Nội dung toàn văn Công văn 521/BGDĐT-NGCBQLCSGD 2016 mã số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 521/BGDĐT-NGCBQLCSGD | Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2016 |
Kính gửi: Các sở giáo dục và đào tạo
Các Thông tư liên tịch: số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14/9/2015, số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015, số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015, số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 đã quy định danh mục các chức danh nghề nghiệp, và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh nghề nghiệp, đồng thời hướng dẫn việc bổ nhiệm vào hạng và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên từng cấp học thuộc giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Để hiểu và thực hiện đúng các Thông tư nêu trên (sau đây gọi tắt là các Thông tư), Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các địa phương một số nội dung sau:
1. Về việc chuyển từ ngạch giáo viên sang hạng chức danh nghề nghiệp: Theo quy định tại Điều 8 của các Thông tư, tất cả giáo viên hiện đang ở các ngạch giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đều được chuyển xếp vào các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng (hướng dẫn cụ thể tại các Thông tư), giữ nguyên bậc lương, thời điểm tăng lương, phần trăm (%) và phụ cấp thâm niên, vượt khung (nếu có) như hiện tại và sẽ thực hiện các quyền lợi về lương theo hạng viên chức vừa được chuyển xếp, không yêu cầu giáo viên phải đáp ứng tất cả những điều kiện tiêu chuẩn của từng hạng viên chức quy định tại các Thông tư. Giáo viên có trách nhiệm và được cơ quan tạo điều kiện để học tập, bồi dưỡng nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn còn chưa đạt. Việc hoàn thiện các tiêu chuẩn này là điều kiện tiên quyết để giáo viên được thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
2. Về việc thăng hạng theo chức danh nghề nghiệp: Những viên chức có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công việc ở vị trí việc làm hạng cao hơn và có đủ những yêu cầu về tiêu chuẩn theo quy định của Thông tư thì có thể được tham gia thi/xét thăng hạng. Việc tổ chức thi/xét thăng hạng phải chú ý đến cơ cấu viên chức của đơn vị: số lượng viên chức được bổ nhiệm vào hạng cao phải căn cứ vào cơ cấu, vị trí việc làm và nhu cầu của đơn vị; không thực việc thăng hạng chỉ nhằm mục đích về chế độ, chính sách đối với giáo viên.
3. Về việc bồi dưỡng viên chức: Theo quy định tại Luật Viên chức, viên chức phải phấn đấu, bồi dưỡng để nâng cao phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của chức danh nghề nghiệp hoặc để có thể dự thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng cao hơn, trong đó, học tập bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là một yêu cầu bắt buộc đối với viên chức khi thăng hạng. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai xây dựng chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông.
4. Về việc tuyển dụng viên chức: Việc tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông được thực hiện theo quy định của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức. Việc tuyển dụng và sử dụng viên chức phải bảo đảm số lượng, cơ cấu viên chức theo vị trí việc làm; viên chức làm việc ở vị trí việc làm nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp vị trí đó và được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng.
Các sở giáo dục và đào tạo căn cứ vào điều kiện, nhu cầu của địa phương và điều kiện đáp ứng của những người tham gia tuyển dụng để đề xuất tuyển dụng và bổ nhiệm giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông theo đúng quy định tại các Thông tư.
| KT. BỘ TRƯỞNG |