Nội dung toàn văn Công văn 5346/BTC-TCT xác định thu nhập chịu thuế TNCN
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5346/BTC-TCT | Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2008 |
Kính gửi: Cục thuế tỉnh Đắk Lắk.
Trả lời công văn số 2920/CT-TNCN ngày 14/11/2007 của Cục thuế tỉnh Đắk Lắk hỏi về việc xác định thuế thu nhập cá nhân đối với khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) trả thay lương và trợ cấp một lần cho cá nhân khi nghỉ hưu, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Căn cứ điểm 2.1.1, mục 2, phần I Thông tư số 81/2004/TT-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 147/2004/NĐ-CP ngày 23/7/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (thuế TNCN) thì thu nhập thường xuyên chịu thuế bao gồm: “Các khoản thu nhập dưới các hình thức tiền lương, tiền công, tiền thù lao, bao gồm cả tiền lương làm thêm giờ, lương ca 3, lương tháng thứ 13 (nếu có); tiền phụ cấp; tiền trợ cấp thay lương nhận từ quỹ bảo hiểm xã hội; tiền ăn trưa, ăn giữa ca (nếu nhận bằng tiền).”
Theo quy định nêu trên thì khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội trả thay lương là khoản thu nhập thuộc diện thu nhập chịu thuế TNCN.
2. Căn cứ điểm 4.4, mục 4, phần I Thông tư số 81/2004/TT-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ Tài chính nêu trên thì các khoản thu nhập không chịu thuế bao gồm: “Các khoản trợ cấp xã hội của các đối tượng hưởng chính sách xã hội như: thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ,...; các khoản trợ cấp khác từ ngân sách nhà nước”.
Tại điểm c, khoản 4, Điều 1 Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ quy định: “Ngoài lương hưu hàng tháng, lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 25 năm, lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm, khi nghỉ hưu được trợ cấp một lần theo cách tính như sau: từ năm thứ 26 trở lên đối với lao động nữ, từ năm thứ 31 trở lên đối với lao động nam, mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được nhận bằng một nửa (1/2) tháng mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, nhưng tối đa không quá 5 tháng”.
Theo quy định nêu trên, khoản trợ cấp một lần cho cá nhân khi nghỉ hưu nhưng tối đa không quá 5 tháng tiền lương (tính theo mức bình quân của tiền lương tháng) là thu nhập không chịu thuế TNCN; phần trợ cấp vượt mức nêu trên phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Khoản trợ cấp một lần (ngoài lương hưu) cho cá nhân từ ngày 31/12/2006 trở về trước theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 1 Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ nêu trên mà cá nhân đã kê khai và nộp thuế TNCN trước đây thì không điều chỉnh lại.
3. Căn cứ vào Điều 6 và Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 thì: “Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội được miễn thuế” và “Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trên ba mươi năm đối với nam, trên hai mươi lăm năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ ba mươi mốt trở đi đối với nam và năm thứ hai mươi sáu trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội”.
Theo quy định trên thì: kể từ ngày 01/01/2007, tiền lương hưu và khoản trợ cấp một lần khi nghỉ hưu của cá nhân thoả mãn các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội không thuộc diện chịu thuế TNCN.
Bộ Tài chính trả lời để Cục thuế tỉnh Đắk Lắk biết và hướng dẫn đơn vị thực hiện./.
Nơi nhận: | TUQ. BỘ TRƯỞNG |