Công văn 7649/BGTVT-CQLXD

Nội dung toàn văn Công văn 7649/BGTVT-CQLXD 2023 cung ứng vật liệu dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông 2021 2025


BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7649/BGTVT-CQLXD
V/v tình hình cung ứng vật liệu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2023

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội, Chính phủ ban hành các Nghị quyết1 triển khai với nhiều cơ chế đặc thù. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), sự phối hợp có trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, toàn bộ 12 dự án thành phần đã được khởi công từ ngày 01/01/2023. Ngay sau khi khởi công, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung tối đa nguồn lực để tổ chức thi công với mục tiêu năm 2023 sẽ hoàn thành 35% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng (VLXD), giá trị sản lượng sau nửa năm thi công chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5% (theo kế hoạch 6 tháng đầu năm phải đạt 10%). Để đảm bảo nguồn vật liệu cho dự án, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã hết sức quan tâm, trực tiếp kiểm tra hiện trường, ban hành các văn bản, công điện, chỉ thị để chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương hướng dẫn và triển khai thủ tục cấp phép, nâng công suất các mỏ bảo đảm nguồn vật liệu cho dự án; giao Bộ trưởng Bộ GTVT thành lập Tổ công tác kiểm tra, làm việc với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực dự án để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng VLXD. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thành lập 02 Tổ công tác do 02 đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT là Tổ trưởng, Tổ phó là đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các thành viên là đại diện các Bộ: Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); Công an. Trong các ngày từ 03/7/2023 đến ngày 07/7/2023, Tổ công tác đã kiểm tra hiện trường khu vực mỏ, làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân các tỉnh (UBND), thành phố từ Hà Tĩnh tới Khánh Hòa và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long để nắm bắt tình hình cung ứng VLXD phục vụ thi công các dự án thành phần và các khó khăn, vướng mắc để giải quyết theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ.

Sau khi kiểm tra, làm việc, Tổ công tác tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Nhu cầu sử dụng và tình hình cung cấp vật liệu cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025

1.1. Các dự án thành phần đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa2

a) Vật liệu đá: Tổng nhu cầu dự án cần khoảng 17,37 triệu m3, chủ yếu lấy từ các mỏ đang khai thác với tổng công suất khai thác hiện nay khoảng 9,56 triệu m3/năm. Theo tiến độ dự án, nhu cầu vật liệu đá đến thời điểm này chưa nhiều do các dự án chủ yếu đang thi công các hạng mục bê tông xi măng, vì vậy công suất khai thác hiện nay của các mỏ cơ bản đáp ứng. Tuy nhiên đến giai đoạn thi công hạng mục móng, mặt đường, nhu cầu sử dụng vật liệu đá rất lớn và tập trung trong thời gian ngắn nên cần nâng công suất các mỏ để đáp ứng tiến độ thi công.

b) Vật liệu cát: Tổng nhu cầu dự án cần khoảng 9,67 triệu m3, trong đó 4,29 triệu m3 được sử dụng từ 82 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng khoảng 11,32 triệu m3, tổng công suất khai thác khoảng 1,70 triệu m3/năm. Còn lại 5,38 triệu m3 được sử dụng từ 16 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng 10,06 triệu m3.

- Đối với các mỏ đang khai thác, công suất các mỏ trên địa phận một số tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu do chủ yếu sử dụng cát cho hạng mục bê tông xi măng. Riêng các mỏ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên (sử dụng cho công tác xử lý nền đất yếu) và một số mỏ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã hết hạn thời gian khai thác, tạm dừng khai thác nên chưa đáp ứng do còn cung cấp cho các dự án của địa phương. Các chủ đầu tư, nhà thầu đang phối với với chủ mỏ và các cơ quan chức năng của địa phương kiến nghị UBND các tỉnh nâng công suất 39 mỏ, gia hạn giấy phép 05 mỏ để đảm bảo đủ nhu cầu cho các dự án thành phần đoạn qua địa bàn tỉnh3.

- Đối với mỏ mới giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù: Đến nay các nhà thầu đã trình 13/16 hồ sơ4 đăng ký khối lượng khai thác với tổng trữ lượng 5,65 triệu m3; UBND các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 02/135 mỏ cho các nhà thầu với tổng trữ lượng 1,13 triệu m3, tuy nhiên đến nay các nhà thầu chưa khai thác được cát do các địa phương đang điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hoàn thiện thủ tục thuê đất, dự kiến cuối tháng 7/2023 mới có thể khai thác được. Khối lượng cát cần lấy từ các mỏ mới là rất lớn và chủ yếu phục vụ cho công tác xử lý nền đất yếu, thủ tục khai thác mỏ đang chậm, trong khi mùa mưa, lũ đã đến gần, nếu không khai thác được ngay sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ, kế hoạch triển khai thi công của các nhà thầu.

c) Vật liệu đất: Tổng nhu cầu dự án cần khoảng 47,09 triệu m3, trong đó 5,14 triệu m3 được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng khoảng 8,52 triệu m3, tổng công suất khai thác khoảng 2,54 triệu m3/năm. Còn lại 41,96 triệu được sử dụng từ 71 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng 61,37 triệu m3.

- Đối với các mỏ đang khai thác, công suất cơ bản đáp ứng nhu cầu, chỉ có 02 mỏ trên địa phận tỉnh Hà Tĩnh công suất chưa đáp ứng, hiện các nhà thầu đang kiến nghị địa phương nâng công suất để đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu theo tiến độ thi công dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi.

- Đối với mỏ mới giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù: Đến nay các nhà thầu đã trình 55/71 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác với tổng trữ lượng 53,31 triệu m3; UBND các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 26/556 mỏ với tổng trữ lượng 32,02 triệu m3 cho các nhà thầu, đáp ứng khoảng 68% nhu cầu dự án. Tuy nhiên đến nay các nhà thầu mới khai thác được đất từ 09/267 mỏ với tổng trữ lượng khoàng 6,41 triệu m3 chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu. Các mỏ còn lại chưa khai thác được do việc thương thảo với chủ sở hữu đất về giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai gặp nhiều khó khăn; một số mỏ phải thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất.

1.2. Các dự án thành phần đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau8

Tổng nhu cầu vật liệu của 02 dự án thành phần đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau: Tổng khối lượng đá các loại khoảng 1,37 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 1,7 triệu m3; tổng khối lượng cát đắp nền khoảng 18,07 triệu m3 (năm 2023 cần 9,11 triệu m3, năm 2024 cần 6,97 triệu m3, năm 2025 cần 1,99 triệu m3). Đối với vật liệu đá, đất đã khảo sát đủ trữ lượng, chất lượng, công suất khai thác đáp ứng nhu cầu các dự án thành phần.

Đối với vật liệu cát, để đảm bảo nguồn vật liệu theo tiến độ thi công, ngay từ tháng 6/2022, Bộ GTVT đã chủ động làm việc và có các văn bản gửi tỉnh An Giang, Đồng Tháp9 đề nghị cung cấp cát cho Dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh An Giang đã thống nhất10 cung cấp cho dự án 1,1 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác, tỉnh Đồng Tháp thống nhất11 cung cấp 1,89 triệu m3.

Để bảo đảm đủ nguồn cát đắp cho Dự án, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã hết sức quan tâm, trực tiếp kiểm tra, làm việc và chỉ đạo các tỉnh dành sự ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu để đẩy nhanh tiến độ; chỉ đạo Bộ TN&MT phân bổ, điều tiết đối với từng mỏ, từng địa bàn phù hợp tiến độ thi công; hướng dẫn các địa phương thủ tục cấp phép các mỏ, nâng công suất các mỏ để cấp cho dự án. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Công điện (Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 01/4/2023; Công điện số 573/CĐ-TTg ngày 21/6/2023) và có Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 11/5/2023, văn bản số 3926/VPCP-CN ngày 31/5/2023 về việc điều phối vật liệu cát san lấp các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó giao chỉ tiêu cho các tỉnh An Giang (7,0 triệu m3, năm 2023 là 3,3 triệu m3), Đồng Tháp (7,0 triệu m3, năm 2023 là 3,3 triệu m3), Vĩnh Long (5,0 triệu m3, năm 2023 là 2,5 triệu m3), ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nhu cầu cát cho 02 dự án thành phần đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau như sau:

a) Tỉnh An Giang: Đã có văn bản số 795/UBND-KTN ngày 03/7/2023 cung cấp 1,1 triệu m3 cát cho Dự án từ 04 mỏ đang khai thác, hiện các Nhà thầu đang làm thủ tục ký hợp đồng với các chủ mỏ, dự kiến ngày 10/7/2023 sẽ bắt đầu cung cấp cát cho dự án. Đối với 2,2 triệu m3 cát còn lại của năm 2023, Sở TN&MT tỉnh An Giang đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất lấy từ các mỏ đang khai thác, UBND tỉnh đang xem xét để quyết định; đối với 3,7 triệu m3 năm 2024, hiện UBND tỉnh chưa có phương án cung cấp cho dự án.

b) Tỉnh Đồng Tháp: Đã có văn bản số 251/UBND-ĐTXD ngày 29/6/2023 thống nhất cấp đủ cho dự án 7,0 triệu m3. Trong đó, đã cấp cho Dự án 0,371 triệu m3 từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác và sẽ tiếp tục cấp 0,5 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác; còn lại 1,52 triệu m3 sẽ cấp từ 02 mỏ mới (thực tế chỉ khai thác được khoảng 0,4 triệu m3 trong năm 2023) và 5,1 triệu m3 từ 4 mỏ đã hết hạn thời gian khai thác (dự kiến khai thác được thêm 2 triệu m3 trong năm 2023), bảo đảm đủ 3,3 triệu m3 theo nhu cầu năm 2023. Hiện nay, các Nhà thầu đang phối hợp với các cơ quan của địa phương hoàn thiện thủ tục khai thác mỏ mới, dự kiến có thể khai thác vào đầu tháng 10/2023.

c) Tỉnh Vĩnh Long: Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 05 mỏ với trữ lượng khoảng 5,0 triệu m3 đảm bảo chất lượng yêu cầu. Hiện nay, Chủ đầu tư và các Nhà thầu đã chủ động làm việc với Sở TN&MT để triển khai các thủ tục khai thác mỏ. Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh đề xuất giao 02 mỏ có trữ lượng khoảng 1,8 triệu m3 cho Dự án, đối với 3 mỏ còn lại, sở TN&MT đang xem xét để trình UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định giao cho Nhà thầu khai thác, theo báo cáo của sở TN&MT, dự kiến có thể khai thác và cấp cho dự án trong tháng 10/2023.

Như vậy, đến nay các tỉnh đã bố trí cho dự án được 1,471 triệu m3, nếu tiếp tục quyết định cung cấp cát từ các mỏ đang khai thác cho Dự án (An Giang 2,2 triệu m3, Đồng Tháp 0,5 triệu m3) sẽ có thêm 2,7 triệu m3, đủ điều kiện để triển khai thi công đến hết tháng 9/2023. Đến tháng 10/2023, khi tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp hoàn thành các thủ tục cấp mỏ mới sẽ đảm bảo nhu cầu 9,1 triệu m3 trong năm 2023.

2. Công tác phối hợp của các cấp chính quyền địa phương

- Cơ bản các địa phương đã hướng dẫn các Nhà thầu về thành phần hồ sơ, trình tự các bước thực hiện, thủ tục đăng ký khối lượng khai thác tuân thủ quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ TN&MT12, tuy nhiên, thời gian thẩm định một số hồ sơ thực tế lâu hơn quy định13 và chưa có hướng dẫn trình tự các bước thực hiện các thủ tục về đất đai (chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh). Riêng tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy phép khai thác theo đúng quy định của Luật Khoáng sản.

- Các cấp chính quyền địa phương đã phối hợp với các Chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thỏa thuận với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ, tuân thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 01/4/2023. Tuy nhiên hiệu quả còn chưa cao, cách làm chưa thống nhất14, trong khi các mỏ thuộc khu vực đất do tư nhân quản lý, việc thỏa thuận đang gặp nhiều khó khăn do mức giá cao hơn đơn giá đền bù hỗ trợ của nhà nước; chủ sở hữu yêu cầu chuyển nhượng hoặc thuê toàn bộ diện tích mỏ lớn hơn diện tích cần khai thác nhưng các quy định của pháp luật hiện chưa có chế tài để xử lý. Các mỏ đã khai thác được chủ yếu nằm trong khu vực đất công hoặc đất của người dân có nhu cầu hạ cốt nền, công tác thỏa thuận giá thuê quyền sử dụng đất không có nhiều vướng mắc.

3. Công tác quản lý giá vật liệu

- Về công bố giá VLXD: Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá nguyên, nhiên, VLXD 6 tháng đầu năm ổn định và chỉ dao động nhẹ. Đa số các địa phương nơi dự án đi qua đã chủ động khảo sát, xác định, công bố giá VLXD, chỉ số giá đúng quy định.

- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 01/4/2023, một số địa phương15 đã thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra trách nhiệm công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với các mỏ VLXD; việc lập, đăng ký giá, thẩm định và công bố giá VLXD trên địa bàn tỉnh; làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến công tác cấp phép, công bố giá VLXD, đồng thời kiểm tra, làm việc với các đơn vị được cấp phép khai thác về việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay việc công bố giá đang được các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện theo quy định, chưa phát hiện tình trạng nâng giá, ép giá, bán vật liệu cao hơn giá niêm yết, công bố.

- Theo quy định hiện hành về quản lý chi phí, giá vật liệu được xác định theo thông báo giá của địa phương hoặc báo giá của nhà cung ứng. Tuy nhiên đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, việc xác định giá vật liệu khai thác tại mỏ phụ thuộc vào giá thỏa thuận với chủ sở hữu đất khu vực mỏ (giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, hỗ trợ hòa màu trên đất) nhưng giá thỏa thuận giữa các chủ sở hữu còn chưa thống nhất, chênh lệch lớn và chưa có hướng dẫn cụ thể về giá thỏa thuận, khó khăn cho công tác quản lý chi phí của các chủ đầu tư.

4. Đánh giá của Tổ công tác

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép trong 2 năm 2022 và 2023 được áp dụng các cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường và đã được Bộ TN&MT hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Ngay từ bước lập dự án đầu tư, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, tư vấn phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác khảo sát vị trí, trữ lượng, chất lượng của các mỏ vật liệu đảm bảo đáp ứng nhu cầu. Sau khi khởi công từ đầu năm 2023, các chủ đầu tư, nhà thầu đã phối hợp với các cấp chính quyền và cơ quan chức năng của địa phương chủ động lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác theo hướng dẫn của Bộ TN&MT tại văn bản số 1441/BTNMT-ĐCKS ngày 18/3/2022. Tuy nhiên, thời gian đầu, hầu hết các địa phương còn lúng túng và chưa kịp thời có văn bản hướng dẫn các nhà thầu trình tự thủ tục. Thời gian thực hiện công tác lập, thẩm định, xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác còn kéo dài, một số địa phương vẫn có các yêu cầu khác với hướng dẫn của Bộ TN&MT (thăm dò, xác định trữ lượng khoáng sản, yêu cầu đánh giá tác động môi trường, đấu giá quyền khai thác khu vực đất công…) làm phát sinh thủ tục hành chính.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 57/CĐ-TTg ngày 19/2/2023, Bộ GTVT đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc gửi Bộ TN&MT tại văn bản số 4884/BGTVT-CQLXD ngày 12/5/2023. Bộ TN&MT đã có văn bản số 4766/BTNMT-KSVN ngày 20/6/2023 và văn bản số 5306/BTNMT-KSVN ngày 07/7/2023 hướng dẫn, làm rõ hơn trình tự, thủ tục khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường. Đồng thời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 01/4/2023, các địa phương đã quyết liệt vào cuộc, tích cực phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu trong việc hoàn thiện thủ tục khai thác vật liệu phục vụ các dự án. Đến nay trình tự thủ tục cơ bản không còn vướng mắc, tình hình cung ứng VLXD cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng còn chậm so với yêu cầu, đặc biệt là các thủ tục về đất đai làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Các vướng mắc trong quá trình thực hiện, cụ thể như sau:

- Một số mỏ giao cho Nhà thầu khai thác phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (CMĐSDR), chuyển mục đích sử dụng đất và phải thông qua Hội đồng nhân dân (dự kiến họp từ ngày 12-21/7/2023)16. Để thực hiện việc này mất rất nhiều thời gian, thường Nhà thầu không chủ động được.

- Một số mỏ qua khu vực rừng trồng, cần phải thực hiện CMĐSDR nhưng địa phương không có quỹ đất trồng rừng thay thế (như tỉnh Bình Định) phải nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT), theo quy định, thủ tục rất phức tạp : (1) UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNN; (2) Bộ NN&PTNN rà soát các tỉnh khác trên cả nước có nhu cầu; (3) Yêu cầu tỉnh có nhu cầu lập dự toán kinh phí trồng rừng và phê duyệt; (4) Bộ NN&PTNN xác nhận cho địa phương cần nộp tiền về Quỹ; (5) UBND tỉnh thực hiện công việc nộp tiền về Quỹ; (6) Quyết định CMĐSDR. Thực tế, tỉnh Bình Định đã gửi hồ sơ đến Bộ NN&PTNT từ tháng 3/202317 nhưng đến nay (khoảng 96 ngày) chưa xong thủ tục thông báo số tiền trồng rừng thay thế phải nộp do phụ thuộc rất lớn vào các tỉnh có quỹ đất đăng ký trồng rừng thay thế.

- Các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chưa cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong việc nâng công suất các mỏ cát đang khai thác khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, vì vậy, các địa phương chưa triển khai các thủ tục nâng công suất để bảo đảm nguồn vật liệu cát cho các dự án.

- Đối với các mỏ mới giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù, Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ đều yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng theo các hướng dẫn của Bộ TN&MT nhà thầu không phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, chỉ thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường. Vì vậy các địa phương có tâm lý e ngại, cho rằng các văn bản hướng dẫn của Bộ TN&MT không đủ căn cứ pháp lý để thực hiện.

- Sau khi UBND các tỉnh xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác, các nhà thầu còn phải tiếp tục thực hiện các thủ tục về đất đai như thương thảo với chủ đất về phương án, giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất…, trong quá trình thương thảo, nhiều chủ đất yêu cầu mức giá cao hơn nhiều lần mức giá đền bù, hỗ trợ theo quy định dẫn đến việc đàm phán, thỏa thuận không thành công, nhiều nhà thầu phải chủ động khảo sát các mỏ mới không nằm trong hồ sơ khảo sát VLXD phục vụ dự án làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ do phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.

- Các nhà thầu thi công lập hồ sơ còn chậm, phải bổ sung, hoàn thiện trong quá trình các địa phương rà soát, thẩm định.

- Các khu vực mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường đã được các địa phương quy hoạch, đưa vào Hồ sơ khảo sát VLXD phục vụ Dự án, tuy nhiên một số địa phương chưa chủ động thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất18 nên sau khi được giao mỏ phải mất thêm nhiều thời gian các nhà thầu mới có thể khai thác được19.

- Các sở, ban, ngành của địa phương chưa chủ động hướng dẫn nhà thầu xử lý kịp thời các tình huống phát sinh và linh hoạt khi thực hiện các thủ tục nên một số mỏ sau khi hoàn thành các thủ tục không đủ điều kiện để UBND tỉnh xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác, một số mỏ có thể cho phép khai thác từng phần nhưng chưa được xử lý20.

- Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác: Đối với đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước phải bóc riêng tầng đất mặt để sử dụng vào mục đích nông nghiệp và phải xây dựng phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định; phương án sử dụng tầng đất mặt là thành phần hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên tại một số địa phương21, quỹ đất, nhân lực hạn hẹp và không có nhu cầu sử dụng nên chưa có phương án tiếp nhận, quản lý tầng đất mặt, dẫn đến việc triển khai của các Nhà thầu gặp nhiều khó khăn.

- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 11/5/2023, UBND các tỉnh nơi dự án đi qua khẩn trương tiếp tục thực hiện việc CMĐSDR, chuyển mục đích sử dụng đất để đảm bảo tiến độ GPMB. Tuy nhiên tại văn bản số 2060/BNN-TCLN ngày 04/4/2023, Bộ NN&PTNT yêu cầu phải thực hiện điều chỉnh chủ trương CMĐSDR trước khi CMĐSDR đối với phần diện tích tăng thêm và nằm ngoài phạm vi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 ngày 11/7/2022 và tại văn bản số 3828/BNN-KL ngày 13/6/2023, Bộ NN&PTNT tiếp tục đề nghị các địa phương tổ chức thẩm định hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương CMĐSDR theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Vì vậy, đến nay sau khi cập nhật phạm vi GPMB theo TKKT được duyệt, phần diện tích tăng thêm, phần diện tích nằm ngoài phạm vi chưa được các địa phương thực hiện CMĐSDR làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB và tiến độ thi công dự án.

- Theo quy định tại Nghị quyết số 119/2022/NQ-CP của Chính phủ “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư”. Tuy nhiên, một số địa phương chưa áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định thầu cho công tác khai thác, tận thu lâm sản.

- Một số địa phương22 khi xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam, khả năng cung ứng từ các mỏ đang khai thác không đảm bảo nhưng chưa được áp dụng cơ chế đặc thù đối với các mỏ chưa khai thác mà phải thực hiện theo Luật khoáng sản và Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, mất nhiều thời gian và không hoàn thành các khu tái định cư trước 30/6/2023 theo yêu cầu của Chính phủ.

- Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù trữ lượng đủ đáp ứng nhu cầu nhưng các địa phương đã dành phần lớn các mỏ để phục vụ cho nhu cầu đầu tư các dự án của địa phương23, chưa ưu tiên ngay cho 02 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau nên việc cung ứng vật liệu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo còn chậm, kéo dài; khi thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ cát giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù nếu không thực hiện song song, đồng thời với quá trình hoàn thiện hồ sơ, khai thác sẽ khó đảm bảo có đủ vật liệu phục vụ thi công các dự án trong năm 2023.

5. Đề xuất, kiến nghị

Để đáp ứng nhu cầu VLXD phục vụ thi công, hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Tổ công tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương:

5.1. Bộ TN&MT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 các nội dung sau:

- UBND các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được phép quyết định nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác như đã áp dụng cho các mỏ cát đang khai thác khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

- Được phép sử dụng các mỏ vật liệu nằm trong Hồ sơ khảo sát VLXD (sau khi đã rà soát, bổ sung) phục vụ dự án đường cao tốc để cung cấp phục vụ thi công các khu tái định cư phục vụ GPMB dự án đường cao tốc. Yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ, bảo đảm chỉ sử dụng vật liệu cho việc thi công các khu tái định cư của Dự án.

5.2. Bộ NN&PTNT sớm nghiên cứu và hướng dẫn việc nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ đối với các địa phương không còn diện tích trồng rừng thay thế hoặc diện tích còn lại không đủ để trồng rừng thay thế với tinh thần rút ngắn thời gian chuyển mục đích sử dụng rừng; về lâu dài, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 để tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện trồng rừng thay thế nhằm đẩy nhanh thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng; hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện thủ tục CMĐSDR theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 11/5/2023 và thực hiện công tác quản lý, sử dụng tầng đất mặt theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 94/NĐ-CP của Chính phủ, phù hợp với tình hình thực tế.

5.3. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, TN&MT, Tài chính, các địa phương để hướng dẫn các Chủ đầu tư xác định giá vật liệu tại mỏ (gồm giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, đền bù cây cối, hoa màu…).

5.4. Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công: Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh trong quá trình lập, trình, hoàn thiện hồ sơ khai thác mỏ; thủ tục đất đai và thương thảo với các chủ đất khu vực mỏ; khẩn trương hoàn thiện thủ tục để khai thác các mỏ đã trình vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023, đáp ứng nhu cầu vật liệu theo tiến độ dự án; khảo sát, đưa thêm các mỏ đáp ứng trữ lượng, chất lượng và thuận lợi về thủ tục đất đai vào hồ sơ khảo sát VLXD phục vụ dự án (nếu có nhu cầu) và hoàn thành thủ tục với các mỏ còn lại chậm nhất trong tháng 10/2023.

5.5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương thực hiện các bước, trình tự, thủ tục khai thác VLXD bảo đảm tuân thủ hướng dẫn của Bộ TN&MT (bao gồm cả các thủ tục về đất đai), tránh phát sinh các thủ tục hành chính; thực hiện song song, đồng thời các thủ tục trong quá trình thẩm định hồ sơ, đặc biệt chủ động thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu ngay trong giai đoạn lập, trình hồ sơ để sớm hoàn thiện thủ tục xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác, hoàn thiện thủ tục đất đai khu vực mỏ theo thẩm quyền, bảo đảm đủ điều kiện khai thác đáp ứng nhu cầu vật liệu năm 2023 vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023; Đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân, khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để thông qua trong kỳ họp tháng 7/2023 đối với các mỏ đã trình; trong kỳ họp cuối năm 2023 đối với các mỏ còn lại, bảo đảm hoàn thành toàn bộ thủ tục khai thác mỏ trong năm 2023.

- Thành lập tổ công tác bao gồm chính quyền địa phương, các Sở Xây dựng, Tài chính, TN&MT, các chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá; có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ.

- Khẩn trương gia hạn thời gian khai thác đối với các mỏ đã hết hạn, hoàn thiện thủ tục để khai thác trở lại các mỏ đang tạm dừng khai thác để đáp ứng nhu cầu các dự án.

- Chủ động quyết định theo thẩm quyền đối với công tác khai thác, tận thu lâm sản, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.

- Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, UBND các tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt Sở TN&MT, căn cứ các hướng dẫn của Bộ TN&MT để thực hiện các thủ tục giao mỏ cho các Nhà thầu khai thác; thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường song song, đồng thời với quá trình hoàn thiện thủ tục khai thác nếu thấy cần thiết. UBND tỉnh An Giang, Đồng Tháp xem xét để tiếp tục cung cấp cát (An Giang 2,2 triệu m3, Đồng Tháp 0,5 triệu m3) từ các mỏ đang khai thác trong tháng 7/2023; UBND tỉnh Vĩnh Long sớm chấp thuận giao 02 mỏ theo đề nghị của Sở TN&MT để các nhà thầu triển khai thủ tục trong tháng 7/2023 và ưu tiên giao 3 mỏ còn lại cho các Nhà thầu thi công Dự án được khai thác, bảo đảm đủ 5 triệu m3 cho Dự án; UBND tỉnh An Giang sớm xem xét có phương án cung cấp 3,7 triệu m3 còn lại, bảo đảm đủ khối lượng cát cho dự án.

Tổ công tác kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến chỉ đạo./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Công an; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- UBND các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.
- Các Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
- Thành viên các Tổ công tác;
- Các Ban QLDA 2, 6, 7, 85, Thăng Long, Mỹ Thuận, đường Hồ Chí Minh;
- Lưu: VT, CQLXD (03).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Đình Thọ



1 Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 08/9/2022 của Chính phủ.

2 Các dự án thành phần đoạn: Bãi Vọt - Hàm Nghi; Hàm Nghi - Vũng Áng; Vũng Áng - Bùng; Bùng - Vạn Ninh; Vạn Ninh - Cam Lộ; Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Hoài Nhơn - Quy Nhơn; Quy Nhơn - Chí Thạnh; Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang (chủ yếu sử dụng vật liệu đất đắp nền đường).

3 Các dự án thành phần đoạn: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh; Vân Phong - Nha Trang.

4 Tỉnh Hà Tĩnh 03 mỏ, Quảng Ngãi 02 mỏ, Bình Định 03 mỏ, Phú Yên 05 mỏ.

5 Tỉnh Phú Yên 02 mỏ.

6 Tỉnh Hà Tĩnh 08 mỏ; tỉnh Quảng Ngãi 04 mỏ, tỉnh Bình Định 07 mỏ, tỉnh Phú Yên 01 mỏ, tỉnh Khánh Hòa 06 mỏ.

7 Tỉnh Quảng Ngãi 02 mỏ, tỉnh Bình Định 01 mỏ, tỉnh Khánh Hòa 06 mỏ.

8 Dự án thành phần đoạn Cần Thơ Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau (chủ yếu sử dụng cát đắp nền đường).

9 Các văn bản: số 9387/BGTVT-CQLXD ngày 14/9/2022, số 934/BGTVT-CQLXD ngày 03/02/2023, số 935/BGTVT-CQLXD ngày 03/02/2023, số 936/BGTVT-CQLXD ngày 03/02/2023.

10 Thông báo số 157/TB-VPUBND ngày 10/6/2022.

11 Văn bản số 50/UBND-ĐTXD ngày 17/2/2023.

12 Các văn bản: số 1411/BTNMT-ĐCKS ngày 18/3/2022; số 4766/BTNMT-KSVN ngày 20/6/2023

13 Tỉnh Hà Tĩnh: 04/7 mỏ thời gian thẩm định từ 42- 60 ngày; Tỉnh Quảng Ngãi: 01/13 mỏ thời gian thẩm định là 60 ngày; Tỉnh Phú Yên: 01/3 mỏ thời gian thẩm định và báo cáo bổ sung là 51 ngày, đối với 05 mỏ đã trình nhưng chưa được chấp thuận (03 mỏ cát và 02 mỏ đất), các Nhà thầu đã nộp bản đăng ký khối lượng khai thác lần đầu từ ngày 09/4/2023 đến ngày 19/5/2023; Hoàn chỉnh hồ sơ và trình lại từ ngày 22/5/2023 đến ngày 26/6/2023. Tuy nhiên đến nay chưa hoàn thiện công tác thẩm định; Tỉnh Khánh Hòa: 01/6 mỏ thời gian thẩm định là 60 ngày.

14 Một số địa phương đã cử cán bộ tham gia (tỉnh Quảng Trị cử đại diện của sở TN&MT dự và hướng dẫn; tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Bình cử đại diện của UBND các xã dự và xác nhận quá trình thương thảo…), một số địa phương chưa cử cán bộ tham gia.

15 Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên.

16 Lịch họp HĐND các Tỉnh: Hà Tĩnh ngày 13/7/2023; Quảng Bình từ ngày 14 đến 16/7/2023; Quảng Trị từ ngày 18 đến 20/7/2023; Quảng Ngãi từ ngày 20 đến 21/7/2023; Bình Định từ ngày 12 đến 14/7/2023.

17 Tỉnh Bình Định có văn bản số 1782/UBND-KT ngày 29/3/2023.

18 Một số mỏ trên địa phận tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên

19 02 mỏ cát tỉnh Phú Yên đã giao giữa tháng 6/2023 nhưng dự kiến cuối tháng 7/2023 mới khai thác được.

20 Tỉnh Phú Yên: Mỏ cát Bình Thọ vướng hệ thống điện cao thế không đủ điều kiện để khai thác; Mỏ đất Phú Ân chỉ thỏa thuận được một phần diện tích, có thể cấp quyền khai thác trước tại phần diện tích đã thỏa thuận.

21 Các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

22 Tỉnh Bình Định.

23 Cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu; Mỹ An - Cao Lãnh.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Công văn 7649/BGTVT-CQLXD

Loại văn bảnCông văn
Số hiệu7649/BGTVT-CQLXD
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành14/07/2023
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcGiao thông - Vận tải, Xây dựng - Đô thị
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật9 tháng trước
(19/07/2023)
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Công văn 7649/BGTVT-CQLXD

Lược đồ Công văn 7649/BGTVT-CQLXD 2023 cung ứng vật liệu dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông 2021 2025


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Công văn 7649/BGTVT-CQLXD 2023 cung ứng vật liệu dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông 2021 2025
                Loại văn bảnCông văn
                Số hiệu7649/BGTVT-CQLXD
                Cơ quan ban hànhBộ Giao thông vận tải
                Người kýLê Đình Thọ
                Ngày ban hành14/07/2023
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcGiao thông - Vận tải, Xây dựng - Đô thị
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật9 tháng trước
                (19/07/2023)

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Công văn 7649/BGTVT-CQLXD 2023 cung ứng vật liệu dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông 2021 2025

                            Lịch sử hiệu lực Công văn 7649/BGTVT-CQLXD 2023 cung ứng vật liệu dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông 2021 2025

                            • 14/07/2023

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực