Nội dung toàn văn Hiệp định Việt Nam Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp vùng Wallonie Bruxelles 2002
CHÍNH PHỦ ****** |
|
Số: 66/2005/LPQT | Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 2002 |
Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp vùng Wallonie và Ủy ban Cộng đồng tiếng Pháp vùng Bruxelles – thủ đô có hiệu lực từ ngày 14 tháng 9 năm 2004./.
| TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO |
HIỆP ĐỊNH
HỢP TÁC GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI BỈ NÓI TIẾNG PHÁP, VÙNG WALLONIE VÀ ỦY BAN CỘNG ĐỒNG TIẾNG PHÁP VÙNG BRUXELLES – THỦ ĐÔ
Điều 1. Hai Bên ký kết quyết định phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác và đối tác trên cơ sở gắn bó với các nguyên tắc về tự do, dân chủ và quyền con người, tôn trọng chủ quyền và độc lập dân tộc cũng như tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Điều 2. Hai Bên ký kết cùng nhau phát triển hợp tác toàn diện với các kết quả cụ thể và nhất là hướng tới việc phát huy nguồn nhân lực, phát triển bền vững và quan hệ đối tác giữa các cơ quan hành chính, thể chế, hiệp hội và chủ thể kinh tế, phù hợp với các quy định về thể chế của từng bên, tôn trọng nghĩa vụ quốc tế của từng bên, và nghĩa vụ trên quốc gia đối với riêng Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, vùng Wallonie và Ủy ban Cộng đồng tiếng Pháp vùng Bruxelles – Thủ đô.
Điều 3. Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp sẽ triển khai hợp tác trong toàn bộ phạm vi thẩm quyền của Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp. Những thẩm quyền đó được liệt kê trong phụ lục của Hiệp định này.
Điều 4. Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vùng Wallonie sẽ triển khai hợp tác trong toàn bộ phạm vi thẩm quyền của Vùng Wallonie. Những thẩm quyền đó được liệt kê trong phụ lục của Hiệp định này.
Điều 5. Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban cộng đồng tiếng Pháp Vùng Bruxelles - Thủ đô sẽ triển khai hợp tác trong toàn bộ phạm vi thẩm quyền của Ủy ban cộng đồng tiếng Pháp Vùng Bruxelles – Thủ đô. Những thẩm quyền đó được liệt kê trong phụ lục của Hiệp định này.
Điều 6. Hình thức hợp tác giữa hai Bên ký kết theo như Hiệp định này là:
+ Trao đổi thường xuyên thông tin;
+ Trao đổi kinh nghiệm và con người;
+ Cấp học bổng thực tập, nghiên cứu, chuyên ngành hay học bổng mùa hè, trên cơ sở không vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử hiện hành trong Liên minh Châu Âu;
+ Ký kết thỏa thuận chuyên ngành trong các lĩnh vực thẩm quyền nêu trên;
+ Hợp tác trực tiếp giữa các tổ chức khác nhau (các phòng thương mại và công nghiệp, trường đại học, doanh nghiệp, hiệp hội, trung tâm nghiên cứu, trung tâm đào tạo nghề v.v.);
+ Xây dựng và triển khai các dự án chung;
+ Chuyển giao công nghệ và kỹ năng;
+ Tổ chức gặp gỡ chuyên ngành, hội thảo, thảo luận dành cho các chuyên gia và những người phát triển dự án;
+ Thực hiện các nghiên cứu và thẩm định;
+ Khuyến khích hợp tác ở cấp phân quyền;
+ Thúc đẩy hàng hóa và dịch vụ trên cơ sở tương hỗ;
+ Khuyến khích xây dựng đối tác giữa các doanh nghiệp và thành lập các liên doanh.
Điều 7. Hai Bên ký kết sẽ lưu tâm để thiết lập sự phối hợp hữu ích giữa các dự án hợp tác song phương được triển khai trong khuôn khổ của Hiệp định này và các chương trình đa phương của Liên minh Châu Âu và trong khuôn khổ Tổ chức Pháp ngữ.
Hai Bên ký kết sẽ lưu tâm sử dụng mọi khả năng mà các thể chế trên cho phép để cùng tham gia vào các chương trình phát triển, và vì mục đích này, coi nhau là những đối tác ưu tiên.
Điều 8. Được Nhà nước Liên bang Bỉ và Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp cung cấp tài chính, Hiệp hội Thúc đẩy Giáo dục và Đào tạo ở nước ngoài (APEFE) được giao thực hiện các hoạt động hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ các Hiệp định song phương của Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, Vùng Wallonie và Ủy ban Cộng đồng tiếng Pháp vùng Bruxelles – Thủ đô.
Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định áp dụng đối với APEFE Quyết định số 211/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 1998.
Hai Bên ký kết ủng hộ việc ký một Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam với APEFE, bên cạnh Hiệp định này.
Điều 9. Hai Bên ký kết tăng cường các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc song phương ở cấp thích hợp, cả ở cấp chính trị cũng như cấp chuyên gia kỹ thuật, bên cạnh những cuộc tiếp xúc thường xuyên ở cấp độ đa phương và có liên quan đến Liên minh Châu Âu. Các cuộc tiếp xúc này bàn về tất cả những vấn đề cùng được quan tâm. Hai Bên ký kết tạo thuận lợi cho các cuộc tham khảo ý kiến thường xuyên về các vấn đề thời sự ở cấp các đơn vị phụ trách quan hệ quốc tế.
Điều 10. Hai Bên ký kết hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo bằng cách tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức phi chính phủ. Khi cần thiết, hai Bên ký kết thu xếp về mặt hành chính với chính quyền địa phương để tạo thuận lợi cho các hoạt động trong những tình huống khẩn cấp.
Điều 11. Hai Bên ký kết góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập tiếp xúc trực tiếp và cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như các pháp nhân khác, cho việc khuyến khích đầu tư và tăng cường trao đổi thông tin kinh tế.
Điều 12. Trong phối hợp và hoạt động chung, hai Bên ký kết sẽ lưu tâm để các chủ thể hoạt động xã hội, kinh tế và văn hóa hội nhập với những hệ thống đối tác quốc tế liên quan đến các tổ chức đa phương hay trên quốc gia. Hai Bên ký kết tìm kiếm những biện pháp thích hợp tạo thuận lợi cho sự hội nhập đó.
Điều 13. Hai Bên ký kết tạo thuận lợi cho việc trao đổi thanh niên, đặt các hoạt động này trong mục tiêu hòa nhập nghề nghiệp, hội nhập quốc tế và tham gia thực tế vào quan hệ song phương.
Điều 14. Việc quản lý thực hiện Hiệp định này được giao cho:
Về phía Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về phía Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, Vùng Wallonie và Ủy ban cộng đồng tiếng Pháp Vùng Bruxelles – Thủ đô, là Tổng Cao ủy Quan hệ quốc tế của Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp và Ban Quan hệ quốc tế của Tổng vụ Quan hệ đối ngoại Vùng Wallonie.
Điều 15. Để triển khai và đánh giá Hiệp định này, hai Bên ký kết thành lập một Ủy ban hỗn hợp thường trực.
Ủy ban này sẽ họp ít nhất ba năm một lần, luân phiên tại Vùng Wallonie và/hoặc Bruxelles và Hà Nội.
Ủy ban thường trực sẽ quyết định những nội dung và điều kiện của sự hợp tác này. Đặc biệt, Ủy ban sẽ thông qua các chương trình làm việc cho khoảng thời gian giữa hai kỳ họp của Ủy ban.
Điều 16. Sự di chuyển của con người trong khuôn khổ Hiệp định này do nội luật hiện hành của hai Bên ký kết điều chỉnh, trên cơ sở không vi phạm những quy định của luật pháp quốc tế được áp dụng.
Điều 17. Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng của hai bên bằng văn bản thông qua đường ngoại giao về việc hoàn thành các thủ tục nội bộ của mình để Hiệp định này có hiệu lực.
Các quy định trong Hiệp định này có thể được sửa đổi trên cơ sở thỏa thuận chung giữa hai Bên ký kết. Những sửa đổi đó sẽ có hiệu lực kể từ ngày có thông báo cuối cùng khẳng định sự đồng ý của hai Bên ký kết, trên cơ sở phù hợp với luật pháp hiện hành của từng bên.
Một trong hai Bên ký kết có quyền huỷ bỏ Hiệp định này. Việc hủy bỏ hiệp định bắt đầu có hiệu lực sáu tháng sau khi có thông báo qua đường ngoại giao.
Trong trường hợp đó, hai Bên ký kết thống nhất không làm gián đoạn việc triển khai các chương trình làm việc giữa hai bên.
Trên tinh thần đó, những người có tên dưới đây, được sự ủy quyền đầy đủ, đã ký kết Hiệp định này thành bốn bản gốc, bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, các bản tiếng Pháp và tiếng Việt đều có giá trị pháp lý như nhau.
Làm tại Bruxelles, ngày 26 tháng 9 năm 2002./.
THAY MẶT | THAY MẶT CHÍNH PHỦ |
THAY MẶT VÙNG WALLONIE | THAY MẶT ỦY BAN CỘNG ĐỒNG TIẾNG PHÁP VÙNG BRUXELLES - THỦ ĐÔ |
PHỤ LỤC
THẨM QUYỀN CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI BỈ NÓI TIẾNG PHÁP:
+ Hợp tác liên đại học và khoa học
+ Giáo dục
+ Văn hóa
+ Thanh niên và giáo dục thường xuyên
+ Nghe nhìn
+ Y tế (phòng ngừa, phát triển và giáo dục)
+ Các vấn đề xã hội (trẻ em, bảo trợ xã hội cho thanh niên)
+ Chính sách thể thao
Thẩm quyền của Vùng Wallonie:
+ Kinh tế (phát triển kinh tế - sáng chế - tái cơ cấu – sáng kiến công nghiệp - ngoại thương – khai thác tài nguyên thiên nhiên - khuyến khích phát triển xí nghiệp nhỏ và vừa)
+ Môi trường và chính sách về nước
+ Đổi mới nông thôn và bảo vệ thiên nhiên
+ Phi tập trung hóa hành chính và quyền lực địa phương (tỉnh, xã)
+ Nghiên cứu khoa học và công nghệ
+ Chính sách nông nghiệp
+ Năng lượng
+ Quy hoạch lãnh thổ, bao gồm cả chính sách và bảo vệ di sản
+ Nhà ở
+ Du lịch
+ Đào tạo nghề
+ Việc làm và chính sách xã hội
+ Y tế điều trị
+ Các vấn đề xã hội và chính sách hội nhập cộng đồng cho người tàn tật
+ Công trình công cộng và giao thông vận tải
+ Thể thao (cơ sở hạ tần)
Thẩm quyền của Ủy ban Cộng đồng tiếng Pháp Vùng Bruxelles - Thủ đô:
+ Trợ giúp con người (chính sách gia đình bao gồm mọi hình thức trợ giúp và bảo trợ gia đình và trẻ em, bảo trợ xã hội, chính sách hòa nhập – chung sống đối với người gốc nước ngoài, chính sách cho người tàn tật, bao gồm cả đào tạo, chuyển đổi nghề và đào tạo lại nghề cho người tàn tật, vấn đề hưu trí).
+ Y tế (chính sách chăm sóc y tế trong và ngoài các cơ sở y tế)
+ Đào tạo nghề
+ Du lịch