Hướng dẫn 07-HD/BTCTW

Hướng dẫn 07-HD/BTCTW về đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên do Ban Tổ chức Trung ương Đảng ban hành

Hướng dẫn 07-HD/BTCTW đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đã được thay thế bởi Hướng dẫn 27-HD/BTCTW 2014 kiểm điểm đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng đảng viên hằng năm và được áp dụng kể từ ngày 25/09/2014.

Nội dung toàn văn Hướng dẫn 07-HD/BTCTW đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên


BAN TỔ CHỨC TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------

Số: 07-HD/BTCTW

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2011

 

HƯỚNG DẪN

VỀ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG VÀ ĐẢNG VIÊN

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sớ đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên"; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 1-7-2011 của Ban Bí thư về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 

1. Đánh giá đúng chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên để cấp ủy các cấp đề ra chủ trương, giải pháp xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; 

2. Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên thực hiện mỗi năm một lần gắn với tổng kết công tác năm của địa phương, cơ quan, đơn vị;

3. Các cấp ủy đảng cần quán triệt sâu sắc cho đảng viên về mục đích, yêu cầu, nội dung và phương pháp đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và thẩm định chặt chẽ việc thực hiện, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, đúng thực chất; khắc phục bệnh thành tích trong đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở các cấp.

B. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ 

I. ĐỐI VỚI TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG

1. Căn cứ và đối tượng đánh giá

- Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng phải căn cứ vào yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng và các nhiệm vụ được cấp ủy cấp trên giao;

- Đối tượng đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng gồm: đảng bộ cơ sở (bao gồm cả đảng bộ cơ sở mà đảng ủy được giao một số quyền cấp trên cơ sở); chi bộ cơ sở; chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và đảng bộ bộ phận trong quân đội, công an.

2. Nội dung đánh giá

Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng phải căn cứ vào kết quả thực hiện 5 nhiệm vụ chính sau đây:

2.1. Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh:

- Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của đảng bộ, chi bộ và nhiệm vụ được cấp ủy cấp trên giao;

- Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác;

- Lãnh đạo công tác quốc phòng toàn dân và thực hiện chính sách hậu phương quân đội; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, đơn vị.

2.2. Về lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng:

- Việc phổ biến, quán triệt và lãnh đạo đảng viên, quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Công tác phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh với những biểu hiện về tư tưởng và hành vi (nói, viết, làm...) trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Việc nắm tình hình tư tưởng và diễn biến tư tưởng của đảng viên, quần chúng để có biện pháp lãnh đạo hoặc báo cáo lên cấp trên giải quyết.

2.3. Về lãnh đạo xây dựng chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.

- Công tác xây dựng và phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở; công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của chính quyền; việc xem xét, giải quyết những vấn đề xảy ra ở cơ sở và những đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân thuộc trách nhiệm của chính quyền cơ sở;

- Lãnh đạo xây dựng mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định và điều lệ của mỗi tổ chức; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

2.4. Về lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng đảng bộ, chi bộ:

- Công tác xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên;

- Việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, đảng bộ, chi bộ; thực hiện tự phê bình, phê bình và nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng;

- Thực hiện chế độ sinh hoạt đảng định kỳ và đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ; xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng;

- Công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên và các nhiệm vụ được giao; việc phát hiện, xử lý đảng viên sai phạm; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác;

- Công tác giáo dục, bồi dưỡng, quản lý và phân công công tác cho đảng viên; thực hiện việc giới thiệu đảng viên đang công tác giữ mối liên hệ với đảng ủy, chi ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú;

- Công tác bồi dưỡng, tạo nguồn và kết nạp đảng viên, nhất là ở những địa bàn trọng yếu, những nơi có ít hoặc chưa có đảng viên.

2.5. Về lãnh đạo thực hiện việc học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:

- Tổ chức cho đảng viên nghiên cứu, học tập, quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, các văn bản của Trung ương về học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;

- Xây dựng tiêu chí về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để thực hiện;

- Định kỳ kiểm điểm, đánh giá kết quả việc học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của đảng bộ, chi bộ và đảng viên, quần chúng trong sinh hoạt đảng (hàng tháng, sơ kết 6 tháng và tổng kết năm); chỉ rõ những việc làm được, chưa làm được để có biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm; biểu dương những cán bộ, đảng viên có những việc làm cụ thể, thiết thực về học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 

3. Phương pháp đánh giá

Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng phải căn cứ chủ yếu vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ; sự vững mạnh của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, kết hợp chấm điểm kết quả thực hiện 5 nhiệm vụ nêu trên. Cụ thể như sau:

- Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị: số điểm tối đa là 30;

- Về lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng: số điểm tối đa là 15;

- Về lãnh đạo xây dựng chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội: số điểm tối đa là 15;

- Về thực hiện công tác xây dựng đảng: số điểm tối đa là 25;

- Về thực hiện việc học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: số điểm tối đa là 15. 

4. Xếp loại chất lượng

Chất lượng tổ chức cơ sở đảng được xếp theo 4 mức sau:

4.1. Tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh:

Là những đảng bộ, chi bộ thực hiện xuất sắc 5 nhiệm vụ nêu trên và đạt được từ 90 điểm trở lên; đồng thời, phải bảo đảm các điều kiện sau:

- Hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ; tổ chức chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đều đạt vững mạnh hoặc tiên tiến xuất sắc;

- Không có cấp ủy viên, cán bộ là cấp trưởng, cấp phó của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên (trừ những trường hợp bị kỷ luật do tổ chức đảng chủ động phát hiện và tích cực đấu tranh, xử lý);

- Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 80% trở lên; nếu là đảng bộ cơ sở phải có từ 2/3 trở lên số chi bộ trực thuộc đạt trong sạch, vững mạnh và không có chi bộ yếu kém; các chi bộ sinh hoạt đều, đúng quy định và tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt bình quân đạt từ 80% trở lên.

- Trong số những tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, cấp ủy cấp trên xem xét, lựa chọn một số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu để biểu dương, khen thưởng; số tổ chức cơ sở đảng được khen thưởng tối đa không vượt quá 20% tổng số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh.

4.2. Tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ:

Là những đảng bộ, chi bộ thực hiện tốt 5 nhiệm vụ nêu trên, nhưng chưa đạt mức trong sạch, vững mạnh và có tổng số điểm đạt từ 70 đến dưới 90 điểm.

4.3. Tổ chức cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ:

Là những đảng bộ, chi bộ cơ bản thực hiện được 5 nhiệm vụ nêu trên nhưng còn một số hạn chế và có tổng số điểm đạt được từ 50 đến dưới 70 điểm.

4.4. Tổ chức cơ sở đảng yếu kém:

Là những đảng bộ, chi bộ không hoàn thành nhiệm vụ được giao và đạt dưới 50 điểm hoặc tuy đạt từ 50 điểm trở lên nhưng có một trong các khuyết điểm sau:

- Nội bộ mất đoàn kết kéo dài, không xử lý kiên quyết, dứt điểm;

- Để xảy ra tham nhũng, tiêu cực đến mức có cán bộ, đảng viên phải kỷ luật;

- Đảng bộ cơ sở có từ 1/3 số chi bộ trực thuộc trở lên xếp loại yếu kém.

5. Một số điểm chú ý khi đánh giá xếp loại tổ chức cơ sở đảng

- Những đảng bộ, chi bộ xếp loại từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên phải có việc làm cụ thể, thiết thực về học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời, phải đạt từ 8 điểm trở lên về thực hiện nhiệm vụ học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;

- Cấp ủy cấp huyện và tương đương xem xét, quyết định công nhận tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh;

- Những đảng bộ cơ sở mà đảng ủy được giao một số quyền cấp trên cơ sở xem xét, quyết định xếp loại chất lượng các đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc.

Trường hợp tổ chức cơ sở đảng đã được công nhận xếp loại, nhưng sau đó mới phát hiện có khuyết điểm thì phải xem xét, làm rõ. Nếu có khuyết điểm thì hủy bỏ kết quả đã công nhận. 

II. ĐỐI VỚI ĐẢNG VIÊN 

1. Căn cứ và đối tượng đánh giá

- Việc đánh giá chất lượng đảng viên phải căn cứ vào yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; kết quả thực hiện nhiệm vụ đảng viên do Điều lệ Đảng quy định và chức trách, nhiệm vụ được giao;

- Đối tượng đánh giá chất lượng đảng viên gồm: đảng viên chính thức, đảng viên dự bị, đảng viên chuyển đến sinh hoạt đảng tạm thời, đảng viên đi làm việc lưu động đã báo cáo và được cấp ủy cơ sở đồng ý. Những đảng viên vắng mặt, chi bộ tổ chức đánh giá vào cuộc họp chi bộ gần nhất và báo cáo bổ sung kết quả lên cấp ủy cấp trên. Những đảng viên đã được miễn công tác và sinh hoạt đảng thì không phải đánh giá chất lượng đảng viên. Đánh giá chất lượng đối với đảng viên đang công tác, lao động, học tập ở nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của Đảng ủy Ngoài nước. 

2. Nội dung đánh giá

Việc đánh giá chất lượng đảng viên căn cứ vào 4 nội dung chính sau đây:

2.1. Về tư tưởng chính trị:

- Trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thể hiện qua lời nói và việc làm;

- Việc chấp hành và bảo vệ đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Việc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng; bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt;

- Việc tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Tinh thần học tập để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác.

2.2. Về phẩm chất đạo đức, lối sống:

- Kết quả thực hiện "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tinh thần hợp tác, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp;

- Việc đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, nói không đi đôi với làm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu vén lợi ích cho bản thân và gia đình;

- Giữ gìn tư cách, phẩm chất đạo đức cách mạng và phát huy tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên; việc chấp hành Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm;

- Trung thực, thẳng thắn, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất của Đảng; quan hệ gắn bó, mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân;

Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa cống hiến và hưởng thụ;

- Tinh thần tự phê bình và phê bình; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người khác; đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, làm mất đoàn kết nội bộ.

2.3. Về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao:

- Năng lực lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao;

- Ý thức trách nhiệm, tinh thần sáng tạo trong lao động, học tập, công tác và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao;

- Thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú;

- Tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, cơ quan, đơn vị;

- Ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ nhân dân; giải quyết các đề xuất, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo chính đáng của đảng viên và quần chúng; đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân.

2.4. Về ý thức tổ chức kỷ luật:

- Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng, chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức;

- Thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng và đóng đảng phí theo quy định;

- Chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định của tổ chức đảng;

- Chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nội quy, quy chế, quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị;

- Thái độ cầu thị trong việc nhận và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. 

3. Phương pháp và trình tự đánh giá

- Đảng viên trình bày bản tự kiểm điểm của mình theo 4 nội dung đánh giá nêu trên và tự nhận mức xếp loại trước hội nghị chi bộ (đối với những chi bộ trên 30 đảng viên, có thành lập các tổ đảng thì đảng viên tự kiểm điểm ở tổ đảng, sau đó tổ đảng báo cáo kết quả với chi bộ);

- Đối với đảng viên là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các cấp, nhất là người đứng đầu phải tự kiểm điểm, đánh giá kết quả cụ thể việc học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để cán bộ, đảng viên, quần chúng học tập, noi theo;

- Chi ủy nêu ý kiến nhận xét của các tổ chức chính trị - xã hội; nhận xét của tổ đảng đối với đảng viên; gợi ý những vấn đề cần kiểm điểm làm rõ, đảng viên trình bày những nội dung được gợi ý kiểm điểm (nếu có);

- Chi bộ thảo luận, đóng góp ý kiến cho đảng viên;

- Chi bộ biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín về mức xếp loại chất lượng đảng viên, công bố kết quả xếp loại đảng viên và báo cáo lên cấp ủy cấp trên. 

4. Xếp loại chất lượng.

Chất lượng đảng viên được xếp theo 4 mức sau:

4.1. Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:

Là những đảng viên thực hiện xuất sắc 4 nội dung đánh giá nêu trên, được 2/3 trở lên số đảng viên chính thức của chi bộ biểu quyết hoặc bỏ phiếu tán thành. Số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tối đa không vượt quá 15% tổng số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ và đề nghị cấp trên khen thưởng.

4.2. Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ:

Là những đảng viên thực hiện tốt 4 nội dung đánh giá nêu trên và được trên 1/2 số đảng viên chính thức của chi bộ biểu quyết hoặc bỏ phiếu tán thành.

4.3. Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ:

Là những đảng viên cơ bản thực hiện được 4 nội dung đánh giá nêu trên và được trên 1/2 số đảng viên chính thức của chi bộ biểu quyết hoặc bỏ phiếu tán thành.

Trong số đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ, chi bộ cần chỉ rõ những đảng viên còn có mặt hạn chế để kịp thời sửa chữa, khắc phục.

4.4. Đảng viên vi phạm tư cách hoặc không hoàn thành nhiệm vụ:

Là những đảng viên đang chấp hành kỷ luật của Đảng, chính quyền, đoàn thể từ khiển trách trở lên trong năm hoặc phạm một trong các khuyết điểm sau và có trên 1/2 đảng viên chính thức của chi bộ biểu quyết hoặc bỏ phiếu tán thành:

- Qua kiểm điểm, phát hiện thấy đảng viên đó vi phạm tư cách đảng viên;

- Cơ quan quản lý đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ chuyên mon hoặc chi bộ đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Không chấp hành sự phân công của tổ chức hoặc gây mất đoàn kết nội bộ. 

5. Một số điểm chú ý khi đánh giá, xếp loại đảng viên

- Những đảng viên được xếp loại từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, phải có việc làm cụ thể, thiết thực về học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được đảng viên, quần chúng ở địa phương, cơ quan, đơn vị thừa nhận;

- Những đảng viên là cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các cấp, nhất là người đứng đầu phải có yêu cầu cao hơn để cán bộ dưới quyền, đảng viên và quần chúng học tập, noi theo;

- Đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo có nhiều khó khăn có thể vận dụng linh hoạt cho phù hợp với tình hình, đặc điểm cụ thể của từng nơi;

- Đối với đảng viên đã nghỉ hưu hoặc hết tuổi lao động mà không đảm nhiệm chức vụ công tác đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở cơ sở xã (phường, thị trấn), thôn (làng, xóm, buôn, khóm, ấp, bản), tổ dân phố (khu phố, cụm dân cư) và những đảng viên đi làm xa nơi cư trú từ 3 tháng trở lên, nếu không có vi phạm gì thì xếp loại đảng viên ở mức đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ;

- Đối với đảng viên sinh hoạt tại chi bộ nhưng thực hiện nhiệm vụ do cấp trên giao thì đảng viên tự báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ với chi bộ. Khi cần thiết, chi ủy nghiên cứu ý kiến nhận xét của cấp quản lý đảng viên đó và thông báo với chi bộ khi đánh giá, xếp loại đảng viên;

- Đối với những đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm, cấp ủy, chi bộ phải kiểm tra, xem xét và xử lý kịp thời thông qua sinh hoạt chi bộ hàng tháng, không để đến khi đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm mới đưa ra xem xét, xử lý;

- Trường hợp phát hiện đảng viên có khuyết điểm sau khi cấp ủy có thẩm quyền đã công nhận kết quả xếp loại thì đảng viên đó phải kiểm điểm, làm rõ và tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật hoặc không công nhận kết quả đã xếp loại;

- Trường hợp cán bộ, đảng viên có những sai phạm ở cơ quan cũ đến mức phải kỷ luật từ khiển trách trở lên, khi chuyển đến cơ quan khác mới bị phát hiện và xử lý, tổ chức cơ sở đảng ở cơ quan cũ đã đánh giá, xếp loại chất lượng thì không phải xem xét lại kết quả xếp loại của tổ chức cơ sở đảng đó;

- Đảng uỷ cơ sở, chi ủy cơ sở xem xét, quyết định xếp loại đối với đảng viên trong đảng bộ, chi bộ. 

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ Hướng dẫn này, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

- Cụ thể hoá các tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên sát hợp với tình hình, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng và từng đối tượng đảng viên trong đảng bộ để thực hiện;

- Xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện và chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện và thẩm định chặt chẽ kết quả đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Trường hợp tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đã được công nhận xếp loại, nhưng sau đó mới phát hiện có khuyết điểm thì phải xem xét, làm rõ; nếu có khuyết điểm thì hủy bỏ kết quả đã công nhận.

- Chỉ đạo cơ quan chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở tiến hành việc đánh giá, xếp loại thi đua đối với tổ chức và đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước khi tiến hành đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; đảng viên phải hoàn thành việc lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cư trú;

- Xem xét, quyết định khen thưởng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu và đảng viên xuất sắc theo quy định; tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên về Ban Tổ chức Trung ương trước ngày 01 tháng 3 của năm sau.

Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 20-HD/BTCTW ngày 10 tháng 10 năm 2008 và các văn bản khác có liên quan đến đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên của Ban Tổ chức Trung ương, được phổ biến đến các chi bộ để thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc các cấp ủy đảng kịp thời phản ánh về Ban Tổ chức Trung ương.

 

 

TRƯỞNG BAN

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 07-HD/BTCTW

Loại văn bảnHướng dẫn
Số hiệu07-HD/BTCTW
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành11/10/2011
Ngày hiệu lực11/10/2011
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcLĩnh vực khác
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 25/09/2014
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 07-HD/BTCTW

Lược đồ Hướng dẫn 07-HD/BTCTW đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản hiện thời

              Hướng dẫn 07-HD/BTCTW đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên
              Loại văn bảnHướng dẫn
              Số hiệu07-HD/BTCTW
              Cơ quan ban hànhBan Tổ chức Trung ương Đảng
              Người ký***
              Ngày ban hành11/10/2011
              Ngày hiệu lực11/10/2011
              Ngày công báo...
              Số công báo
              Lĩnh vựcLĩnh vực khác
              Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 25/09/2014
              Cập nhật7 năm trước

              Văn bản hướng dẫn

                Văn bản được hợp nhất

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Hướng dẫn 07-HD/BTCTW đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên

                      Lịch sử hiệu lực Hướng dẫn 07-HD/BTCTW đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên