Nội dung toàn văn Hiệp định hợp tác nuôi con nuôi giữa Việt Nam - Pháp
HIỆP ĐỊNH
HỢP TÁC VỀ NUÔI CON NUÔI GIỮA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NƯỚC CỘNG HOÀ PHÁP
Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Pháp (sau đây gọi là các nước ký kết).
Công nhận rằng, để phát triển hài hoà nhân cách của mình, trẻ em cần được trưởng thành trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và thông cảm.
Thừa nhận rằng mỗi Nước ký kết cần ưu tiên áp dụng các biện pháp thích hợp để trẻ em được chăm sóc trong môi trường gia đình và đảm bảo cho những trẻ em không có gia đình được chăm sóc trong môi trường thay thế gia đình.
Công nhận rằng việc nuôi con nuôi quốc tế có lợi là đem lại một gia đình ổn định cho trẻ em trong trường hợp không thể tìm được gia đình thích hợp cho trẻ em đó ở ngay tại nước mình.
Mong muốn thực hiện những biện pháp hợp tác nhằm bảo đảm việc những người thường trú trên lãnh thổ của Nước ký kết này xin nhận trẻ em là công dân của Nước ký kết kia và thường trú trên lãnh thổ của nước ký kết đó làm con nuôi được tiến hành trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc và giá trị cơ bản của mỗi Nước ký kết, tôn trọng Công ước của Liên hợp quốc ngày 20/11/1989 về quyền trẻ em, đặc biệt là các quy định về đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em, tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em, phòng ngừa mọi hành vi bắt cóc, mua bán trẻ em và thu lợi vật chất bất hợp pháp từ việc này.
Căn cứ Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự giữa nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Pháp ký tại Pari ngày 24 tháng 2 năm 1989.
Đã quyết định ký kết Hiệp định này
Để thực hiện mục đích đó
Chủ tịch nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc
Tổng thống nước Cộng hoà Pháp cử
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Pháp tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam SERGE DEGALEAIX.
Làm đại diện toàn quyền của mình.
Các đại diện toàn quyền, sau khi trao đổi giấy uỷ quyền hợp thức, đã thoả thuận những điều dưới đây:
Chương I
PHẠM VI ÁP DỤNG
Điều 1.
1- Hiệp định này được áp dụng đối với trường hợp trẻ em là công dân của Nước ký kết này và thường trú trên lãnh thổ của Nước ký kết đó được một người hoặc một cặp vợ chồng thường trú trên lãnh thổ của Nước ký kết kia xin nhận làm con nuôi (sau đây gọi là Người xin nhận con nuôi).
2- Hiệp định này được áp dụng đối với việc nuôi con nuôi là trẻ em trong độ tuổi giới hạn cho làm con nuôi do pháp luật của mỗi nước ký kết quy định.
Chương II
CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG
Điều 2.
Cơ quan Trung ương của các Nước ký kết được chỉ định để thực hiện Hiệp định này (sau đây gọi là cơ quan Trung ương) là: về phía nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Tư pháp; và về phía Cộng hoà Pháp - cơ quan con nuôi quốc tế.
Điều 3.
Để thực hiện Hiệp định này, cơ quan Trung ương của mỗi Nước ký kết có thể yêu cầu sự giúp đỡ của các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền của nước mình, cũng như của các tổ chức được phép hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi phù hợp với pháp luật của mỗi nước ký kết.
Điều 4.
Các cơ quan Trung ương có thể trực tiếp với sự giúp đỡ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp thích hợp phù hợp với pháp luật của mỗi Nước ký kết để phòng ngừa việc thu lợi vật chất bất hợp pháp trong việc nuôi con nuôi theo quy định của Hiệp định này. Trong trường hợp cần thiết các cơ quan Trung ương tiến hành mọi biện pháp thích hợp nhằm yêu cầu xử lý hành vi thu lợi vật chất bất hợp pháp trong việc nuôi con nuôi.
Điều 5.
Nhằm mục đích thực hiện đầy đủ các quy định của Hiệp định này và trên cơ sở tôn trọng pháp luật của mỗi Nước ký kết, các cơ quan Trung ương cung cấp cho nhau các thông tin về pháp luật, số liệu thống kê và những thông tin cần thiết khác.
Các cơ quan Trung ương cũng thông tin cho nhau về tình hình thực hiện Hiệp định này và tiến hành những biện pháp cần thiết để giải quyết những khó khăn trong việc thực hiện Hiệp định này.
Điều 6.
Các cơ quan Trung ương liên hệ trực tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của Nước ký kết; được yêu cầu sự liên hệ này là miễn phí.
Chương III
THẨM QUYỀN VÀ LUẬT ÁP DỤNG
Điều 7.
1- Việc quyết định cho trẻ em làm con nuôi thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước của Nước ký kết mà trẻ em đó là công dân.
2- Trong trường hợp pháp luật của Nước ký kết nơi Người xin nhận con nuôi thường trú quy định một hình thức nuôi con nuôi đòi hỏi phải có quyết định mới về việc nuôi con nuôi, thì quyết định đó thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước của Nước ký kết nơi Người xin nhận con nuôi thường trú.
Điều 8.
Việc xác định cá nhân, tổ chức có quyền đồng ý cho trẻ em làm con nuôi và hình thức thể hiện sự đồng ý đó tuân theo pháp luật của Nước ký kết mà trẻ em đó là công dân.
Chương IV
THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON NUÔI
Điều 9.
Người thường trú trên lãnh thổ của Nước ký kết này muốn xin nhận trẻ em là công dân của Nước ký kết kia và thường trú trên lãnh thổ của Nước ký kết đó làm con nuôi phải liên hệ với Cơ quan Trung ương của nước ký kết nơi Người xin nhận con nuôi thường trú. Người xin nhận con nuôi nộp hồ sơ cho cơ quan Trung ương của Nước ký kết nơi người đó thường trú.
Điều 10.
1- Cơ quan Trung ương của Nước ký kết nơi Người xin nhận con nuôi thường trú (sau đâu gọi là nước tiếp nhận) phải đảm bảo rằng:
a) Người xin nhận con nuôi có đủ các điều kiện cần thiết cho việc nuôi con nuôi;
b) Người xin nhận con nuôi đã có đủ những thông tin tư vấn cần thiết cho việc nuôi con nuôi, đặc biệt là những thông tin về môi trường gia đình và xã hội ở Nước ký kết mà trẻ em là công dân.
2- Trong trường hợp xét thấy Người xin nhận con nuôi có đủ các điều kiện cần thiết cho việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật nước mình, Cơ quan Trung ương của nước tiếp nhận chuyển cho cơ quan trung ương của Nước ký kết mà trẻ em là công dân hồ sơ xin nhận con nuôi, đồng thời lập một văn bản gửi kèm theo hồ sơ bao gồm những thông tin về Người xin nhận con nuôi như sau:
a) Họ và tên, ngày tháng năm sinh, Hộ chiếu/ Chứng minh nhân dân, nơi thường trú, nghề nghiệp, địa chỉ liên hệ;
b) Tình trạng năng lực hành vi dân sự;
c) Khả năng đảm bảo việc nuôi con nuôi (khả năng kinh tế, hoàn cảnh nhân thân, gia đình, tình trạng sức khoẻ, môi trường xã hội ...).
d) Lý do xin nhận nuôi con nuôi;
e) Nguyện vọng về trẻ em muốn xin nhận làm con nuôi (độ tuổi, giới tính và những đặc điểm khác) mà Người xin nhận con nuôi thấy thích hợp.
3- Hồ sơ xin nhận con nuôi phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu do pháp luật của các Nước ký kết quy định. Hồ sơ phải kèm theo bản dịch, có chứng thực hợp lệ, ra ngôn ngữ của Nước ký kết mà trẻ em là công dân. Chi phí cho việc dịch hồ sơ do Người xin nhận con nuôi chịu.
Điều 11.
1. Cơ quan Trung ương của Nước ký kết mà trẻ em là công dân (sau đây gọi là nước gốc) phải đảm bảo rằng:
a) Trẻ em được giới thiệu làm con nuôi thuộc diện được pháp luật cho phép làm con nuôi;
b) Sau khi xem xét các khả năng nuôi dưỡng ở trong nước, thì thấy việc cho trẻ em đó làm con nuôi người nước ngoài là biện pháp thích hợp nhất cho lợi ích của trẻ em đó;
c) Có sự đồng ý của những cá nhân hoặc tổ chức có quyền có ý kiến về việc cho trẻ em đó làm con nuôi;
d) Những cá nhân hoặc tổ chức nói tại điểm c, khoản 1 Điều này đã được thông báo đầy đủ về các hình thức nuôi con nuôi khác nhau theo pháp luật của nước tiếp nhận, cũng như về hệ quả pháp lý của mỗi hình thức nuôi con nuôi đó và đã đồng ý rõ ràng bằng văn bản về việc cho nhận con nuôi.
c) Không có yêu cầu phải trả bất cứ một khoản tiền hay một sự đền bù nào cho việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi nói tại điểm c và điểm d, khoản 1 Điều này.
2. Trong trường hợp xét thấy có thể cho trẻ em làm con nuôi, Cơ quan Trung ương của nước gốc chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của nước mình kèm theo công văn trong đó xác nhận đã có đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và cho ý kiến về việc giải quyết hồ sơ đó.
Cơ quan Trung ương của nước gốc gửi bản sao công văn nói trên do cơ quan Trung ương của nước tiếp nhận.
Điều 12.
Cơ quan có thẩm quyền của nước gốc gửi văn bản thông báo cho Người xin nhận con nuôi về trẻ em được giới thiệu cho làm con nuôi gồm những nội dung sau đây:
a) Họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú;
b) Khả năng được nhận làm con nuôi;
c) Hoàn cảnh cá nhân, môi trường xã hội và gia đình;
d) Tình trạng sức khoẻ;
e) Các nhu cầu, sở thích đặc biệt khác của trẻ em, nêu có ;
Người xin nhận con nuôi phải trả lời cơ quan có thẩm quyền của nước gốc trong thời hạn sớm nhất và gửi bản sao ý kiến trả lời đó cho Cơ quan Trung ương của nước tiếp nhận.
Cho đến khi nhận được ý kiến trả lời của Người xin nhận con nuôi, trẻ em đã được giới thiệu cho người đó thì không được giới thiệu cho người khác.
Điều 13.
1. Quyết định cho nhận con nuôi và việc giao nhận con nuôi được thực hiện theo pháp luật của nước gốc.
2. Các cơ quan Trung ương của hai nước ký kết đảm bảo tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trẻ em được xuất cảnh nước gốc, cũng như được nhập cảnh và thường trú trên lãnh thổ của nước tiếp nhận.
3. Cơ quan Trung ương của nước tiếp nhận thông báo cho cơ quan Trung ương của nước gốc về những quyết định cho nuôi con nuôi của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 7 của Hiệp định này và gửi kèm theo bản sao những quyết định đó.
Điều 14.
Các cơ quan Trung ương của hai Nước ký kết cung cấp cho nhau mọi thông tin khác cần thiết cho việc giải quyết các hồ sơ cụ thể về nuôi con nuôi.
Chương V
CÔNG NHẬN CÁC QUYẾT ĐỊNH
Điều 15.
Quyết định về nuôi con nuôi của cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước ký kết quy định tại Điều 7 của Hiệp định này được mặc nhiên công nhận có hiệu lực trên lãnh thổ của Nước ký kết kia.
Tuy nhiên, việc công nhận có thể bị từ chối, nếu xét thấy việc nuôi con nuôi trái với những nguyên tắc và giá trị cơ bản của Nước ký kết được yêu cầu. Trong trường hợp này, Nước ký kết được yêu cầu thông báo bằng văn bản cho nước ký kết kia; Các nước ký kết cùng nhau bàn bạc biện pháp giải quyết để bảo vệ quyền lợi của trẻ em đã cho làm con nuôi.
Điều 16.
Việc công nhận quyết định về nuôi con nuôi của cơ quan có thẩm quyền nói tại Điều 7 của Hiệp định này bao gồm cả sự công nhận đầy đủ các hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi theo pháp luật của Nước ký kết ra quyết định.
Chương VI
MIỄN HỢP PHÁP HOÁ GIẤY TỜ
Điều 17.
Giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của Nước ký kết này lập và được Cơ quan Trung ương của nước ký kết đó gửi cho cơ quan Trung ương của nước ký kết kia, được miễn hợp pháp hoá lãnh sự.
Chương VII
Điều 18.
1. Mỗi nước ký kết đảm bảo rằng trẻ em là công dân của Nước ký kết kia được nhận làm con nuôi trên lãnh thổ cuả nước mình được bảo vệ và được hưởng đầy đủ những quyền dành cho trẻ em thường trú trên lãnh thổ của nước mình.
2. Trong trường hợp xét thấy việc tiếp tục để trẻ em trong gia đình cha mẹ nuôi không còn đáp ứng được lợi ích tốt nhất cho trẻ em đó, Cơ quan Trung ương của nước tiếp nhận đảm bảo sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em đó. Sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan Trung ương của nước gốc, Cơ quan Trung ương của nước tiếp nhận sẽ thu xếp cho trẻ em đó có một môi trường khác thuận lợi cho sự phát triển của trẻ em.
Điều 19.
1. Các cơ quan Trung ương của các nước ký kết thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm thu thập, lưu giữ và trao đổi thông tin về tình trạng trẻ em và người xin nhận con nuôi, trong chừng mực cần thiết để thực hiện việc nuôi con nuôi.
2. Cơ quan trung ương của nước tiếp nhận thực hiện những biện pháp thích hợp, trên cơ sở tôn trọng pháp luật của nước mình, để cung cấp thông tin về một tình trạng nuôi con nuôi cụ thể, theo yêu cầu có nêu rõ lý do của Cơ quan Trung ương của nước gốc.
3. Cơ quan Trung ương cuả nước gốc chỉ sử dụng những thông tin được cung cấp nhằm mục đích bảo vệ lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Điều 20.
1. Các nước ký kết thành lập Nhóm công tác hỗn hợp, bao gồm đại diện ngang nhau của các Cơ quan Trung ương và các cơ quan Nhà nước khác có trách nhiệm về nuôi con nuôi của mỗi Nước ký kết.
2. Nhóm công tác hỗn hợp họp định kỳ mỗi năm một lần, lần lượt ở mỗi nước ký kết, để xem xét, đánh giá việc thực hiện Hiệp định này và đưa ra các kiến nghị để giải quyết những vấn đề phát sinh. Ngoài ra, khi xét thấy cần thiết, các nước ký kết có thể quyết định họp phiên bất thường Nhóm công tác hỗn hợp.
Điều 21.
Các nước ký kết hợp tác nhằm thực hiện tốt Hiệp định này. Việc hợp tác này chủ yếu tập trung vào việc trợ giúp kỹ thuật cho các cơ quan hoặc tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi, đào tạo cán bộ cũng như trao đổi thông tin và kinh nghiệm.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 22.
Hiệp định này phải được phê chuẩn.
Hiệp định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau ngàynhận được văn kiện phê chuẩn thứ hai.
Điều 23.
Hiệp định này có giá trị trong thời hạn 5 năm. 6 tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực, nếu Nước ký kết này không nhận được thông báo bằng văn bản của Nước ký kết kia về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định, thì Hiệp định được gia hạn thêm mỗi thời kỳ là 3 năm, nếu trong thời hạn 6 tháng trước khi kết thúc từng thời kỳ này, không Nước ký kết nào thông báo bằng văn bản về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này.
Điều 24.
Hiệp định này có thể được sửa đổi, bổ sung theo sự thoả thuận giữa các Nước ký kết. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải được gửi qua đường ngoại giao.
Để làm bằng, đại diện toàn quyền của các nước ký kết đã ký và đóng dấu vào Hiệp định này.
Làm tại Hà Nội, ngày 1 tháng 2 năm 2000, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.