Nội dung toàn văn Công văn 2692/TCT-TCCB biên chế hành chính hợp đồng lao động một số công việc
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2692/TCT-TCCB | Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2007 |
Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trong thời gian vừa qua, một số Cục Thuế có đề nghị Tổng cục Thuế hướng dẫn về việc thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc theo quy định tại Điều 1 của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 68/2000/NĐ-CP) tại cơ quan thuế các cấp. Về việc này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau: Căn cứ Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11/4/2001 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn thi hành Nghị định số 68/2000/NĐ-CP; Thông tư số 114/2002/TT-BTC ngày 19/12/2002 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện khoán biên chế và kinh phí hoạt động đối với Tổng cục Thuế; Căn cứ Quyết định số 908/QĐ – BTC ngày 2/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao chỉ tiêu biên chế hành chính dự bị và biên chế sự nghiệp năm 2006, 2007 cho Tổng cục Thuế và Tổng cục Thuế đã giao biên chế hành chính cho các Cục Thuế. Để xác định chỉ tiêu biên chế hành chính được giao và biên chế hợp đồng một số loại công việc ngoài chỉ tiêu biên chế hành chính theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP tại cơ quan thuế các cấp, Tổng cục Thuế hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Các loại công việc thực hiện chế độ hợp đồng tại cơ quan thuế các cấp quy định tại Điều 1 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP gồm:
- Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp;
Đây là nội dung chung, tuy nhiên với đặc điểm riêng của ngành Thuế phải quản lý hệ thống Tin học toàn ngành, thực hiện vận hành, cài đặt, bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống tin học, hệ thống mạng, các phần mềm ứng dụng, các thiết bị kỹ thuật khác; tập huấn và hỗ trợ cán bộ thuế vận hành sử dụng các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý thuế của ngành thuế... Vì vậy, Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp ký hợp đồng thương mại, dịch vụ, lao động để vận hành là rất cần thiết.
- Lái xe; bảo vệ; vệ sinh; trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức, khách đến làm việc với cơ quan và một số loại công việc khác gồm: nấu ăn tập thể, tạp vụ, chăm sóc và bảo vệ cảnh quan trong cơ quan ...
Căn cứ điểm 3 mục I Thông tư số 15/2001/TT – BTCCBCP ngày 11/4/2001 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn Nghị đinh 68/2000/NĐ – CP thì Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân để làm những công việc nêu trên được điều chỉnh theo quy định của Luật Thương mại hiện hành, Bộ Luật lao động, Bộ Luật dân sự và không thuộc chỉ tiêu biên chế, quỹ tiền lương của cơ quan thuế các cấp.
2. Việc ký kết hợp đồng một số loại công việc được thực hiện theo quy định hiện hành và thông qua các hình thức hợp đồng sau:
a. Hợp đồng thương mại, dịch vụ: được ký kết giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp và tổ chức, cá nhân làm dịch vụ theo quy định của Luật Thương mại;
b. Hợp đồng thuê khoán tài sản: được ký kết giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp với bên giao tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự;
c. Hợp đồng mượn tài sản: được ký kết giữa Thủ trưởng cơ quan quảnn lý thuế các cấp với bên cho mượn tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự;
d. Hợp đồng lao động: Cục trưởng Cục Thuế ký với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động;
Khi ký kết các hợp đồng tuân theo mục II, mục III của Thông tư số 15/2001/TT – BTCCBCP ngày 11/4/2001 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị đinh 68/2000/NĐ – CP.
3. Về xác định chỉ tiêu biên chế hành chính được giao:
Là chỉ tiêu biên chế được Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã giao trong giai đoạn thực hiện chế độ khoán biên chế và kinh phí hoạt động, được xác định bằng tổng số cán bộ, công chức, viên chức và số người đang làm các công việc lái xe, bảo vệ, tạp vụ đã được tuyển vào biên chế trước ngày Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ có hiệu lực thi hành.
4. Ngoài số biên chế hành chính được giao khoán trên, trong thời gian thực hiện khoán, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, nhu cầu công việc, khả năng kinh phí và theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp xét thấy có nhu cầu thực hiện các công việc theo Điều 1 NĐ 68/2000/NĐ – CP thì ký hợp đồng thương mại với cá nhân, tổ chức kinh doanh, dịch vụ theo quy định của Luật Thương mại, Bộ Luật lao động, Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan. Trường hợp không đủ điều kiện ký hợp đồng thương mại thì mới ký hợp đồng lao động. Định mức cụ thể như sau:
a) Tại cơ quan Cục Thuế:
- Lái xe: không quá 03 người;
- Bảo vệ: không quá 05 người;
- Tạp vụ: không quá 03 người;
b) Tại cơ quan Chi cục Thuế:
- Lái xe: 01 người;
- Bảo vệ: không quá 03 người;
- Tạp vụ: không quá 02 người.
5. Kinh phí thực hiện:
Kinh phí thực hiện hợp đồng thương mại, dịch vụ các công việc trên được chi từ nguồn kinh phí khoán của đơn vị do Tổng cục Thuế cấp; cơ quan thuế thực hiện ký hợp đồng lao động theo quy định tại công văn này được xác định là lao động ngoài biên chế hành chính.
6. Tổ chức thực hiện:
Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp căn cứ hướng dẫn tại văn bản này và định mức lao động tại mục 4 để thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước; Nếu còn chỉ tiêu biên chế hành chính thì căn cứ kết quả thi tuyển, xét tuyển công chức năm 2005 đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt tiến hành tuyển dụng cho đến hết chỉ tiêu biên chế hành chính được giao khoán theo quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức.
Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ký kết hợp đồng một số loại công việc nêu trên tại đơn vị do mình quản lý.
Định kỳ 6 tháng một lần các Cục Thuế tổng hợp, lập báo cáo tình hình thực hiện chế hợp đồng một số loại công việc theo biểu mẫu số 01 và 02/HĐ đính kèm công văn này và gửi về Tổng cục Thuế (qua Ban Tổ chức cán bộ và Ban Tài vụ - Quản trị) trước ngày 30/6 và 31/12 hàng năm. Ban Tài vụ - Quản trị căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của các Cục Thuế cấp phát kinh phí cho Cục Thuế đảm bảo hoạt động tốt cho đơn vị.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Cục Thuế phản ảnh về Tổng cục Thuế để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |