Nội dung toàn văn Công văn 3131/LĐTBXH-BHXH hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3131/LĐTBXH-BHXH V/v hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội | Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2007 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt
Trả lời công văn số 2400/BHXH-CĐCS ngày 03 tháng 7 năm 2007 của Quý cơ quan về việc hướng dẫn một số quy định trong quá trình giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại một số địa phương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
1. Trường hợp người lao động có đủ Điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số Điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi nhưng không nghỉ việc thì chỉ được hưởng trợ cấp một lần khi nhận nuôi con nuôi quy định tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội.
2. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc đối với người lao động tính hưởng chế độ thai sản thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, được tính theo mức lương tối thiểu chung tại thời Điểm tháng hưởng chế độ theo quy định.
3. Về tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng đến dưới 1 năm:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP thì khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ dưới 3 tháng thì không tính; từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính là nửa năm; từ trên 6 tháng đến 12 tháng tính tròn là 1 năm.
Như vậy, người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng đến dưới 1 năm, đủ Điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP thì mức hưởng bằng 0,75 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng; bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ trên 6 tháng đến 12 tháng.
4. Về trợ cấp tuất một lần
Theo quy định tại Khoản 1 Mục V Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 01 năm 2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, khi tính mức trợ cấp tuất một lần quy định tại Khoản 1 Điều 39, nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ, thì được tính như quy định tại Khoản 5 Điều 28 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP. Theo đó, người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bị chết, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội; mức thấp nhất bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 1 năm mà chết, thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần theo quy định trên.
5. Trong khi chờ hướng dẫn thực hiện Điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 2 Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội, thì phần tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được ghi trong sổ bảo hiểm xã hội bằng ngoại tệ trước ngày 01 tháng 01 năm 2007 được chuyển sang tiền Việt Nam tính theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời Điểm ngày 02 tháng 01 năm 2007 để tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội.
Việc ghi sổ bảo hiểm xã hội đối với người lao động có tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 trở đi được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Mục D Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 01 năm 2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời quý cơ quan biết để thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG
|