Công văn 414/BVHTTDL-TCDL

Nội dung toàn văn Công văn 414/BVHTTDL-TCDL 2022 dự thảo Phương án mở cửa hoạt động du lịch


BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 414/BVHTTDL-TCDL
V/v cho ý kiến dự thảo Phương án và Tờ trình TTgCP mở cửa hoạt động du lịch

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2022

 

Kính gửi:

- Bộ Y tế;
- Bộ Công an;
- Bộ Ngoại giao;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Công điện số 513/CĐ-VPCP ngày 19/01/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế; Thông báo số 28/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 28/01/2022; trên cơ sở kết quả “Hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế’’ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức ngày 24/01/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng ‘‘Phương án mở cửa hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới’’ và dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng đề nghị quý Bộ nghiên cứu, có ý kiến góp ý đối với dự thảo Phương án mở cửa hoạt động du lịch và Tờ trình (văn bản kèm theo) gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Tổng cục Du lịch, địa chỉ: số 80 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tel: 0904157948 Email: [email protected]) trong ngày 14/02/2021 để kịp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 15/2/2022.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các Bộ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó TTgCP Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng Bộ VHTTDL;
- VPCP (Vụ KGVX);
- Lưu: VT, TCDL (Vụ LH).10.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đoàn Văn Việt

 

Dự thảo

PHƯƠNG ÁN

MỞ CỬA HOẠT ĐỘNG DU LỊCH ĐẢM BẢO AN TOÀN, HIỆU QUẢ TRONG BỐI CẢNH BÌNH THƯỜNG MỚI

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 513/CĐ-VPCP ngày 19/01/2022 về việc xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế; Thông báo số 28/TB-VPCP tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 28/01/2022; trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành (Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Phương án mở cửa hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới (sau đây gọi tắt là Phương án) với các nội dung chính như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Khôi phục hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’’ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021.

- Quán triệt triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

- Từng bước mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sau thời gian triển khai chương trình thí điểm làm cơ sở để mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế khi điều kiện an toàn cho phép.

- Xác định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Phương án, tạo sự thống nhất giữa các bên để phục hồi, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

2. Yêu cầu

- Xác định cụ thể thời gian, đối tượng, yêu cầu mở cửa hoạt động du lịch.

- Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán.

- Sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm, tích cực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Phương án đảm bảo an toàn, hiệu quả.

II. THỜI GIAN MỞ CỬA HOẠT ĐỘNG DU LỊCH

1. Từ nay đến 14/3/2022

Tiếp tục triển khai Chương trình thí điểm giai đoạn 2 đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

2. Từ 15/3/2022

Mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong bối cảnh bình thường mới bằng đường không, đường bộ, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với thời gian triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Căn cứ tình hình, kết quả phòng chống dịch bệnh COVID-19 và đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong các giai đoạn bình thường mới để mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế và nội địa.

III. YÊU CẦU ĐẢM BẢO AN TOÀN MỞ CỬA HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH BÌNH THƯỜNG MỚI

1. Đối với hoạt động du lịch quốc tế

a) Từ nay đến 14/3/2022: Quán triệt triển khai theo Hướng dẫn số…. về tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày…. tháng 02 năm 2022.

- Đối tượng: Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam được tham gia vào chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

- Phạm vi: Thí điểm đón khách du lịch thông qua các chuyến bay thuê chuyến hoặc thương mại quốc tế thường lệ đến các địa phương đảm bảo bảo điều kiện đón khách.

- Yêu cầu đối với khách:

(1) Tham gia chương trình du lịch trọn gói của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, cơ sở kinh doanh dịch vụ được lựa chọn trong 3 hoặc 7 ngày đầu tiên (tùy theo điều kiện tiêm chủng vắc xin).

(2) Có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh. Hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 hay các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 06 tháng.

(3) Đối với khách du lịch dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế) chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19 được đi cùng bố mẹ, người giám hộ hợp pháp hoặc người chăm sóc đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19; phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

(4) Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT- PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi).

(5) Có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 20.000 USD.

(6) Đảm bảo các điều kiện về xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam về xuất nhập cảnh.

- Quy trình đón khách du lịch quốc tế: Phụ lục 1

b) Từ 15/3/2022:

- Đối tượng: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và khách du lịch ra nước ngoài (outbound).

- Phạm vi: Khách đi du lịch nhập cảnh thông qua các cửa khẩu quốc tế đường không, đường bộ, đường biển và tuân thủ các quy định an toàn theo cấp độ dịch của Việt Nam.

- Yêu cầu đối với khách:

(1)) Tham gia chương trình du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

(2) Có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh. Hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 hay các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận đối với khách du lịch inbound và được các nước/lãnh thổ đến công nhận đối với khách du lịch outbound. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 06 tháng.

(3) Đối với khách du lịch dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế) chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19 được đi cùng bố mẹ, người giám hộ hợp pháp hoặc người chăm sóc đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19; phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

(4) Có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với SARS-CoV-2 tại cơ sở lưu trú trong vòng 24h sau khi nhập cảnh.

(5) Có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 20.000 USD.

(6) Đảm bảo các điều kiện về xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam về xuất nhập cảnh.

- Quy trình đón khách du lịch quốc tế: Phụ lục 2

2. Đối với hoạt động du lịch nội địa

- Quán triệt triển khai Chương trình Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại văn bản số 4698/BVHTTDL-TCDL ngày 16/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

- Quán triệt Hướng dẫn số 3862/BVHTTDL-TCDL ngày 18/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

- Các địa phương công bố mở cửa du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh tương ứng.

- Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch:

+ Xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn theo Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL , các quy định có liên quan của ngành Du lịch, ngành Y tế và địa phương. Chuẩn bị các điều kiện đón, phục vụ khách du lịch an toàn, dự phòng phương án sẵn sàng xử lý sự cố do dịch bệnh gây ra theo quy định.

+ Phổ biến, quán triệt, hướng dẫn người lao động thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch của ngành Du lịch và các cơ quan chức năng.

+ Hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch thực hiện quy trình, thủ tục hoạt động du lịch an toàn. Triển khai các hoạt động quảng bá, truyền thông, kích cầu du lịch bám sát nội dung thông điệp “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”, định hướng tái khởi động du lịch nội địa. Xây dựng, giới thiệu các gói liên kết kích cầu du lịch nội địa có ưu đãi, cam kết về chất lượng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, các chương trình du lịch tới các điểm đến mới.

- Khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ du lịch:

+ Tự theo dõi sức khỏe và đảm bảo tuân thủ “Thông điệp 5K” và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm theo quy định.

+ Tuân thủ các quy định của điểm đến, quy định, hướng dẫn của đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch.

+ Có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19, hợp tác trách nhiệm với đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và các cơ quan chức năng về phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch.

3. Căn cứ tình hình kiểm soát dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong các giai đoạn đầu để triển khai hoạt động mở cửa du lịch bình thường và xóa bỏ các điều kiện đối với khách du lịch. Đồng thời có thể xem xét ban hành một số chính sách để kích cầu, thu hút khách du lịch chất lượng cao đến Việt Nam để thúc đẩy phát triển thương hiệu, tăng cường cạnh tranh điểm đến.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Chủ trì, phối hợp với các địa phương lựa chọn doanh nghiệp lữ hành quốc tế và thông báo danh sách đến Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an trong giai đoạn thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ nay đến 15/3/2022.

b) Chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai Phương án mở cửa hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả.

2. Bộ Y tế cập nhật các hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh; hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát, điều tra, xử lý các ổ dịch phát sinh phù hợp với tình hình mới, đảm bảo tổ chức mở cửa đón khách du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả.

3. Bộ Công an/ Bộ Quốc phòng

a) Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, doanh nghiệp dịch vụ lữ hành quốc tế triển khai các thủ tục cấp thị thực, nhập xuất cảnh theo quy định; phối hợp hỗ trợ trong đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự cho khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại Việt Nam.

b) Chủ trì phổ biến hướng dẫn các đơn vị liên quan cách sử dụng mã QR để cài đặt ứng dụng IGOVN để phổ biến, hướng dẫn cho người nước ngoài.

4. Bộ Ngoại giao

a) Cập nhật, công bố mẫu Chứng nhận tiêm chủng hoặc “hộ chiếu vắc xin” các quốc gia, vùng lãnh thổ được Việt Nam công nhận.

b) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương trong việc truyền thông, xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

5. Bộ Giao thông vận tải

a) Chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trên các chuyến bay; việc bố trí vị trí, địa điểm nhập xuất cảnh và thực hiện thủ tục kiểm soát dịch tễ; sàng lọc, phân luồng hành khách tại cảng hàng không quốc tế tiếp đón các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

b) Yêu cầu các hãng hàng không thông báo đến các doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch về các quy định đối với vận chuyển hành khách bằng đường hàng không trong bối cảnh dịch COVID-19, hướng dẫn cho người nước ngoài cài đặt và khai báo thông tin tại ứng dụng IGOVN và ứng dụng PC-COVID.

c) Chỉ đạo các hãng hàng không tăng tần suất và phạm vi khai thác các đường bay quốc tế thường lệ, nhất là với các thị trường trọng điểm, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với khách nhập cảnh.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông

Hướng dẫn sử dụng ứng dụng số về an toàn dịch bệnh sử dụng trong quá trình nhập xuất cảnh và di chuyển tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế.

7. UBND các địa phương

a) Trong giai đoạn thí điểm từ nay đến 15/3/2022, các địa phương đón khách du lịch quốc tế căn cứ nhu cầu và các điều kiện tại địa phương, chủ động quyết định việc đón khách du lịch quốc tế và thông báo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các địa phương không đón khách du lịch quốc tế phối hợp cung cấp đầu mối tiếp nhận khách du lịch có nhu cầu ở lại thăm thân hoặc về nơi cư trú. Hỗ trợ tiếp nhận, giám sát y tế đối với du khách có nhu cầu ở lại thăm thân, trở về nơi cư trú tại địa phương theo đăng ký.

c) Các địa phương chủ động chuẩn bị các điều kiện để mở cửa hoạt động du lịch, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, chất lượng; thống nhất quy trình đón khách bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, có phương án xử lý sự cố y tế phát sinh liên quan đến hoạt động du lịch; chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn kết nối chặt chẽ với các đơn vị cung ứng dịch vụ, trong đó có các doanh nghiệp hàng không, vận chuyển, lữ hành./.

 

PHỤ LỤC 1

QUY TRÌNH ĐÓN KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN 14/3/2022
(Ban hành kèm theo Phương án Mở cửa hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới)

1. Đăng ký chương trình du lịch

- Khách du lịch lựa chọn và đăng ký tham gia chương trình du lịch. Doanh nghiệp lữ hành có trách nhiệm thông báo cho khách du lịch về các thủ tục cần thiết để đăng ký tham gia chương trình.

- Chương trình du lịch được thiết kế trong khu vực và các cơ sở dịch vụ được phép đón khách du lịch, với thời gian tối thiểu là 3 ngày.

- Khách du lịch có nhu cầu chuyển đổi mục đích nhập cảnh sau khi hết chương trình du lịch thì phải đăng ký trước với doanh nghiệp lữ hành để thông báo cho địa phương nơi khách đến lưu trú.

- Sau khi kết thúc chương trình du lịch, khách du lịch có thể đăng ký tham gia các chương trình du lịch khác.

2. Kiểm tra, xét duyệt nhân sự, cấp thị thực, cấp chứng nhận tạm trú

- Doanh nghiệp lữ hành quốc tế làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trước khi làm thủ tục, doanh nghiệp thông báo tư cách pháp nhân kèm theo văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lựa chọn tham gia chương trình thí điểm; kèm theo hợp đồng xây dựng chương trình du lịch tại khu vực cho phép với đơn vị cung ứng dịch vụ đủ điều kiện đón khách du lịch quốc tế (trong 03 ngày hoặc 07 ngày đầu theo yêu cầu).

- Đối với trường hợp nhập cảnh vào Phú Quốc theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ hoặc sử dụng Giấy miễn thị thực, tại văn bản đề nghị kiểm tra nhân sự (mẫu NA2 ban hành kèm Thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an), nêu rõ khách nhập cảnh vào Phú Quốc hoặc sử dụng Giấy miễn thị thực (nộp kèm bản chụp). Hồ sơ xin xét duyệt nhân sự của doanh nghiệp lữ hành gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an phải kèm theo hợp đồng bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 theo quy định.

- Trong thời gian không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Cục Quản lý xuất nhập cảnh thông báo kết quả kiểm tra, xét duyệt nhân sự cấp thị thực nhập cảnh; nếu chấp thuận, văn bản trả lời sẽ có thêm mã QR code để tải ứng dụng IGOVN.

- Thị thực nhập cảnh có thời hạn phù hợp chương trình du lịch, nếu khách tiếp tục đăng ký chương trình du lịch tại các khu vực thuộc địa phương được cho phép đón khách du lịch quốc tế thì xem xét gia hạn tạm trú theo bảo lãnh của doanh nghiệp. Trường hợp hết thời gian du lịch, nếu có nhu cầu tiếp tục ở lại để thăm thân thì được Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh giải quyết chuyển đổi mục đích nhập cảnh theo bảo lãnh của thân nhân.

- Người sử dụng Giấy miễn thị thực nhập cảnh sẽ được cấp chứng nhận tạm trú 06 tháng tại cửa khẩu (nếu giấy miễn thị thực còn thời hạn dưới 06 tháng thì cấp bằng thời hạn của Giấy miễn thị thực). Sau khi hoàn thành chương trình du lịch, người nhập cảnh bằng giấy miễn thị thực được phép tiếp tục ở lại thăm thân (nếu có nhu cầu), không phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích.

- Đối với khách du lịch là công dân Việt Nam, doanh nghiệp lữ hành gửi danh sách về nhân sự nhập cảnh đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an để làm các thủ tục theo quy định.

3. Chuẩn bị trước chuyến bay

- Trước khi nhập cảnh vào Việt Nam doanh nghiệp lữ hành cần khuyến cáo khách du lịch theo dõi sức khỏe, cân nhắc hủy/hoãn chuyến đi nếu tại thời điểm thực hiện chuyến đi có các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 hoặc được xác định có tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm COVID-19.

- Khách du lịch tiến hành xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi).

- Khách du lịch cần lưu ý các biện pháp phòng dịch thích hợp trên phương tiện vận chuyển trước khi nhập cảnh.

- Khách du lịch cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết theo quy định, trừ các giấy tờ được cơ quan chức năng của Việt Nam chấp nhận bản điện tử, cùng với kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính được cấp không quá 72 giờ trước khi xuất cảnh để xuất trình cho hãng hàng không và các cơ quan xuất nhập cảnh khi được yêu cầu.

4. Thực hiện quy trình nhập xuất cảnh

- Khách du lịch tiến hành sàng lọc sức khỏe tại Cảng hàng không quốc tế nhập cảnh, bao gồm đo nhiệt độ và cài đặt ứng dụng PC-COVID để khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ theo quy định của Việt Nam. Yêu cầu khách du lịch sử dụng ứng dụng trên trong suốt quá trình tham gia chương trình du lịch tại Việt Nam.

- Khách du lịch thực hiện các thủ tục để nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế theo quy định. Cơ quan y tế tại sân bay kiểm tra các điều kiện về y tế, công an cửa khẩu thực hiện kiểm soát nhập cảnh, cấp chứng nhận tạm trú, cấp thị thực (nếu có) đối với người nước ngoài nhập cảnh sân bay quốc tế sau khi khách hoàn tất thủ tục về y tế.

- Khách du lịch tự theo dõi sức khoẻ và đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm theo quy định.

- Trường hợp có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hay khứu giác, hoặc các biểu hiện khác theo khuyến cáo của y tế thì thông báo ngay cho cơ quan y tế tại sân bay để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

5. Quá trình tham gia chương trình du lịch tại Việt Nam

5.1. Yêu cầu chung

- Doanh nghiệp lữ hành tiếp nhận khách ra phương tiện vận chuyển và đưa khách về cơ sở lưu trú.

- Khách du lịch tham gia các hoạt động du lịch theo lịch trình đã được đăng ký trước trong kế hoạch do doanh nghiệp du lịch tổ chức hoặc có thể thay đổi chương trình du lịch theo nhu cầu, tuy nhiên không được rời khỏi khu vực đón khách đã được bố trí.

- Đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm theo quy định của cơ quan y tế có thẩm quyền trong mọi hoạt động của khách du lịch và của cơ sở cung ứng dịch vụ cho khách du lịch.

- Cơ quan chức năng tại địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc tuân thủ lịch trình du lịch và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh của doanh nghiệp lữ hành, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch.

- Cơ sở lưu trú bố trí các Kit xét nghiệm nhanh tại phòng khách sạn hoặc cung cấp theo yêu cầu, khuyến cáo khách du lịch tự xét nghiệm khi có nhu cầu và thông báo kết quả cho cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú theo dõi và lưu giữ kết quả xét nghiệm của khách du lịch theo quy định.

- Với khách du lịch chuyển đổi mục đích nhập cảnh, doanh nghiệp lữ hành phải có văn bản thông báo cho địa phương nơi khách đến lưu trú để phối hợp theo dõi sức khỏe, quản lý theo quy định.

5.2. Đối với khách du lịch đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19

- Tham gia chương trình du lịch của doanh nghiệp lữ hành với thời gian ít nhất 03 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

- Khách du lịch tự theo dõi sức khoẻ trong vòng 03 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, nếu có các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hay khứu giác, hoặc có kết quả dương tính với COVID-19 trong quá trình tự xét nghiệm phải báo ngay cho doanh nghiệp lữ hành và nhân viên y tế để được xét nghiệm sàng lọc và quản lý kịp thời.

- Thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì thực hiện theo quy định của Bộ Y tế. Chi phí điều trị được chi trả bởi bảo hiểm hoặc doanh nghiệp lữ hành. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

- Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với COVID-19 vào ngày thứ 3, khách du lịch có thể thực hiện các hoạt động sau:

+ Tiếp tục tham gia chương trình du lịch theo chương trình du lịch đã đăng ký (trường hợp chương trình dài hơn 03 ngày).

+ Tham gia các chương trình du lịch và sử dụng các dịch vụ tại địa phương cho phép đón khách du lịch quốc tế.

+ Về các địa phương theo nơi cư trú, thăm thân đã đăng ký. Khách du lịch phải có văn bản đăng ký với doanh nghiệp lữ hành để thông báo với chính quyền địa phương nơi đến phối hợp theo dõi sức khỏe, quản lý theo quy định.

- Khách có thể xuất cảnh về nước trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đang khai thác hoặc các chuyến bay thuê chuyến được cấp phép.

5.3. Đối với khách du lịch chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin COVID-19

- Tham gia chương trình du lịch của doanh nghiệp lữ hành trong vòng 7 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh.

- Khách du lịch tự theo dõi sức khoẻ trong vòng 07 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, nếu có các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hay khứu giác, hoặc có kết quả dương tính với COVID-19 trong quá trình tự xét nghiệm phải báo ngay cho doanh nghiệp lữ hành và nhân viên y tế để được xét nghiệm sàng lọc và quản lý kịp thời.

- Thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì thực hiện theo quy định của Bộ Y tế. Chi phí điều trị được chi trả bởi bảo hiểm hoặc doanh nghiệp lữ hành. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày.

- Bố mẹ, người giám hộ hợp pháp, người chăm sóc đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 đi cùng với khách du lịch chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin COVID-19 phải tuân thủ các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 như đối với khách du lịch chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin COVID-19.

- Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với COVID-19 vào ngày thứ 7, khách du lịch có thể thực hiện các hoạt động sau:

+ Tiếp tục tham gia chương trình du lịch theo chương trình du lịch đã đăng ký (trường hợp chương trình dài hơn 07 ngày).

+ Tham gia các chương trình du lịch và sử dụng các dịch vụ tại địa phương cho phép đón khách du lịch quốc tế.

+ Về các địa phương theo nơi cư trú, thăm thân đã đăng ký. Khách du lịch phải có văn bản đăng ký với doanh nghiệp lữ hành để thông báo với chính quyền địa phương nơi đến phối hợp theo dõi sức khỏe, quản lý theo quy định.

- Khách có thể xuất cảnh về nước trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đang khai thác hoặc các chuyến bay thuê chuyến được cấp phép.

- Với khách du lịch tham gia chương trình du lịch dưới 07 ngày, sau khi hoàn thành chương trình du lịch, khách du lịch trở về nước trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đang khai thác hoặc các chuyến bay thuê chuyến được cấp phép theo các hướng dẫn và quy trình được công bố bởi quốc gia tương ứng.

 

PHỤ LỤC 2

QUY TRÌNH ĐÓN KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ TỪ 15/3/2022
(Ban hành kèm theo Phương án Mở cửa hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới)

1. Kiểm tra, xét duyệt nhân sự, cấp thị thực, cấp chứng nhận tạm trú

- Doanh nghiệp lữ hành quốc tế làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

- Đối với trường hợp nhập cảnh vào Phú Quốc theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ hoặc sử dụng Giấy miễn thị thực, tại văn bản đề nghị kiểm tra nhân sự (mẫu NA2 ban hành kèm Thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an), nêu rõ khách nhập cảnh vào Phú Quốc hoặc sử dụng Giấy miễn thị thực (nộp kèm bản chụp). Hồ sơ xin xét duyệt nhân sự của doanh nghiệp lữ hành gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an phải kèm theo hợp đồng bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 theo quy định.

- Trong thời gian không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Cục Quản lý xuất nhập cảnh thông báo kết quả kiểm tra, xét duyệt nhân sự cấp thị thực nhập cảnh; nếu chấp thuận, văn bản trả lời sẽ có thêm mã QR code để tải ứng dụng IGOVN.

- Thị thực nhập cảnh có thời hạn phù hợp chương trình du lịch, nếu khách tiếp tục đăng ký chương trình du lịch tại các khu vực thuộc địa phương được cho phép đón khách du lịch quốc tế thì xem xét gia hạn tạm trú theo bảo lãnh của doanh nghiệp. Trường hợp hết thời gian du lịch, nếu có nhu cầu tiếp tục ở lại để thăm thân thì được Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh giải quyết chuyển đổi mục đích nhập cảnh theo bảo lãnh của thân nhân.

- Người sử dụng Giấy miễn thị thực nhập cảnh sẽ được cấp chứng nhận tạm trú 06 tháng tại cửa khẩu (nếu giấy miễn thị thực còn thời hạn dưới 06 tháng thì cấp bằng thời hạn của Giấy miễn thị thực). Sau khi hoàn thành chương trình du lịch, người nhập cảnh bằng giấy miễn thị thực được phép tiếp tục ở lại thăm thân (nếu có nhu cầu), không phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích.

- Đối với khách du lịch là công dân Việt Nam, doanh nghiệp lữ hành gửi danh sách về nhân sự nhập cảnh đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an để làm các thủ tục theo quy định.

2. Chuẩn bị trước chuyến bay

- Trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, doanh nghiệp lữ hành cần khuyến cáo khách du lịch theo dõi sức khỏe, cân nhắc hủy/hoãn chuyến đi nếu tại thời điểm thực hiện chuyến đi có các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 hoặc được xác định có tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm COVID-19.

- Khách du lịch cần lưu ý các biện pháp phòng dịch thích hợp trên phương tiện vận chuyển trước khi nhập cảnh.

- Khách du lịch cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết theo quy định, trừ các giấy tờ được cơ quan chức năng của Việt Nam chấp nhận bản điện tử để xuất trình cho hãng hàng không và các cơ quan xuất nhập cảnh khi được yêu cầu.

3. Thực hiện quy trình nhập xuất cảnh

- Khách du lịch tiến hành sàng lọc sức khỏe tại Cảng hàng không quốc tế nhập cảnh, bao gồm đo nhiệt độ và cài đặt ứng dụng PC-COVID để khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ theo quy định của Việt Nam. Yêu cầu khách du lịch sử dụng ứng dụng trên trong suốt quá trình tham gia chương trình du lịch tại Việt Nam.

- Khách du lịch thực hiện các thủ tục để nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế theo quy định. Cơ quan y tế tại sân bay kiểm tra các điều kiện về y tế, công an cửa khẩu thực hiện kiểm soát nhập cảnh, cấp chứng nhận tạm trú, cấp thị thực (nếu có) đối với người nước ngoài nhập cảnh sân bay quốc tế sau khi khách hoàn tất thủ tục về y tế.

- Khách du lịch tự theo dõi sức khoẻ và đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm theo quy định.

- Trường hợp có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hay khứu giác, hoặc các biểu hiện khác theo khuyến cáo của y tế thì thông báo ngay cho cơ quan y tế tại sân bay để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

4. Quá trình tham gia chương trình du lịch tại Việt Nam

- Có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với SARS-CoV-2 tại cơ sở lưu trú trong vòng 24h sau khi nhập cảnh.

- Khách du lịch không yêu cầu cách ly hay xét nghiệm lại sau thời gian lưu trú tại Việt Nam nhưng phải tham gia các chương trình du lịch do doanh nghiệp lữ hành tổ chức tại Việt Nam./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Công văn 414/BVHTTDL-TCDL

Loại văn bảnCông văn
Số hiệu414/BVHTTDL-TCDL
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành11/02/2022
Ngày hiệu lực11/02/2022
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật2 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Công văn 414/BVHTTDL-TCDL 2022 dự thảo Phương án mở cửa hoạt động du lịch


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Công văn 414/BVHTTDL-TCDL 2022 dự thảo Phương án mở cửa hoạt động du lịch
                Loại văn bảnCông văn
                Số hiệu414/BVHTTDL-TCDL
                Cơ quan ban hànhThể thao và Du lịch, Bộ Văn hoá
                Người ký***, Đoàn Văn Việt
                Ngày ban hành11/02/2022
                Ngày hiệu lực11/02/2022
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật2 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Công văn 414/BVHTTDL-TCDL 2022 dự thảo Phương án mở cửa hoạt động du lịch

                      Lịch sử hiệu lực Công văn 414/BVHTTDL-TCDL 2022 dự thảo Phương án mở cửa hoạt động du lịch

                      • 11/02/2022

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 11/02/2022

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực