Nội dung toàn văn Công văn 84-TC/KBNN thu nộp ngân sách của xí nghiệp quốc doanh qua hệ thống kho bạc Nhà nước
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84-TC/KBNN | Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 1990 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 84 TC/KBNN NGÀY 11-06-1990 VỀ VIỆC THU NỘP NGÂN SÁCH CỦA XNQD QUA HỆ THỐNGKHO BẠC NHÀ NƯỚC
Kính gửi: | -Các sở tài chính, chi cục thu Quốc doanh |
Thi hành Quyết định số 07/HĐBT ngày 01-01-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính và Quyết đinh số 71-TC/QĐ/TCCB ngày 28-02-1990 của Bộ tài chính quy định tạm thời chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của hệ thống Kho bạc Nhà nước;
Để đảm bảo tập trung đầy đủ, kịp thời mọi nguồn thu; tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước của các xí nghiệp quốc doanh;
Sau khi thoả thuận thống nhất với Cục thu quốc doanh, Cục Kho bạc Nhà nước hướng dẫn thực hiện việc thu nộp Ngân sách Nhà nước đối với các xí nghiệp quốc doanh qua hệ thống Kho bạc Nhà nước như sau:
I. TRÁCH NHIỆM ĐÔN ĐỐC VÀ TỔ CHỨC THU NỘP.
1. Các cơ quan thu quốc doanh.
- Hàng quý, năm cơ quan Thu quốc doanh chịu trách nhiệm lập và thông báo kế hoạch thu xí nghiệp quốc doanh cho các địa phương đồng thời gửi cho đơn vị Kho bạc Nhà nước; cụ thể như sau:
+ Cục thu quốc doanh gửi cho Cục Kho bạc Nhà nước về kế hoạch thu xí nghiệp quốc doanh trong cả nước, có phân theo Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố về các loại thu: Thu quốc doanh, thu lợi nhuận, khấu hao cơ bản, chênh lệch giá, các loại thu và thuế khác, trong đó ghi rõ từng xí nghiệp trọng điểm, ngành trọng điểm ở từng địa phương.
+ Chi cục thu quốc doanh, tổ chức thu quốc doanh ở quận huyện gửi cho Chi cục KBNN, chi nhánh KBNN về kế hoạch thu xí nghiệp quốc doanh trên địa bàn, trong đó bao gồm xí nghiệp quốc doanh TW; xí nghiệp quốc doanh tỉnh, quận, huyện (chi tiết theo ngành, xí nghiệp trọng điểm).
- Hàng tháng, cơ quan thu quốc doanh tiến hành đối chiếu và thông báo kịp thời với đơn vị Kho bạc Nhà nước về tình hình thực hiện kế hoạch thu xí ngiệp quốc doanh, tình hình tồn đọng và điều chỉnh kế hoạch thu (Nếu có); tạm hoãn thu hoặc các khoản thu đột xuất phát sinh trong kỳ như lệnh phạt, lệnh thu...
- Cơ quan Thu quốc doanh thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra quá trình thu nộp ngân sách của các xí nghiệp quốc doanh, đảm bảo thu nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước. Trực tiếp sử lý các trường hợp vi phạm chế độ thu nộp, trường hợp cần thiết thông báo cho đơn vị Kho bạc Nhà nước biết để phối hợp xử lý.
- Cơ quan Thu quốc doanh hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết hoặc có thu nộp bằng ngoại tệ thực hiện nghiã vụ thu nộp ngân sách vào Kho bạc Nhà nước; phối hợp với kho bạc Nhà nước giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện.
2. Các đơn vị Kho bạc Nhà nước.
- Trên cơ sở kế hoạch thu xí nghiệp quốc doanh được thông báo, các đơn vị Kho bạc Nhà nước phải phối hợp với tổ chức Thu quốc doanh và Ngân hàng ở địa phương quy định lịch nộp, tổ chức việc luân chuyển chứng từ và cách thức thu nộp thuận tiện để tập trung nhanh chóng, đầy đủ và kịp thời các khoản thu xí nghiệp quốc doanh vào Ngân sách Nhà nước theo kế hoạch đã thông báo.
- Tổ chức thu trực tiếp vào Kho bạc nhà nước các khoản thu XNQD nộp bằng tiền mặt (kể cả ngoại tệ) theo công văn số 643/TC-KBNN ngày 04-05-1990 của Bộ Tài chính để chủ động đảm bảo tiền mặt cho hoạt động của hệ thống Kho bạc Nhà nước. Các đơn vị Kho bạc Nhà nước phối hợp với các cơ quan Thu quốc doanh thoả thuận với đơn vị, xí nghiệp về tỷ lệ hoặc mức thu nộp bằng tiền mặt. Đối với xí nghiệp có doanh thu bằng tiền mặt, có điều kiện khả năng nộp được một phần các khoản thu NSNN bằng tiền mặt.
- Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng quy định việc luân chuyển chứng từ hợp lý để tập trung nhanh chóng các khoản thu NSNN bằng chuyển khoản vào Kho bạc Nhà nước, đảm bảo trong vòng 24 giờ sau khi các đơn vị làm thủ tục trích tài khoản qua Ngân hàng được ghi Có vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng. Nếu Ngân hàng chậm thực hiện lệnh thu, lệnh phạt của cơ quan Thu quốc doanh thì phải chịu phạt theo quy định tại thông tư số 17/TC-TQĐ ngày 17-03-1990 của Bộ Tài chính.
- Đối với xí nghiệp quốc doanh và các đơn vị, xí nghiệp liên doanh, liên kết, đầu tư nước ngoài hoặc có thu nhập bằng ngoại tệ và thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ (tiền mặt hay chuyển khoản) cũng thực hiện các thủ tục thu nộp như đối với các đơn vị, xí nghiệp nộp bằng tiền đồng Việt Nam . Đơn vị Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, thông báo số hiệu tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình tại cơ quan Ngân hàng Ngoại thương (hoặc các Ngân hàng khác được Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền) để đơn vị, xí nghiệp tiện giao dịch.
- Phối hợp với các cơ quan Thu quốc doanh thông báo cho các XNQD về số hiệu tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng để thực hiện giao dịch và thu nộp ngân sách nhanh chóng thuận lợi.
- Trường hợp phát hiện các đơn vị vi phạm kỷ luật thu nộp, đơn vị Kho bạc Nhà nước phải thông báo kịp thời cho cơ quan Thu quốc doanh biết để kiểm tra, xử lý.
II. LẬP VÀ LUÂN CHUYỂN CHỨNG TỪ.
1. Chứng từ.
- Các đơn vị, xí nghiệp quốc doanh nộp các khoản thu vào ngân sách Nhà nước theo chế độ quy định hiện hành, tiếp tục sử dụng các loại chứng từ hiện đang áp dụng do cơ quan Thu quốc doanh và Kho bạc Nhà nước ấn hành theo mẫu thống nhất.
- Đối với các đơn vị, xí nghiệp liên doanh, liên kết, có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có thu nhập bằng ngoại tệ, thực hiện nghĩa vụ thu nộp ngân sách Nhà nước thì sử dụng các loại chứng từ của cơ quan Thu quốc doanh và thuế để nộp tiền về thuế mặt đất, mặt nước, mặt biển, thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế lợi tức.
2. Luân chuyển chứng từ.
- Thu bằng tiền mặt: khi xí nghiệp quốc doanh nộp bằng tiền mặt (đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ) trực tiếp vào Kho bạc Nhà nước, xí nghiệp lập giấy nộp tiền bằng tiền mặt theo mẫu quy định thành 5 liên ghi rõ chương, loại, khoản, hạn, mục và số tiền nộp. Sau khi kiểm đếm, xác nhận đầy đủ số tiền mặt nộp đúng như trên chứng từ và bảng kê, các đơn vị Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm ký, đóng dấu xác nhận vào chứng từ, trả lại cho xí nghiệp 1 liên, lưu 1 liên, còn 3 liên luân chuyển như sau:
- Đối với chi cục Kho bạc Nhà nước (có thực hiện giao dịch)
+ 1 liên gửi kế toán tổng hợp thu của Chi cục Kho bạc Nhà nước.
+ 1 liên gửi Chi cục Thu quốc doanh (hoặc sở Tài chính)
+ 1 liên gửi cho phòng tài chính quận, huyện, thị xã.
- Đối với Chi nhánh Kho bạc Nhà nước:
+ 1 liên gửi lên Chi cục Kho bạc Nhà nước.
+ 1 liên gửi lên Chi cục Thu quốc doanh (hoặc Sở Tài chính).
+ 1 liên gửi cho phòng Tài chính quận, huyện, thị xã.
- Thu bằng chuyển khoản:
Xí nghiệp quốc doanh nộp ngân sách Nhà nước bằng chuyển khoản (kể cả ngoại tệ) bao gồm cả lệnh thu, lệnh phạt vào Kho bạc Nhà nước phải lập đủ 6 liên chứng từ kèm theo séc chuyển khoản hoặc uỷ nhiệm chi gửi đến Ngân hàng nơi xí nghiệp mở tài khoản. Sau khi nhận được các chứng từ do Ngân hàng chuyển đến (trừ 2 liên chứng từ do Ngân hàng và đơn vị nộp giữ); đơn vị Kho bạc Nhà nước thực hiện luân chuyển chứng từ như sau:
+ 1 liên: Chi nhánh Kho bạc Nhà nước (hoặc kế toán thu của Chi cục KBNN trong trường hợp thu tại Chi cục) lưu.
+ 1 liên: gửi cho Chi cục Thu quốc doanh (hoặc Sở Tài chính).
+ 1 liên: gửi Phòng Tài chính quận, huyện, thị xã.
+ 1 liên: gửi lên Chi cục Kho bạc Nhà nước (hoặc kế toán tổng hợp thu của Chi cục trong trường hợp thu tại Chi cục).
Cuối tháng, các đơn vị Kho bạc Nhà nước phải đối chiếu số thu nộp NSNN của các xí nghiệp quốc doanh với cơ quan Thu quốc doanh về các khoản nộp tiền mặt và bằng chuyển khoản. Nếu có chênh lệch phải tìm biện pháp xử lý kịp thời, không được để dây dưa sang tháng sau.
III. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
- Hàng tháng, quý, năm, các cơ quan Thu quốc doanh phối hợp với đơn vị Kho bạc Nhà nước cung cấp tiến hành kiểm tra, đối chiếu số liệu về tình hình thu xí nghiệp quốc doanh và báo cáo kết quả lên cấp trên trực tiếp của mình.
- Cơ quan Thu quốc doanh (Chi cục, phòng Tài chính (TQD) quận, huyện, thị) tiếp nhận chứng từ thu XNQD do cơ quan Kho bạc Nhà nước chuyển đến, tổ chức luân chuyển, sử dụng và bảo quản đúng quy định. Thực hiện kế toán cập nhật số thu XNQD (bao gồm cả các XNQD liên doanh, liên kết, số vốn đầu tư nước ngoài...) nộp ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Cụ thể:
+ Phòng tài chính (TQD) quận, huyện, thị thực hiện kế toán chi tiết số thu đến từng mục thu của từng XNQD trên địa bàn quận, huyện.
+ Chi cục Thu quốc doanh thực hiện kế toán chi tiết số thu đến từng mục thu của từng xí nghiệp đối với các XNQD Trung ương và XNQD tỉnh, thành phố.
- Cuối tháng, tổng hợp kế toán số thu XNQD (bao gồm cả các xí nghiệp liên doanh, liên kết, đầu tư nước ngoài) nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn (tỉnh, huyện) của tháng và luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng đó, đối chiếu chỉnh lý xác định số thu hàng tháng với cơ quan Kho bạc Nhà nước cung cấp (Phòng Tài chính đối chiếu với Chi nhánh Kho bạc Nhà nước, Chi cục Thu quốc doanh đối chiếu với Chi cục Kho bạc), lập báo cáo kế toán số thu XNQD (bao gồm cả các xí nghiệp liên doanh, liên kết, đầu tư nước ngoài) theo chương, loại, khoản, hạng, mục của mục lục ngân sách Nhà nước quy định tại thông tư số 300/TC-NSNN ngày 03-10-1997 của Bộ Tài chính.
- Báo cáo kế toán số thu XNQD nộp ngân sách Nhà nước trong hệ thống thu thu quốc doanh tiếp tục thực hiện theo quy định tại chế độ báo cáp thu XNQD số 300/TC-TQD ngày 20-12-1986 của bộ Tài chính.
- Báo cáo kế toán số thu xí nghiệp quốc doanh nộp ngân sách hàng tháng, trước khi gửi lên cấp trên theo hệ thống của mình phải có xác nhận, ký tên, đóng dấu của thủ trưởng cơ quan: Kho bạc Nhà nước (đối với báo cáo của cơ quan thu quốc doanh) và của các đơn vị thu quốc doanh (đối với báo cáo Kho bạc Nhà nước) cùng cấp.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Các chi cục Thu quốc doanh, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các ngành, các xí nghiệp quốc doanh và các đơn vị kinh tế khác thực hiện tốt các quy định trong văn bản này.
Trong quá trình thực hiện, Nếu có vướng mắc khó khăn, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính (Cục Kho bạc Nhà nước) để nghiên cứu, có hướng dẫn bổ sung, sửa đổi cần thiết.
| Nguyễn Sinh Hùng (Đã ký) |