Nội dung toàn văn Công văn 406/BNN-QLCL năm 2014 trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hà Nam
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 406/BNN-QLCL | Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2014 |
Kính gửi: | - Ủy ban thường vụ Quốc hội; |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII (Công văn số 401/VPCP-V-III ngày 16/01/2014 của Văn phòng Chính phủ), xin được trả lời như sau:
NỘI DUNG KIẾN NGHỊ (Câu số 1)
Hiện nay chất lượng các vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, các loại giống cây, con, thức ăn chăn nuôi không đảm bảo. Đề nghị kiểm soát chất lượng các vật tư nông nghiệp.
TRẢ LỜI
Theo kết quả giám sát trên diện rộng cho thấy tỷ lệ mẫu các sản phẩm vật tư nông nghiệp (VTNN) nói chung còn cao tuy năm 2013 có cải thiện (năm 2012 lấy mẫu kiểm nghiệm 1706 mẫu, 289 (17%) vi phạm chất lượng như đã công bố; năm 2013 lấy 304 mẫu sản phẩm VTNN để kiểm nghiệm có 28 mẫu (9,2%) vi phạm chất lượng như đã công bố).
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo tập trung triển khai một số giải pháp sau:
1. Đổi mới phương thức quản lý: rà soát điều chỉnh, cải tiến quy trình, thủ tục về đăng ký lưu hành, thử nghiệm, khảo nghiệm VTNN để đưa vào danh mục được phép lưu hành theo hướng đơn giản hóa, hài hòa với chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
2. Rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý kỹ thuật triển khai kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.
3. Tăng cường hướng dẫn đôn đốc, giám sát và kiểm tra việc triển khai thực hiện của địa phương.
4. Triển khai toàn diện, thực chất Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT (thống kê kiểm tra xếp loại hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tập trung kiểm tra cơ sở loại C, xử lý cơ sở loại C kể cả đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh nếu không sửa chữa, nâng cấp) đặc biệt tại cấp cơ sở; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho các tuyên truyền viên cấp xã.
5. Xây dựng cơ chế và chương trình phối hợp giám sát chất lượng VTNN nhằm huy động giám sát bởi người dân và các đoàn thể tại các cấp, đặc biệt là cấp xã (Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội nông dân,..); phát hiện và kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng thanh tra/ điều tra xử lý vi phạm đối với VTNN kém chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
6. Tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch, đột xuất, điều tra xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng.
7. Xây dựng lực lượng, tăng cường năng lực.
- Tổ chức đào tạo/tập huấn cơ bản và nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ trong Ngành làm công tác quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chuyên ngành chất lượng VTNN; hướng dẫn, đôn đốc và tổ chức kiểm tra theo kế hoạch.
- Triển khai xây dựng, nâng cấp một số phòng kiểm nghiệm của Bộ để có thể phân tích trên tất cả các nền mẫu VTNN đối với hầu hết các chỉ tiêu chất lượng chính. Tăng cường chủ trương xã hội hóa hoạt động kiểm nghiệm theo Thông tư số 16/2011/TT-BNNPTNT Duy trì hoạt động quản lý, đánh giá giám sát đối với các phòng kiểm nghiệm đã được chỉ định cũng như đánh giá chỉ định các phòng kiểm nghiệm đăng ký mới.
8. Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan xây dựng Đề án kiểm soát, chống buôn lậu vật tư nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam để trả lời kiến nghị của cử tri./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |