Nội dung toàn văn Công văn 3629/CV-BCĐQG 2020 phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong tình hình mới
BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT CORONA GÂY RA | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3629/CV-BCĐQG | Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2020 |
Kính gửi: | - Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; |
Trong thời gian qua, việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam đã đạt được kết quả rất tích cực, về cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát, sau hơn 2 tháng không xuất hiện ca lây nhiễm mới tại cộng đồng, các trường hợp từ nước ngoài nhập cảnh đều được cách ly, theo dõi và phát hiện điều trị kịp thời.
Tiếp theo Công văn số 2676/CV-BCĐQG ngày 15/5/2020 về việc triển khai công tác khám chữa bệnh an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ, ngành chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong tình hình mới như sau:
1. Tiếp tục duy trì các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 đối với nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm như: Vệ sinh tay thường quy; đeo khẩu trang y tế tại khoa khám bệnh, khu vực có đông người bệnh, khoa điều trị người bệnh hô hấp, sốt; mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân theo quy định khi khám sàng lọc, điều trị, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2; phân luồng và khám sàng lọc người nhiễm, nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 tại khu vực khám bệnh; sẵn sàng khu vực cách ly điều tri ̣ hoặc khu vực cách ly tạm thời người nhiễm, nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 và dự trù sẵn sàng cơ số phương tiện phòng hộ cá nhân, vật tư cho hoạt động phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2.
2. Các phòng khám bệnh thông thường, các khoa lâm sàng cần chú ý khai thác các yếu tố dịch tễ, dấu hiệu lâm sàng để phát hiện sớm người nhiễm, nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 và có biện pháp xử lý kịp thời.
3. Tăng cường thông khí thích hợp tại các khoa phòng trong bệnh viện đặc biệt là tại phòng khám sàng lọc, khu vực lấy bệnh phẩm hô hấp, khu cách ly, khoa hồi sức tích cực, nhà vệ sinh…
4. Cập nhật kiến thức về phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế đặc biệt là nhân viên được phân công làm nhiệm vụ phòng chống dịch và nhân viên trực tiếp tham gia vào tiếp đón, phân luồng, khám sàng lọc và điều trị, chăm sóc, phục vụ người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.
5. Dựa trên tình hình thực tế diễn biến bệnh dịch tại địa phương và điều kiện đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định dừng hoặc áp dụng tại các biện pháp sau:
a) Đo nhiệt độ, phân luồng người bệnh tại khu vực cổng, lối vào;
b) Mang trang phục phòng hộ cá nhân cho người trực tiếp phân luồng người nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 tại khu vực khám bệnh;
c) Mang trang phục phòng hộ cá nhân cho người trực tiếp cấp cứu người bệnh khi chưa khai thác được yếu tố nguy cơ.
Đề nghị Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ, ngành triển khai; nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo ngay với Ban Chỉ đạo Quốc gia để được giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. TRƯỞNG BAN |