Nội dung toàn văn Công văn 3515/BKHĐT-PC 2019 về trả lời vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Đầu tư
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3515/BKHĐT-PC | Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2019 |
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Tại công văn số 3123/VPCP-ĐMDN ngày 18/4/2019, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến đối với kiến nghị của bà Nguyễn Thị Bình về vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư nêu tại công văn số 272/SKH-KTĐN ngày 22/2/2019 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
1. Về việc chấm dứt dự án đầu tư thực hiện trên cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (Nghị định 118/2015/NĐ-CP), nhà đầu tư trúng đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư theo quy định tương ứng tại văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan mà không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ quy định tại văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và quy định của pháp luật liên quan để xem xét trong từng trường hợp cụ thể.
2. Về giãn tiến độ thực hiện dự án:
Khoản 1 Điều 46 Luật Đầu tư quy định: Đối với dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải đề xuất bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư khi giãn tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng và đưa công trình chính vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư.
Khoản 3 Điều 46 Luật Đầu tư quy định: Tổng thời gian giãn tiến độ đầu tư không quá 24 tháng. Trường hợp bất khả kháng thì thời gian khắc phục hậu quả bất khả kháng không tính vào thời gian giãn tiến độ đầu tư.
Căn cứ các quy định nêu trên, cơ quan đăng ký đầu tư chỉ xem xét giãn tiến độ thực hiện dự án trong trường hợp nhà đầu tư có đề xuất bằng văn bản.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này.
Do đó, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông xem xét việc giãn tiến độ thực hiện dự án và chấm dứt hoạt động của dự án phù hợp với quy định tại Điều 46 và 48 Luật Đầu tư.
3. Về thẩm quyền ban hành Quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.
Khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư quy định: Cơ quan đăng ký đầu tư là cơ quan có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Điều 38 Luật Đầu tư quy định cơ quan có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, gồm Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Do đó, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông căn cứ các quy định nêu trên để xác định thẩm quyền chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong từng trường hợp cụ thể.
4. Về ngành nghề ưu đãi đầu tư:
Theo Mục A.II.1 và Mục A.II.2 Phụ lục I - Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 thì trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển rừng; và nuôi trồng, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư. Theo đó, hình thức ưu đãi, đối tượng, nguyên tắc, thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ.
Trong khi đó, theo Điều 1 Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì Nghị định này quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và quy định trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Như vậy, ưu đãi đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ được áp dụng chung đối với các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP. Ngoài ra, để được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định này.
Trên đây là ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi quý Văn phòng tổng hợp./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |