Nội dung toàn văn Công văn 672/CĐSVN-PCTT 2022 đảm bảo an toàn giao thông đường sắt phục vụ dịp nghỉ Lễ 30 4
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 672/CĐSVN-PCTT | Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2022 |
Kính gửi: | - Ban An toàn giao thông các tỉnh/thành phố có đường sắt đi qua; |
Thực hiện Công văn số 3466/BGTVT-ATGT ngày 08/4/2022 của Bộ Giao thông vận tải về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ giỗ tổ Hùng Vương và nghỉ Lễ 30/4, 01/5/2022. Nhu cầu tham gia giao thông của người dân trong thời gian trước, trong và sau dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5/2022 sẽ gia tăng, mật độ phương tiện, tần suất phương tiện qua lại tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt. Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt trong dịp này, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị các Quý cơ quan phối hợp chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
1. Đối với Ban An toàn giao thông các tỉnh/thành phố có đường sắt đi qua:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt trong phạm vi địa bàn quản lý đặc biệt là các quy định của pháp luật về trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt (TTHLATGTĐS), quy tắc giao thông tại các điểm giao cắt đường sắt với đường bộ, các quy định về trách nhiệm của địa phương trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Quan tâm thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các hãng taxi, các chủ doanh nghiệp có sử dụng lái xe, phương tiện cơ giới tham gia giao thông phải nghiêm túc thực hiện:
+ Nâng cao trình độ, kỹ năng lái xe, điều khiển phương tiện giao thông khi đi qua điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt.
+ Tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, đặc biệt khi người và các phương tiện giao thông đường bộ đi qua đường sắt.
- Tổ chức thực hiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm được phân công theo Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt, kế hoạch đảm bảo TTHLATGTĐS và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đã được cấp thẩm quyền phê duyệt1, Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT với UBND tỉnh/thành phố trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt. Đặc biệt quan tâm đến các nội dung:
+ Rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời biển báo hiệu đường bộ còn thiếu, mất, hỏng tại các đường ngang do địa phương quản lý; xây dựng vạch dừng, gồ, gờ giảm tốc trên phần đường bộ do địa phương quản lý tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ - đường sắt có nguy cơ xảy ra tai nạn cao.
+ Tổ chức cảnh giới, chốt gác ATGT tại các lối đi tự mở có nguy cơ mất an toàn cao chưa thể rào, đóng được; tạo bề mặt bằng phẳng, êm thuận cho các phương tiện qua lại các lối đi tự mở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao; phát quang tầm nhìn cả hai phía đường bộ và đường sắt tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt (ĐB-ĐS).
+ Phối hợp với các lực lượng Thanh tra Đường sắt, các doanh nghiệp đường sắt trên địa bàn tăng cường các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng đường sắt, đường bộ và phòng chống ùn tắc giao thông tại các điểm giao cắt ĐB-ĐS. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT đường sắt.
- Tăng cường lực lượng Công an, thanh tra giao thông và đơn vị chức năng đảm bảo an ninh, trật tự tại các nhà ga có lưu lượng hành khách đi tàu đông, công tác phòng chống khủng bố, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại và kiểm soát xếp hàng vượt tải trọng xếp hàng lên phương tiện giao thông trong phạm vi ga đường sắt. Đặc biệt là tiếp tục bảo đảm thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch Covid-19.
- Thực hiện nội dung đã nêu trong TBKL của lãnh đạo UBND Tỉnh và Cục ĐSVN tại các buổi làm việc về việc thực hiện Nghị định số 65/2018/NĐ- CP, Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, QCPH giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh/thành phố có tuyến đường sắt đi qua trong việc đảm bảo TTATGT đường sắt.
2. Đối với Tổng công ty ĐSVN:
- Tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Công văn số 3466/BGTVT-ATGT.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ từ Tổng công ty ĐSVN đến các đơn vị thành viên trong việc: bảo đảm ATGTĐS thuộc trách nhiệm theo quy định; bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, đặc biệt đối với chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; chất lượng sửa chữa, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt. Hạn chế thấp nhất các tai nạn, sự cố xảy ra do chủ quan.
- Phối hợp với các chính quyền địa phương giải tỏa tầm nhìn, thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt tại các lối đi tự mở, hành lang ATGT đường sắt bị lấn chiếm.
- Xây dựng các phương án và bố trí lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời giải quyết sự cố, tai nạn khi xảy ra nhằm khôi phục giao thông đường sắt nhanh nhất theo qui định tại Thông tư 23/2018/TT-BGTVT ngày 04/5/2018 của Bộ GTVT Quy định về giải quyết sự cố, tai nạn GTĐS và phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn GTĐS.
2.1. Chỉ đạo các Công ty Cổ phần đường sắt và Công ty Cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt:
- Triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và cấp quản lý liên quan về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm TTATGTĐS trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5/2022.
- Thiết lập và công khai số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị, thông báo cho các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn quản lý và người dân biết để nhận thông tin và kịp thời xử lý các tình huống nếu có xảy ra.
- Chủ động phối hợp đề xuất với Sở GTVT, UBND, Ban ATGT các huyện và các cơ quan chức năng thực hiện một số nội dung cần thiết sau đây:
+ Cắm đầy đủ biển báo “Chú ý tàu hỏa” tại các lối đi tự mở; tổ chức rào thu hẹp các LĐTM nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua đường sắt khu vực;
+ Kiểm tra toàn bộ các điều kiện an toàn kỹ thuật của hệ thống đường bộ tại các đường ngang có gác thuộc phạm vi quản lý của đơn vị: hệ thống cọc tiêu, biển báo, tầm nhìn; bổ sung đầy đủ gồ và gờ giảm tốc tại các đường ngang đảm bảo theo qui định tại Thông tư số 25/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018 của Bộ GTVT “Qui định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt”.
- Tăng cường kiểm tra, phát hiện và sửa chữa kịp thời các điểm xung yếu, nhất là tại các đường cong bán kính nhỏ, ray mòn và các điểm xóc lắc vượt ngưỡng, các bộ ghi, đường ga vượt, tránh (đường ga có ray nhỏ); thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra được qui định.
- Tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong việc chấp hành các quy chuẩn, qui tắc, quy trình tác nghiệp kỹ thuật, nhất là của lực lượng nhân viên gác đường ngang, trực tại các điểm cảnh giới, chốt gác; nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT đường sắt; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm để xảy ra tai nạn chạy tàu do chủ quan gây ra.
- Xây dựng các phương án và bố trí lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời giải quyết sự cố, tai nạn khi xảy ra nhằm khôi phục giao thông đường sắt nhanh nhất theo nhiệm vụ do Tổng công ty ĐSVN giao.
2.2. Chỉ đạo các Công ty Cổ phần vận tải đường sắt: Hà Nội, Sài Gòn, Ratraco:
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và quy định của chính quyền các địa phương nơi có đường sắt đi qua.
- Theo dõi, đề xuất điều chỉnh các ga có dừng đón trả khách một cách hợp lý để vừa thu hút lượng khách đi tàu, vừa tạo điều kiện cho hành khách lên xuống tàu một cách thuận tiện, an toàn; đẩy mạnh ứng dụng việc bán vé điện tử, niêm yết công khai giá vé, giờ tàu và dịch vụ phục vụ trên tàu, dưới ga.
- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga; đảm bảo chất lượng phương tiện đường sắt trước khi vận dụng, kiên quyết không đưa các phương tiện đầu máy, toa xe đặc biệt là toa xe khách không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vào khai thác.
- Phối hợp với các phương thức vận tải khác như phương thức vận tải bằng đường bộ nhằm mở rộng, gia tăng các dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đưa đón hành khách đi tàu; áp dụng miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội theo quy định.
Đề nghị Quý Cơ quan quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện.
Trân trọng cảm ơn./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |
1 theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.