Nội dung toàn văn Công văn 4979 TM/KHĐT giải quyết đề nghị của tỉnh ĐakLak
BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4979 TM/KHĐT | Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2004 |
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ tại công văn số 5158/VPCP-ĐP ngày 24 tháng 9 năm 2004 về việc giải quyết một số đề nghị của tỉnh Đak Lak;
Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 1 năm 004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại;
Căn cứ công văn số 2137/CV-UB ngày 03 tháng 09 năm 004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đak Lak báo cáo một số vấn đề cần xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
Bộ Thương mại xin báo cáo Văn phòng Chính phủ một số ý kiến về một số vấn đề thuộc phạm vi chức năng quản lý như sau:
1. Đak Lak là một trong những tỉnh miền núi nghèo nhưng có vị trí quan trọng ở địa bàn Tây Nguyên, vì vậy rất cần sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước trong việc phát triển các công trình cơ sở hạ tầng như: hồ Buôn Joong, đường quốc lộ 14C, đường vành đai phía tây thành phố Buôn Ma Thuột… Ngoài ra, Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư phát triển các công trình thuộc kết cấu hạ tầng thương mại, trong đó cần chú trọng phát triển hệ thống chợ nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
2. Dự án thành lập Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Đak Lak với công suất 25 triệu lít/năm là phù hợp với định hướng phát triển của ngành: đa dạng hoá hình thức đầu tư, khuyến khích huy động vốn của các thành phần kinh tế trong nước và đẩy mạnh cổ phần hoá với những doanh nghiệp trong ngành rượu - bia - nước - giải khát mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn. Tuy nhiên, cần xác định rõ mục tiêu đầu tư của dự án là phục vụ thị trường địa phương hay tiến tới mở rộng xuất khẩu sang cả thị trường các tỉnh Lào giáp biên để xác định mức công suất cho phù hợp. Xuất phát từ tập quán và thói quen tiêu dùng của đa số đồng bào dân tộc, thị trường tiêu thụ tại địa phương mới chỉ là thị trường mang tính thăm dò, thử nghiệm; do đó trước mắt chỉ nên dừng công suất của Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Đak Lak ở mức 25 triệu lít/năm.
3. Trên cơ sở vị trí địa lý và các tiềm năng, nguồn lực của tỉnh Đak Lak, đề nghị của tỉnh Đak Lak được đầu tư, hợp tác kinh tế với 4 tỉnh Nam Lào là tương đối khả thi và phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển đầu tư sang Lào hiện nay. Theo biên bản làm việc của UBND Tỉnh Đak Lak và UBKH&HT Lào, Đak Lak hiện đang dự kiến đầu tư hợp tác với Lào trong một số lĩnh vực sau:
- Lĩnh vực nông, lâm nghiệp: chủ yếu là thuê đất để trồng các loại cây công nghiệp có thế mạnh của tỉnh Đak Lak như: cao su, thiên nhiên, ca cao, cà phê, chè. Các dự án này nếu được triển khai tốt sẽ có triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường lâu dài. Song đối với từng dự án, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về mục tiêu, quy mô, thị trường tiêu thụ cụ thể, và nên phát triển gắn liền với các mục tiêu chế biến sản phẩm tại chỗ trong dài hạn. Điều đáng lưu ý là các dự án này cần mức vốn đầu tư khá cao (tiêu biểu như dự án đang hình thành “Trồng cao su thiên nhiên, điều, ca cao, cà phê, chè của Công ty cao su Đak Lak tại 4 tỉnh Nam Lào” có mức vốn đầu tư dự kiến lên tới 30 triệu USD) trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp chủ đầu tư của tỉnh Đak Lak còn hạn hẹp, do đó, rất cần đến một cơ chế hỗ trợ vốn thích hợp của Nhà nước cũng như cần phải có phương án đa dạng hoá các nguồn huy động vốn. Đồng thời đối với những dự án có tính khả thi không cao, cần mạnh dạn loại bỏ để tập trung vốn cho các dự án khác.
- Các dự án thuộc lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, sản xuất phân vi sinh và sản xuất máy cơ khí nông nghiệp cũng là những dự án có thể khuyến khích đầu tư, tuy nhiên cần xem xét kỹ quy mô đầu tư của từng dự án để tránh các yếu tố rủi ro của thị trường mới.
4. Về đề nghị phê duyệt Khu công nghiệp Hoà Phú: việc phát triển một khu công nghiệp tại Đak Lak là rất cần thiết, không những góp phần đẩy mạnh đầu tư trong địa bàn tỉnh mà còn có triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh. Song có thể thấy Đak Lak không phải là một tỉnh gần kề với một thị trường lớn như TP. HCM giống trường hợp của Đồng Nai và Bình Dương nên cần nghiên cứu hướng phát triển riêng cho Khu công nghiệp này cho phù hợp với tình hình, đặc điểm cũng như các lợi thế so sánh cụ thể của tỉnh Đak Lak trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm xây dựng, tổ chức và quản lý của các tỉnh bạn để đảm bảo hiệu suất thành công cao, tránh lãng phí trong đầu tư.
Trên đây là một số ý kiến của Bộ Thương mại về các vấn cần giải quyết của tỉnh Đak Lak, xin báo cáo Văn phòng Chính phủ tổng hợp, kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ các vấn đề cho tỉnh Đak Lak.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |