Nội dung toàn văn Công văn 4782/BNN-KHCN đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4782/BNN-KHCN | Hà Nội, ngày 28 tháng 09 năm 2012 |
Kính gửi: Ông Đặng Hải
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng cảm ơn Ông vì đã quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là về phát triển nghề trồng nấm và ứng dụng kỹ thuật khí sinh học. Bộ xin gửi tới Ông một số thông tin liên quan tới 2 lĩnh vực trên như sau:
1. Về phát triển nghề trồng nấm
Hàng năm cả nước sản xuất khoảng 250.000 tấn nấm tươi, kim ngạch xuất khẩu khoảng 25-30 triệu USD/năm (không kể qua con đường tiểu ngạch).
Năm 2010 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận chính thức 3 giống nấm (nấm rơm, nấm sò và mộc nhĩ), công nhận cho sản xuất thử 7 giống nấm mới; công nhận 10 quy trình sản xuất giống nấm và 10 quy trình sản xuất nấm thương phẩm theo hướng tăng năng suất cao, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Hệ thống sản xuất, cung ứng nấm bước đầu được hình thành: Trung tâm CNSH thực vật - Viện Di truyền nông nghiệp và một số đơn vị nghiên cứu ở Trung ương: sản xuất giống gốc, C1 và một phần giống nấm C2, C3 cho sản xuất với sản lượng 500 tấn giống các loại/năm; Một số đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, doanh nghiệp nhân tiếp từ giống gốc để cung cấp giống nấm cho nông dân.
Nghề trồng nấm đã có sự quan tâm của các cấp, các ngành, cụ thể:
Chính phủ đưa nấm vào danh mục sản phẩm quốc gia;
Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND nhiều tỉnh, thành phố, Sở NN&PTNT, Sở KHCN&MT, các Hội, ban ngành … trong kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đã xác định đưa nghề trồng nấm trở thành một trong những nghề trọng điểm, giúp tạo việc làm ổn định, bền vững cho nông dân.
Nhiều địa phương đã ban hành các chính sách hỗ trợ có hiệu quả.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng Đề án phát triển nấm đến năm 2020 với mục tiêu cụ thể như sau:
Đến năm 2015: Sản xuất và tiêu thụ đạt khoảng 400.000 tấn nấm các loại, trong đó nội tiêu: 300.000 tấn, xuất khẩu: 100.000 tấn; tổng giá trị sản phẩm hàng hóa đạt 30.000 tỷ đồng/năm, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa đạt 12.000 tỷ đồng/năm, giá trị xuất khẩu đạt 150 - 200 triệu USD/năm.
Đến năm 2020: Sản xuất và tiêu thụ đạt khoảng 1.000.000 tấn (trong đó: 50% xuất khẩu; 50% tiêu thụ nội địa); tạo được 1 triệu việc làm từ nghề sản xuất nấm, giá trị xuất khẩu đạt trên 450 - 500 triệu USD/năm.
Tối thiểu 50% sản lượng nấm được sản xuất tập trung theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghiệp cao với quy mô và sản lượng lớn tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ nguyên liệu đầu vào ổn định cho các nhà máy chế biến nấm.
2. Về ứng dụng kỹ thuật khí sinh học quản lý chất thải chăn nuôi
Công nghệ khí sinh học đã được ứng dụng và phát triển tại Việt Nam từ những năm 1960. đến 1990, khoảng 2000 công trình khí sinh học nhỏ với kích thước từ 3 - 10m3 đã được xây dựng tại Việt Nam. Từ năm 1992, trong khuôn khổ các dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bể phân hủy túi nhựa đã được nghiên cứu phát triển và đã có khoảng 11.000 công trình khí sinh học loại này đã được xây dựng.
Từ năm 2003 đến 2009, với sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan, cả nước đã xây dựng được 78.480 công trình khí sinh học.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang triển khai nhiều dự án do quốc tế tài trợ, trong đó có hợp phần phát triển khí sinh học với tổng số hàng triệu công trình khí sinh học, cụ thể như: Dự án an toàn thực phẩm và cạnh tranh ngành chăn nuôi do Ngân hàng thế giới tài trợ; Dự án Tăng cường Chất lượng và An toàn sản phẩm Nông nghiệp Phát triển khí sinh học; Chương trình Quốc gia về nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình hiệu quản năng lượng quốc gia; Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp.
Đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận tiến bộ kỹ thuật cho 04 loại công trình khí sinh học, góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ khí sinh học ở Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin thông báo để Ông biết.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |