Nội dung toàn văn Công văn 3409/TCT-KK chứng từ thanh toán qua ngân hàng 2014
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3409/TCT-KK | Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2014 |
Kính gửi: Cục Thuế tỉnh An Giang.
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1891/CT-THNVDT ngày 06/11/2013, công văn số 150/CT-THNVDT ngày 07/02/2014 và công văn số 1084/CT-KTr1 ngày 30/6/2014 của Cục Thuế tỉnh An Giang vướng mắc về chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Căn cứ Khoản 2, Điều 12 Chương III Luật Thuế GTGT, quy định về điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào;
Căn cứ Điểm 1.3 (c3) Mục III Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008; Điểm 3 (a) Điều 16 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012; Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng;
Căn cứ Khoản 1.b Điều 9 Chương II Quyết định số 17/2004/QĐ-NHNN ngày 05/01/2004 của Ngân hàng Nhà Nước về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia;
Căn cứ Điều 5, Điều 7 Quyết định số 1789/2005/QĐ-NHNN ngày 12/12/2005 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về việc ban hành chế độ chứng từ kế toán ngân hàng;
Căn cứ Điểm 1.3 Mục III và Điểm 1.13 Mục IV Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế;
Căn cứ Công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu qua biên giới đất liền; Công văn số 16249/BTC-PC ngày 25/11/2013 của Bộ Tài chính về một số biện pháp tăng cường quản lý thuế GTGT, thuế TTĐB; Công văn số 1725/BTC-TCT ngày 10/02/2014 của Bộ Tài chính về việc tăng cường quản lý thuế đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế;
Căn cứ Công văn số 10024/BTC-TCT ngày 22/7/2014 của Bộ Tài chính về một số biện pháp tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền.
Căn cứ quy định, hướng dẫn nêu trên:
1. Trường hợp chứng từ thanh toán không phải là Giấy báo Có, mà sử dụng ủy nhiệm chi, lệnh chi... do thương nhân nước ngoài mở tài khoản tiền gửi vãng lai tại tổ chức tín dụng Việt Nam chuyển tiền thanh toán, đề nghị Cục thuế:
- Có văn bản gửi Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nơi sử dụng ủy nhiệm chi thay Giấy báo có cung cấp quyết định của Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP có liên quan có nội dung quy định sử dụng mẫu chứng từ kế toán là ủy nhiệm chi do chủ tài khoản bên chuyển tiền lập đã có xác nhận hạch toán kế toán của ngân hàng thay Giấy báo có cung cấp cho chủ tài khoản bên nhận tiền trong trường hợp cả 2 tài khoản cùng mở tại một ngân hàng trong hệ thống Ngân hàng TMCP có liên quan.
- Thực hiện kiểm tra nguồn tiền nộp vào tài khoản vãng lai của thương nhân nước ngoài mở tại ngân hàng thương mại Việt Nam để thanh toán hàng hóa nhập khẩu từ Việt nam như hướng dẫn tại công văn số 10024/BTC-TCT ngày 22/7/2014 của Bộ Tài chính về một số biện pháp tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền.
Việc thanh toán bằng ủy nhiệm chi nêu trên, nếu cơ quan thuế kiểm tra xác định Ngân hàng có liên quan đã chuyển tiền vào tài khoản của bên bán (doanh nghiệp Việt Nam) đúng như xác nhận của Ngân hàng trên ủy nhiệm chi (lệnh chi, ...) và nguồn gốc tiền thanh toán đáp ứng đúng quy định của Ngân hàng nhà nước, thì được chấp nhận là hình thức chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
2. Trường hợp người nộp thuế (bên nhận tiền) xuất trình giấy báo Có của ngân hàng TMCP có liên quan thay thế cho ủy nhiệm chi đã cung cấp trước đây thì đề nghị Cục thuế có văn bản đề nghị ngân hàng TMCP có liên quan xác nhận tính hợp pháp của chứng từ làm căn cứ xét hoàn thuế theo quy định.
Trường hợp Cục Thuế thấy nghi vấn về chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì đề nghị ngân hàng có liên quan cung cấp sổ phụ tài khoản ngân hàng của bên chuyển tiền và bên nhận tiền để xác định việc chuyển tiền thanh toán qua ngân hàng có thật hay không có thật.
Trường hợp liên quan đến khách hàng nước ngoài thanh toán hàng hóa xuất khẩu từ tài khoản mở tại ngân hàng ở Việt nam thì phải xác minh nguồn tiền thanh toán để có đủ căn cứ xét hoàn thuế như hướng dẫn tại công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 và công văn số 10024/BTC-TCT ngày 22/7/2014 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền.
3. Trường hợp mẫu giấy báo Có thay cho Lệnh chi (Chi tiết giao dịch) có đóng mộc vuông là Giấy báo có thì mẫu giấy báo Có này không đúng theo quy định tại Điểm 2 và 8 Điều 7, Điểm 2 Điều 8 Mục II Chế độ chứng từ kế toán ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1789/2005/QĐ-NHNN ngày 12/12/2005 nêu trên, không phù hợp với quy định của pháp luật thuế không đủ điều kiện để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào.
4. Trường hợp cơ quan thuế qua kiểm tra, thanh tra người nộp thuế phát hiện nguồn tiền thanh toán hàng hóa xuất khẩu từ tài khoản của khách hàng nước ngoài mở tại ngân hàng ở Việt Nam không đảm bảo quy định về quản lý ngoại hối hiện hành, như sử dụng nguồn tiền từ tài khoản vãng lai không khai báo Hải quan để kê khai khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào, CQT đã lập biên bản xác định không đủ điều kiện theo Điểm 3 Điều 16 Thông tư số 06/2012/TT-BTC nêu trên, thì chứng từ thanh toán qua ngân hàng có liên quan không đảm bảo điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu theo hướng dẫn tại các văn bản của Bộ Tài chính nêu trên.
Việc DN lập lại hồ sơ, chứng từ để thay thế bổ sung hồ sơ hoàn thuế trước đây đã nộp cơ quan thuế là không đúng với quy định. Trường hợp phát hiện sai phạm liên quan đến thanh toán qua ngân hàng, thì:
- Nếu chưa có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về thuế thì người nộp thuế bị thu hồi số thuế đã hoàn có liên quan và bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo hướng dẫn tại Điểm 1.13 Mục IV Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC nêu trên (trường hợp người nộp thuế trực tiếp nộp tiền mặt vào tài khoản của khách hàng nước ngoài mở tại ngân hàng ở Việt Nam) hoặc Điểm 1.3 Mục III Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC nêu trên.
- Nếu có vi phạm nghiêm trọng và thuế, có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan thuế thực hiện chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng dẫn tại Công văn số 1752/BTC-TCT ngày 10/02/2014 của Bộ Tài chính về việc tăng cường quản lý thuế đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế tỉnh An Giang biết và thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |