Nội dung toàn văn Công văn 5914/BTC-THTK hướng dẫn thực hiện Thông tư 42/2009/TT-BTTTT
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5914/BTC-THTK | Hà Nội, ngày 03 tháng 5 năm 2012 |
Kính gửi: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính
Ngày 30/12/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 42/2009/TT-BTTTT quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Để đảm bảo thực hiện đúng các quy định tại Thông tư số 42/2009/TT-BTTTT Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Hoạt động ưu tiên mua sắm, sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất được trong nước: Hoạt động đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước hoặc vốn vay ưu đãi của tín dụng đầu tư và phát triển của Nhà nước (sau đây gọi tắt là nguồn vốn ngân sách) phục vụ cho các hoạt động không nhằm mục đích thương mại.
2. Danh mục các sản phẩm công nghệ thông tin phải ưu tiên mua sắm, sử dụng sản phẩm sản xuất được trong nước:
2.1. Sản phẩm phần cứng máy tính, sản phẩm điện tử chuyên dụng và dân dụng:
a) Danh mục sản phẩm:
- Máy tính để bàn;
- Máy tính xách tay;
- Máy chủ có từ 2 bộ xử lý trung tâm trở xuống (central prosing unit);
- Máy điện thoại cố định hữu tuyến;
- Tổng đài nội bộ dưới 1000 số;
- Cáp thông tin sợi quang;
- Cáp thông tin sợi đồng
b) Tiêu chí xác định: Các sản phẩm phần cứng máy tính, sản phẩm điện tử chuyên dụng và dân dụng nêu tại khoản a mục này phải thoả mãn đồng thời các tiêu chí sau:
- Sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thương liệu tại Việt Nam;
- Sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, bởi doanh nghiệp mà trong đó các pháp nhân và thể nhân Việt Nam nắm quyền kiểm soát chi phối và nắm giữ cổ phần chi phối (đối với công ty cổ phần) hoặc nắm giữ phần vốn góp chi phối (đối với các loại hình doanh nghiệp khác);
- Sản phẩm có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 20% trở lên trong tổng chi phí sản xuất ra sản phẩm; hoặc hoạt động sản xuất ra sản phẩm này tạo việc làm ổn định cho tối thiểu 50 lao động Việt Nam, bao gồm các cán bộ nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), kiểm tra chất lượng, kỹ sư và công nhận trực tiếp sản xuất;
- Sản phẩm được sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng ISO 9001:2000 hoặc ISO 9001:2008;
- Sản phẩm đã được công bố phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hoặc quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (QCVN);
- Sản phẩm phải được niêm yết rõ ràng về trách nhiệm và điều kiện bảo hành; được cam kết đảm bảo chất lượng như đăng ký ban đầu; có hệ thống bảo hành, bảo trì và cung cấp các dịch vụ cần thiết khác đối với sản phẩm thuận tiện cho người sử dụng.
2.2. Sản phẩm phần mềm:
a) Danh mục sản phẩm:
- Phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc;
- Phần mềm thư viện điện tử;
- Phần mềm quản lý nghiệp vụ trường học;
- Phần mềm kế toán, tiền lương;
- Phần mềm quản lý nhân sự;
- Phần mềm diệt vi rút (bao gồm cả loại có tích hợp tính năng an toàn mạng Internet - Internet Secunty);
- Phần mềm từ điển tiếng Việt - ngoại ngữ.
b) Tiêu chí xác định: các sản phẩm phần mềm nêu tại khoản a mục này phải thỏa mãn đồng thời các tiêu chí sau:
- Sản phẩm đã được đóng gói và đang ký thương hiệu, đăng ký bản quyền tại Việt Nam, tuân thủ các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước;
- Sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, bởi doanh nghiệp mà trong đó các pháp nhân và thể nhân Việt Nam nắm quyền kiểm soát chi phối và nắm giữ cổ phần chi phối đối với công ty cổ phần) hoặc nắm giữ phần vốn góp chi phối (đối với các loại hình doanh nghiệp khác);
- Sản phẩm có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỉ lệ từ 30% trở lên trong tổng chi phí sản xuất ra sản phẩm, hoặc được sản xuất bởi doanh nghiệp trong nước có tối thiểu 30 lao động phần mềm (bao gồm các cán bộ nghiên cứu và phát triển, kiểm tra chất lượng, kỹ sư và lập trình viên);
- Sản phẩm phải được niêm yết rõ ràng về trách nhiệm và điều kiện bảo hành được cam kết đảm bảo chất lượng như đăng ký ban đầu; có hệ thống bảo hành, bảo trì và cung cấp các dịch vụ cần thiết khác đối với sản phẩm thuận tiện cho người sử dụng.
3. Nguyên tắc ưu tiên lựa chọn sản phẩm công nghệ thông tin trong Danh mục sản phẩm thỏa mãn các tiêu chí xác định tại mục 2:
- Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính khi sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin phải ưu tiên mua sắm, sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin được sản xuất trong nước:
+ Đối với các dự án ứng dụng công nghệ thông tin: Chủ đầu tư (hoặc tổ chức tư vấn) khi khảo sát, phân tích và lựa chọn phương án kỹ thuật, công nghệ ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa được sản xuất trong nước ngay từ khâu lập Dự án khả thi ứng dụng công nghệ thông tin, Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc Báo cáo đầu tư và được xác định trong tổng dự toán và dự toán chi tiết của dự án.
+ Đối với hoạt động đầu tư, mua sắm sản phầm công nghệ thông tin không nằm trong các dự án: Thủ trưởng đơn vị khi đề xuất, phê duyệt danh mục dự toán mua sắm hàng hóa phải ưu tiên lựa chọn mua sắm hàng hóa được sản xuất trong nước bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc.
+ Trường hợp sản phẩm cần mua là loại trong nước đã sản xuất được, nhưng do yêu cầu kỹ thuật chỉ có sản phẩm nhập ngoại mới đáp ứng được, đơn vị chủ trì đầu tư, mua sắm phải lập hồ sơ giải trình và thực hiện các thủ tục xin thẩm định và phê duyệt quy định tại mục 5.
- Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế trong trường hợp có đầy đủ tài liệu chứng minh các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước chưa có khả năng thực hiện, hoặc có thể thực hiện nhưng giá thành quá cao so với nhà thầu nước ngoài hoặc không chọn được nhà thầu trong nước đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu.
- Các cơ quan doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước có thể liên danh, liên kết để cùng đấu thầu dự án công nghệ thông tin.
+ Đối với các dự án công nghệ thông tin thực hiện đấu thầu quốc tế, phải có cơ chế ưu tiên cho các nhà thầu nước ngoài có liên danh với nhà thầu Việt Nam và có cam kết dành cho nhà thầu Việt Nam khối lượng công việc có giá trị lớn hơn, hoặc có phương án sử dụng nhiều sản phẩm công nghệ thông tin nội địa hơn.
- Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính khi đánh giá thầu phải có cơ chế ưu tiên cho các nhà thầu có phương án sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất được trong nước. Cụ thể:
+ Đối với đánh giá về mặt kỹ thuật: có cơ chế đánh giá ưu tiên lựa chọn sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất được trong nước.
+ Đối với xác định giá đánh giá: Trường hợp có hai hồ sơ dự thầu có kết quả đánh giá tốt nhất, ngang nhau (về số điểm hoặc giá đánh giá) thì sẽ xem xét trao thầu cho nhà thầu có giá đề nghị trúng thầu thấp hơn, trường hợp giá đề nghị trúng thầu bằng nhau thì ưu tiên nhà thầu có tổng giá trị hàng hoá sản xuất được trong nước lớn hơn.
4. Đơn vị chuyên môn chịu trách nhiệm có ý kiến về hồ sơ giải trình, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin nhập ngoại thuộc Danh mục quy định tại Mục 2:
- Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm nhập ngoại của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ tại Trung ương và việc mua sắm tập trung tại các Tổng cục (Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước). Cục Tin học và Thống kê tài chính tham gia ý kiến về chuyên môn và chịu trách nhiệm thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.
Đối với việc đầu tư, mua sắm, sử dụng sản phẩm nhập ngoại do Cục Tin học và Thống kê tài chính chủ trì, Vụ Kế hoạch - Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.
- Đối với việc đầu tư, mua sắm sản phẩm nhập ngoại nhỏ lẻ của đơn vị thuộc các Tổng cục: Bộ trưởng Bộ Tài chính ủy quyền cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước quyết định phê duyệt đề xuất của các cơ quan cấp dưới. Các Tổng cục được ủy quyền đầu tư mua sắm phải lấy ý kiến thẩm định của Cục Tin học và Thống kê tài chính trước khi phê duyệt đầu tư, mua sắm, sử dụng sản phẩm nhập ngoại.
5. Quy trình thẩm định, phê duyệt đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin nhập ngoại thuộc Danh mục quy định tại Mục 2:
a) Đơn vị chủ trì đầu tư, mua sắm lập hồ sơ giải trình chi tiết về sự cần thiết phải đầu tư, mua sắm sản phẩm nhập ngoại trình đơn vị có thẩm quyền phê duyệt và gửi xin ý kiến đơn vị chuyên môn trước khi quyết định Phê duyệt dự án đối với các sản phẩm công nghệ thông tin nằm trong các dự án, tại thời điểm lập danh mục dự toán ngân sách hàng năm đối với các sản phẩm công nghệ thông tin không nằm trong các dự án.
b) Hồ sơ giải trình bao gồm:
- Tài liệu mô tả yêu cầu đặc thù kỹ thuật;
- Tài liệu chứng minh tính năng kỹ thuật sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước thuộc Danh mục nêu tại mục 2 chưa đáp ứng được yêu cầu đặc thù kỹ thuật;
- Các tài liệu khác có liên quan.
