Nội dung toàn văn Công văn 32/BCA-C61 năm 2014 biện pháp phòng cháy chữa cháy cơ sở trọng điểm
BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/BCA-C61 | Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2014 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; |
Ngày 06/11/2013, Bộ Công an nhận được Thông báo số 9138/VPCP-NC của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc “giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan, địa phương có liên quan tăng cường kiểm tra các biện pháp an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy nổ cao; xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị chủ quản. Chỉ đạo các đơn vị Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy nâng cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm hiệu quả cao khi chữa cháy”.
Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đề nghị:
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước chủ động xây dựng kế hoạch tự tổ chức tổng kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở trọng điểm có nguy hiểm cháy nổ cao (gồm các cơ sở trọng điểm quốc gia và các cơ sở thuộc danh mục nguy hiểm cháy nổ theo quy định của Chính phủ, có quy mô lớn và đã được cơ quan Cảnh sát PCCC địa phương phân loại thuộc diện trọng điểm để quản lý về PCCC) thuộc Bộ, ngành mình quản lý. Trong trường hợp cần có sự hướng dẫn, phối hợp của lực lượng Cảnh sát PCCC thì áp dụng theo nguyên tắc: cơ sở đóng ở địa phương nào đề nghị liên hệ với Sở Cảnh sát PCCC hoặc Công an của địa phương đó.
Đối với Bộ Quốc phòng, đề nghị giao cho Tổng cục kỹ thuật chủ động liên hệ với Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an để phối hợp xây dựng kế hoạch, tiến hành kiểm tra PCCC một số cơ sở trọng điểm của Bộ và hướng dẫn việc kiểm tra an toàn PCCC trong toàn quân theo Nghị định số 78/2011/NĐ-CP ngày 01/9/2011 của Chính phủ quy định việc phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Quốc phòng trong tổ chức thực hiện công tác PCCC đối với cơ sở Quốc phòng.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng rà soát, lập danh sách các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy nổ cao (chợ - trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất những mặt hàng dễ cháy nổ trong các khu công nghiệp và các cụm công nghiệp, các công trình cao tầng đa năng, chung cư, các cơ sở chứa trữ, chế biến, kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng...) thuộc diện phải kiểm tra trong đợt này. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác PCCC tại những cơ sở trên. Chỉ đạo Sở Cảnh sát PCCC, Công an địa phương xây dựng, bổ sung hoàn thiện phương án xử lý tình huống cháy nổ lớn, phức tạp, cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện ở địa phương để trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt; tổ chức kiểm tra đột xuất đối với công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy của các đơn vị Cảnh sát PCCC.
3. Đợt kiểm tra PCCC lần này ngoài các nội dung kiểm tra chung theo quy định, đề nghị các đoàn kiểm tra tập trung vào phát hiện và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở và của cán bộ công nhân viên, người lao động trong việc chấp hành các quy định của pháp luật cũng như các yêu cầu, kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC về bảo đảm an toàn PCCC tại cơ sở và việc tổ chức lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ bảo đảm thường xuyên thường trực để kịp thời phát hiện và chữa cháy có hiệu quả ngay từ ban đầu. Trên cơ sở tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra PCCC tại các cơ sở, đề nghị các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh cần kịp thời chỉ đạo có các biện pháp xử lý, khắc phục, giải quyết dứt điểm những vi phạm, tồn tại, thiếu sót trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC. Trường hợp cần thiết, có thể công khai phê phán việc thiếu trách nhiệm hoặc có các hành vi vi phạm trong công tác PCCC của các cơ sở, cá nhân có liên quan để chấn chỉnh việc thực hiện công tác PCCC nói chung.
4. Các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cơ sở thuộc quyền quản lý nếu có xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an sinh xã hội ở địa phương cần phải sớm khắc phục hậu quả, ổn định tình hình và định hướng thông tin dư luận để không bị một số phương tiện thông tin đại chúng ở trong nước và nước ngoài có thể đưa tin sai lệch về bản chất vụ việc hoặc bị các đối tượng xấu lợi dụng kích động khiếu kiện đông người gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.
Đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Hàng năm, cần tổ chức ít nhất một đợt tổng kiểm tra và trước mắt cần tổ chức kiểm tra ngay trong mùa hanh khô, dịp tết Nguyên đán 2014 Giáp Ngọ và lễ hội đầu năm 2014. Sau đợt kiểm tra này và hàng năm có báo cáo kết quả về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) để tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
| KT. BỘ TRƯỞNG |