Nội dung toàn văn Công văn 3144/TCTHADS-TCCB đánh giá phân loại bổ sung lý lịch công chức người lao động 2015
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3144/TCTHADS-TCCB | Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2015 |
Kính gửi: | - Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục; |
Thực hiện quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 56/2015/NĐ-CP), Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai việc đánh giá đối với công chức, người lao động năm 2015 như sau:
I. ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG
1. Nguyên tắc đánh giá
Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP, trong đó lưu ý:
- Công chức, người lao động do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đánh giá. Cấp nào, người nào thực hiện việc đánh giá thì đồng thời thực hiện việc phân loại và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
- Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Đối tượng đánh giá: Công chức, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Căn cứ đánh giá: Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP.
4. Thời điểm đánh giá
- Việc đánh giá, phân loại công chức, người lao động được thực hiện hàng năm.
- Thời điểm đánh giá, phân loại công chức, người lao động là thời điểm kết thúc năm công tác của ngành.
- Thời gian đánh giá, phân loại công chức, người lao động năm 2015: tính từ ngày 01/10/2014 đến hết ngày 30/9/2015.
5. Nội dung đánh giá: Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 56 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
- Lưu ý:
+ Công chức, người lao động 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 02 năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác.
+ Công chức, người lao động 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc.
6. Thẩm quyền nhận xét, đánh giá
Thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP và Khoản 1, 2, 3 Điều 43 Luật Viên chức, cụ thể:
a) Đối với các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự:
- Phiếu đánh giá của công chức, người lao động (bao gồm cả cấp phó) do Thủ trưởng đơn vị nhận xét, đánh giá (Thủ trưởng ký xác nhận, đồng thời thay mặt tập thể đơn vị nhận xét, ký xác nhận tại Mục III, IV Phiếu đánh giá);
- Phiếu đánh giá của Thủ trưởng đơn vị:
+ Mục III Phiếu đánh giá do Lãnh đạo Tổng cục phụ trách nhận xét, đánh giá và ký xác nhận;
+ Mục IV Phiếu đánh giá do Tổng Cục trưởng nhận xét, đánh giá và ký xác nhận.
b) Đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương:
- Phiếu đánh giá của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự sau khi thực hiện tự nhận xét đánh giá (tại Mục I, II) và tập thể đơn vị đánh giá (tại điểm 1 Mục III) gửi về Tổng cục để đánh giá, phân loại theo quy định (lưu ý: Lãnh đạo Cục không ký tại Mục III và Mục IV trong Phiếu đánh giá công chức của Cục trưởng).
- Phiếu đánh giá của Phó Cục trưởng do Cục trưởng nhận xét, đánh giá, phân loại và ký xác nhận tại Mục III, IV Phiếu đánh giá và được gửi về Tổng cục để theo dõi, quản lý và lưu hồ sơ công chức.
- Phiếu đánh giá của Trưởng phòng các phòng chuyên môn và tương đương thuộc Cục; Chi cục trưởng:
+ Mục III Phiếu đánh giá do Lãnh đạo Cục phụ trách (Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng) nhận xét, đánh giá và ký xác nhận;
+ Mục IV Phiếu đánh giá do Cục trưởng nhận xét, đánh giá, phân loại và ký xác nhận.
- Phiếu đánh giá của công chức, người lao động (bao gồm cả Phó Trưởng phòng và tương đương) thuộc Cục:
+ Mục III Phiếu đánh giá do Trưởng phòng và tương đương nhận xét, đánh giá và ký xác nhận;
+ Mục IV Phiếu đánh giá do Cục trưởng (hoặc ủy quyền Phó Cục trưởng phụ trách) nhận xét, đánh giá, phân loại và ký xác nhận.
- Phiếu đánh giá của công chức, người lao động (bao gồm cả Phó chi cục trưởng) thuộc các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện do Chi cục trưởng nhận xét, đánh giá, phân loại và ký xác nhận tại Mục III, IV Phiếu đánh giá.
7. Trình tự, thủ tục đánh giá: Thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP.
- Cụ thể:
+ Bước 1: Công chức, người lao động tự đánh giá kết quả công tác theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 56/2015/NĐ-CP.
+ Bước 2: Tổ chức họp đánh giá. Trên cơ sở báo cáo tự đánh giá của công chức, người lao động, các thành viên tham gia đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.
Thành phần họp đánh giá gồm: toàn thể công chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị. Riêng thành phần họp đánh giá đối với Cục trưởng, Phó Cục trưởng gồm: tập thể Lãnh đạo Cục, Trưởng phòng và tương đương, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cơ quan Cục.
+ Bước 3: Áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý: Cấp ủy đảng cùng cấp nơi công chức lãnh đạo công tác có ý kiến bằng văn bản về công chức được đánh giá, phân loại.
+ Bước 4: Quyết định đánh giá, phân loại công chức, người lao động.
+ Bước 5: Thông báo kết quả đánh giá, phân loại theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP.
8. Tiêu chí đánh giá, phân loại
Thực hiện theo quy định tại Điều 18, 19, 20, 21 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP (tiêu chí đánh giá phân loại người lao động áp dụng như đối với công chức).
