Nội dung toàn văn Công văn 75/BXD-HĐXD hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 75/BXD-HĐXD | Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2011 |
Kính gửi: Sở Xây dựng thành phố Hà Nội
Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 4442/SXD-GĐCL ngày 30/6/2011 của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội về việc hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1. Tại điểm c khoản 2 Điều 11 của Thông tư số 12/2009/TT-BXD ngày 24/6/2009 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn chi tiết về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sau đây viết tắt là Thông tư 12/BXD) quy định: “ Đối với cá nhân có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành xây dựng (như xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng giao thông, xây dựng thuỷ lợi): nội dung được phép hành nghề không nhất thiết phải căn cứ vào chuyên ngành xây dựng người đó được đào tạo mà chủ yếu căn cứ vào thời gian và kinh nghiệm thực tế theo quy định mà cá nhân đó đã tham gia thiết kế các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông hay thuỷ lợi”.
Sở dĩ đưa ra quy định này là nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân đã được đào tạo chuyên ngành xây dựng này nhưng đã tham gia và có kinh nghiệm thực tế thiết kế (không phải thi công) chuyên ngành xây dựng khác thì được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư với nội dung được phép hành nghề đối với chuyên ngành xây dựng có kinh nghiệm thực tế.
Mỗi chuyên ngành phải có thời gian tham gia thiết kế ít nhất 5 năm, đồng thời tham gia thiết kế tối thiểu 5 công trình thuộc lĩnh vực xin đăng ký hành nghề. Ví dụ, người tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, nếu muốn được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình dân dụng và công nghiệp, công trình giao thông thì yêu cầu phải tham gia thiết kế tối thiểu 5 năm, tham gia thiết kế ít nhất 5 công trình dân dụng và công nghiệp, đồng thời tham gia thiết kế công trình giao thông ít nhất 5 năm, thiết kế ít nhất 5 công trình giao thông (tổng cộng cả 2 loại công trình, yêu cầu cá nhân đó phải tham gia thiết kế tối thiểu 10 năm, tham gia thiết kế ít nhất 5 công trình dân dụng và công nghiệp, 5 công trình giao thông).
2. Theo quy định tại Điều 14 của Thông tư 12/BXD, các chứng chỉ hành nghề đã được cấp theo Quyết định số 91/BXD-ĐT ngày 16/4/1993; Quyết định số 23/2000/QĐ-BXD ngày 13/11/2000; Quyết định số 12/2005/QĐ-BXD ngày 18/4/2005 và Quyết định số 15/2005/QĐ-BXD ngày 25/4/2005 của Bộ Xây dựng, khi hết hạn sử dụng ghi trong chứng chỉ hành nghề, nếu cá nhân muốn tiếp tục xin cấp chứng chỉ hành nghề thì hồ sơ và trình tự, thủ tục được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 12/BXD.
Theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 của Thông tư 12/BXD, đối với trường hợp chứng chỉ được cấp lại khi hết hạn thì nội dung hành nghề và thời hạn của chứng chỉ được thực hiện như quy định đối với trường hợp cấp mới có nghĩa là các nội dung hành nghề phải căn cứ theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Thông tư 12/BXD.
Trong quá trình xét cấp lại chứng chỉ hành nghề, nếu phát hiện có những bất hợp lý, Hội đồng tư vấn yêu cầu cá nhân có chứng chỉ hành nghề giải trình, bổ sung tài liệu chứng minh sự hợp lý của chứng chỉ hành nghề đã được cấp. Nếu không đủ căn cứ để chứng minh thì Hội đồng tư vấn căn cứ những tài liệu hợp lý có trong hồ sơ và đối chiếu với các quy định tại Thông tư 12/BXD để xác định nội dung ghi trong chứng chỉ hành nghề cấp lại cho cá nhân đó.
Ví dụ, có trường hợp cá nhân tốt nghiệp đại học năm 2001 với chuyên ngành xây dựng công trình biển, dầu khí, nhưng năm 2006 được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng 3 loại công trình dân dụng và công nghiệp, thuỷ lợi, công trình biển là không hợp lý, vì theo quy định của Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình ban hành theo Quyết định 12/2005/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng, thì tại thời điểm cấp chứng chỉ hành nghề (năm 2006) cá nhân này mới tốt nghiệp đại học 5 năm, không đủ thời gian kinh nghiệm đối với 3 loại công trình (tối thiểu 15 năm), vì thế nội dung chứng chỉ hành nghề đã được cấp cho việc giám sát 3 loại công trình là không đúng với quy định. Do vậy, Hội đồng tư vấn cần yêu cầu cá nhân này hoàn chỉnh hồ sơ để xem xét cấp lại chứng chỉ hành nghề theo quy định của Thông tư 12/BXD.
3. Việc phân loại, phân cấp công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị tại Thông tư 33/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng là để phục vụ cho việc lập tiêu chuẩn thiết kế; là căn cứ để xác định điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thiết kế cũng như để xác định chi phí thiết kế,... không phải là căn cứ để cấp chứng chỉ hành nghề. Việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 12/BXD, nội dung được phép hành nghề phải theo hướng dẫn tại Điều 10, điểm d khoản 2 và khoản 3 Điều 11 của Thông tư này, theo đó cá nhân có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động xây dựng lĩnh vực nào thì được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động lĩnh vực đó.
Ví dụ cá nhân có trình độ chuyên môn về cấp - thoát nước thì được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế (giám sát) lĩnh vực cấp - thoát nước trong công trình xây dựng. Không có quy định nào cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế (giám sát) cho công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, vì công trình hạ tầng kỹ thuật gồm rất nhiều lĩnh vực có tính chất kỹ thuật khác nhau.
Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, đề nghị Sở Xây dựng thành phố Hà Nội nghiên cứu thực hiện.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |