Nội dung toàn văn Công văn 4907/BTNMT-TĐKTTT 2018 phát động thi đua Hành động để giảm thiểu ô nhiễm
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4907/BTNMT-TĐKTTT | Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2018 |
Kính gửi: | - Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; |
Để tiếp tục tạo sự đột phá trong nhận thức và hành động của toàn ngành tài nguyên và môi trường nói riêng và cả nước nói chung, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã được xác định trong các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước giai đoạn (2016 - 2020) và các giai đoạn tiếp theo do Thủ tướng Chính phủ phát động, ngành tài nguyên và môi trường cùng với cả nước đang ra sức nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt sứ mệnh quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Với thông điệp của Ngày Môi trường Thế giới năm 2018 là “Từ chối sản phẩm nhựa sử dụng một lần, từ chối những gì bạn không thể tái sử dụng. Cùng nhau, chúng ta có thể vạch ra con đường tới một thế giới sạch hơn, xanh hơn”, tổ chức Liên hợp quốc mong muốn con người hãy từ bỏ một thói quen dù mang lại nhiều tiện lợi song gây hại khôn lường cho môi trường, đã đến lúc con người không thể chậm trễ hơn nữa nếu muốn cứu hành tinh và quan trọng hơn là duy trì một thế giới xanh hơn, sạch hơn cho thế hệ tương lai. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động đợt thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông” với những nội dung chủ yếu sau:
1. Phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông” nhằm tiếp tục thực hiện kỷ luật, kỷ cương, hành động quyết liệt, phát huy mọi nguồn lực, hoàn thành có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác của ngành trong việc ngăn chặn ô nhiễm nhựa và ni lông. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông, chung tay bảo vệ môi trường hiện nay và giai đoạn tiếp theo cần tập trung vào các nhiệm vụ sau:
a) Tổ chức, xây dựng kế hoạch, lộ trình để giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa, túi ni lông trong các cơ quan, đơn vị. Hàng ngày, phát động mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong toàn ngành hãy hành động và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện “nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông sử dụng một lần”.
b) Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về môi trường, trong đó hoàn thiện các công cụ kinh tế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa, ni lông sử dụng một lần.
c) Đề xuất và triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến việc giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông.
Các Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng trình Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kế hoạch, lộ trình giảm thiểu tiến tới thay thế các sản phẩm nhựa, túi ni lông sử dụng một lần trong các công sở, cơ quan hành chính tại địa phương.
d) Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cơ quan và cộng đồng và thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông; phát hành kèm theo các mô hình, cách làm.
đ) Tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ để thực hiện việc dự báo, cảnh báo các nguy cơ của việc ô nhiễm nhựa và ni lông; tăng cường hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế; thúc đẩy thực hiện các diễn đàn đối thoại chính sách, tham vấn các nhà đầu tư, tài trợ, phục vụ trao đổi thông tin pháp luật về vấn đề ô nhiễm nhựa và ni lông;
e) Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật môi trường đối với vấn đề ô nhiễm các sản phẩm nhựa và ni lông nghiêm trọng.
2. Tiêu chí thi đua
- Đề xuất xây dựng các chính sách, quy định pháp luật và văn bản hướng dẫn thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ về giải quyết và ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông.
- Có Phong trào thi đua thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông của cơ quan, đơn vị và của Ngành.
- Hoàn thành vượt mức các kế hoạch nhiệm vụ, chương trình liên quan đến công tác giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
- Phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông.
- Đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và ni lông trong thói quen sinh hoạt và tiêu dùng.
- Có giải pháp, sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong công tác giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông như giải pháp áp dụng các thiết bị công nghệ tái chế nhựa và ni lông, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thay thế...
3. Tổ chức thực hiện:
- Phát động, đăng ký thi đua:
Trên cơ sở nội dung, tiêu chí của phong trào thi đua, căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của cơ quan, đơn vị, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng, Phó các Khối, Cụm thi đua phát động phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông” trong đơn vị gắn với tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trọng tâm, cấp bách nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông nghiêm trọng đang tiếp diễn để bảo vệ môi trường.
Đăng ký thi đua của đơn vị gửi về Bộ (qua Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền) trước ngày 23 tháng 9 năm 2018 để tổng hợp, theo dõi và làm căn cứ đánh giá, bình xét khen thưởng.
- Sơ kết, tổng kết và khen thưởng:
+ Đợt 1: Kết thúc năm 2018, các đơn vị, các Sở tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện đợt thi đua chuyên đề này theo tiêu chí và thực hiện: (i) khen thưởng theo thẩm quyền; (ii) đề xuất Bộ trưởng tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc, mỗi đơn vị đề nghị không quá 02 tập thể hoặc cá nhân.
+ Đợt 2: Đến hết ngày 30/4/2019, các đơn vị, các Sở tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả, tác dụng hiệu quả của phong trào và khen thưởng để trao tặng vào dịp hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6/2019): (i) khen thưởng theo thẩm quyền; (ii) đề xuất Bộ trưởng tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc, mỗi đơn vị đề nghị không quá 05 tập thể hoặc cá nhân.
- Hồ sơ đề nghị khen thưởng thực hiện theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP và gửi về Bộ (qua Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền) như sau:
+ Đợt 1: Sơ kết phong trào chậm nhất là ngày 31 tháng 01 năm 2019.
+ Đợt 2: Tổng kết phong trào chậm nhất là ngày 10 tháng 5 năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với tinh thần “thi đua ái quốc”, yêu ngành, yêu nghề, phát huy những thế mạnh đã đạt được, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tích cực hưởng ứng đợt thi đua, lập thành tích hoàn thành thắng lợi mục tiêu cải thiện môi trường xanh hơn, sạch hơn và góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành tài nguyên và môi trường trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) và các năm tiếp theo./.
| BỘ TRƯỞNG |