Nội dung toàn văn Hiệp định hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam Inđônêxia 1990
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ IN-ĐÔ-NÊ-XI-AVỀ HỢP TÁC KINH TẾ, KHOA HỌC KỸ THUẬT NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 1990
Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a dưới đây gọi là hai Bên;
Với lòng mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và thúc đẩy việc mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của nhau; góp phần vào sự nghiệp hoà bình hợp tác trong khu vực Đông Nam á;
Ghi nhận kết quả tích cực và phát huy những điều khoản của Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a ký năm 1978;
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1
A/-Hai Bên sẽ cố gắng thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để khuyến khích và phát triển hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật giữa hai nước trong khuôn khổ hiệp định này và phù hợp với luật lệ hiện hành của mỗi nước.
B/- Hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật được đề cập trong hiệp định này sẽ bao gồm các lĩnh vực này sẽ được cụ thể hoá hơn nữa thông qua sự thoả thuận của hai Bên, đặc biệt là khuyến khích đầu tư để lập các xí nghiệp liên doanh.
Điều 2
Hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật sẽ được thực hiện phù hợp với khả năng và yêu cầu cũng như trong khuôn khổ các điều kiện sẽ được các công ty và các tổ chức kinh doanh có thẩm quyền ở mỗi nước thoả thuận. Các quy định chi tiết liên quan đến những hình thức và phương pháp cũng như những điều kiện của sự hợp tác như vậy trên các lĩnh vực được thoả thuận riêng rẽ và hoặc trong các hợp đồng được ký giữa các tổ chức kinh doanh và các tổ chức có thẩm quyền của hai Bên.
Điều 3
Hai bên đồng ý thành lập một Uỷ ban hỗn hợp ở cấp Bộ trưởng để xem xét việc thực hiện bản Hiệp định này, để thảo luận những vấn đề có thể nảy sinh từ việc thực hiện và để nêu ra những gợi ý cần thiết về việc đạt được các mục tiêu của mình. Uỷ ban hỗn hợp sẽ họp luân phiên ở In-đô-nê-xi-a và ở Việt nam vào thời gian do hai Bên thoả thuận và thông báo qua con đường ngoại giao.
Điều 4
Bất kỳ một nghĩa vụ tài chính nào phát sinh từ việc thực hiện bản Hiệp định này sẽ được thực hiện phù hợp với các quy định của Hiệp định thương mại năm 1978 hoặc thông qua sự thỏa thuận hay sự dàn xếp chung giữa hai Bên.
Điều 5
Bất kỳ sự tranh chấp nào giữa hai Bên liên quan đến việc thực hiện bản Hiệp định này sẽ được giải quyết một cách thân thiện thông qua tham khảo ý kiến hoặc thương lượng
Điều 6
Bản Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày Bên này nhận được thông báo cuối cùng của Bên kia thông qua đường Ngoại giao cho biết rằng các yêu cầu theo luật pháp của mình để cho bản Hiệp định này có hiệu lực đã được hoàn tất.
Điều 7
Bản Hiệp định này sẽ có hiệu lực trong thời gian 5 năm và sẽ được mặc nhiên kéo dài thời hạn từng năm một, trừ phi một trong hai Bên chấm dứt bằng việc thông báo bằng văn bản ít nhất 6 tháng trước khi bản Hiệp định hết hạn.
Điều 8
Việc chấm dứt bản Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng đến giá trị hiệu lực và thời hạn của bất kỳ thỏa thuận và/hoặc hợp đồng nào tiến hành theo bản Hiệp định hiện thời cho đến khi hoàn thành và/hoặc hợp đồng đó.
Để làm bằng, những người có tên dưới đây được Chính phủ của mỗi Bên uỷ quyền ký bản Hiệp định này.
Làm tại Hà Nội ngày 21 tháng 11 năm 1990 thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng In-đô-nê-xi-a và tiếng Anh, tất cả các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, thì bản tiếng Anh là quyết định.