao động.

-  Phòng cháy, chữa cháy: Công an phòng cháy chữa cháy các địa phương đã tổ chức 3936 cuộc kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy trong 401 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu thương mại, chợ; rà soát củng cố 112 phương án chữa cháy cơ sở trọng Điểm; các doanh nghiệp đã tổ chức 978 cuộc hội thao phòng cháy chữa cháy, nhằm trang bị kiến thức phòng cháy chữa cháy tại chỗ cho người lao động và nâng cao ý thức sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố cháy xảy ra; công an phòng cháy chữa cháy các địa phương còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho lực lượng dân phòng và nhân dân, tổ chức ký cam kết về phòng cháy chữa cháy ở các khu phố, chợ, trung tâm thương mại.

- Hội thảo:  Các thành viên Ban chỉ đạo trung ương đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề: Ngày 17 tháng 3 năm 2003, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng Tổ chức lao động Quốc tế khu vực Châu á- Thái Bình Dương tổ chức hội thảo chuyên đề “Tăng cường thực hiện công tác An toàn lao động - vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ và trong công nghiệp”; Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Y tế cơ sở và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ người lao động”; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức hội thảo “Công đoàn với công tác bảo hộ lao động trong nông - lâm nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa”; Ngày 18 tháng 3 năm 2003, Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo “Công tác đảm bảo an toàn lao động - vệ sinh lao động trong sản xuất kinh doanh, bảo quản và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”, hội thảo “ An toàn trong sử dụng điện trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn”, hội thảo “Công tác bảo đảm an toàn lao động - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong ngành bưu điện”. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức 276 cuộc hội thảo, tạo đàm về an toàn lao động - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ với 23.023 người tham dự; một số địa phương tổ chức ký giao ước, cam kết bảo đảm an toàn lao động - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ đối với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, khu chợ, khu phố và hộ gia đình.

III. Hưởng ứng của các địa phương, doanh nghiệp

1. Hưởng ứng của các địa phương:

Các địa phương đã tích cực hưởng ứng Tuần lẽ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 5, đã có 42 địa phương tổ chức mít tinh hưởng ứng với sự tham gia của 6391 doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và 238.141 người lao động là công nhân, nông dân; nhiều địa phương như Thanh Hoá, Nam Định, Quảng Ninh, Cà Mau và Thành phố Hồ Chí Minh Hà Tĩnh ... đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh hưởng ứng ở các quận, huyện, thị xã với sự tham gia của hàng chục nghìn người lao động là nông dân, công nhân, cán bộ, công chức trên địa bàn. Một số địa phương như Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh đã có những hình thức tuyên truyền phù hợp với Điều kiện của địa bàn và đối tượng là nông dân ở các vùng xa trung tâm như tổ chức xe tuyên truyền lưu động, gửi bài đến các đài phát thanh của các địa phương để phát sóng trong dịp Tuần lễ.

Trong thời gian diễn ra Tuần lễ, các ban, ngành, địa phương đã đầy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, huấn luyện về AT-VSLĐ-PCCN; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, khám phát bệnh nghề nghiệp; tổ chức tuyên truyền rộng rãi về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác AT-VSLĐ-PCCN; tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Hưởng ứng của các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp đã hưởng ứng tích cực, đặc biệt là Tổng Công ty điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tổng Công ty Than Việt Nam, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam và Tổng Công ty Bưu chính Viễn Thông Việt Nam, Tổng Công ty xây dựng Sông Đà. Riêng Tổng Công ty điện lực Việt Nam đã tổ chức mít tinh hưởng ứng tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 3 năm 2003 đã phát hành 140.000 tờ rơi, 40.000 áp phích và các tài liệu về an toàn điện, đã tổ chức hàng chục buổi mít tinh hưởng ứng ở các đơn vị, có sự tham gia của hàng chục nghìn người lao động, tổ chức 554 lớp huấn luyện cho 60.000 người lao động; Tổng Công ty Bưu chính Viễn Thông Việt Nam đã phát hành hàng chục nghìn tờ rơi, áp phích, tài liệu an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; tổ chức khám sức khoẻ cho 3000 người lao động; huấn luyện cho 5000 người lao động; Tổng Công ty Than Việt Nam đã tổ chức hưởng ứng Tuần lễ đến tận các công trường, phân xưởng.

Có 2636 doanh nghiệp tổ chức tổng kết về bảo hộ lao động, 3925 doanh nghiệp tổ chức tự kiểm tra an toàn - vệ sinh lao động. Nội dung kiểm tra bao gồm kiểm tra sự an toàn của các máy móc, thiết bị, nhà xưởng và việc chấp hành các quy trình, biện pháp làm việc an toàn - vệ sinh. Thực hiện sơn, kẻ, vẽ mới hoặc làm biển báo; rào chắn, đường thoát nạn, thoát hiểm ở những khu vực nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động; bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị an toàn - vệ sinh lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.

IV. Nhận xét và đánh giá

1. ưu Điểm

Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ, PCCN lần thứ 5 năm 2003 được chuẩn bị kịp thời, chu đáo, diễn ra sôi nổi, có nhiều hoạt động phong phú, đúng với chủ đề đã đề ra; công tác thông tin, tuyên truyền, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ đã triển khai, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, của người sử dụng lao động và người lao động trong việc phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ tạo Điều kiện thuận lợi cho việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ, PCCN lần thứ 5 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã đến dự và phát động Tuần lễ, khai mạc triển lãm AT-VSLĐ, PCCN và dự một số hoạt động chính tại Nghệ An.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An, Truyền hình Quân đội, các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và đại phương đã tham gia một cách tích cực, chủ động và có hiệu quả; phản ánh đầy đủ, kịp thời các hoạt động hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các Bộ, ngành đã tích cực hưởng ứng, triển khai kế hoạch đến các cơ quan, đơn vị, quản lý, đặc biệt là Bộ Công nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và Hội nông dân Việt Nam đã tổ chức tốt nhiều hoạt động thiết thực ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã nông nghiệp, góp phần quan trọng vào thành công chung của Tuần lễ.

Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An: Đã quán triệt nhiệm vụ và trách nhiệm tổ chức Tuần lễ lần thứ 5 và phân công cụ thể trách nhiệm cho các ngành, các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện. Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã Thành lập Ban tổ chức Tuần lễ, lập kế hoạch, triển khai đến các ngành trong tỉnh, lập kế hoạch chi Tiết cho các hoạt động của Tuần lễ; chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp sát sao nên đã tổ chức thành công nhiều hoạt động phong phú, thiết thực cuốn hút đông đảo người lao động tham gia.

Cả 61 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tích cực và chủ động triển khai kế hoạch tổ chức Tuần lễ AT-VSLĐ, PCCN lần thứ 5 và đã có hoạt động bám sát chủ đề của Tuần lễ. Các địa phương Thanh Hoá, Nam Định, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Quảng Ninh, Cà Mau đã có nhiều hoạt động hưởng ứng ở các huyện, thị xã, hợp tác xã nông nghiệp và các nông lâm trường với sự quan tham gia tích cực của người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều địa phương đã có những hình thức tuyên truyền phù hợp đối với đối tượng là  người nông dân như tổ chức xe tuyên truyền cổ động trong suốt Tuần lễ đến các huyện, phường, thị xã và tăng cường các buổi phát thanh về chủ đề an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trên các đài phát thanh của địa phương.

Đại biểu đại diện của Tổ chức lao động Quốc tế tham dự các hoạt động của Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ, PCCN lần thứ 5 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành đối với việc đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khoẻ người lao động, phòng chống  cháy nổ.

2. Những mặt tồn tại

Một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia, thiếu chỉ đạo và lập kế hoạch thực hiện ở một số địa phương vẫn chưa củng cố lại Ban chỉ đạo Tuần lễ của tỉnh theo đúng quy định tại công văn số 3263/LĐTBXH-BHLĐ ngày 24/9/1999; nhiều địa phương còn thiếu các hoạt động thông tin, tuyên truyền và các hoạt động chuyên đề về bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong sản xuất nông nghiệp; Các hoạt động chuyên đề tổ chức đầy, chưa hợp lý; công tác kiểm tra đôn đốc của các cấp, các ngành đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế; trong thời gian diễn ra Tuần lễ; ở một số địa phương, doanh nghiệp vẫn để xảy ra một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng và nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân.

3. Bài học kinh nghiệm

1. Các Bộ, ngành, địa phương phải kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo Tuần lễ, từ đó công tác chỉ đạo lập kế hoạch và tổ chức thực hiện sẽ thuận lợi, sự phối hợp sẽ chủ động và đầy đủ hơn.

2. Công tác tổ chức phải được chuẩn bị sớm, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo cần tích cực, chủ động triển khai kế hoạch các hoạt động Tuần lễ thật cụ thể, chi Tiết và hướng dẫn đến các ngành, các cấp bằng văn bản; phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện;

3. Phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan liên quan như: Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Công an, Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan như Hội nông dân Việt Nam, đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, các ban, ngành của địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng và sự tham gia tích cực của các cấp cơ sở như các huyện, thị, phường, xã và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã nông nghiệp, nông lâm trường.

V. Phương hướng tổ chức Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ, PCCN năm 2004.

1. Chủ đề chính trong Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ, PCCN lần thứ 6 năm 2004 là “Cải thiện Điều kiện lao động trong sản xuất nông nghiệp và trong các làng  nghề vì An toàn và sức khoẻ người lao động”.

2. Thời gian tổ chức Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ, PCCN lần thứ 6 dự kiến vào tháng 3 năm 2004, các hoạt động mang tính quốc gia sẽ tiến hành tại tỉnh Cần Thơ.

3. Củng cố lại Ban chỉ đạo các cấp, có sự tham gia của các cấp Hội nông dân Việt Nam, một số Quận, huyện, thị xã và một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn.

4. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn - vệ sinh lao động trong nông nghiệp, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong các làng nghề, trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ như khai thác mỏ, xây dựng, xây lắp và sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn - vệ sinh lao động; sử dụng các hoá chất nông nghiệp và công tác phòng cháy chữa cháy trong các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư và các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ cháy nổ./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG - PHÓ TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO
TUẦN LỄ QUỐC GIA AT-VSLĐ, PCCN




Lê Duy Đồng

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Công văn 23/LĐTBXH-BC

Loại văn bảnCông văn
Số hiệu23/LĐTBXH-BC
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành15/05/2003
Ngày hiệu lực15/05/2003
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Công văn 23/LĐTBXH-BC

Lược đồ Công văn 23/LĐTBXH-BC báo cáo kết quả tổ chức tuần lễ quốc gia an toàn-vệ sinh lao động,


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Công văn 23/LĐTBXH-BC báo cáo kết quả tổ chức tuần lễ quốc gia an toàn-vệ sinh lao động,
                Loại văn bảnCông văn
                Số hiệu23/LĐTBXH-BC
                Cơ quan ban hànhBộ Lao động – Thương binh và Xã hội
                Người kýLê Duy Đồng
                Ngày ban hành15/05/2003
                Ngày hiệu lực15/05/2003
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật18 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Công văn 23/LĐTBXH-BC báo cáo kết quả tổ chức tuần lễ quốc gia an toàn-vệ sinh lao động,

                          Lịch sử hiệu lực Công văn 23/LĐTBXH-BC báo cáo kết quả tổ chức tuần lễ quốc gia an toàn-vệ sinh lao động,

                          • 15/05/2003

                            Văn bản được ban hành

                            Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                          • 15/05/2003

                            Văn bản có hiệu lực

                            Trạng thái: Có hiệu lực