Lưu ý: Đối với tiêu chí để phân loại công chức, người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 18 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP, người có thẩm quyền đánh giá, phân loại căn cứ vào Quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công nhận Đề tài, Đề án, công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến của công chức, người lao động được đánh giá, phân loại. Riêng sáng kiến của công chức, người lao động sẽ do Hội đồng sáng kiến cơ sở của cơ quan, đơn vị xem xét, đánh giá và công nhận, cụ thể:
Sáng kiến của công chức, người lao động các đơn vị thuộc Tổng cục và Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị gửi về Hội đồng sáng kiến cơ sở của Tổng cục trước ngày 10/10/2015.
II. VỀ BỔ SUNG LÝ LỊCH CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG
1. Mục đích, yêu cầu
- Bổ sung kịp thời, đầy đủ các thông tin mới có liên quan đến bản thân, quan hệ gia đình và xã hội để cập nhật, hoàn thiện hồ sơ công chức, người lao động để phục vụ công tác quản lý hồ sơ.
- Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc công chức, người lao động của đơn vị thực hiện việc bổ sung lý lịch theo đúng quy định.
2. Đối tượng bổ sung lý lịch: Công chức, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Nội dung
Nội dung bổ sung lý lịch công chức, người lao động gồm những thông tin phát sinh có liên quan đến bản thân, quan hệ gia đình và xã hội của công chức, người lao động từ ngày 01 tháng 10 năm 2014 đến ngày 30 tháng 9 năm 2015.
4. Trình tự, thủ tục kê khai
- Công chức, người lao động kê khai bổ sung theo các nội dung yêu cầu tại mẫu Phiếu bổ sung lý lịch (Mẫu số 04a ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-BNV ngày 18/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ);
- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng công chức xác minh, ký tên, đóng dấu xác nhận (nếu có) vào Phiếu bổ sung lý lịch;
- Đối với việc kê khai bổ sung lý lịch của Cục trưởng, Phó Cục trưởng, yêu cầu gửi về Tổng cục Thi hành án dân sự trước ngày 31/10/2015 để theo dõi, quản lý và lưu hồ sơ công chức.
III. THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÀ LƯU GIỮ PHIẾU ĐÁNH GIÁ VÀ PHIẾU BỔ SUNG LÝ LỊCH
Thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP và Thông tư số 09/2015/TT-BTP ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc phân cấp quản lý công chức, người lao động thuộc Tổng cục thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục: Tổ chức quán triệt nguyên tắc, yêu cầu, nội dung đánh giá công chức, người lao động và bổ sung lý lịch công chức, người lao động tới toàn thể công chức, người lao động của đơn vị để triển khai thực hiện; kết quả đề nghị gửi về Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục trước ngày 31/10/2015.
Hồ sơ gửi về Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục bao gồm:
1) Phiếu đánh giá kèm theo các tài liệu liên quan đến tiêu chí quy định tại điểm h khoản 1 Điều 18 và điểm đ khoản 1 Điều 25 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP (nếu có) trừ Quyết định công nhận sáng kiến của Hội đồng sáng kiến Tổng cục THADS;
2) Phiếu bổ sung lý lịch;
3) Biên bản họp đánh giá của tập thể công chức, người lao động của đơn vị;
4) Công văn cho ý kiến của cấp ủy cùng cấp nơi công chức công tác (đối với Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương);
5) Bảng tổng hợp kết quả đánh giá công chức, người lao động (theo Mẫu số 01 kèm theo công văn này).
2. Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tổ chức quán triệt nguyên tắc, yêu cầu, nội dung đánh giá công chức, người lao động và bổ sung lý lịch công chức, người lao động tới toàn thể công chức, người lao động để triển khai thực hiện; Chịu trách nhiệm quản lý và lưu hồ sơ Phiếu đánh giá công chức, người lao động; Phiếu bổ sung lý lịch của công chức, người lao động đối với công chức, người lao động theo thẩm quyền được phân cấp; Kết quả báo cáo về Tổng cục THADS (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục trước ngày 31/10/2015.
Hồ sơ gửi về Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự bao gồm:
1) Phiếu đánh giá của Cục trưởng, Phó Cục trưởng kèm theo các tài liệu liên quan đến tiêu chí quy định tại điểm h khoản 1 Điều 18 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP (nếu có) trừ Quyết định công nhận sáng kiến của Hội đồng sáng kiến Tổng cục THADS;
2) Phiếu bổ sung lý lịch của Cục trưởng, Phó cục trưởng;
3) Biên bản họp đánh giá của tập thể đối với Cục trưởng, Phó Cục trưởng;
4) Công văn cho ý kiến của cấp ủy cùng cấp nơi Cục trưởng, Phó Cục trưởng công tác;
5) Bảng tổng hợp kết quả đánh giá công chức, người lao động (theo Mẫu số 01, 02 kèm theo Công văn này).
Nhận được Công văn này, Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện. Công văn này thay thế Công văn số 1097/TCTHADS-TCCB ngày 16/4/2015 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.
(Công văn này được tăng tải trên Trang thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự, mục Văn bản điều hành)./.
Nơi nhận: | KT.TỔNG CỤC TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN |