Nội dung toàn văn Công văn 3772/BNV-TCBC thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo NĐ132/2007/NĐ-CP
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3772/BNV-TCBC | Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2007 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; |
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BNV-BTC ngày 24/9/2007 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định này, một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Bộ, ngành, địa phương) đã có công văn gửi Bộ Nội vụ xin ý kiến về việc thực hiện tinh giản biên chế, trong đó có một số nội dung mà nhiều Bộ, ngành, địa phương hỏi, Bộ Nội vụ xin giải thích chung cho các Bộ, ngành, địa phương được rõ để thực hiện thống nhất như sau:
1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
a. Đối tượng áp dụng chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP.
- Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế thì đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cấp huyện thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 132/2007/NĐ-CP, không phân biệt là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động hay là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động. Do đó, số cán bộ, viên chức thuộc biên chế của đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trong diện tinh giản biên chế đều được hưởng chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP.
- Trạm y tế xã, phường là đơn vị sự nghiệp thuộc phòng y tế cấp huyện quản lý nên cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 132/2007/NĐ-CP. Do đó, những cán bộ y tế xã, phường, thị trấn hợp đồng theo Quyết định 58/TTg ngày 03/2/1994 của Thủ tướng Chính phủ, tham gia đầy đủ nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, nếu thuộc diện tinh giản biên chế cũng được hưởng chính sách tinh giản theo quy định tại Nghị định 132/2007/NĐ-CP.
- Đối với những người thực hiện chế độ hợp đồng làm một số loại công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp hoạt động bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp theo quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000, tham gia đầy đủ nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, nếu thuộc diện tinh giản biên chế cũng được hưởng chính sách tinh giản biên chế quy định tại Nghị định 132/2007/NĐ-CP.
- Đối với đối tượng tinh giản biên chế do năng lực chuyên môn, nghiệp vụ yếu hoặc do sức khỏe không bảo đảm hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật kém, nhưng chưa đến mức buộc phải thôi việc: theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 132/2007/NĐ-CP, thì trong hồ sơ của những đối tượng này phải có đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liền kề gần đây do năng lực chuyên môn, nghiệp vụ yếu hoặc do sức khỏe không bảo đảm hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật kém của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, trong quá trình thẩm định đối tượng tinh giản biên chế các Bộ, ngành, địa phương phải rà soát việc nâng bậc lương thường xuyên và việc hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung của các đối tượng này để bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 03/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức, Thông tư số 04/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức.
b. Những đơn vị không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 132/2007/NĐ-CP
Các đơn vị sự nghiệp bán công không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 132/2007/NĐ-CP, nên nếu các đơn vị sự nghiệp này vận dụng chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP để giải quyết cho cán bộ, viên chức dôi dư thì nguồn kinh phí thực hiện do đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm.
c. Những trường hợp không được áp dụng chính sách tinh giản biên chế mà thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội.
Đối với những đối tượng có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 26 hoặc Điều 27 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc không được áp dụng chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP.
2. Về chính sách về hưu trước tuổi
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 132/2007/NĐ-CP thì cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế đủ 55 tuổi đến đủ 59 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 54 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên sẽ được hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại điểm a, b, c khoản này. Do đó, tại thời điểm Bộ, ngành, địa phương quyết định tinh giản biên chế cho từng đối tượng, thì đối tượng tinh giản biên chế có tuổi đời đủ 55 tuổi đến đủ 59 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 54 tuổi đối với nữ sẽ được áp dụng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Nghị định 132/2007/NĐ-CP. Còn các trường hợp khác không thuộc đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Nghị định 132/2007/NĐ-CP.
3. Về nâng lương trước thời hạn đối với những người về hưu trước tuổi để nghỉ hưu
Theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 4 Nghị định 132/2007/NĐ-CP về trình tự thực hiện tinh giản biên chế, thì những người có năng lực, phẩm chất được lựa chọn để đưa vào quy hoạch, ổn định, lâu dài, do đó những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được giữ lại làm việc ổn định lâu dài. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và mục III Thông tư 03/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức thì chế độ nâng lương trước thời hạn chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương trước thời hạn trong một năm không quá 5% tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị) hoặc cán bộ, công chức, viên chức có thông báo nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định tại Chỉ thị số 668/TTg ngày 11/11/1994 của Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề trong việc thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ, viên chức (nay được thông báo nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định 143/2007/NĐ-CP ngày 10/9/2007 quy định về thủ tục thực hiện nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức đủ điều kiện nghỉ hưu). Do đó, những đối tượng tinh giản biên chế hưởng chính sách về hưu trước tuổi sẽ không được nâng bậc lương trước thời hạn để nghỉ hưu trước tuổi.
4. Về tiền lương tháng để tính trợ cấp
Tiền lương tháng làm căn cứ để tính các chế độ trợ cấp về hưu trước tuổi và các khoản trợ cấp khác theo thâm niên công tác có đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 5 năm cuối (tức 60 tháng) trước khi tinh giản. Do đó, khi tính tiền lương tháng để tính các khoản trợ cấp trên được tính bằng trung bình cộng tiền lương tháng thực lĩnh của 60 tháng cuối trước khi tinh giản.
5. Về nguồn kinh phí thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP
a) Nguồn kinh phí thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập
Nguồn kinh phí để thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 132/2007/NĐ-CP và điểm b khoản 1 mục IV Thông tư liên tịch số 02/TTLT- BNV-BTC cụ thể như sau:
- Nguồn kinh phí giải quyết chính sách tinh giản biên chế cho các đối tượng được tuyển dụng lần đầu từ ngày 29 tháng 10 năm 2003 (ngày có hiệu lực của Nghị định 116/2003/NĐ-CP) trở đi, thuộc diện tinh giản biên chế do chưa đạt trình độ chuẩn hoặc do không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm gần đây, nếu do đơn vị sự nghiệp tuyển dụng thì kinh phí thực hiện tinh giản biên chế cho đối tượng này lấy từ kinh phí thường xuyên của đơn vị sự nghiệp đó.
- Còn nguồn kinh phí giải quyết chính sách tinh giản biên chế cho các đối tượng khác do ngân sách nhà nước cấp.
b) Để tạo sự thống nhất và công bằng giữa những người trong diện tinh giản biên chế ở các địa phương trong cả nước, Bộ Nội vụ đề nghị chỉ thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo đúng quy định tại Nghị định 132/2007/NĐ- CP, không sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho đối tượng tinh giản biên chế.
6. Về thời hạn gửi danh sách đối tượng tinh giản biên chế để Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thẩm tra, cấp kinh phí thực hiện tinh giản biên chế
a. Để việc chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng tinh giản biên chế bảo đảm kịp thời và đầy đủ, Bộ Nội vụ đề nghị trước ngày 15 tháng 1 hàng năm các bộ, ngành, địa phương thẩm định xong và gửi danh sách đối tượng tinh giản biên chế đợt I gồm những đối tượng tinh giản của các tháng 2, 3, 4, 5, 6, 7 trong năm đó; trước ngày 15 tháng 6 hàng năm các Bộ, ngành, địa phương thẩm định xong và gửi danh sách đối tượng tinh giản biên chế đợt II gồm những đối tượng tinh giản của các tháng 8, 9, 10, 11, 12 và tháng 1 của năm sau để Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thẩm tra cấp kinh phí thực hiện tinh giản biên chế.
b. Để có căn cứ thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế và thẩm tra việc tính toán chế độ, chính sách của từng đối tượng tinh giản biên chế, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương liệt kê thêm các hệ số phụ cấp, hệ số lương và thời điểm hưởng của 5 năm cuối trước khi tinh giản vào các cột 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15 tương ứng của biểu số 2 (kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT- BNV-BTC).
7. Về thời hạn gửi báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế hàng năm.
Trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế và đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế của năm đó theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT- BNV-BTC gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trên đây là một số nội dung Bộ Nội vụ xin giải thích thêm để Bộ, ngành, địa phương thống nhất thực hiện trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ./.
| KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG |