Công văn 2778/TCT-CS

Công văn 2778/TCT-CS năm 2018 về quản lý thuế đối với tổ chức hoạt động kinh doanh taxi do Tổng cục Thuế ban hành

Nội dung toàn văn Công văn 2778/TCT-CS 2018 quản lý thuế tổ chức hoạt động kinh doanh taxi


BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2778/TCT-CS
V/v quản lý thuế đối với các tổ chức hoạt động kinh doanh taxi.

Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2018

 

Kính gửi:

- Báo Giao thông;
- Báo Tuổi trẻ.

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 128/BGT ngày 11/4/2018 của Báo Giao thông, công văn số 102/TT-VPHN ngày 12/4/2018 của Báo Tuổi trẻ đề nghị cung cấp thông tin về quản lý thuế đối với các tổ chức hoạt động kinh doanh taxi. Về các nội dung hỏi của các Báo, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Chính sách thuế và quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải (taxi)

Chính sách thuế hướng dẫn thống nhất chung cho hoạt động kinh doanh vận tải. Pháp luật về thuế hiện hành áp dụng thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp (thống nhất về mức thuế suất, về điều kiện ưu đãi đầu tư, chế độ miễn, giảm thuế,...).

Căn cứ Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT); Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN); Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật trên, nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh taxi thực hiện như sau:

- Doanh nghiệp xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì phải nộp thuế theo phương pháp kê khai.

- Phương pháp tỷ lệ trên doanh thu tính thuế chỉ áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài không đáp ứng điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai, tổ chức không phải là doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ thuế ấn định trên doanh thu được xác định trên cơ sở doanh thu tính thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và tỷ lệ (%) thuế GTGT, thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế đảm bảo phù hợp với từng lĩnh vực kinh doanh và tương đồng với doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực nộp thuế theo phương pháp kê khai, cụ thể:

+ Về thuế GTGT: Trường hợp tổng doanh thu chưa đến 1 tỷ đồng/năm, tổ chức kinh doanh khai nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên doanh thu theo quy định tại khoản 2b Điều 8 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT.

+ Về thuế TNDN: số thuế TNDN phải nộp được tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN.

+ Về thuế TNCN: Cá nhân kinh doanh vận tải có trách nhiệm nộp thuế GTGT; thuế TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu tính thuế theo quy định tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết Luật số 71/2014/QH13; Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế GTGT và thuế TNCN đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh.

- Đối với các Công ty Uber, Grab, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã có các văn bản hướng dẫn như sau: Công văn số 11828/BTC-CST ngày 24/08/2016 của Bộ Tài chính về chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Uber BV Hà Lan tại Việt Nam; Công văn số 384/TCT-TNCN ngày 08/02/2017 của Tổng cục Thuế hướng dẫn nghĩa vụ thuế đối với Công ty Grab Taxi.

2. Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải (taxi)

Theo phản ánh của một số Cục thuế thì việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh taxi có sự khó khăn nhất định xuất phát từ thực tế mô hình kinh doanh đa dạng của các doanh nghiệp taxi. Việc kinh doanh, nộp thuế của doanh nghiệp taxi truyền thống được báo chí phản ánh nhiều kể từ khi có sự cạnh tranh với Taxi sử dụng các ứng dụng công nghệ (Grab và Uber).

Theo quy định tại Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải: Hoạt động kinh doanh Taxi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện “Tổ chức doanh nghiệp mới được phép kinh doanh” nên việc khai thuế là trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải taxi trong khi thực tế chủ yếu xe taxi là của các cá nhân góp vốn. Mặt khác, việc kiểm soát hoạt động kinh doanh taxi tương đối khó khăn do các đơn vị kinh doanh vận tải taxi có thể kê khai mức doanh thu thấp, chưa sát với doanh thu thực tế, thuế GTGT phát sinh phải nộp ít, số thuế GTGT được khấu trừ nhiều, số thuế TNDN phát sinh phải nộp ít, người tiêu dùng có thói quen không lấy hóa đơn khi sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng xe taxi nên việc đối chiếu với kê khai của đơn vị kinh doanh vận tải là khó khăn.

3. Biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh taxi

Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã có quy định người nộp thuế (NNT) kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc tự tính, tự khai và tự nộp. Ngoài số liệu do NNT tự khai, trường hợp khi cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra NNT nếu phát hiện hành vi khai sai, khai chưa đúng số thuế phải nộp thì tùy theo hành vi vi phạm, cơ quan thuế sẽ xử phạt vi phạm pháp luật về thuế đối với NNT đồng thời truy thu số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước theo quy định. Ngoài ra, trường hợp cơ quan thuế kiểm tra thuế, thanh tra thuế mà phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Căn cứ theo quy định về quản lý thuế, để đảm bảo quản lý chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh vận tải taxi trong cả nước, đảm bảo công bằng giữa các phương tiện kinh doanh vận tải giữa các địa phương, tránh tình trạng kê khai nộp thuế tại các địa phương do có sự khác nhau trong công tác quản lý nhà nước, tăng cường huy động nguồn lực từ kinh doanh vận tải vào ngân sách nhà nước, tránh thất thu ngân sách nhà nước, căn cứ tình hình thực tế để có cơ sở đánh giá về chính sách thuế áp dụng, chính sách về hóa đơn, việc nộp ngân sách nhà nước để có giải pháp đề xuất sửa đổi bổ sung chính sách thuế, quản lý thuế đối với hoạt động vận tải taxi phù hợp với việc phát triển công nghệ 4.0. Để thực hiện được những giải pháp nêu trên thì cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt là cơ quan giao thông vận tải. Để có cơ sở xác định chính xác doanh thu của hoạt động kinh doanh vận tải taxi của các doanh nghiệp, hợp tác xã thì cần thiết phải có dữ liệu từ thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe, thiết bị giám sát hành trình của xe taxi. Nội dung quy định này đã được Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ (thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP) theo hướng: “Các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính để chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu liên quan cần thiết trong lĩnh vực quản lý của ngành với Bộ Tài chính phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử”. Đồng thời, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì cần thiết bổ sung nội dung cung cấp thông tin từ thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe, thiết bị giám sát hành trình của xe taxi cho cơ quan thuế...

4. Về đề nghị cung cấp số liệu thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp tại các Cục thuế

Các đề nghị cung cấp số liệu của Quý báo có phạm vi rộng, liên quan đến hoạt động của các hãng taxi; trên thực tế các đơn vị kinh doanh taxi theo những mô hình khác nhau nên việc so sánh kết quả hoạt động kinh doanh, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đơn vị là không tương đồng, không đáp ứng được mục tiêu phân tích.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 73 Luật quản lý thuế về Bảo mật thông tin của người nộp thuế thì việc cung cấp các số liệu theo đề xuất của Quý Báo là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.

Tổng cục Thuế trả lời để Báo Giao thông và Báo Tuổi trẻ được biết. Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Quý Báo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCTr Cao Anh Tuấn (để b/c);
- Phó TCTr Nguyễn Đại Trí (để b/c);
- Vụ PC, TTHT (TCT);
- Lưu: VT, CS (2b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH




Lưu Đức Huy

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Công văn 2778/TCT-CS

Loại văn bảnCông văn
Số hiệu2778/TCT-CS
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành13/07/2018
Ngày hiệu lực13/07/2018
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcThuế - Phí - Lệ Phí, Giao thông - Vận tải
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật6 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Công văn 2778/TCT-CS

Lược đồ Công văn 2778/TCT-CS 2018 quản lý thuế tổ chức hoạt động kinh doanh taxi


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Công văn 2778/TCT-CS 2018 quản lý thuế tổ chức hoạt động kinh doanh taxi
                Loại văn bảnCông văn
                Số hiệu2778/TCT-CS
                Cơ quan ban hànhTổng cục Thuế
                Người kýLưu Đức Huy
                Ngày ban hành13/07/2018
                Ngày hiệu lực13/07/2018
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcThuế - Phí - Lệ Phí, Giao thông - Vận tải
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật6 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Công văn 2778/TCT-CS 2018 quản lý thuế tổ chức hoạt động kinh doanh taxi

                  Lịch sử hiệu lực Công văn 2778/TCT-CS 2018 quản lý thuế tổ chức hoạt động kinh doanh taxi

                  • 13/07/2018

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 13/07/2018

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực