Nội dung toàn văn Công văn 370/TCHQ-GSQL 2023 tăng cường quản lý hàng hóa vận chuyển
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 370/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2023 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.
Tổng cục Hải quan nhận được phản ánh về tình trạng doanh nghiệp có thể lợi dụng chính sách đối với hàng hóa quá cảnh không phải kiểm tra thực tế hàng hóa (chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm), không thuộc đối tượng chịu thuế để đánh tráo hàng hóa có nguồn gốc trong nước với hàng hóa quá cảnh để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài nhằm mục đích trốn thuế. Để tăng cường công tác giám sát, quản lý hải quan đối với hàng hóa quá cảnh nói riêng, hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan nói chung, đặc biệt là đối với hàng hóa ở dạng rời vận chuyển theo đường bộ, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc thực hiện các nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại công văn số 5516/TCHQ-GSQL ngày 20/12/2022 về việc xe quá khổ giới hạn vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan và công văn số 1023/TCHQ-GSQL ngày 25/3/2022 về việc sử dụng seal định vị điện tử để niêm phong, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan.
Trong quá trình vận chuyển hàng hóa, nếu có dấu hiệu cảnh báo vi phạm từ Hệ thống seal định vị điện tử thì phải kiểm tra, xử lý ngay nhằm đảm bảo ngăn chặn kịp thời vi phạm xảy ra.
2. Đối với hàng hóa vận chuyển là hàng rời:
Ngoài việc thực hiện các trách nhiệm của cơ quan hải quan nơi đi và cơ quan hải quan nơi đến quy định tại Điều 51 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, các đơn vị tăng cường công tác quản lý hải quan đối với hàng hóa là hàng rời vận chuyển chịu sự giám sát hải quan như sau:
- Chỉ phê duyệt hàng hóa đủ điều kiện vận chuyển đi nếu phương tiện chứa hàng trên phương tiện vận tải đáp ứng điều kiện niêm phong, giám sát hải quan trong quá trình vận chuyển.
- Trường hợp hàng rời thực hiện thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải: Chi cục Hải quan nơi hàng hóa thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải giám sát chặt chẽ trong quá trình xếp dỡ, chuyển hàng hóa sang phương tiện vận tải mới để vận chuyển đến địa điểm tiếp theo, đảm bảo không để lợi dụng đưa hàng hóa có nguồn gốc trong nước vận chuyển ra nước ngoài.
- Cơ quan hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi lập Biên bản chứng nhận theo mẫu số 35/BBCN/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018, chụp ảnh nguyên trạng và ghi nhận thông tin chi tiết vào Hệ thống gồm: tên hàng, số lượng, chủng loại, ký mã hiệu, xuất xứ (nếu có).
- Thực hiện gắn seal định vị điện tử trên phương tiện vận tải để giám sát hành trình, thời gian dừng đỗ trong quá trình vận chuyển hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan và theo dõi, xử lý các cảnh báo từ Hệ thống seal định vị điện tử nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, gian lận xảy ra.
3. Thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hải quan đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan của các doanh nghiệp vận chuyển, đặc biệt là các doanh nghiệp đánh giá có rủi ro cao.
4. Quán triệt đến cán bộ, công chức trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan; Nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức thừa hành trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh nói riêng và hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan nói chung. Xem xét xử lý nghiêm đối với các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh thì kịp thời báo cáo, đề xuất gửi về Tổng cục Hải quan để có chỉ đạo./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |