Nội dung toàn văn Hiệp định hợp tác trong thú y kiểm dịch động vật giữa Việt Nam Chi-lê 2004
BỘ NGOẠI GIAO ****** Số: 75/2004/LPQT |
Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2004 |
Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Chi-lê về hợp tác trong lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật có hiệu lực ngày 07 tháng 05 năm 2004.
| TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
|
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA CHI-LÊ VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC THÚ Y VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG VẬT
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Chi-lê dưới đây được gọi là Các bên ký kết.
Với lòng mong muốn tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực Kiểm dịch động vật, Thú y, nhằm ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm lây lan và các bệnh ký sinh trùng động vật xâm nhập vào lãnh thổ mỗi nước, bảo vệ sự an toàn trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, và bảo vệ sức khỏe con người; qua trao đổi tin tại những cuộc hợp hữu nghị, đã thỏa thuận như sau:
Điều 1. Những từ ngữ sau đây sẽ được hiểu như sau:
1. Động vật: là vật nuôi và động vật hoang dã.
2. Sản phẩm động vật: là các nguyên liệu chưa chế biến có nguồn gốc động vật, các sản phẩm động vật đã chế biến và các sản phẩm có nguồn gốc động vật có trong thức ăn chăn nuôi, trong quá trình chế biến có thể gây ra những rủi ro trong việc xâm nhập và lan truyền dịch bệnh.
3. Các nguyên liệu di truyền động vật: là tinh đông lạnh, phôi tươi hoặc đông lạnh và tất cả các sản phẩm sinh học khác áp dụng trong sinh sản và nhân giống gia súc.
4. Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hoặc Giấy chứng nhận vệ sinh thú y: là giấy chứng nhận được xây dựng theo các mẫu giấy chứng nhận của Tổ chức Dịch tễ thế giới (OIE).
Điều 2. Các Bên ký kết sẽ phối hợp trong việc bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi sự xâm nhập của dịch bệnh do việc nhập khẩu, xuất khẩu hoặc vận chuyển động vật sống, các nguyên liệu di truyền động vật, sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi cũng như các hàng hóa, sản phẩm khác, phương tiện vận chuyển, bao gói và thùng chứa có thể là những vật trung gian truyền bệnh.
Điều 3. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của mỗi bên như quy định tại Điều 7 của bản Hiệp định này có thể đàm phán và ký các Nghị định thư về kiểm dịch động vật, các yêu cầu về vệ sinh thú y đối với việc nhập khẩu, xuất khẩu và vận chuyển động vật sống, các nguyên liệu di truyền động vật, sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi hoặc các hàng hóa, sản phẩm khác có thể là những vật trung gian truyền bệnh và trao đổi các mẫu giấy chứng nhận về kiểm dịch động vật hoặc chứng nhận về vệ sinh thú y.
Những Nghị định thư đã ký sẽ tạo thành các phụ lục và được coi là một phần của bản Hiệp định này.
Điều 4. Động vật sống, nguyên liệu di truyền động vật, sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi và các hàng hóa, sản phẩm khác có thể là những nhân tố trung gian truyền bệnh được nhập khẩu từ lành thổ nước này vào lãnh thổ của nước kia phải tuân theo pháp luật về thú y - kiểm dịch, các thủ tục hành chính của nước nhập khẩu, quy định của các Nghị định thư liên quan đến các yêu cầu về thú y và kiểm dịch đã được ký giữa Hai bên, những yêu cầu và quy định về thú y và kiểm dịch đã được sửa đổi cho phù hợp với quy định của Tổ chức Dịch tễ Thế giới (O.I.E) và kèm theo một giấy chứng nhận kiểm dịch động vật gốc hoặc giấy chứng nhận vệ sinh thú y do bác sĩ thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp giấy. Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hoặc giấy chứng nhận vệ sinh thú y sẽ được viết bằng tiếng Anh và tiếng của nước xuất khẩu.
Điều 5. Mỗi bên ký kết thực hiện quản lý việc kiểm dịch động vật sống, nguyên liệu di truyền động vật, thức ăn chăn nuôi, và các sản phẩm có nguồn gốc động vật được nhập từ nước kia theo các quy định pháp luật về thú y, kiểm dịch động vật và theo các quy định pháp luật khác có liên quan của nước mình, những yêu cầu và quy định về thú y và kiểm dịch đã được sửa đổi cho phù hợp với quy định của Tổ chức Dịch tễ Thế giới (O.I.E). Mỗi bên ký kết có quyền xử lý trong quá trình kiểm dịch đối với các hàng hóa truyền nhiệm bị phát hiện.
Mỗi bên ký kết, khi phát hiện bệnh gia súc, nhân tố trung gian truyền bệnh và bất kỳ các dịch hại nào khác hoặc những hàng hóa không phù hợp với quy định pháp luật về thú y, kiểm dịch động vật, và theo các quy định pháp luật khác có liên quan của nước mình, sẽ thông báo ngay cho bên kia.
Điều 6. Các Bên ký kết sẽ tạo điều kiện hợp tác trong việc thi hành, trao đổi khoa học, công nghệ và thông tin trong các lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật theo phương thức:
a) Thông báo cho nhau ngay về chi tiết các bệnh truyền nhiễm của động vật thuộc Danh mục A của Tổ chức Dịch tễ thế giới (O.I.E) xảy ra trênlãnh thổ nước mình, gồm tên bệnh, loài và số lượng gia súc mắc bệnh, nơi xảy ra dịch bệnh, các phương pháp chẩn đoán và khống chế phù hợp;
b) Trao đổi báo cáo hàng tháng về các bệnh truyền nhiễm và bệnh ký sinh trùng thuộc Danh mục B của OIE xảy ra trong lãnh thổ nước mình;
c) Thông báo cho nhau về các biện pháp khống chế áp dụng để phòng chống các bệnh truyền nhiễm thuộc danh mục A của OIE, đã được nhập và xảy ra trên lãnh thổ của nước láng giềng;
d) Có sự hợp tác giữa các cơ quan kiểm dịch động vật Trung ương hoặc các trạm thú y để trao đổi kinh nghiệp quản lý trong lĩnh vực này;
e) Trao đổi các kỹ thuật kiểm dịch động vật và các nghiên cứu thú y thông qua các hội thảo hoặc các hoạt động khác.
f) Trao đổi các tạp chí hoặc các ấn phẩm khác về pháp luật, quy định trong lĩnh vực kiểm dịch động vật và thuốc thu y.
Điều 7. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện Hiệp định này là:
- Phía Việt Nam: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cục Thú y
- Phía Chi-lê; Bộ Nông nghiệp nước Cộng hòa Chi-lê, Cục Nông nghiệp và Chăn nuôi.
Điều 8. Các chi phí liên quan đến việc thực hiện Hiệp định này sẽ được thực hiện như sau:
a) Với các chuyến thăm giữa các cơ quan kiểm dịch và thú y có liên quan tới việc thực hiện Hiệp định hoặc trao đổi kinh nghiệm quản lý, và trong trường hợp một bên mời chuyên gia hoặc cán bộ nghiên cứu của bên kia tham dự các cuộc họp hoặc các hội thảo khoa học, thì các chi phí đi lại quốc tế sẽ do bên cử người đài thọ, các chi phí ăn ở, đi lại nội địa v.v… sẽ do bên mời đài thọ, các chi phí này cũng có thể được giải quyết bằng đàm phán giữa Các bên ký kết.
b) Nước phát hành sẽ tài trợ cho việc trao đổi thông tin và các tạp chí hoặc ấn phẩm thú y.
Điều 9.
1. Mọi tranh chấp phát sinh từ việc giải thích và truyền hình Hiệp định này sẽ được các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện của Các bên ký kết thảo luận trực tiếp và giải quyết.
2. Mọi tranh chấp không được giải quyết theo khoản 1 của Điều này sẽ được một phái đoàn liên hợp do hai bên cử ra giải quyết. Phái đoàn này sẽ gồm có 3 đại diện của mỗi bên. Phái đoàn này sẽ giải quyết các yêu cầu đã nhận được từ mỗi bên trong phạm vi 30 ngày. Mỗi bên sẽ luân phiên làm chủ tịch các phiên họp.
3. Những vấn đề tranh chấp mà phái đoàn không thể giải quyết được sẽ được đàm phán và giải quyết thông qua đường ngoại giao.
Điều 10. Hiệp định này không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong các Hiệp định và Hiệp ước quốc tế khác đã ký của mỗi bên.
Điều 11. Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng, trong đó Hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý của mỗi Bên để Hiệp định có hiệu lực.
Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn 5 năm, sau đó Hiệp định sẽ tự kéo dài trong 5 năm tiếp theo trừ khi một trong hai bên đưa ra thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt Hiệp định ít nhất là 6 tháng trước khi kết thúc giai đoạn này và lý do để được kéo dài thêm.
Hiệp định này làm tại Xan-ti-a-gô đê Chi-lê ngày 23 tháng 10 năm 2002 thành 2 bản, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha, và tiếng Anh, các văn bản có giá trị pháp lý như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau về ngôn ngữ thì bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA CHI-LÊ | THAY MẶT CHÍNH PHÚ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |