Nội dung toàn văn Công văn 348/KTN thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ định hướng quản lý Nhà nước ngành rượu bia nước giải khát
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 348/KTN | Hà Nội, ngày 21 tháng 1 năm 1997 |
CÔNG VĂN
CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 348/KTN NGÀY 21 THÁNG 01 NĂM 1997 VỀ VIỆC THÔNG BÁO Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐỊNH HƯỚNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH RƯỢU BIA NƯỚC GIẢI KHÁT
Kính gửi: | - Bộ Công nghiệp, |
Xét tờ trình của Bộ Công nghiệp (Công văn 3872/CV-KHĐT ngày 22 tháng 10 năm 1996) và báo cáo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về định hướng quản lý Nhà nước ngành rượu bia nước giải khát tại cuộc họp ngày 26 tháng 12 năm 1996, sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tổng Giám đốc Tổng Công ty rượu bia nước giải khát Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
1. Về kinh doanh bia:
- Tạm ngừng việc cấp giấy phép đầu tư các dự án liên doanh với nước ngoài sản xuất bia tiêu thụ tại Việt Nam. Trường hợp đặc biệt phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
- Khuyến khích đầu tư phát triển các nhãn hiệu bia trong nước như bia 333, bia Hà Nội đang chiếm được uy tín tại thị trường nội địa cũng như có tiềm năng xuất khẩu, không ngừng nâng cao chất lượng và năng xuất lao động, đa dạng hoá chủng loại, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu trong nước, tìm kiếm thị trường tranh thủ xuất khẩu.
Trước mắt cần tiến hành thẩm định, phê duyệt các dự án tự đầu tư của các công ty bia Hà Nội và bia Sài gòn để mở rộng năng lực sản xuất, đáp ứng kịp thời nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng ưu tiên giải quyết vốn vay trung hạn để thực hiện các dự án này.
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp vay vốn nước ngoài mua thiết bị để đầu tư kinh doanh, phải thực hiện việc kiểm toán, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện đúng giấy phép và nộp thuế đúng theo luật định.
- Cần xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các đơn vị sản xuất bia công suất nhỏ sử dụng công nghệ và thiết bị trong nước, nhưng sản phẩm bảo đảm chất lượng đạt tiêu chuẩn quy định, phục vụ được nhu cầu của nhân dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bộ Tài chính phối hợp với bộ Công nghiệp có phương án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đình chỉ sản xuất các cơ sở kinh doanh không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh theo quy định của pháp luật.
2. Về kinh doanh rượu:
- Bộ Thương mại kết hợp với Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chấn chỉnh ngay hệ thống quản lý và thu thuế các cửa hàng bán rượu ngoại. Các cửa hàng bán rượu ngoại phải đăng ký kinh doanh, nhãn mác và chất lượng rượu ngoại, phải nộp đầy đủ thuế, kể cả thuế nhập khẩu (nếu chưa có hoá đơn hoặc tem thuế nhập khẩu theo quy định).
- Bộ Công nghiệp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, lập đề án trình Thủ tướng Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu trong nước có sự tham gia của các thành phần kinh tế, tiến hành quản lý chặt chẽ việc đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng tại cơ sở sản xuất và tiêu thụ, bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Nghiên cứu giảm thuế rượu sản xuất nội địa, nhất là các cơ sở quốc doanh sản xuất rượu có truyền thống, các loại rượu thuốc và rượu đặc sản ở từng địa phương, có thể để lại một phần tiền thuế thu được ở các cơ sở kinh doanh nhỏ ở xã, phường, quận, huyện cho nguồn thu của xã và quận, huyện.
- Cho phép hợp tác sản xuất hoặc liên doanh với nước ngoài sản xuất một số rượu nhãn ngoại thông dụng tại thị trường Việt Nam, sử dụng nguyên liệu trong nước và tham gia chống nhập lậu. Các dự án cụ thể phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Về kinh doanh nước giải khát:
Việc kinh doanh nước giải khát hiện nay chưa được quản lý chặt chẽ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công nghiệp phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Tài chính:
- Kiểm tra việc thực hiện đăng ký kinh doanh và đăng ký chất lượng của các cơ sở kinh doanh nước giải khát, kể cả các cơ sở nước giải khát có vốn đầu tư nước ngoài, tuyệt đối phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh theo quy định của Nhà nước, không cho phép các cơ sở vi phạm được tiếp tục sản xuất kinh doanh.
- Nghiên cứu và ban hành ngay chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất nước khoáng tự nhiên và nước giải khát sử dụng hoa quả trong nước được hưởng ưu đãi về đầu tư và thuế.
- Quy hoạch phát triển các vùng cây ăn quả để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nước quả. Nghiên cứu chính sách đồng bộ khuyến khích các thành phần kinh tế nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu lựa chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến công nghiệp và tiêu thụ nước quả chế biến trên thị trường.
Trước mắt chọn ngay một vài loại quả có sản lượng tương đối lớn, lập dự án đầu tư cơ sở sản xuất nước giải khát với quy mô hợp lý, kèm theo các kiến nghị ưu đãi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư. Tạm ngừng việc cấp giấy phép đầu tư các dự án liên doanh với nước ngoài kinh doanh nước giải khát không dùng hoa quả, nguyên liệu trong nước.
4. Giao Bộ Công nghiệp chủ trì lập dự án quy hoạch phát triển ngành rượu bia nước giải khát đến năm 2020, giao Hội đồng thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 1997.
Văn phòng Chính phủ thông báo đề các Bộ, ngành địa phương biết, thực hiện.
| Lại Văn Cử (Đã ký) |