Nội dung toàn văn Công văn 4431/LĐTBXH-PC giải đáp pháp luật lao động 2015
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4431/LĐTBXH-PC | Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2015 |
Kính gửi: Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Ma San HD
(Lô 22, KCN Đại An, Phường Tứ Minh, TP. Hải Dương, Tỉnh Hải Dương).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được Công văn số 031/2015/CV-MHD ngày 26/2/2015 về giải đáp chính sách của Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Ma San HD (sau đây gọi là Công ty), sau khi xem xét Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
1. Về trả lương cho người lao động
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động, thì đối với lao động hưởng lương theo thời gian, tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động.
Theo quy định tại Điều 104 và Điều 110 của Bộ luật lao động, thì doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc bình thường theo giờ hoặc ngày hoặc tuần nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần và phải đảm bảo cho người lao động được nghỉ hàng tuần tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
Theo quy định tại Điều 106 của Bộ luật lao động, thì làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp người lao động làm việc ngoài giờ làm việc bình thường được quy định trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hay nội quy lao động của doanh nghiệp, thì người lao động được trả lương làm thêm giờ theo quy định của pháp luật.
2. Về Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ban hành bao gồm tên nghề, công việc và mô tả đặc điểm điều kiện lao động của nghề, công việc. Trường hợp Công ty có nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ban hành trong danh mục có điều kiện lao động đã được cải thiện, thì không phải áp dụng các chế độ dành cho người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đó khi điều kiện lao động được cải thiện.
Tuy nhiên, trường hợp điều kiện lao động của nghề, công việc đã được cải thiện nhưng có thể vẫn thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (ở loại thấp hơn), Công ty cần có ý kiến của Bộ, ngành quản lý lĩnh vực đó (kèm theo số liệu kết quả đo đạc và tổng hợp các yếu tố đặc trưng về điều kiện lao động) để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xem xét điều chỉnh phân loại điều kiện lao động nghề, công việc.
3. Qua miêu tả của Công ty thì chưa thể nhận định hoạt động này là hoạt động “thuê lại lao động” theo quy định của Bộ luật lao động 2012 và Nghị định số 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Khoản 3 Điều 54 của Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Tuy nhiên khi các Công ty ký hợp đồng dịch vụ với Công ty MaSan HD mà thực hiện việc kinh doanh ngành nghề cho thuê lại lao động, thì phải được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại theo quy định của Nghị định số 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Quý Công ty tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |