Điều ước quốc tế 41/2010/SL-LPQT

Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam - Đại Hàn Dân Quốc

Nội dung toàn văn Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù


BỘ NGOẠI GIAO
-------

SAO Y BẢN CHÍNH

Số: 41/2010/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2010

 

Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc về chuyển giao người bị kết án phạt tù, ký tại Xơ-un ngày 29 tháng 5 năm 2009, có hiệu lực từ ngày 30 tháng 8 năm 2010./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG 
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG





Nguyễn Thị Minh Nguyệt

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ ĐẠI HÀN DÂN QUỐC
VỀ CHUYỂN GIAO NGƯỜI BỊ KẾT ÁN PHẠT TÙ

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc (sau đây gọi là "các Bên");

Mong muốn tạo thuận lợi trong hợp tác pháp luật và tái hoà nhập xã hội thành công của người bị kết án phạt tù; và

Xét thấy mục đích này cần đạt được thông qua việc cho phép công dân của một Bên bị tước tự do vì phạm tội hình sự cơ hội được chấp hành hình phạt trên đất nước của mình.

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Định nghĩa

Trong Hiệp định này:

(a) "Bên chuyển giao" là Bên mà từ đó người bị kết án phạt tù có thể hoặc đã được chuyển giao;

(b) "Bên nhận" là Bên mà người bị kết án phạt tù có thể hoặc đã được chuyển giao đến;

(c) "Hình phạt" là bất kỳ sự trừng phạt hoặc biện pháp tước tự do có thời hạn hoặc không thời hạn do tòa án tuyên đối với một tội hình sự;

(d) "Người bị kết án phạt tù” là bất cứ người nào đã bị tòa án trong phạm vi thẩm quyền xét xử của Bên chuyển giao áp dụng hình phạt trong phạm vi định nghĩa về "hình phạt" quy định tại khoản c Điều này;

e) "Công dân" là người mang quốc tịch của Bên chuyển giao hoặc Bên nhận.

Điều 2. Nguyên tắc chung

1. Phù hợp với các quy định của Hiệp định này, các Bên sẽ dành cho nhau sự hợp tác toàn diện nhất trong lĩnh vực chuyển giao người bị kết án phạt tù.

2. Phù hợp với các quy định trong Hiệp định này, người bị kết án có thể được chuyển giao từ phạm vi thẩm quyền xét xử của Bên chuyển giao đến phạm vi thẩm quyền xét xử của Bên nhận để chấp hành hình phạt mà Bên chuyển giao đã tuyên đối với người đó.

3. Việc chuyển giao người bị kết án phạt tù có thể do Bên chuyển giao hoặc Bên nhận yêu cầu.

Điều 3. Cơ quan Trung ương

1. Mỗi Bên sẽ chỉ định một Cơ quan Trung ương để thực hiện các quy định của Hiệp định này.

2. Cơ quan Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Công an hoặc một quan chức được Bộ trưởng ủy quyền. Cơ quan Trung ương của Đại Hàn Dân Quốc là Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc một quan chức được Bộ trưởng ủy quyền. Mỗi Bên có thể thay đổi Cơ quan Trung ương của mình, trong trường hợp đó phải thông báo ngay cho Bên kia về sự thay đổi này.

3. Các Bên sẽ liên lạc với nhau qua đường ngoại giao, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc đặc biệt.

Điều 4. Điều kiện chuyển giao

1. Người bị kết án phạt tù chỉ có thể được chuyển giao với các điều kiện sau đây:

(a) Hành động hoặc không hành động đã bị áp dụng hình phạt cũng cấu thành một tội hình sự theo pháp luật của Bên nhận; tuy nhiên, điều kiện này không thể được giải thích để đòi hỏi tội phạm đó phải được quy định như nhau trong pháp luật của hai Bên đối với những vấn đề không ảnh hưởng đến bản chất của tội phạm đó;

(b) Người bị kết án phạt tù phải là công dân của Bên nhận;

(c) Tại thời điểm tiếp nhận yêu cầu chuyển giao, thời gian chấp hành hình phạt của người bị kết án còn ít nhất một năm, hoặc người bị kết án đang chấp hành hình phạt không xác định thời hạn hoặc tù chung thân;

(d) Phán quyết phải là phán quyết cuối cùng và không còn thủ tục tố tụng nào đối với tội phạm đó đang chờ được tiến hành trong phạm vi thẩm quyền xét xử của Bên chuyển giao;

(e) Bên chuyển giao và Bên nhận đều đồng ý về việc chuyển giao, và

(f) Việc chuyển giao phải có sự đồng ý của người bị kết án; hoặc sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó nếu một Bên thấy cần thiết khi xem xét các điều kiện về độ tuổi, tình trạng thể chất hoặc tinh thần của người bị kết án phạt tù.

2. Trong trường hợp đặc biệt, các Bên có thể đồng ý chuyển giao khi thời gian còn lại mà người bị kết án phải chấp hành hình phạt ít hơn khoảng thời gian quy định tại khoản 1 (c) Điều này.

Điều 5. Xác nhận sự đồng ý

1. Mỗi Bên phải bảo đảm rằng người đưa ra đồng ý với việc chuyển giao quy định tại Điều 4.1 (f) thực hiện điều đó một cách tự nguyện và với nhận thức về các hệ quả kèm theo.

2. Trước khi chuyển giao, Bên chuyển giao sẽ cho phép một quan chức do Bên nhận chỉ định trực tiếp xác minh rằng người bị kết án đồng ý với việc chuyển giao theo Điều 4.1(f) một cách tự nguyện và với nhận thức về các hệ quả kèm theo

Điều 6. Hiệu lực của việc chuyển giao đối với bên chuyển giao

1. Việc cơ quan chức năng của Bên nhận tiếp quản người bị kết án phạt tù sẽ dẫn đến hệ quả đình chỉ việc thi hành hình phạt bởi cơ quan có thẩm quyền của Bên chuyển giao.

2. Bên chuyển giao sẽ không thi hành hình phạt nếu Bên nhận cho rằng việc thi hành hình phạt đó đã kết thúc.

Điều 7. Thủ tục chuyển giao

1. Các Bên sẽ thông báo cho người bị kết án phạt tù về quyền được chuyển giao theo Hiệp định này.

2. Nếu người bị kết án phạt tù mong muốn được chuyển giao thì có thể để đạt nguyện vọng đó với bất cứ Bên nào, Bên đó sẽ thông báo ngay bằng văn bản cho Bên kia biết nguyện vọng này.

3. Yêu cầu chuyển giao có thể do bất kỳ Bên nào đưa ra. Bên nhận thông báo ngay cho Bên yêu cầu về quyết định có đồng ý với yêu cầu chuyển giao hay không

4. Yêu cầu chuyển giao phải được lập thành văn bản, gồm các thông tin sau đây:

(a) Họ tên, ngày sinh và nơi sinh của người bị kết án phạt tù;

(b) Xác nhận về tình trạng quốc tịch của người bị kết án; và

(c) Nơi ở hiện tại của người bị kết án phạt tù và địa chỉ thường trú của người đó, nếu có.

5. Khi có yêu cầu chuyển giao, Bên chuyển giao, trong phạm vi có thể, sẽ cung cấp bằng văn bản cho Bên nhận các thông tin sau:

(a) Mô tả tình tiết sự kiện làm cơ sở cho việc kết án và tuyên hình phạt;

(b) Một bản sao văn bản pháp luật có liên quan quy định hành động hoặc không hành động đã bị tuyên hình phạt tại Bên chuyển giao cấu thành một tội phạm;

(c) Bản chất và thời hạn của hình phạt, ngày chấm dứt hình phạt, nếu có, thời gian đã chấp hành hình phạt của người bị kết án và bất kỳ sự miễn, giảm hình phạt nào mà người đó có được vì những việc đã làm, do có thái độ cải tạo tốt, do đã bị giam giữ trước khi xét xử hoặc vì lý do khác;

d) Một bản sao giấy chứng nhận hoặc trích lục hồ sơ bản án và hình phạt; và

e) Bản khai thể hiện sự đồng ý đối với việc chuyển giao theo quy định tại Điều 4.1(f).

6. Theo yêu cầu của một Bên, trong phạm vi có thể, Bên kia sẽ cung cấp các thông tin tài liệu hoặc văn bản có liên quan trước khi đưa ra yêu cầu chuyển giao hoặc quyết định có đồng ý với việc chuyển giao hay không. Trong trường hợp này, Bên nhận phải thông báo cho Bên chuyển giao biết Bên đó có ý định điều chỉnh hình phạt theo quy định tại Điều 8.3 hay không.

7. Cơ quan có thẩm quyền của Bên chuyển giao sẽ bàn giao người bị kết án cho cơ quan có thẩm quyền của Bên nhận đúng thời gian và địa điểm trong phạm vi thẩm quyền xét xử của Bên chuyển giao đã được hai Bên thỏa thuận.

8. Các Bên sẽ thông báo bằng văn bản cho người bị kết án mọi hoạt động của Bên chuyển giao hoặc Bên nhận được tiến hành theo quy định tại khoản trên Điều này.

Điều 8. Tiếp tục thi hành hình phạt

1. Bên nhận sẽ tiếp tục thi hành hình phạt mà Bên chuyển giao đã tuyên đối với người bị kết án tương tự như hình phạt đó được tuyên tại Bên nhận hoặc sẽ chuyển đổi hình phạt theo các điều kiện được quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Việc tiếp tục thi hành hình phạt sau khi chuyển giao được điều chỉnh theo pháp luật và thủ tục của Bên nhận, bao gồm cả pháp luật về các điều kiện thi hành hình phạt tù giam giữ hoặc các biện pháp tước tự do khác, cũng như các quy định về giảm thời hạn phạt tù, thời hạn giam giữ hoặc thời hạn áp dụng các biện pháp tước tự do khác do tạm tha, trả tự do có điều kiện, giảm án hoặc bằng hình thức khác.

3. Nếu tính chất hoặc thời hạn của hình phạt không phù hợp với pháp luật của Bên nhận thì Bên đó có thể chuyển đổi hình phạt cho phù hợp với hình phạt quy định đối với tội phạm tương tự theo pháp luật nước mình. Khi chuyển đổi hình phạt, cơ quan có thẩm quyền của Bên nhận sẽ phải căn cứ vào các sự kiện của vụ án đã được thể hiện trong các ý kiến, bản luận tội, phán quyết hoặc hình phạt đã được tuyên ở Bên chuyển giao. Hình phạt được chuyển đổi không được nặng hơn so với hình phạt đã được tuyên tại Bên chuyển giao về tính chất và thời hạn. Tuy nhiên, khi chuyển đổi hình phạt, cơ quan có thẩm quyền của Bên nhận không được chuyển đổi hình phạt tước tự do thành hình phạt tiền.

4. Bên nhận điều chỉnh hoặc chấm dứt việc chi hành hình phạt ngay sau khi được thông báo về quyết định ân xá của Bên chuyển giao đối với người bị kết án hoặc về bất kỳ quyết định hay biện pháp nào của Bên chuyển giao dẫn đến việc hủy bỏ hoặc giảm hình phạt.

5. Nếu Bên chuyển giao yêu cầu, Bên nhận sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến việc thi hành hình phạt. Mỗi Bên, vào bất cứ thời gian nào, có thể yêu cầu cung cấp một bản báo cáo riêng về tình hình thi hành một hình phạt cụ thể.

Điều 9. Bảo lưu thẩm quyền xét xử

Bên chuyển giao bảo lưu toàn bộ thẩm quyền xét xử trong việc xem xét lại việc buộc tội và hình phạt do tòa án của Bên đó tuyên.

Điều 10. Quá cảnh người bị kết án

Nếu một Bên có thỏa thuận với một nước, thứ ba về việc chuyển giao người bị kết án phạt tù, Bên kia sẽ hợp tác tạo điều kiện cho việc quá cảnh người bị kết án qua lãnh thổ của nước mình theo thỏa thuận. Bên có dự định thực hiện việc chuyển giao sẽ phải thông báo trước cho Bên kia về việc quá cảnh đó.

Điều 11. Ngôn ngữ và chi phí

1. Văn bản trao đổi giữa các Bên hỗ trợ cho yêu cầu chuyển giao người bị kết án phạt tù phải được chứng thực và kèm theo bản dịch sang ngôn ngữ của Bên chuyển giao hoặc tiếng Anh.

2. Mọi chi phí phát sinh liên quan đến việc chuyển giao người bị kết án phạt tù hoặc việc tiếp tục thi hành hình phạt sau khi chuyển giao sẽ do Bên nhận chi trả, trừ chi phí phát sinh riêng đối với Bên chuyển giao trong phạm vi thẩm quyền xét xử của mình. Tuy nhiên, Bên nhận có thể thu lại toàn bộ hoặc một phần chi phí chuyển giao từ người bị kết án phạt tù.

Điều 12. Giải quyết tranh chấp

Tranh chấp phát sinh từ việc giải thích, áp dụng hoặc thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua đàm phán giữa các Cơ quan Trung ương. Trường hợp các Cơ quan Trung ương không thể đạt được thỏa thuận, tranh chấp sẽ được các Bên giải quyết thông qua đường ngoại giao.

Điều 13. áp dụng

Hiệp định này được áp dụng đối với việc chuyển giao người bị kết án phạt tù đã bị kết án trước hoặc sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Điều 14. Các thỏa thuận khác

Hiệp định này không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của các Bên theo các điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận khác, cũng như không ngăn cản các Bên trong việc trợ giúp hoặc tiếp tục trợ giúp lẫn nhau theo các điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận khác.

Điều 15. Điều khoản cuối cùng

1. Hiệp định này phải được phê chuẩn. Các văn kiện phê chuẩn sẽ được trao đổi sớm nhất có thể. Hiệp định này có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi (30), sau ngày trao đổi văn kiện phê chuẩn.

2. Mỗi Bên có thể chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này bằng việc gửi thông báo bằng văn bản qua đường ngoại giao vào bất kỳ thời điểm nào. Hiệp định sẽ chấm dứt hiệu lực vào ngày thứ một trăm tám mươi (180), sau ngày đưa ra thông báo đó. Việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định không ảnh hưởng đến các thủ tục chuyển giao đã bắt đầu trước khi Hiệp định chấm dứt hiệu lực.

3. Hiệp định này được áp dụng đối với các yêu cầu được gửi sau khi Hiệp định có hiệu lực, kể cả trường hợp yêu cầu chuyển giao liên quan đến hành vi phạm tội được thực hiện trước khi Hiệp định có hiệu lực.

ĐỂ LÀM BẰNG, những người có tên dưới đây, được nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc ủy quyền hợp thức, đã ký Hiệp định này.

Làm tại Xơ-un thành hai bản, vào ngày 29 tháng 5 năm 2009 bằng tiếng Việt, tiếng Hàn và tiếng Anh, các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có khác biệt về giải thích, bản tiếng Anh sẽ được sử dụng làm căn cứ để đối chiếu./.

 

THAY MẶT
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN




Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng

THAY MẶT
ĐẠI HÀN DÂN QUỐC
THỨ TRƯỞNG
BỘ NGOẠI GIAO VÀ THƯƠNG MẠI




Kwon Jong-Rak

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 41/2010/SL-LPQT

Loại văn bảnĐiều ước quốc tế
Số hiệu41/2010/SL-LPQT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành29/05/2009
Ngày hiệu lực30/08/2010
Ngày công báo19/09/2010
Số công báoTừ số 558 đến số 559
Lĩnh vựcThủ tục Tố tụng, Trách nhiệm hình sự
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật15 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 41/2010/SL-LPQT

Lược đồ Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù
                Loại văn bảnĐiều ước quốc tế
                Số hiệu41/2010/SL-LPQT
                Cơ quan ban hànhChính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Đại hàn dân quốc
                Người kýNguyễn Văn Hưởng, Kwon Jong-rak
                Ngày ban hành29/05/2009
                Ngày hiệu lực30/08/2010
                Ngày công báo19/09/2010
                Số công báoTừ số 558 đến số 559
                Lĩnh vựcThủ tục Tố tụng, Trách nhiệm hình sự
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật15 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù

                            Lịch sử hiệu lực Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù

                            • 29/05/2009

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 19/09/2010

                              Văn bản được đăng công báo

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 30/08/2010

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực