Công văn 3213/BNN-TL

Công văn 3213/BNN-TL về thông báo Khung chiến lược phát triển PIM ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Nội dung toàn văn Công văn 3213/BNN-TL thông báo Khung chiến lược phát triển PIM ở Việt Nam


BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3213/BNN-TL
V/v thông báo Khung chiến lược phát triển PIM ở Việt Nam

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2004

 

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân Tỉnh, TP trực thuộc TW

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương củng cố và phát triển các tổ chức hợp tác dùng nước với mục tiêu tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi (được gọi là PIM).

Nghị quyết số 06 ngày 10/11/1998 của Bộ Chính trị về một số vấn đề phát triển nông nghiệp nông thôn đã nêu “có chính sách khuyến khích nhân dân tham gia đầu tư và quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi”. Nghị quyết số 15NQ/TW về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn thời kỳ 2001-2010 tại hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX có đoạn “phát triển các tổ chức hợp tác dùng nước và quản lý thuỷ nông của nông dân”.

Thi hành Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, nhằm cụ thể hoá các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã soạn thảo Khung chiến lược phát triển PIM ở Việt Nam. Được chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp bằng văn bản và từ các Hội thảo của các địa phương, cơ quan Trung ương và các tổ chức quốc tế, nay xin thông báo nội dung Khung chiến lược phát triển PIM ở Việt Nam để các địa phương triển khai thực hiện.

Căn cứ nội dung và lộ trình thực hiện trong Khung chiến lược này, Uỷ ban nhân dân các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ban ngành có liên quan xây dựng chương trình hành động cụ thể phù hợp với điều kiện và đặc thù của từng địa phương, xây dựng quy chế phân cấp quản lý công trình, kế hoạch chuyển giao quản lý tưới, tiêu cho các tổ chức hợp tác dùng nước trên địa bàn.

Các địa phương cần thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện theo Lộ trình về Bộ Nông nghiệp và PTNT (qua Cục Thuỷ lợi - Số 2 Ngọc Hà - Ba Đình - Hà Nội) để điều chỉnh cho phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế xã hội của cả nước./.

 

 

Nơi nhận
- Như trên
- Lãnh đạo Bộ (để b/c)
- Các Bộ: Tài chính, KHĐT, XD
- Hội Nông dân VN, Hội Phụ nữ VN
- WB, ADB, một số tổ chức NGOs
- Các đơn vị liên quan thuộc Bộ
- Sở NN&PTNT các tỉnh, Tp. trực thuộc TW
- Chi cục Thuỷ lợi các tỉnh
- Các Công ty QLKTCTTL
- Cục Thuỷ lợi
- Lưu HC

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Phạm Hồng Giang

 

KHUNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN PIM Ở VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo công văn số 3213/BNN-TL ngày 30 tháng 12 năm 2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TRÌNH VÀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ

Trong nhiều thập kỷ qua, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã tập trung đầu tư khôi phục và xây dựng nhiều hệ thống thuỷ lợi để phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, phát điện, giao thông thuỷ, du lịch .... Cơ sở hạ tầng to lớn đó đã góp phần đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nguồn nước, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Để quản lý cơ sở vật chất thuỷ lợi hiện có:

- Gần 130 doanh nghiệp Nhà nước khai thác công trình thuỷ lợi, chưa kể các Trạm, Ban quản lý khai thác công trình thuỷ lợi (QLKTCTTL) độc lập.

- Gần 10.000 tổ chức hợp tác xã nông nghiệp và trên 2.000 tổ chức hợp tác làm dịch vụ tưới tiêu trong các hệ thống thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, thực hiện chức năng "cầu nối" giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các hộ nông dân trong việc cung cấp nước, thực hiện các chủ trương cơ chế chính sách, pháp luật về khai thác công trình thuỷ lợi.

Thực tế hiện nay, hoạt động quản lý khai thác công trình thuỷ lợi vẫn còn nhiều tồn tại, tổ chức quản lý còn cồng kềnh, kém hiệu lực, nhất là mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Nhà nước khai thác công trình thuỷ lợi với các tổ chức hợp tác, các hộ dùng nước. Việc sử dụng nước còn lãng phí, tuỳ tiện. Người dân nhiều nơi chưa tham gia tích cực cùng với các tổ chức của nhà nước trong đầu tư, quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình thuỷ lợi, trong khi đó nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho vấn đề duy tu bảo dưỡng, vận hành công trình rất hạn hẹp. Dẫn đến, nhiều hệ thống công trình dần dần bị xuống cấp, phát huy hiệu quả chưa cao.

II. VAI TRÒ NÔNG DÂN TRONG VIỆC THAM GIA QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

1. Thực trạng của vấn đề nông dân tham gia quản lý khai thác công trình thuỷ lợi (thường được gọi tắt theo tiếng Anh là PIM)

Thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, các hệ thống công trình thuỷ lợi ở Việt Nam đều có sự đóng góp của nông dân trong việc đầu tư vốn xây dựng công trình ở mức độ khác nhau tuỳ theo từng vùng cụ thể (đồng bằng sông Hồng khoảng 12%, các vùng khác có nơi dân đóng góp từ 30-50%), nhiều công trình thuỷ lợi nhỏ thì hầu hết dân tự bỏ vốn ra (80-100%) và dân quản lý.

Theo tài liệu điều tra hiện nay các công trình, hệ thống công trình do doanh nghiệp nhà nước quản lý phục vụ tưới cho 80% tổng diện tích, còn lại khoảng 20% diện tích do công trình dân quản lý. Riêng các hệ thống thuỷ lợi lớn thì phần công trình kênh mương mặt ruộng phạm vi xã, thôn chủ yếu do dân quản lý. Thực tế đã khẳng định, hiệu quả phục vụ của hệ thống công trình không chỉ do công trình đầu mối, kênh trục chính đem lại mà còn phụ thuộc vào hệ thống công trình mặt ruộng và việc quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình thuỷ lợi.

Qua nhiều thập kỷ, Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện PIM, chủ trương về PIM đã được dân đồng tình ủng hộ. Một số mô hình PIM đã được thành lập và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay do chưa có cơ chế chính sách hoặc có nhưng chưa khả thi trong việc khuyến khích người dân tham gia đầu tư, quản lý công trình thuỷ lợi nên các mô hình PIM chưa được mở rộng và phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân hạn chế hiệu quả của công trình thuỷ lợi.

2. Kết quả đạt được và những tồn tại khi thực hiện PIM

2.1. Những kết quả đạt được

- Các tổ chức hợp tác, hợp tác xã hoặc tổ chức tư nhân có hoạt động dịch vụ tưới tiêu được thành lập tại hầu hết các địa phương tạo nên một hệ thống tổ chức quản lý tưới theo hướng PIM rất đa dạng với quy mô chủ yếu ở cấp thôn, liên thôn hoặc xã.

Trong giai đoạn từ năm 1995 đến nay, với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế (ADB, WB, DANIDA...), tổ chức phi chính phủ NGOs (Oxfam Anh, Hồng Kông), một số mô hình PIM được hình thành và phát triển tốt như các mô hình Hợp tác xã dùng nước, hội dùng nước ở Thanh Hoá, Nghệ An, Lào Cai... Đặc biệt là đã thành lập được một số Hợp tác xã dùng nước quản lý công trình do nhà nước giao với quy mô liên xã, hoạt động hiệu quả được dân đồng tình. Hiệu quả cụ thể đã được tổng kết trong nhiều cuộc hội thảo, hội nghị. Đây là tiền đề và là cơ hội tốt cho sự phát triển PIM ở Việt nam trong giai đoạn hiện nay và những năm tới.

- Hiện nay, nhiều dự án đầu tư xây dựng mới, khôi phục, nâng cấp sửa chữa các công trình thuỷ lợi cũng đã đề cập đến nội dung PIM. Đặc biệt là các dự án trợ giúp kỹ thuật đã xây dựng nhiều mô hình PIM rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm về thành lập và hoạt động của PIM. Nhiều tỉnh đã nhận thức được vai trò của PIM đã có chủ trương củng cố tổ chức và phát triển mô hình PIM thành lập ban chỉ đạo về PIM giúp tỉnh chỉ đạo thực hiện PIM trên địa bàn, hoạt động hiệu quả.

2.2. Những tồn tại và nguyên nhân

2.2.1. Cơ chế chính sách

- Chủ trương về PIM chưa được pháp quy hoá bằng văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan chuyên ngành chưa có kế hoạch và tham mưu cho Chính phủ, Bộ kịp thời để có các biện pháp phát triển PIM, trên cơ sở ràng buộc đầu tư vốn gắn với tổ chức quản lý PIM.

- Một số chính sách đã có nhưng chưa được đồng bộ, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hoặc khó thực thi. Chưa có văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể về việc thành lập và hoạt động của các tổ chức PIM. Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi” đã ban hành nhưng vẫn chưa có những qui định cụ thể đối với việc tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi của nông dân, chuyển giao công trình cho tổ chức hợp tác dùng nước quản lý, chính sách tài chính tạo được tính tự chủ cho các mô hình PIM.

2.2.2. Nhận thức và chỉ đạo

- Chính quyền các cấp, nhất là ở cấp xã, chưa xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với công tác QLKTCTTL trên địa bàn (thực hiện việc kiểm tra, giám sát và đôn đốc các tổ chức, hộ dùng nước ...) và thực hiện qui chế dân chủ trong lĩnh vực thuỷ lợi.

- Một số nơi thực hiện chương trình PIM nhờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của dự án, khi dự án kết thúc thì mô hình PIM cũng kết thúc. Chính quyền các cấp chưa quan tâm chỉ đạo nên có mô hình PIM chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

- Nhiều cán bộ, kể cả cán bộ chủ chốt, chưa nhận thức đầy đủ về PIM, thậm chí còn cản trở tiến trình phát triển PIM gây trở ngại lớn cho việc phát triển PIM.

- Nhiều nơi nông dân chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong việc thu - trả thuỷ lợi phí, quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng và bảo vệ các công trình đã được giao, chưa thực sự coi đó là những tài sản của chính mình vì chưa hiểu biết đầy đủ các cơ chế chính sách và kỹ thuật, chưa qua đào tạo tập huấn cần thiết.

2.2.3. Tổ chức, cán bộ

- Năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân khai thác công trình thuỷ lợi chưa đáp ứng được với yêu cầu công nghiệp hoá và hiện đại hoá QLKTCTTL. Cán bộ quản lý thuỷ lợi rất thiếu, đặc biệt là tại các tỉnh trung du, miền núi.

- Bộ máy quản lý của các doanh nghiệp QLKTCTTL chưa thật hợp lý, hiệu quả hiệu lực chưa cao. Nhiều nơi doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng và hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức hợp tác dùng nước và các hộ sử dụng nước.

2.2.4. Đầu tư

- Do khó khăn về nguồn vốn nên việc đầu tư cho nhiều công trình thuỷ lợi còn thiếu đồng bộ từ đầu mối đến mặt ruộng, thiếu các trang thiết bị quản lý cần thiết.

- Nội dung đào tạo trong các dự án đầu tư thuỷ lợi, nhất là các dự án vay vốn nước ngoài chưa thật sự phù hợp với yêu cầu đào tạo.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN PIM

3.1. Căn cứ để thực hiện

Việc củng cố và phát triển tổ chức hợp tác dùng nước trong giai đoạn hiện nay là đòi hỏi hết sức bức xúc, là một yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của công trình thuỷ lợi. Đã có những chủ trương rất rõ ràng và cụ thể để đẩy mạnh phát triển PIM.

Nghị quyết số 06 ngày 10/11/1998 của Bộ Chính trị về một số vấn đề phát triển nông nghiệp nông thôn có chính sách khuyến khích nhân dân tham gia đầu tư, quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, Nghị quyết số 15 NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương tại hội nghị lần thứ năm, khoá IX về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn thời kỳ 2001-2010 phát triển các tổ chức họp tác dùng nước và quản lý thuỷ nông của nông dân, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 4/4/2001, Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh, Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg ngày 24/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ “Về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại công ty nhà nước và công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty nhà nước”; Thông tư số 06/1998/TT-BNN- TCCB ngày 3/9/1998 về “Hướng dẫn tổ chức và hoạt động của công ty khai thác công trình thuỷ lợi”; Văn bản số 1959/BNN-QLN ngày 12/5/1998 về việc “Tăng cường củng cố và đổi mới tổ chức thuỷ nông cơ sở” đảm bảo mỗi công trình thuỷ lợi phải có chủ quản lý thực sự, nhất là công trình trên địa bàn thôn, xã. Các cơ quan chuyên ngành, chính quyền các cấp cần có các văn bản cụ thể hoá các chính sách nói trên.

3.2. Mục tiêu

Trên cơ sở mục tiêu hiện đại hoá thuỷ lợi, chiến lược phát triển thuỷ lợi, tiếp tục củng cố các tổ chức quản lý có sự tham gia của dân (PIM), đảm bảo quản lý khép kín và có hiệu quả công trình từ đầu mối đến mặt ruộng, đáp ứng những yêu cầu của nông dân cũng như những người dùng nước khác. Phấn đấu đến 2010, khai thác đạt 75-85% năng lực thiết kế của công trình thuỷ lợi hiện có.

- Thực hiện việc chuyển giao công trình trên địa bàn cho nông dân quản lý theo quy mô thích hợp, phát huy vai trò của PIM để đảm bảo đáp ứng yêu cầu dùng nước phục vụ tốt sản xuất đời sống, giảm chi phí quản lý, đảm bảo vốn cho vận hành và bảo dưỡng công trình thuỷ lợi, phát huy cao nhất hiệu quả công trình thuỷ lợi.

- Tạo chuyển biến cơ bản vai trò của người dân, gắn trách nhiệm và quyền lợi của họ trong việc khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn, giảm bao cấp của Nhà nước trong vận hành và bảo dưỡng.

3.3. Chính sách, giải pháp chủ yếu phát triển PIM

3.3.1 Chính sách đầu tư

Ban hành chính sách về đầu tư, phân định rõ trách nhiệm Nhà nước và dân để đảm bảo đầu tư đồng bộ khép kín, tạo cơ sở vật chất thuỷ lợi hoàn chỉnh bao gồm đầu tư xây dựng mới, đại tu nâng cấp và khôi phục công trình.

Đầu tư xây dựng công trình phải tiến hành đồng thời với việc thành lập tổ chức quản lý trong đó có PIM, các dự án đầu tư kể cả các dự án đầu tư từ nguồn vốn vay của nước ngoài chỉ được giải ngân khi đã hình thành tổ chức quản lý phù hợp có vai trò của PIM. Chính sách này tạo sự ràng buộc chặt chẽ giữa Nhà nước và nhân dân, giữa chủ đầu tư với chủ quản lý đầu tư và người hưởng lợi, coi đó là một nội dung quan trọng để quyết định chủ chương đầu tư và ưu tiên đầu tư .

Chú trọng đầu tư trang thiết bị quản lý nhằm phục vụ cho người quản lý có điều kiện quản lý tốt công trình thuỷ lợi theo hướng hiện đại hoá. Có chính sách khuyến khích người dân tham gia đầu tư, quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, và các chính sách về vận hành và bảo dưỡng công trình an toàn, kéo dài tuổi thọ.

3.3.2 Tổ chức quản lý

Các địa phương có phương án sắp xếp tổ chức quản lý khai thác công trình thuỷ lợi ở cấp cơ sở: Đối với các công trình thuỷ lợi có quy mô xã hoặc liên xã thành lập tổ chức hợp tác dùng nước có đủ tư cách pháp nhân trực tiếp quản lý công trình trên địa bàn, tự chủ về tài chính, đảm bảo nhu cầu cho vận hành và duy tu, bảo dưỡng công trình.

Đối với các công trình thuỷ lợi quy mô lớn thì công trình đầu mối, kênh trục chính, công trình có kỹ thuật phức tạp doanh nghiệp nhà nước quản lý. Các hạng mục công trình còn lại (kênh mương, công trình trên kênh...) trên các địa bàn thôn, xã, liên xã giao cho tổ chức hợp tác dùng nước quản lý. Đổi mới và củng cố hoạt động của các công ty khai thác công trình thuỷ lợi theo hướng phân công, phân cấp hợp lý. Xây dựng được quy chế chuyển giao đảm bảo sau khi được chuyển giao, công trình phát huy hiệu quả cao hơn.

3.3.3 Chính sách tài chính

Liên Bộ Tài chính và Nông nghiệp & PTNT ban hành các chính sách tài chính rõ ràng và hiệu lực (thuỷ lợi phí, hỗ trợ từ nhà nước về đầu tư cho việc cải thiện, hiện đại hoá và duy tu bảo dưỡng công trình...), đảm bảo tính tự chủ và tính bền vững cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thuỷ lợi bao gồm cả doanh nghiệp KTCTTL và tổ chức hợp tác dùng nước.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm cụ thể hoá chính sách tài chính (thuỷ lợi phí, cấp bù) áp dụng trên địa phương mình, đảm bảo cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thuỷ lợi tự chủ được về tài chính.

3.3.4 Vai trò của chính quyền các cấp

Chính quyền các cấp (tỉnh, huyện, xã) coi trọng việc thực hiện PIM trên địa bàn, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo làm tốt chức năng quản lý Nhà nước đối với tổ chức hợp tác dùng nước, tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động hiệu quả, nhưng không can thiệp sâu vào hoạt động của tổ chức hợp tác dùng nước, nhất là hoạt động tài chính. Trước mắt cần xây dựng một chương trình về PIM cho địa phương gắn việc củng cố tổ chức và phát triển PIM với củng cố phát triển các doanh nghiệp QLKTCTTL trên địa bàn theo hướng bền vững.

3.3.5 Tăng cường năng lực cán bộ, phát huy vai trò của mạng lưới PIM của Việt Nam

Cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) xây dựng một kế hoạch về PIM, đẩy mạnh đào tạo, tuyên truyền nhằm làm chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp, các địa phương về tổ chức và hoạt động của tổ chức hợp tác dùng nước. Thông qua các hình thức sinh hoạt “câu lạc bộ về PIM”, hội thảo, tập huấn, đối thoại, qua phương tiện thông tin đại chúng, coi đây là việc làm thường xuyên của ngành. Đảm bảo 100% cán bộ tham gia công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi có kiến thức về thuỷ lợi và nhận thức đầy đủ về vai trò của PIM.

Tổ chức mạng lưới PIM (gọi tắt là VNPIM) bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu, tư vấn, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội... ở Trung ương và địa phương thông qua các dự án trợ giúp kỹ thuật tăng cường năng lực, mở rộng phạm vi hoạt động của VNPIM trong việc biên soạn tài liệu hướng dẫn trong lĩnh vực PIM. Trao đổi kinh nghiệm và tổ chức thực hiện PIM, tư vấn về PIM trong các dự án đầu tư, tổ chức các hoạt động, liên kết với các tổ chức quốc tế quan tâm đến PIM.

3.3.6 Tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá

a. Phân công nhiệm vụ:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chức năng quản lý Nhà nước về tổ chức thực hiện, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện tốt chiến lược phát triển về PIM, ban hành các chính sách về PIM trong phạm vi quyền hạn của mình để thúc đẩy sự phát triển của PIM.

Các đơn vị chức năng trong Bộ phối hợp thực hiện, chỉ đạo các tỉnh giám sát và đánh giá việc thực hiện chiến lược và lộ trình PIM sau khi được chính thức thông báo.

Cục Thuỷ lợi có trách nhiệm giúp Bộ phối hợp các cơ quan liên quan trong Bộ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất các cơ chế, chính sách về PIM phù hợp. Trong quá trình thẩm định xét duyệt đầu tư, chỉ đạo các địa phương thực hiện cơ chế đầu tư gắn với cam kết phát triển PIM trên địa bàn, chưa phê duyệt đầu tư khi chưa có phương án cải tiến tổ chức quản lý tốt theo hướng PIM. Thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc việc cụ thể hoá chiến lược về PIM, thực hiện chương trình PIM trên địa bàn.

Văn phòng VNPIM: có trách nhiệm tham mưu giúp Cục Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PIM (chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tổ chức và thực hiện PIM, tham mưu trong việc soạn thảo, ban hành các cơ chế, chính sách về PIM, IMT, tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm về PIM, IMT); hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương tháo gỡ những khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện chiến lược PIM; giúp Cục Thủy lợi soát xét các đề cương dự án đầu tư về mặt duy tu, bảo dưỡng công trình.

Các cơ quan liên quan khác: Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Thuỷ lợi, Ban quản lý trung ương dự án thuỷ lợi, Viện Quy hoạch thuỷ lợi... có trách nhiệm phối hợp với Cục Thuỷ lợi, tổ chức mạng lưới VNPIM giúp địa phương thực hiện chiến lược PIM.

Uỷ ban nhân dân các Tỉnh: có trách nhiệm chỉ đạo các ngành, các cấp liên quan trong tỉnh tham gia thực hiện PIM theo khung chiến lược và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, có chính sách phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và chức năng của các ngành trong tỉnh để giải quyết những khó khăn, trở ngại khi thực hiện PIM. Đảm bảo thực hiện các yêu cầu cam kết thực hiện PIM trong các dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh.

Các Công ty QLKTCTTL: cần được củng cố vững mạnh làm tốt chức năng “cung cấp đầu vào” và hướng dẫn thành lập, hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức hợp tác dùng nước trên cơ sở thực hiện các cơ chế, chính sách về PIM. Các công ty QLKTCTTL chủ động lập kế hoạch hành động về PIM đối với địa bàn quản lý của mình, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp thành kế hoạch hành động chung của tỉnh và trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt.

b. Giám sát, đánh giá

* Mục tiêu giám sát: Giám sát thực hiện chiến lược phát triển toàn diện PIM nhằm kiểm tra, xem xét và chỉ đạo các địa phương thực hiện PIM theo đúng định hướng chiến lược đã đề ra, đạt được những mục tiêu mong muốn là nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc khai thác hiệu quả và bền vững nguồn nước và các công trình thuỷ lợi, nâng cao sản lượng nông nghiệp và thu nhập của nông dân.

* Hệ thống các chỉ tiêu giám sát, đánh giá: Để có sự giám sát, đánh giá tốt việc thực hiện chiến lược phát triển các mô hình PIM, cần soạn thảo một hệ thống chỉ tiêu để đánh giá kết quả thực hiện chiến lược phát triển PIM, giúp các địa phương và các cơ quan chuyên môn có cơ sở đánh giá được kết quả đạt được.

- Các chỉ tiêu đánh giá kết quả: Kết quả thực hiện chiến lược PIM cần phải thể hiện được ở một số chỉ tiêu sau đây:

+ Số lượng, chất lượng của tổ chức PIM.

+ Mức độ của người dân vào QLKTCTTL thông qua các nội dung về qui hoạch, thiết kế, xây dựng, vốn, duy tu, bảo dưỡng công trình.

+ Hiệu quả khai thác của các công trình thuỷ lợi.

+ Hiệu quả việc ban hành và thực thi các cơ chế, chính sách về PIM

+ Hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tính bền vững đạt được sau khi có tổ chức PIM hoạt động.

+ Mức độ tiết kiệm nước và năng lượng.

+ Kết quả giảm đói nghèo.

- Các chỉ tiêu đánh giá ảnh hưởng của từng giai đoạn của chương trình chiến lược:

+ Sự chuyển đổi về nhận thức của cán bộ, người dân.

+ Tác động của chương trình PIM đối với kết quả sản xuất, đời sống.

+ Mức độ giảm nghèo.

+ Vai trò phụ nữ trong tham gia quản lý.

* Trách nhiệm giám sát, đánh giá: Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc thực hiện Khung chiến lược phát triển PIM, phân công trách nhiệm Uỷ ban nhân dân các cấp và các Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với mạng lưới PIM từ Trung ương đến địa phương thực hiện chức năng giám sát đánh giá.

Thiết lập hệ thống thông tin để theo dõi, đánh giá.

3.3.7 Huy động và phân bổ kế hoạch thực hiện

PIM phải được tổ chức thực hiện sớm, để người dùng nước có cơ hội tham gia đóng góp ý kiến từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công đến khâu quản lý. Đối với các dự án đầu tư thuỷ lợi mới, không nên để đến khi hoàn thành công trình mới thành lập tổ chức theo hướng PIM.

1) Hệ thống thuỷ lợi loại vừa và lớn: là những hệ thống được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp khôi phục với quy mô lớn trong phạm vi liên huyện, liên tỉnh. Cho đến nay, ở các hệ thống này chưa có chuyển biến tích cực về PIM. Vì vậy các tỉnh cần tập trung chỉ đạo thành lập tổ chức Hợp tác dùng nước - PIM đảm nhận quản lý các cấp kênh xã, liên xã.

Đối với các dự án đầu tư chưa bắt đầu chuẩn bị, thì việc khởi đầu xây dựng các tổ chức hợp tác dùng nước phải là một phần của quá trình chuẩn bị và thiết kế dự án.

2) Hệ thống thuỷ lợi nhỏ: là những hệ thống có quy mô nhỏ, công trình, hoặc cụm công trình phạm vi huyện, liên xã cần triển khai ngay kế hoạch phát triển PIM.

3) Các công trình tại thôn, xã (không do doanh nghiệp nhà nước quản lý): là những công trình có quy mô nhỏ phục vụ phạm vi thôn, xã hầu hết đang do Hợp tác xã, UBND xã, tư nhân quản lý trên các địa bàn khác nhau. Các địa phương tổ chức đánh giá, kiểm tra, thành lập tổ chức quản lý theo hướng PIM, đề xuất các kế hoạch hỗ trợ đầu tư, kế hoạch đào tạo để nâng cao năng lực quản lý cho người dân.

IV. LỘ TRÌNH VÀ KHUNG THỜI GIAN THỰC HIỆN

Lộ trình thực hiện PIM giai đoạn 2004 - 2008 kèm theo đây là một phần quan trọng của chiến lược này. Khung thời gian của Chiến lược là đến năm 2015, tuy nhiên, lộ trình chỉ bao gồm những công việc cấp bách nhất phải giải quyết trong giai đoạn đầu, 2004 - 2008. Sau đây là tóm tắt những nội dung cơ bản của khung thời gian thực hiện.

Giai đoạn 2004 - 2005

Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành thông tư hướng dẫn thành lập, củng cố và phát triển các tổ chức hợp tác dùng nước.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành chiến lược toàn diện về PIM, ban hành quy chế phân cấp quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi, hướng dẫn các chỉ tiêu đánh giá giám sát kết quả thực hiện.

Các Sở Nông nghiệp & PTNT hoàn thành đề án phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Giai đoạn 2005 –2008

Tiếp tục triển khai các mô hình PIM thực nghiệm tại một số hệ thống công trình bao gồm các dự án thuỷ lợi Phước Hoà, WB3, Sông Hồng 2, tổng kết rút kinh nghiệm để củng cố phát triển PIM một cách toàn diện trong hệ thống thuỷ lợi lớn. Đến năm 2008 các tổ chức quản lý đảm bảo tự chủ tài chính cho vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình.

Thực hiện chương trình PIM đồng loạt đối với các dự án vốn vay.

Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1.

Giai đoạn 2008-2015

Tiếp tục và mở rộng ở mức độ cao việc phân cấp quản lý, đa dạng hoá hình thức sở hữu quản lý khai thác các công trình thủy lợi của nhà nước bằng cách chuyển giao, khoán, cho thuê hoặc bán cổ phần.

Đánh giá và tổng kết toàn diện kết quả thực hiện chương trình chiến lược, hoàn thiện các chính sách để phát triển PIM trên cơ sở các chỉ tiêu đã đề ra.

V. BIỆN PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

5.1. Phổ biến nội dung chiến lược và lộ trình phát triển PIM đối với các Bộ, Tỉnh và các cấp liên quan cùng với các tổ chức quần chúng đặc biệt là Hội Nông dân và Hội Phụ nữ Việt Nam.

5.2. Chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã). Bộ có Ban chỉ đạo do Thứ trưởng phụ trách chung, thành viên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan. Cục Thuỷ lợi là cơ quan thường trực giúp Bộ chỉ đạo, tổng hợp tình hình, đề xuất các giải pháp cụ thể đảm bảo thực hiện đúng lộ trình kế hoạch.

Ở các tỉnh, mỗi tỉnh có một Ban chỉ đạo do Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phụ trách với các thành viên của lãnh đạo các huyện, các Ban/Ngành liên quan; Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực giúp tỉnh chỉ đạo thực hiện chương trình hành động về PIM của tỉnh; 6 tháng có tổng kết, rút kinh nghiệm, báo cáo về Bộ.

5.3. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về PIM.

5.4. Bộ Nông nghiệp và PTNT thông báo chính thức với các tổ chức quốc tế về chiến lược và lộ trình PIM, coi đây là cam kết giữa các bên.

5.5. Các đơn vị đã được phân công có kế hoạch cụ thể thực hiện nhiệm vụ của mình trên cơ sở chiến lược và lộ trình đã công bố./.

 

PHỤ LỤC

LỘ TRÌNH THỰC HIỆN PIM Ở VIỆT NAM

Lộ trình này là một thành phần của chiến lược phát triển PIM ở Việt Nam.

Lộ trình này được đề xuất từ Hội thảo Khu vực về PIM - Tiếp tục phát triển ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với ADB, DANIDA, INPIM và WB đồng tổ chức tại Hạ Long - Quảng Ninh từ ngày 30 tháng 3 đến 2 tháng 4 năm 2004 và thảo luận bổ sung tại Hội thảo tiếp theo về PIM tổ chức tại Hà Nội ngày 25 tháng 6 năm 2004.

Lộ trình này được Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, hoàn thiện và chấp nhận đưa vào thực hiện.

Lộ trình này nhằm đạt được các mục tiêu cơ bản như sau:

1. Tiếp tục áp dụng các mô hình PIM phù hợp với các điều kiện địa phương cụ thể.

2. Sửa đổi và hoàn thiện các chính sách về PIM hoặc liên quan đến PIM nhằm thiết lập một khung pháp lý để thực hiện PIM trên toàn quốc.

3. Phân cấp, phối hợp và cam kết của các bên liên quan trong việc thực hiện và phát triển PIM theo kế hoạch hành động của lộ trình dưới đây.

 

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

CIO

Tổ chức quốc tế liên quan

DOL

Vụ Pháp chế

DOP

Vụ Kế hoạch

DWR

Cục Thủy lợi

DARD

Cục Nông nghiệp

DPC

Uỷ ban nhân dân huyện

IDMC

Công ty thuỷ nông

PIM

Quản lý tưới có sự tham gia

IMT

Chuyển giao quản lý tưới

VNPIM

Mạng lưới PIM Việt Nam

INPIM

Mạng lưới PIM quốc tế

MOF

Bộ Tài chính

MPI

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

M&E

Giám sát và đánh giá

O&M

Vận hành và bảo dưỡng

PMU

Ban quản lý dự án

PPC

Uỷ ban nhân dân Tỉnh

VIWRS

Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam

WUO

Tổ chức người dùng nước

DANIDA

Cơ quan trợ giúp phát triển quốc tế Đan Mạch

WB

Ngân hàng thế giới

ADB

Ngân hàng phát triển châu Á

JICA

Cơ quan trợ giúp phát triển quốc tế Nhật Bản

NGO

Tổ chức phi chính phủ

 

LỘ TRÌNH THỰC HIỆN PIM

TT

Nội dung công việc

Hiện trạng

Đơn vị thực hiện

Mục tiêu thời gian

I

Khung chính sách pháp luật

 

 

 

1.1. Bộ Nông nghiệp và PTNT

 

 

 

1) Trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt hành chính là nội dung quan trọng và bức thiết.

Đang hoàn thiện

Cục Thuỷ lợi, Vụ Pháp chế, Bộ trình CP

12/2005

2) Vận dụng thi hành một số điều thuộc Nghị định 143/2003/NĐ-CP về lĩnh vực PIM, IMT:

 

 

 

2.1. Ban hành thông tư hướng dẫn thành lập và hoạt động của tổ chức hợp tác dùng nước.

Đang trình Bộ

Cục thuỷ lợi, Vụ, Pháp chế

11/2004

2.2 Sửa đổi thông tư liên Bộ số 90/1997/TTLT/TC- NN ngày 19/12/1997 Hướng dẫn chế độ tài chính đối với DNNN, tổ chức HTDN hoạt động công ích trong lĩnh vực KT&BV CTTL phù hợp với Nghị định 143/2003/NĐ/CP

-ntr-

Bộ NN & PTNT - Bộ Tài chính

12/ 2005

2.3. Sửa đổi thông tư số 06/1998/TT-BNN-TCCB “Hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Công ty KTCTTL” phù hợp với chiến luợc phát triển PIM

-ntr-

Cục Thuỷ lợi, Vụ TCCB, trình Bộ

3/2005

2.4. Văn bản hướng dẫn nội dung PIM thực hiện trong qui hoạch, thiết kế, đầu tư vốn, xây dựng, quản lý khai thác các hệ thống thuỷ lợi, đảm bảo được quyền và nghĩa vụ của người hưởng lợi thể hiện trong văn bản phê duyệt các dự án đầu tư

Chưa có

Bộ giao các đơn vị liên quan phối hợp (Cục: Thuỷ lợi, QLXDCT, Vụ Kế hoạch ... )

12/2005

2.5. Qui chế đào tạo nâng cao năng lực đối với lực luợng quản lý IMC, tổ chức hợp tác dùng nước

Đang đề xuất

Cục TL phối hợp các đơn vị liên quan

12/2005

3) Văn bản chỉ đạo, đôn đốc địa phương thực hiện:

 

 

 

3.1. Hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực khai thác công trình thuỷ lợi

Cần tăng cường đôn đốc

-ntr-

6/2005

3.2. Xây dựng ĐMKTKT áp dụng trong lĩnh vực quản lý KTCTTL

Thường xuyên

Cục Thuỷ lợi

Th/xuyên

3.3. Xây dựng kế hoạch chỉ đạo phát triển PIM trên địa bàn Tỉnh, Huyện sau khi có thông báo chính thức chiến lược, lộ trình phát triển PIM

Chờ thông báo chính thức Khung chiến lược

Bộ NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh thực hiện

12/2004

 

1.2 . Uỷ ban nhân dân các tỉnh

 

 

 

Căn cứ chiến lược PIM, Pháp lệnh và NĐ 143, xây dựng, cập nhật cụ thể hoá chính sách, quy chế của tỉnh về phân cấp, chuyển giao quản lý và tổ chức hợp tác dùng nước (thủy lợi phí, định mức KTKT, cấp bù, tổ chức và hoạt động, tài chính...)

Chờ thông báo chính thức Khung chiến lược

Sở NN&PTNT/ Các tỉnh

01/2005

II

Cơ chế quản lý

 

 

 

 

2.1 Bộ Nông nghiệp và PTNT

 

 

 

 

1) Hoàn thiện chiến lược phát triển PIM ở Việt Nam đến năm 2015.

Đang hoàn thiện

Bộ NN&PTNT

11/2004

 

2) Củng cố tổ chức VNPIM:

 

 

 

 

2.1) Củng cố tổ chức VNPIM tham mưu cho Cục Thuỷ lợi, Bộ NN & PTNT làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về PIM, chỉ đạo các địa phương tổ chức mạng lưới PIM trên địa bàn Tỉnh, Huyện, Xã

Đang thực hiện

Cục Thuỷ lợi

12/2004 

 

2.2) Củng cố các tổ chức có tư cách pháp nhân, tự chủ, làm chức năng tư vấn về PIM trong các dự án đầu tư

Đang thực hiện

Vụ TCCB, Cục Thuỷ lợi, các tổ chức liên quan

Th/xuyên

 

2.2 . Địa phương

 

 

 

 

1) Thành lập màng luới PIM ở địa phương (tỉnh, huyện theo hướng dẫn của VNPIM)

Chưa có, chờ Bộ ban hành, chỉ đạo và hướng dẫn -

Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND Tỉnh

6/2005

 

2) Qui định việc thành lập và cơ chế hoạt động của tổ chức Hợp tác dùng nước trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ.

-ntr-

-ntr-

6/2006

 

3) Qui định thủ tục và kế hoạch chuyển giao theo quy định của Nghị định 143/2003/NĐ-CP.

-ntr-

-ntr-

12/2005

 

4) Hướng dẫn, phê duyệt kế hoạch cấp bù cho Công ty thuỷ nông, tổ chức HTDN theo Nghị định 143/2003/NĐ-CP và thông tư số 90 đã sửa đổi.

-ntr-

Bộ Nông nghiệp và PTNT/Bộ TC

6/2005

 

5) Phê duyệt mức thu thuỷ lợi phí, qui chế sử dụng thuỷ lợi phí.

Đang thực hiện

-ntr-

12/2005

 

6) Ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật trong các hệ thống công trình do các Công ty thuỷ nông, tổ chức hợp tác dùng nước phụ trách.

Đang thực hiện

-ntr-

12/2005

III

Thực hiện PIM

 

 

 

 

3.1 Bộ Nông nghiệp và PTNT:

 

 

 

 

1) Có văn bản chỉ đạo:

 

 

 

 

1.1) Các tỉnh xây dựng chuơng trình thực hiện PIM thời kỳ 2005-2010

Thực hiện sau khi Bộ có thông báo chính thức

Bộ NN & PTNT (Cục Thuỷ lợi, các đơn vị liên quan)

01/2005

 

1.2) Tiến hành điều tra đánh giá tổng thể hiện trạng các Công ty thuỷ nông có PIM

01/2006

 

1.3) Thực hiện PIM trong các dự án vốn vay

Đang thực hiện cùng với xây dựng lộ trình

Bộ NN&PTNT (Cục TL/CPO)

10/2004

 

3.2 Địa phương

 

 

 

 

1) UBND các tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện PIM thời kỳ 2005-2010 (Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu và giúp UBND Tỉnh soạn thảo văn bản và chỉ đạo) trong dó khẳng định được thời gian thực hiện lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Nông nghiệp & PTNT

Sẽ thực hiện sau khi có thông báo chính thức của chiến lược và lộ trình PIM

UBND các Tỉnh

 

1/2005

 

2) Chỉ đạo thực hiện PIM theo kế hoạch, xây dùng mới và cũng cố các mô hình PIM hiện có phù hợp, hoạt động hiểu quả.

-ntr-

-ntr-

6/2005

 

3) Tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm các mô hình hiện có trên địa bàn Tỉnh, đề xuất các loại hình tổ chức

-ntr-

-ntr-

12/2006

IV

Tài chính

 

 

 

 

Nghiên cứu chính sách tài chính toàn diện đối với DNNN và Tổ chức HTDN (hoàn thuế, cấp bù, mức thu đối với các đối tượng sử dụng nước, quỹ dự phòng...) trên cơ sở thực hiện tốt các Thông tư 90 và 06; ĐMKTKT, TLP, đảm bảo tài chính cho đào tạo, hoạt động của công ty thuỷ nông, tổ chức HTDN, kể cả kinh phí hỗ trợ cho tổ chức, cơ sở vật chất, hoạt động của tổ chức HTDN.

Cụ thể hoá sau thông báo chính thức lộ trình

Bộ NN & PTNT, phối hợp với Bộ TC và địa phương

2005-2006

V

Phát triển nguồn nhân lực

 

 

 

 

5.1) Tăng cường năng lực cho cơ quan tư vấn về PIM

Cần thúc đẩy mạnh

Bộ NN&PTNT & c/quan liên quan

2004-2008

 

5.2) Phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến các chính sách về PIM và liên quan đến PIM.

Cần thúc đẩy mạnh

Bộ NN&PTNT/ c/quan ngôn luận

2004-2015

 

5.3) Tổ chức hội thảo và tham quan, nghiên cứu

Cần thúc đẩy mạnh

Bộ, quốc tế, ĐP

2005-2008

 

5.4) Tổ chức đào tạo cho nông dân, tổ chức hợp tác dùng nuớc

Cần thúc đẩy mạnh

Bộ, địa phương

2004-2015

 

5.5) Tổ chức câu lạc bộ chia sẻ thông tin

Xúc tiến

Các tổ chức PIM

2004-2015

 

5.6) Biên soạn các tài liệu về PIM

Đang thực hiện

VNPIM

2005-2015

 

5.7) Chính sách tài chính về đào tạo

Chưa

Bộ NN, Bộ TC

2005-2006

VI

Hợp tác quốc tế và khu vực

 

 

 

 

Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế (ADB, WB, DANIDA, JICA, INPIM, NGOs) về cam kết thực hiện PIM trong các dự án đầu tu theo cơ chế ràng buộc, trợ giúp kỹ thuật, tài chính cho các nội dung cụ thể:

 

Bộ NN&PTNT, Các t/chức quốc tế, NGOs, địa phương

 

 

6.1) Xây dựng chương trình thực hiện PIM 2005-2010-2015

Chuẩn bị thực hiện

Bộ NN và các CIOs

2004-2005

 

6.2) Rà soát bổ sung các chính sách, đảm bảo tính pháp lý về lĩnh vực PIM

Chuẩn bị thực hiện

Cục Thuỷ lợi

2005-2006

 

6.3) Tổ chức đánh giá toàn diện về PIM ở Việt Nam (mô hình, IMC, vai trò chính quyền, hiệu quả thực hiện)

Chuẩn bị thực hiện

Cục Thuỷ lợi/ĐP

2005-2006

 

6.4) Tổ chức lại màng lưíi PIM ë ViÖt Nam (Trung ương và địa phương)

Chuẩn bị thực hiện

Cục Thuỷ lợi/ĐP

2004-2006

 

6.5) Chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo ở cả 3 cấp: TW, địa phương, cơ sở.

Chuẩn bị thực hiện

VNPIM/ CụcTL

2005-2008

 

6.6) Tổ chức hội thảo khu vực về PIM 2 năm lần.

Đang thực hiện

Bộ NN và các CIOs

2004-2015

 

6.7) Biên soạn các tài liệu về PIM

Đang thực hiện

VNPIM/Cục TL

Th/xuyên

 

6.8) Tham quan, nghiên cứu quốc tế, khu vực

Chuẩn bị thực hiện

Bộ NN và các CIOs

2005-2015

VI

Giám sát và đánh giá:

 

 

 

 

7.1) Bộ Nông nghiệp do một thứ trưởng phụ trách chỉ đạo thực hiện chiến lược và lộ trình, giao các đơn vị chức năng (Cục Thuỷ lợi, Viện khoa học thuỷ lợi, CPO, Cục Quản lý XDCT, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch...) giúp Bộ chỉ đạo địa phương và xây dựng chương trình hành động về PIM của đơn vị mình.

Đẩy mạnh xúc tiến

Bộ NN&PTNT, và các đơn vị liên quan thuộc Bộ

Thường xuyên, từ 2005

 

7.2) Các tổ chức quốc tế ADB, WB, DANIDA, JICA, NGOs tăng cường t×m c¸c nguån vốn hç trî thùc hiÖn, phối hợp giám sát, có các giải pháp thực hiện chương trình PIM đã được cam kết trong khuôn khổ của các dự án đầu tư

Đẩy mạnh xúc tiến

ADB, WB, DANIDA, JICA, INPIM, NGO,

Thường xuyên, từ 2005

 

7.3) Các tỉnh thành lập Ban chỉ đạo do Phó chủ tịch UBND Tỉnh phụ trách giao các ngành trong Tỉnh (Sở NN & PTNT, Sở Tài chính..) giúp UBND Tỉnh chỉ đạo thực hiện các chương trình kế hoạch và cam kết về PIM, cụ thể hoá các chính sách, nhất là chính sách Tài chính đối với tổ chức HTDN

Đẩy mạnh xúc tiến

Địa phương, các Sở, Ban ngành liên quan

Thường xuyên, từ 2005

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Công văn 3213/BNN-TL

Loại văn bảnCông văn
Số hiệu3213/BNN-TL
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành30/12/2004
Ngày hiệu lực30/12/2004
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcLĩnh vực khác
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Công văn 3213/BNN-TL

Lược đồ Công văn 3213/BNN-TL thông báo Khung chiến lược phát triển PIM ở Việt Nam


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản sửa đổi, bổ sung

      Văn bản bị đính chính

        Văn bản được hướng dẫn

          Văn bản đính chính

            Văn bản bị thay thế

              Văn bản hiện thời

              Công văn 3213/BNN-TL thông báo Khung chiến lược phát triển PIM ở Việt Nam
              Loại văn bảnCông văn
              Số hiệu3213/BNN-TL
              Cơ quan ban hànhBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
              Người kýPhạm Hồng Giang
              Ngày ban hành30/12/2004
              Ngày hiệu lực30/12/2004
              Ngày công báo...
              Số công báo
              Lĩnh vựcLĩnh vực khác
              Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
              Cập nhật18 năm trước

              Văn bản thay thế

                Văn bản được căn cứ

                  Văn bản hợp nhất

                    Văn bản gốc Công văn 3213/BNN-TL thông báo Khung chiến lược phát triển PIM ở Việt Nam

                    Lịch sử hiệu lực Công văn 3213/BNN-TL thông báo Khung chiến lược phát triển PIM ở Việt Nam

                    • 30/12/2004

                      Văn bản được ban hành

                      Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                    • 30/12/2004

                      Văn bản có hiệu lực

                      Trạng thái: Có hiệu lực