Nội dung toàn văn Công văn 3118/BYT-BH 2019 về trả lời Công văn 1378/BHXH-CSYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3118/BYT-BH | Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2019 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Trả lời Công văn số 1378/BHXH-CSYT ngày 26/4/2019 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về việc khó khăn, vướng mắc trong việc trích, chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) đối với cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Về vấn đề này, Bộ Y tế có ý kiến như sau:
1. Tại khoản 1 Điều 34 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có nội dung:
“Cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định này (trừ cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 19 Nghị định này) được cấp kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có ít nhất một người có đủ điều kiện hành nghề KBCB theo quy định của pháp luật về KBCB làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu;
b) Có Phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để...doanh nghiệp”.
Đề nghị BHXH Việt Nam phổ biến, hướng dẫn cơ quan BHXH các cấp và các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hiểu (Sau đây gọi chung là đơn vị), thực hiện đầy đủ, đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP nói chung, quy định về điều kiện, nội dung chi, thanh quyết toán kinh phí khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) trong chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng, không hướng dẫn hoặc đề nghị hướng dẫn những nội dung mà Chính phủ không quy định hoặc không giao nhiệm vụ cho Bộ hướng dẫn.
2. Trên cơ sở các ý kiến tham luận, góp ý của đại diện các đơn vị thuộc các Bộ: Y tế, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh & Xã hội và BHXH Việt Nam tại cuộc họp ngày 23/5/2019 tại Bộ Y tế, Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam thống nhất cách hiểu nội dung quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và thực hiện như sau:
a- Nội dung tại điểm a khoản 1 Điều 34 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP Chính phủ quy định “có ít nhất một người đủ điều kiện hành nghề KBCB theo quy định của pháp luật về KBCB làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu”, như vậy người đủ điều kiện hành nghề KBCB phải đáp ứng điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về KBCB. Người đã có chứng chỉ hành nghề cho dù phạm vi hoạt động chuyên môn khác nhau vẫn là người có đủ điều kiện hành nghề KBCB để thực hiện CSSKBĐ, vì Chính phủ không quy định chứng chỉ hành nghề hoạt động cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên môn nào.
b- Thực hiện tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối theo Nghị quyết Trung ương và chỉ đạo của Chính phủ là yêu cầu bắt buộc, do đó điều kiện nhân lực cán bộ y tế của các đơn vị hiện nay đang rất thiếu ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước, nên người thực hiện công tác CSSKBĐ làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Người thực hiện công tác CSSKBĐ làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong Nghị định quy định được hiểu là: (i) những nhân viên y tế của các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài làm công tác CSSKBĐ còn kiêm nhiệm các công việc khác do người đứng đầu đơn vị này giao nhiệm vụ; (ii) nhân viên y tế của các cơ sở KBCB khác (Trạm Y tế xã, Phòng khám đa khoa,...) được Người đứng đầu cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ký hợp đồng với cơ sở, cá nhân miễn là cơ sở, cá nhân đó có đủ điều kiện KBCB (có chứng chỉ hành nghề) để thực hiện CSSKBĐ.
c- Chính phủ cũng không quy định thời gian làm việc cũng như không có quy định phải có văn bản cam kết việc bố trí nhân lực có mặt thường xuyên tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Người làm công tác CSSKBĐ, do đó đề nghị cơ quan BHXH không quy định, không yêu cầu, không hướng dẫn cơ quan BHXH các cấp và các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Trạm Y tế xã, Phòng khám đa khoa,... phải có bản cam kết việc bố trí nhân lực có mặt thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
3. Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018, Bộ Y tế đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng nội dung quy định, tránh khó khăn cho các địa phương, cơ sở, đơn vị có liên quan trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT.
4. Do sơ suất, Công văn số 2864/BYT-BH ngày 24/5/2019 của Bộ Y tế có ghi thiếu “cơ sở giáo dục”. Công văn này thay thế Công văn số 2864/BYT-BH./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |