Nội dung toàn văn Công văn 5697/TM-TTTN bán hàng hoá, xăng dầu khu tam giác phát triển
BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5697/TM-TTTN | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2004 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại văn bản số 662/VPCP-QHQT ngày 17 tháng 8 năm 2004 của Văn phòng Chính phủ về triển khai nhiệm vụ hợp tác 3 nước: Việt Nam - Lào - Campuchia. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao: Bộ Thương mại đề xuất việc bán hàng hoá và xăng dầu tại khu vực Tam giác phát triển trong thời gian tới, như sau:
I. TÌNH HÌNH CUNG CẤP HÀNG HOÁ VÀ XĂNG DẦU TRONG THỜI GIAN QUA
Về đặc điểm kinh tế - xã hội: Khu Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, bao gồm 9 tỉnh: Việt Nam 4 tỉnh (Đak Lak, ĐakNong, Gialai và Kon Tum); Lào 2 tỉnh (Atôpơ và Sekong); Campuchia 3 tỉnh (Ratanakiri, StrungTreng và Monđunkiri); tổng số dân khoảng: 3,7 triệu người (các tỉnh của Việt Nam chiếm 90% số dân, khoảng: 3,3 triệu, các tỉnh của bạn: chiếm 10%, khoảng 0,4 triệu người); đây là khu vực có nhiều dân tộc ít người sinh sống, thu nhập thấp (bình quân dưới 200 USD/người/năm) tỷ lệ đói nghèo cao. Bốn tỉnh của Việt Nam có trình độ sản xuất khá hơn đã hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá; các tỉnh của bạn Lào và Campuchia sản xuất mang tính tự nhiên, tự cấp tự túc, chưa có sản xuất hàng hoá; thương mại dịch vụ chưa phát triển hiện chỉ có một số doanh nghiệp tư nhân đảm nhận dịch vụ cung cấp nhu yếu phẩm và hàng tiêu dùng cho dân cư, bán theo giá thị trường.
Về xăng dầu: nhu cầu xăng dầu Khu Tam giác phát triển, năm 2003, khoảng 270.000 m3, trong đó Việt Nam chiếm 90% nhu cầu khoảng 260.000m3, các tỉnh của Lào và Campuchia chiếm 10% khoảng 10.000m3; năm 2004, khoảng 300.000m3; nguồn xăng dầu cung cấp cho các tỉnh Việt Nam do các doanh nghiệp đầu mối đảm nhiệm, bán theo giá quy định, thông qua hệ thống đại lý đã được thiết lập với hơn 15 tổng đại lý và 400 đại lý bán lẻ để phân phối cho các đối tượng tiêu dùng. Các tỉnh của Lào và Campuchia, nguồn xăng dầu cung cấp cho các đối tượng sản xuất: 2 cơ sở khai thác đá quý của nước ngoài: Thái Lan và Myanma, một số nhà máy điện quy mô nhỏ và tiêu dùng của nhân dân: (tưới tiêu nương rẫy, xe máy cá nhân, một số xe ô tô con… do một số doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm và bán theo giá thị trường. Đối với những tỉnh gần cửa khẩu Việt Nam, bạn mua xăng dầu theo phương thức tái xuất là chủ yếu, một phần mua qua đường tiểu ngạch từ Việt Nam; những tỉnh xa cửa khẩu giao thông khó khăn, bạn mua từ Thủ đô PnomPenh/Viên Chăn vận chuyển theo đường thuỷ về địa bàn tiêu thụ và bán trực tiếp vào các phương tiện của người tiêu dùng.
II. VỀ CUNG CẤP HÀNG HOÁ VÀ BÁN XĂNG DẦU TẠI KHU TAM GIÁC PHÁT TRIỂN TRONG THỜI GIAN TỚI
Do điều kiện địa lý, trình độ sản xuất, nhu cầu tiêu dùng, mạng lưới phân phối các tỉnh Việt Nam và các tỉnh của 2 nước bạn có chênh lệch khác nhau, Bộ Thương mại đề xuất việc bán các sản phẩm hàng hoá và xăng dầu tại Tam giác phát triển, trong thời gian tới như sau:
1. Về hàng hoá phục vụ tiêu dùng của nhân dân:
Đối với các tỉnh của Việt Nam: trong những năm qua, các doanh nghiệp thương mại địa phương cùng với doanh nghiệp các tỉnh đã đáp ứng thoả mãn các nhu cầu về hàng hoá tiêu dùng của nhân dân; thông qua các chợ nông thôn, chợ cụm xã, trung tâm thương mại, các đại lý để phân phối hàng hoá cho nhân dân bảo đảm thuận tiện; nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (muối iôt, dầu hoả, giấy viết…) phục vụ đồng bào các tỉnh Tây Nguyên vùng sâu, vùng xa; và trong thời gian tới, sẽ tiếp tục củng cố hệ thống mạng lưới phân phối các sản phẩm hàng hoá phục vụ nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa; phát triển thương mại dịch vụ qua các cửa khẩu Quốc gia Bờ Y (Kontum), Đức Cơ (Gia Lai và Đắc Lắc), nâng cấp cải tạo các chợ nông thôn, các chợ cụm xã, trung tâm thương mại hiện có tại các thị trấn; xây dựng các chợ biên giới trong khu vực cửa khẩu phù hợp với điều kiện của từng địa bàn để thu hút cư dân của hai bên biên giới đến trao đổi mua bán hàng hoá.
Trong thời gian tới, bằng mọi biện pháp tiêu thụ đại bộ phận sản phẩm hàng hoá để tăng sức mua của đồng bào Tây Nguyên, gắn các tổ chức thương mại với các cơ sở sản xuất chế biến, xây dựng mạng lưới phân phối gắn với các địa bàn dân cư sinh sống tập trung, nâng cấp các trung tâm thương mại hiện có các đô thị nhằm trao đổi hàng hoá trong tỉnh, vùng với các tỉnh ngoài vùng và xuất khẩu.
Đối với các tỉnh của Lào và Campuchia: Do mạng lưới tiêu thụ của bạn chưa được hình thành nên việc phân phối hàng hoá, thông qua chợ nông thôn, chợ cụm xã, chợ biên giới, các trung tâm thương mại hiện có để cung cấp hàng hoá cho nhân dân và đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa. Giá bán hàng tiêu dùng thiết yếu: dầu hoả, muối iốt, áp dụng chính sách tiêu dùng, cơ chế quản lý như đối với nhân dân các tỉnh miền núi của ta; hàng công nghiệp tiêu dùng bán theo giá thị trường. Các doanh nghiệp thương mại của Việt Nam căn cứ đối tượng được hưởng chính sách, định lượng tiêu dùng và giá bán cho các đối tượng này để ký hợp đồng cung ứng với các doanh nghiệp địa phương của bạn, đáp ứng đủ nhu cầu về hàng hoá của nhân dân.
2. Về mặt hàng xăng dầu: Trong điều kiện nước ta vẫn còn phải nhập khẩu xăng dầu bằng ngoại tệ, giá bán do Nhà nước quy định thường thấp hơn so với giá bán của các nước và đang thực hiện chính sách bù lỗ đối với các mặt hàng dầu. Để tránh tình trạng lợi dụng chính sách bù lỗ; buôn lậu xăng dầu ra các địa phương của bạn (ngoài Khu Tam giác phát triển); phương thức cung cấp phân phối xăng dầu cho các đối tượng tiêu dùng tiêu dùng, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được giao nhiệm vụ kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh thuộc Khu Tam giác phát triển thực hiện việc quản lý kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu ban hành kèm theo Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg ngày 15/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ; việc phân phối xăng dầu cho các đối tượng tiêu dùng phải tuân thủ các quy định tại Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu ban hành kèm theo Quyết định số 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17/11/2003 của Bộ Thương mại và các quy định hiện hành khác của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu.
Về nguồn cung cấp: các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có trách nhiệm cùng với Tổng công ty xăng dầu Việt Nam đáp ứng đủ nguồn xăng dầu cung cấp cho các đối tượng tiêu dùng thuộc Khu Tam giác phát triển.
Về phát triển hệ thống phân phối:
Đối với 4 tỉnh Việt Nam, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh của các đại lý hiện có, phát triển các cửa hàng bán xăng dầu tại các địa bàn dân cư, khu vực sản xuất tập trung, khu vực cửa khẩu, địa bàn còn bỏ trống và tỉnh mới tách (ĐakNông), bảo đảm thuận tiện cho người tiêu dùng.
Đối với các tỉnh của Lào và Campuchia: do hệ thống xăng dầu chưa được hình thành, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam làm việc với Chính quyền cấp tỉnh xem xét chỉ định doanh nghiệp có khả năng điều kiện về vốn và cơ sở vật chất để thực hiện việc kinh doanh xăng dầu và cùng với Tổng công ty xăng dầu Việt Nam thực hiện cung ứng xăng dầu cho các đối tượng tiêu dùng; quy hoạch mạng lưới phân phối xăng dầu phù hợp với từng địa bàn, bảo đảm thuận tiện cho các đối tượng tiêu dùng.
2.1. Về chính sách tiêu dùng, giá bán xăng dầu cho đối tượng tiêu dùng:
Đối với mặt hàng xăng: bán theo giá đảm bảo kinh doanh cho mọi đối tượng tiêu dùng, Nhà nước không thực hiện bù lỗ đối với mặt hàng này.
Đối với mặt hàng dầu (diesel, dầu hoả, madut): Nhà nước tiếp tục thực hiện việc bù lỗ đối với mặt hàng dầu; cơ chế và phương thức bù lỗ áp dụng theo quy định hiện hành. Giá bán xăng dầu cho các đối tượng tiêu dùng tại Khu Tam giác phát triển giống như giá bán cho các đối tượng tiêu dùng của các đối tượng tiêu dùng của địa phương ta hiện đang áp dụng:
+ Bán xăng, dầu cho các hộ sản xuất thuộc khu chế xuất thực hiện theo phương thức tạm nhập tái xuất và thanh toán bằng ngoại tệ mạnh, quy định tại Quyết định số 1752/2003/QĐ-BTM ngày 15/12/2003 của Bộ Thương mại về Quy chế kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng, dầu.
+ Bán dầu cho các hộ sản xuất (100% vốn đầu tư nước ngoài, xí nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài, 100% vốn nội địa) và tiêu dùng của nhân dân bán xăng dầu theo giá theo giá nhà nước quy định.
2.2. Nhu cầu xăng dầu năm 2005 và kinh phí cấp bù lỗ:
Nhu cầu xăng dầu năm 2005 (dự kiến): theo tính toán, nhu cầu xăng dầu 9 tỉnh thuộc Khu Tam giác phát triển, khoảng 360.000 m3, tấn xăng dầu các loại (xăng 110.000m3, khoảng 30%; dầu các loại 70% khoảng 250.000 m3, tấn), trong đó:
- 4 tỉnh của Việt Nam: 310.000m3, tấn (xăng chiếm 40%, khoảng: 125.000 m3; dầu các loại: 185.000m3, tấn chiếm 60%).
- 5 tỉnh của bạn: 50.000m3, tấn (xăng chiếm 30%, khoảng 15.000m3; dầu các loại: 35.000m3, tấn chiếm 70% (trong đó: các hộ sản xuất: công nghiệp, khai thác, giao thông, chiếm khoảng 80%, bằng 28.000m3, tấn; tiêu dùng của nhân dân khoảng 20%, bằng 7.000m3, tấn).
Kinh phí bù lỗ (dự kiến):
Năm 2005, nếu nhu cầu mặt hàng dầu như dự kiến (360.000m3 tấn), bán theo giá định hướng như năm 2004 cho các đối tượng tiêu dùng thuộc Khu Tam giác phát triển, tổng kinh phí bù lỗ khoảng: 378 tỷ VND, trong đó: 4 tỉnh của Việt Nam chiếm 90% (khoảng 336 tỷ VND), 4 tỉnh của bạn chiếm 10% (khoảng: 42 tỷ VND) tính theo mức giá dầu thế giới bình quân 20 ngày đầu tháng 10/2004.
Trường hợp: nếu chỉ bù lỗ cho số lượng dầu của nhân dân tiêu dùng tại 5 tỉnh của Lào và Campuchia (các hộ sản xuất mua theo phương thức tạm nhập tái xuất) thì kinh phí bù lỗ năm 2005 cho đối tượng này khoảng trên 11 tỷ VNĐ.
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ KHÁC
Hiện nay, trên địa bàn toàn quốc có các khu kinh tế: kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế Lao Bảo - Quảng Trị, Khu Tam giác phát triển (gọi chung là khu kinh tế) giáp với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia, để tránh sự suy bì, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu kinh tế này, Bộ Thương mại đề nghị:
1. Đối với chính sách đã ban hành: giao Uỷ ban nhân dân các tỉnh thuộc khu kinh tế, phối hợp với các Bộ ngành chức năng rà soát các chính sách hiện đang áp dụng, nếu chưa phù hợp, nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Trường hợp, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư phát triển khu kinh tế nào thì thông qua Ngân sách để đầu tư cho khu kinh tế đó.
2. Về chính sách phát triển các khu kinh tế: đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan: Tài chính, Thương mại, Văn phòng Chính phủ, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân tỉnh thuộc các khu kinh tế, tiến hành điều tra khảo sát, xây dựng thống nhất, đồng bộ các chính sách và Quy chế quản lý các khu kinh tế, phù hợp với đặc điểm từng vùng lãnh thổ, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh, tạo động lực phát triển sản xuất, giao lưu hàng hoá giữa các khu kinh tế với các địa phương của ta và các nước lân cận, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Bộ Thương mại xin kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |