Nội dung toàn văn Công văn 640/TS-NTTS cchỉ đạo nuôi tôm nước lợ năm 2006 tỉnh ven biển phía Bắc và miền Trung
BỘ THUỶ SẢN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 640/TS-NTTS | Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 2006 |
Kính gửi: | Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quản lý thuỷ sản các tỉnh ven biển phía Bắc và miền Trung |
Hiện nay đã bắt đầu bước vào thời vụ nuôi tôm nước lợ ở các tỉnh ven biển phía Bắc và miền Trung. Kinh nghiệm của các năm trước đây cho thấy, ngay từ đầu vụ nuôi ở nơi nào có sự quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền, sự chỉ đạo tích cực của cơ quan chuyên môn, cộng với sự chuẩn bị tốt của các cơ sở nuôi và có sự tham gia của cộng đồng tự quản trong việc giám sát thực hiện các yêu cầu kỹ thuật và bảo đảm môi trường vùng nuôi thì nơi đó đạt kết quả tốt hơn.
Để đảm bảo sản xuất năm 2006 đạt kết quả, Bộ Thuỷ sản đề nghị các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản các tỉnh ven biển phía Bắc và miền Trung trên cơ sở thực tiễn của địa phương, tập trung chỉ đạo tốt một số vấn đề như sau :
1. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo các huyện, thị tăng cường công tác quản lý nuôi tôm :
Về mùa vụ nuôi, theo dự báo thời tiết của cơ quan khí tượng thuỷ văn cuối tháng Ba còn một số đợt rét bổ sung, do vậy mùa vụ nuôi tôm thích hợp đối với các tỉnh từ Thừa Thiên Huế tới Quảng Ninh bắt đầu từ đầu tháng Tư, đối với các tỉnh Trung và Nam trung Bộ có thể nuôi sớm hơn.
Về đối tượng nuôi, tôm sú (P.monodon) là đối tượng chủ lực, ngoài ra có thể nuôi tôm rảo (M.ensis) hoặc tôm chân trắng (L.vannamei). Riêng đối với tôm chân trắng phải được quản lý chặt chẽ theo các quy định tạm thời về nuôi tôm chân trắng ban hành kèm theo Quyết định số 176/QĐ-BTS ngày 01/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản và Công văn số 475/TS-NTTS ngày 03/6/2005 v/v phát triển nuôi tôm chân trắng của Bộ Thuỷ sản.
Về phương thức nuôi tôm, khuyến cao áp dụng các mô hình nuôi hữu cơ (thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến không sử dụng hoá chất, kháng sinh bị cấm). Quản lý các cơ sở nuôi tôm phải đảm bảo Điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 190:2004.
Về tham mưu ban hành cơ chế chính sách, chủ động đề xuất kịp thời các quy định của địa phương về quản lý ngành không trái với pháp luật và các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ sản.
2. Chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Sở quản lý thực hiện các nhiệm vụ phục vụ sản xuất đầu vụ :
Mở các lớp tập huấn và tuyên truyền hướng dẫn, phổ biến trên phương tiện truyền thông ở địa phương để giúp nhân dân có thêm kiến thức về quy trình kỹ thuật nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cách nhận biết tôm giống đạt tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm tra nhanh, lựa chọn và sử dụng các loại thức ăn, chế phẩm sinh học, hoá chất được phép sử dụng, quản lý môi trường, phát hiện các vấn đề trong quá trình nuôi, nhận biết bệnh tôm và biện pháp xử lý, các thông tin khoa học kỹ thuật mới và thị trường về thuỷ sản.
Tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống : kiểm tra Điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất tôm giống đảm bảo theo quy định của Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 92:2005 : cơ sở sản xuất giống tôm biển - Yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh thú y; thực hiện kiểm dịch chặt chẽ giống lưu thông, tôm giống nhập vào tỉnh phải có nguồn gốc rõ ràng và đã được kiểm dịch, những trường hợp không chấp hành phải được xử lý theo quy định hiện hành.
3. Về tổ chức triển khai chỉ đạo sản xuất :
Công tác chỉ đạo sản xuất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng liên quan của tỉnh, các đoàn thể, tổ chức Hội và các huyện, thị, cấp xã để thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ và triển khai tới từng địa phương có nuôi tôm. Nội dung tập trung vào các vấn đề quản lý nuôi theo quy hoạch, quản lý chặt chẽ sản xuất, kinh doanh tôm giống, kiểm dịch giống lưu thông, xây dựng các tổ chức sản xuất (tổ, đội, nhóm), các hoạt động của quản lý cộng đồng (bảo vệ, quản lý lấy nước, thải nước, xử lý các trường hợp dịch bệnh, thiên tai, vay vốn đầu tư sản xuất, dịch vụ con giống, tiêu thụ sản phẩm .v.v…)
Bộ Thuỷ sản đề nghị các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản các tỉnh ven biển phía Bắc và miền Trung duy trì chế độ báo cáo tiến độ sản xuất hàng tuần về Bộ Thuỷ sản để kịp thời xử lý.
| TUQ. BỘ TRƯỞNG |