Nội dung toàn văn Công văn 4755/TCT-DNNCN 2022 quản lý doanh nghiệp kinh doanh ô tô xe máy
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4755/TCT- DNNCN | Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2022 |
Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế đã ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý hóa đơn nhằm kiểm soát, tránh tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn thấp hơn giá bán thực tế. Tuy nhiên, gần đây dư luận báo chí có phản ánh tình trạng một số đại lý, cửa hàng kinh doanh ô tô, xe máy có hiện tượng bán xe “hai giá”. Theo đó, hoạt động kinh doanh ô tô, xe máy diễn ra tình trạng một số đại lý, tổ chức, cá nhân kinh doanh bán hàng cao hơn giá đề xuất tại Thông báo của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu chính hãng hoặc giá niêm yết nhưng xuất hóa đơn cho khách hàng ghi giá bán thấp hơn thực tế giao dịch, có dấu hiệu trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh ô tô, xe máy, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại Công văn số 2006/TCT-TTKT ngày 14/6/2022 về việc tăng cường rà soát, kiểm tra hóa đơn, đồng thời tiếp tục thực hiện triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế như sau:
1. Thực hiện rà soát, đánh giá phân loại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hoạt động đại lý, kinh doanh ô tô, xe máy trên địa bàn quản lý có dấu hiệu rủi ro về việc không xuất hóa đơn, ghi giá hóa đơn thấp hơn giá thực tế giao dịch để xem xét bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đột xuất.
2. Tăng cường giám sát, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị (phòng, đội) quản lý người nộp thuế có hoạt động kinh doanh ô tô, xe máy, định kỳ tiến hành rà soát hệ thống quản lý hóa đơn điện tử, thu thập thông tin và đánh giá dữ liệu đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn, từ đó thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý giá (UBND các cấp, Sở Tài chính, Cơ quan Quản lý thị trường,...) để xử lý đối với các hành vi vi phạm theo quy định; phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất tham mưu UBND đồng cấp thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành để tăng cường công tác quản lý; trao đổi thông tin với các ngân hàng thương mại để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng đối với tài khoản của tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ trong hoạt động mua bán ô tô, xe máy. Trường hợp phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm, các Cục Thuế chủ động phối hợp, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, khởi tố, theo dõi xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người tiêu dùng về việc yêu cầu các cơ sở kinh doanh, đại lý bán hàng xuất hóa đơn theo đúng giao dịch thực tế; chủ động có những biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về chính sách thuế, đảm bảo người dân và doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ các quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành; đồng thời cảnh báo người nộp thuế có hành vi gian lận sẽ bị cơ quan thuế xử lý nghiêm, từ đó nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, góp phần giảm tình trạng gian lận, trốn thuế. Các Cục Thuế, Chi cục Thuế cần bố trí, thông báo công khai các hòm thư, địa chỉ thư điện tử, các kênh tiếp nhận thông tin trên nền tảng khác nhau để mở rộng phương thức thu thập thông tin, tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân cung cấp kịp thời thông tin về những đại lý, cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn khi bán hàng, lập hóa đơn ghi giá thấp hơn giá giao dịch thực tế để trốn thuế.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết và nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |