Nội dung toàn văn Công văn 5079/BTC-QLG 2022 đẩy mạnh công tác quản lý điều hành giá kiểm soát lạm phát
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5079/BTC-QLG | Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 2022 |
Kính gửi: | - Các Bộ: Công Thương, Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; |
Trước diễn biến giá một số mặt hàng nguyên nhiên liệu và vật tư chiến lược trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao gây sức ép đến mặt bằng giá cả thị trường trong nước và mục tiêu kiểm soát lạm phát, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 882/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ ngày 10/2/2022, Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 2/3/2022 và Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24/3/2022, nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm 2022, Bộ Tài chính đề nghị quý cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh triển khai công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới như sau:
1. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, các Bộ quản lý ngành chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) rà soát, tính toán các phương án giá, đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội và mục tiêu kiểm soát lạm phát, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá biện pháp điều hành phù hợp.
2. Theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời có các biện pháp cụ thể để điều hành sản xuất trong nước, điều hòa, cân đối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước và xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.
3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; kịp thời xử lý các sai phạm, lợi dụng tình hình thị trường có biến động đề tăng giá bất hợp lý, các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả.
4. Tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, khách quan, công khai minh bạch thông tin về giá hàng hóa dịch vụ, nhất là các vật tư quan trọng liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện./.
| KT.BỘ TRƯỞNG |