Nội dung toàn văn Công văn 4032/LĐTBXH-ATLĐ hướng dẫn thành lập bộ phận quản lý và kiện toàn
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4032/LĐTBXH-ATLĐ | Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2011 |
Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Quyết định số 2281/QĐ-TTg ngày 10/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thành lập bộ phận quản lý Chương trình và kiện toàn văn kiện Chương trình tại địa phương như sau:
1. Thành lập bộ phận quản lý Chương trình tại địa phương
a) Tùy theo điều kiện cụ thể, mỗi địa phương thành lập bộ phận quản lý Chương trình an toàn - vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015 tại địa phương (Sau đây gọi tắt là Chương trình) theo một trong hai phương án sau:
- Phương án 1: Thành lập Ban quản lý Chương trình, với các thành viên là thành phần của Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ theo hướng dẫn tại Công văn số 4280/BCĐTLQG-ATLĐ ngày 30/11/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ hàng năm.
- Phương án 2: Thành lập Ban quản lý Chương trình, gồm các thành viên sau:
+ Trưởng ban: Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
+ Phó trưởng ban: Lãnh đạo Sở Y tế; Lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh;
+ Các ủy viên là đại diện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công Thương; Sở Xây dựng; Sở Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh/thành phố; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Liên minh Hợp tác xã; Văn phòng đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nếu có) và các cơ quan khác có liên quan.
b) Bộ phận quản lý Chương trình tại địa phương chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Xây dựng Chương trình an toàn - vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015 của địa phương dựa trên các căn cứ và nguyên tắc hướng dẫn tại điểm 2 Công văn này;
- Chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện các Dự án, hoạt động của Chương trình Quốc gia được triển khai trên địa bàn;
- Quản lý, giám sát và đánh giá việc thực hiện Chương trình của địa phương; định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình thực hiện Chương trình.
2. Kiện toàn văn kiện Chương trình của địa phương
Thực hiện Quyết định số 2281/QĐ-TTg ngày 10/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương đã chủ động xây dựng và phê duyệt Chương trình an toàn - vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015 tại địa phương (Danh sách theo Phụ lục gửi kèm). Nhằm kiện toàn văn kiện Chương trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng và rà soát lại Chương trình đã được phê duyệt theo các nội dung sau:
a) Căn cứ xây dựng Chương trình:
- Tình hình thực hiện công tác an toàn - vệ sinh lao động và kết quả triển khai Chương trình tại địa phương giai đoạn 2006 - 2010;
- Mục tiêu, nội dung hoạt động của Chương trình giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2281/QĐ-TTg;
- Năng lực triển khai thực hiện Chương trình của các cơ quan, đơn vị tại địa phương.
b) Nguyên tắc xây dựng Chương trình:
- Chương trình phải phù hợp và gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Chương trình và từng Dự án, hoạt động phải có mục tiêu cụ thể, rõ ràng gắn với các mục tiêu và phù hợp với các nội dung hoạt động của Chương trình Quốc gia được nêu tại Quyết định số 2281/QĐ-TTg;
- Các hoạt động, dự án trong Chương trình cần phân công rõ trách nhiệm của đơn vị thực hiện; các hoạt động phải có sự liên thông, kết quả của hoạt động trước phải là cơ sở để triển khai các hoạt động tiếp theo;
- Đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia vào Chương trình thì phải có các nội dung về cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tiến tới cam kết thực hiện tốt công tác an toàn - vệ sinh lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động phù hợp với đặc điểm hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở.
- Dự toán kinh phí các hoạt động phải căn cứ vào nội dung chi và mức chi được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 140/2011/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 14/10/2011 của Liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình Quốc gia về ATLĐ, VSLĐ giai đoạn 2011 - 2015.
Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương xây dựng và trình phê duyệt Ban Quản lý và Chương trình an toàn - vệ sinh lao động của địa phương trước ngày 31/12/2011. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục An toàn lao động) để được hướng dẫn thêm.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
DANH SÁCH
23 ĐỊA PHƯƠNG ĐƯỢC UBND TỈNH PHÊ DUYỆT CTQG VỀ ATLĐ, VSLĐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Đến hết ngày 10/11/2011)
STT | ĐỊA PHƯƠNG |
1. | Bắc Kạn |
2. | Lạng Sơn |
3. | Bình Thuận |
4. | Lào Cai |
5. | Long An |
6. | Nam Định |
7. | Thái Bình |
8. | Hà Giang |
9. | Vũng Tàu |
10. | Quảng Ninh |
11. | Hà Nội |
12. | Quảng Nam |
13. | Bình Định |
14. | Ninh Bình |
15. | Hải Phòng |
16. | Khánh Hòa |
17. | Yên Bái |
18. | Hà Nam |
19. | Bình Dương |
20. | Lai Châu |
21. | Quảng Trị |
22. | Bắc Giang |
23. | Thái Nguyên |