(Mẫu hồ sơ giải trình tại Phụ lục đính kèm)
c) Thời gian thẩm định, có ý kiến chuyên môn tối đa 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ giải trình hợp lệ. Nội dung văn bản trả lời phải nêu rõ ý kiến chuyên môn, đồng ý hay không đồng ý (với lý do cụ thể) đối với từng loại sản phẩm công nghệ thông tin được đề nghị nhập ngoại.
d) Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền phê duyệt việc đầu tư, mua sắm sản phẩm nhập ngoại căn cứ vào ý kiến của đơn vị chuyên môn và hồ sơ giải trình của đơn vị chủ trì đầu tư, mua sắm để xem xét ra quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
6. Tổ chức thực hiện:
- Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc.Bộ chịu trách nhiệm toàn diện về việc ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin được sản xuất trong nước thuộc phạm vi quản lý.
- Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính có trách nhiệm cập nhật hướng dẫn về việc ưu tiên mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước trên cơ sở cập nhật, công bố thông tin, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất công tác ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất được trong nước của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính theo quy định.
- Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính (Cục Tin học và Thống kê tài chính) để xem xét giải quyết.
Bộ Tài chính hướng dẫn để các đơn vị triển khai thực hiện./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC:
MẪU HỒ SƠ GIẢI TRÌNH ĐẦU TƯ MUA SẮM SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ, THÔNG TIN NHẬP NGOẠI
[TÊN ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN]
[TÊN ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ MUA SẮM]
HỒ SƠ GIẢI TRÌNH
Về việc đầu tư, mua sắm ....
Tài liệu kèm theo:
1) Công văn đề nghị tham gia ý kiến về đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin nhập ngoại.
2) Báo cáo giải trình nội dung đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin nhập ngoại
3) Các tài liệu kỹ thuật của sản phẩm công nghệ thông tin nhập ngoại.
4) Tài liệu khác nếu có.
1. Mẫu công văn xin ý kiến về đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin nhập ngoại
[TÊN ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN] | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: / V/v Xin ý kiến về đầu tư mua sắm sản phẩm CNTT nhập ngoại | _______, ngày tháng năm 201 |
Kính gửi:
Căn cứ [nêu cơ sở pháp lý chủ yếu của việc đầu tư, mua sắm]
Căn cứ Thông tư số 42/2009/TT-BTTT và công văn số /BTC-THTK ngày / /2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn ưu tiên mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước.
Trên cơ sở các quy định về đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin trong nước,
Để có đầy đủ cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, đề nghị
Rất mong nhận được sự quan tâm, phối hợp của quý đơn vị./.
Nơi nhận: | THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký tên, đóng dấu) |
2. Mẫu báo cáo giải trình nội dung đầu tư mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin nhập ngoại
[TÊN ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN] |
|
BÁO CÁO GIẢI TRÌNH NỘI DUNG ĐẦU TƯ, MUA SẮM SẢN PHẨM CNTT NHẬP NGOẠI
(Kèm theo công văn số ......ngày .... tháng .... năm ....)
1. Cơ sở pháp lý của việc đầu tư, mua sắm
Nêu các nội dung pháp lý làm cơ sở cho việc đầu tư, mua sắm.
2. Nội dung đề nghị đầu tư, mua sắm
Thuyết minh rõ phạm vi sử dụng, số lượng, chủng loại của các sản phẩm CNTT đề nghị nhập ngoại.
3. Yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm công nghệ thông tin đề nghị phải nhập ngoại
- Mô tả yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm công nghệ thông tin.
- Thuyết minh yêu cầu đặc thù về kỹ thuật.
4. Phân tích sự đáp ứng của các sản phẩm công nghệ thông tin
4.1. Đối với sản phẩm công nghệ thông tin trong nước
Phân tích, so sánh những nội dung không đáp ứng của sản phẩm công nghệ thông tin trong nước đối với các yêu cầu nêu tại mục 2.
4.2. Đối với sản phẩm CNTT nhập ngoại
Phân tích, so sánh sự đáp ứng của sản phẩm công nghệ thông tin nhập ngoại đối với yêu cầu tại mục 2 và cung cấp tài liệu chứng minh.
5. Kiến nghị, đề xuất
Đề xuất của đơn vị đối với việc đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin nhập ngoại.